Hội An có bộ phận lao động nông nghiệp, thủ công nghiệp và lưu thông hàng hóa nhưng thương nghiệp là hoạt động kinh tế chủ yếu.
Với thị trường nội địa, Hội An là đầu mối thương nghiệp của Đàng Trong. Thích Đại Sán rất đỗi ngạc nhiên khi thấy cảnh tấp nập trên phố cảng Hội An vào cuối thế kỷ XVII. Ông viết: “Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đoàn thuyền chở lương đậu chờ gió tại cửa Hội An Hai bên bờ nhà cửa đông đúc, người đi xôn xao, kẻ gánh người gồng, người ta đã đi chợ từ sáng” hay “ở đây rau quả, cá tôm họp mua bán suốt ngày” [44, tr. 154]
Thương nhân người Việt bao gồm những tiểu thương, tiểu chủ, tầng lớp mãi biện, các chủ cửa hàng đến cả tầng lớp không chuyên như quan lại, hoàng thân của các Chúa. Họ là người điều khiển thị trường qua chính sách nhưng đa số là đội ngũ tiểu thương mua từ gốc, bán tại ngọn. Những người có ít vốn thì mở cửa hàng bán lẻ hoặc làm trung gian phân phối lưu thông. Họ là những người “buôn thúng bán mẹt” hay “buôn thúng bán bưng”. Công việc của họ diễn ra hằng ngày hoặc dăm bữa nửa tháng. Nhiều khi họ đóng vai trò vận chuyển, lấy công làm lãi. Hạng trung bình vốn liếng đã khá hơn, hàng hóa cũng nhiều hơn, đó là những hàng tấm, hàng xén lớn. Thường họ có cửa hàng nhất định và tham dự vào những phiên chợ lớn. Những người có nhiều vốn thì mua hàng tích trữ đến mùa mậu dịch bán ra cho thương nhân nước ngoài. Một số có vốn lớn họ cho vay với lãi suất cao. Một số buôn bán giàu có trở thành các chủ ghe bầu đi Nam về Bắc, mở cửa hiệu buôn bán, hình thành khu phố An Nam hoạt động bên cạnh phố Nhật và phố Khách thế kỷ XVII. [13, tr.74]
Ở Hội An, người Bồ Đào Nha buôn bán muốn kiếm lợi trước mắt nên không lập thương điếm mà việc trao đổi diễn ra trên thuyền hoặc họ thuê khách sạn để buôn bán hoặc để các viên thư ký tàu buôn ở lại. Vì vậy, người Việt, người Nhật kinh doanh bằng cách cho thuê khách sạn – một ngôi nhà có chiều sâu, mặt trước để bán, mặt sau để chứa hàng, họ cho thuê cửa hiệu, làm đại lý kinh doanh. Piere Poivre hồi ký lại: “ Ở Hội An người ta có thể tìm
thấy những đại lý cho thuê, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Đại lý lớn nhất, giá thông thường là 100 đồng trong thời gian gió mùa.” [Dẫn theo 28, tr.26]
Để đáp ứng nhu cầu giao lưu hàng hóa trong nước với Hội An, nhiều thương nhân người Việt giàu có ở vùng Hội An còn buôn ghe bầu đưa hàng đi khắp các cảng của đất nước. Hội An trước kia có nhiều nơi đóng ghe bầu nổi tiếng như làng Kim Bồng (Cẩm Kim), Trà Quân (Cẩm Thanh). Hơn nữa, Hội An là đầu mối thương nghiệp Đàng Trong nên “khách phương bắc đều tụ tập ở đây”. [23, tr.154] Thương nhân người Việt đã nối các phố cảng cận duyên trong những chuyến đi buôn xa theo chiều nam – bắc của đất nước. Mặc dù đất nước bị chia cắt nhưng luồng thương nghiệp giữa Đàng Trong, Đàng Ngoài vẫn được các thương nhân tiến hành bất hợp pháp. Người buôn Thanh Nghệ, Sơn Nam mang hàng vào bán rồi mua đồ đồng, tiền đồng ra Đàng Ngoài.[50, tr.19]
Tuy nhiên, do ít vốn nên phần lớn người Việt chỉ buôn bán nhỏ như các mặt hàng trầu, cau, bánh trái. Đó là những người buôn bán lẻ, bán hàng xén tại chỗ hay buôn bán hàng nay chợ này mai chợ khác…được gọi chung là tầng lớp tiểu thương. Cũng có một số có vốn nhưng chỉ làm trung gian phân phối hàng hóa hoặc cho vay vốn với lãi suất cao. Hơn nữa, quan lại, vua chúa cũng tham gia vào hoạt động buôn bán, song với quyền bính trong tay họ đã nhũng nhiễu, lạm dụng rất nhiều. Mua bán theo kiểu trưng mua ép bán, có khi là cướp đoạt trắng trợn ở chỗ ăn quỵt nữa.
