0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (137 trang)

Thương nhân người Việt.

Một phần của tài liệu QUAN HỆ THƯƠNG MẠI CỦA NGƯỜI VIỆT VỚI NGƯỜI HOA VÀ NGƯỜI NHẬT Ở HỘI AN THẾ KỶ XVII (Trang 31 -34 )

2.1.1. Tình hình thương nghiệp Đàng Trong thế kỷ XVI, XVII.

Trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Quảng, nền sản xuất hàng hóa và thương nghiệp ở đây còn yếu ớt. Sách Ô Châu cận lục chỉ ghi có ba cái chợ: chợ Đại Bổ ở huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), chợ Thuận Giáp với hai huyện Vũ Xương và Hải Lăng (Quảng Trị), chợ Thế Lại ở huyện Kim Trả (Thừa Thiên Huế). [16, tr. 60] Ở đất Quảng ngày nay không thấy ghi có cái chợ nào cả. Việc lưu thông, vận chuyển sản vật, hàng hóa vào thế kỷ trước lại càng ít ỏi. Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại thời điểm năm 1485 như sau: “Trước, xứ Quảng Nam không có thuyền. Hàng năm quân dân gánh thuế thường bị tổn thất. Từ nay trở đi, đến khi nộp thuế, cho thừa ty Quảng Nam chuyển giao thuế vật cho 3 ty Thừa Hiến Thuận Hóa để sai người đi nộp lên”[27, tr.289]

Tại Quy Nhơn từ thế kỷ XV đã sản xuất tơ, đay, lụa, trúc vàng, yến đỏ.[30, tr.236] Ở Thuận Hóa vào đầu thế kỷ XVI có trầm hương, tộc hương, bạch mộc hương, hoàng tiết, nhựa thông, hồ tiêu, sáp ong, lông đuôi công, lông đuôi trĩ, da trâu, da hươu, da nai, nhung hươu, ngà voi, sừng tê, thổ cẩm trắng, vải gấm xanh, tơ hoa, vỏ gai.[16, tr. 21 – 29]

Như vậy, trước lúc có chúa Nguyễn, Thuận Quảng không phải là xứ nghèo sản vật nhưng đó là xứ lưu thông và thị trường còn kém nên sản vật khó trở thành hàng hóa mà chủ yếu để đóng thuế và cống nạp.

Vào đầu thế kỷ XVII, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, C. Borri đã đánh giá tài nguyên của Đàng Trong (lúc đó mới đến Phú Yên) với các thương gia châu Âu như sau:

“Các thương gia người Âu đã đến buôn bán ở đây nói rằng: các nguồn tài nguyên giàu có của xứ Đàng Trong còn lớn hơn của chính Trung Hoa như chúng ta biết về mọi thứ”. [2, tr.36]

Nguồn tài nguyên đó dưới mắt của các thương gia nước ngoài đã trở thành hàng hóa lưu thông trên thị trường nhiều nước và cũng chính C.Borri đã thừa nhận: “Người ngoại quốc bị lôi cuốn bởi sự phồn thịnh của xứ này – và bị kích thích bởi sự giàu có và đã dày đặc, vô số ở đây. Họ đến đây không những từ Đàng Ngoài, từ Cam Bốt, từ Gineos và các miền lân cận khác mà còn từ xa hơn nữa như Trung Hoa, Ma Cao, Nhật Bản, Manila và Malacca. Tất cả những người này mang đến Đàng Trong bạc để đem về hàng hóa bản xứ mà họ không mua, chỉ đổi bằng bạc. Bạc ở đây dùng như một món hàng, khi thì có giá, khi thì kém hơn tùy theo lúc có nhiều hay hiếm. Cũng xảy ra như thế đối với lụa và các hàng hóa khác”. [2, tr. 89]

Lê Quý Đôn cũng ngạc nhiên khi biết chỉ một đoạn đường ngắn từ Hội An đến Thanh Hà mà thương nhân đưa hàng hóa vật bằng đồng ra bán đã lãi được gấp đôi.[23, tr. 358] Đặc biệt là lúa gạo Gia Định chở ra Thuận Hóa là một món hàng thu được lãi to như Trùm Châm, người Bố Chánh (Bắc Quảng Bình) đã liên tục thu lợi qua những chuyến buôn theo chiều nam – bắc của đất nước.[23, tr.129]

Vào thời kỳ Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến phồn thịnh thì ngay trên đất Thuận Hóa đã hình thành một thị trường nội địa, trao đổi hàng hóa giữa miền ngược và miền xuôi và hai miền nam bắc của đất nước qua con đường thượng đạo ở biên giới Việt – Lào. Con đường đó, vào năm 1622 được sử sách ghi lại như sau: “Sông Hiếu ở xã Cam Lộ (thuộc huyện Đăng Xương) giáp giới với đất Ai Lao, các bộ lạc Man, Lục Hoàn, Vạn Tượng, Trấn Ninh, Quy Hợp đều có đường thông đến đây, bèn sai đặt dinh, mộ dân, chia 6 thuyền quân coi giữ, gọi là dinh Ai Lao”.[9, tr. 50]

Năm 1776, Lê Quý Đôn có đến chợ Cam Lộ và đã mô tả như sau: “Sông Hiếu ở xã Cam Lộ thuộc huyện Đăng Xưởng phía thượng lưu sông Điếu Giang, dưới thông với cửa Việt, trên giáp với nguồn Sái ở đất Ai Lao, đường đi dân Man các sách đều qua đấy…”…. “Người buôn các xã thường mang muối mắm, cá khô, đồ sắt, nồi đồng, thoi bạc, hoa xuyến, các đồ lặt vặt đến đất người Man đổi hàng hóa: thóc, gạo, gà, trâu, gai, sáp, mây, gió, vải màn, thuê voi chở về Cam Lộ để bán..”[23, tr. 234]

Gia phả họ Huỳnh, họ Lê ở Tam Kỳ, họ Châu ở Hội An cho biết có quan hệ mua bán thường xuyên giữa Tam Kỳ - Hội An – Trà Mi – Tiên Phước. Kể cả hai thị trấn xa xôi Kim Sơn và An Thái (Bình Định) ngày xưa từng ra vào buôn bán với Hội An.[35, tr.126]

Trong nội địa cũng có những chợ phiên nối các điểm vùng cao với đồng bằng và các thương cảng ven biển bằng những đàn voi hóa vận hàng trăm con mà chợ phiên Cam Lộ được sử sách nhắc đến như một đặc trưng về một loại thị trường biên giới hoạt động bên trong nội địa, luân chuyển hàng hóa giữa hai miền nam – bắc với các nước bên ngoài. [12, tr. 63]

Như vậy, chỉ trong vòng hơn nửa thế kỷ, kể từ lúc Nguyễn Hoàng vào, nền sản xuất hàng hóa và hoạt động thương nghiệp ở vùng Thuận Quảng đã phồn thịnh hẳn lên. Điều đó tất yếu đòi hỏi phải ra đời nhiều hơn về phố xá, bến cảng, chợ búa để đáp ứng nhu cầu của thương khách và người sản xuất hàng hóa.

Về thương mại, người Thuận Quảng chỉ mua bán thổ sản và sản phẩm tiểu công nghệ ở các chợ, chợ phiên. Buôn bán bằng ghe thuyền chỉ dọc theo bờ biển đi tỉnh này sang tỉnh nọ, hoặc từ Bố Chính qua Thuận Hóa, Quảng Nam, Thị Nại, Gia Định, đến vịnh Tiêm La là cùng. Để phục vụ lưu thông hàng hóa, đội thương thuyền Đàng Trong năm 1768 có 447 chiếc phân phối hàng trên các cảng từ Bố Chánh đến Gia Định. [23, tr. 264] Nhờ bán sản vật cho ngoại quốc một phần lớn mà nền thương mãi phồn thịnh. [39, tr.479]

Ngoài các nghề thủ công và mạng lưới chợ nông thôn, một loạt đô thị, thương cảng ra đời và thịnh đạt. Phú Xuân (Huế) là thủ phủ chính của chính quyền chúa Nguyễn, Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn, Vũng Lấm, Gia Định, Đồng Nai, Mỹ Tho, Hà Tiên…là những đô thị và cảng thị nổi tiếng, trong đó Hội An là một trung tâm mậu dịch đối ngoại thịnh vượng nhất không những ở Việt Nam mà cả trên bình diện Đông Nam Á.

Do những yếu tố lịch sử chi phối, nền kinh tế hàng hóa ở Đàng Trong đã bắt đầu phát triển trong các thế kỷ XVI, XVII. Tuy vậy, thương nghiệp Đàng Trong giai đoạn đầu chủ yếu chỉ là một thị trường xuất khẩu những sản phẩm khai thác từ tự nhiên. Hơn nữa, nguồn hàng tiêu thụ chủ yếu là những mặt hàng thủ công của Trung Quốc. Đến khoảng đầu thế kỷ XVII, trong bối cảnh quan hệ quốc tế đã trở nên rộng mở và nhiều ngành sản xuất thủ công đã có những phát triển vượt trội, chính quyền Đàng Trong ngày càng chủ động hơn trong các mối quan hệ đối ngoại. Có thể nói, sự phát triển kinh tế ngoại thương của Đàng Trong đã dẫn

đến những tác động sâu sắc đối với đời sống kinh tế - xã hội. Đàng Trong đã dự nhập mạnh mẽ vào nhiều hoạt động kinh tế, đối ngoại khu vực. Các hoạt động kinh tế và bang giao đó đã không chỉ giúp cho chính quyền Thuận Hóa giữ vững được thể chế của mình mà còn bổ sung và viết tiếp những trang huy hoàng trong lịch sử thương mại dân tộc.

Một phần của tài liệu QUAN HỆ THƯƠNG MẠI CỦA NGƯỜI VIỆT VỚI NGƯỜI HOA VÀ NGƯỜI NHẬT Ở HỘI AN THẾ KỶ XVII (Trang 31 -34 )

×