Có thể nói, thương nhân người Việt là tầng lớp hoạt động rất tích cực ở thương trường Hội An. Họ là một khâu quan trọng trong hệ thống buôn bán, giao thương ở Hội An. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau (thiếu vốn, bị vua quan chèn ép về thuế khóa, các thương nhân nước ngoài cạnh tranh) mà thương nhân người Việt dần dần bị phụ thuộc vào nhà nước phong kiến và bị Hoa thương khống chế, cạnh tranh.
2.2. Thương nhân người Nhật.
2.2.1.Người Nhật đến Hội An.
Có thể nói, cuộc Đại phát kiến địa lý ở thế kỷ XV – XVI đã tạo nên những ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới lúc bấy giờ. Với Đại phát kiến, con đường tơ lụa trên biển đã nối liền ba đại dương, mở ra thời đại thương mại, thời đại hình thành và phát triển của hệ thống
thương mại thế giới. Trong bối cảnh biến đổi thế giới thế kỷ XVI, quan hệ Việt Nam – Nhật Bản cũng chịu tác động của mối quan hệ thương mại quốc tế, khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Sau khi đất nước được thống nhất, nền kinh tế Nhật Bản đã có sự phát triển to lớn. Đất nước hòa bình, đời sống nhân dân được nâng cao nên nhu cầu về hàng hóa tăng lên nhanh chóng. Các Daimyo (tiểu vương) ra sức phát triển sản xuất, tăng cường trao đổi buôn bán với nước ngoài. Nội thương của Nhật được mở rộng tạo ra một tầng lớp thương gia ngày càng đông đảo và giàu có, dẫn đến nhu cầu mở rộng thị trường
Cho đến đầu thế kỷ XVI, quan hệ của Nhật Bản ở châu Á chỉ giới hạn chủ yếu với hai nước láng giềng là Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, do xung đột lớn giữa người Nhật với các quan chức Trung Hoa ở cảng Ningpo (Ninh Bá) vào năm 1523 mà quan hệ mậu dịch Nhật – Trung bị gặp trắc trở. Và khi Hideyoshi hai lần tiến hành xâm lược Triều Tiên (1592 – 1597) – một phiên quốc của Trung Hoa thì quan hệ buôn bán chính thức giữa Nhật Bản – Trung Quốc chấm dứt. [49, tr.21] Do đó, Nhật Bản phải nhanh chóng tìm một nơi cung cấp cho mình thay thế hàng Trung Hoa. Đây là một vấn đề quan trọng trong chính sách kinh tế của Bakufu Tokugawa. Và thật may mắn là ngoài Trung Quốc ra thì Việt Nam cũng là nơi sản xuất nhiều tơ lụa có thể đáp ứng nhu cầu của Nhật Bản. Vì vậy, khi mở rộng buôn bán với Đông Nam Á thì Nhật Bản cũng chú ý phát triển mạnh mẽ việc buôn bán với Việt Nam.
Không những thế, vào năm 1567, Minh Mục Tông bãi bỏ “hải cấm”, cho phép thương nhân người Hoa được ra nước ngoài buôn bán nhưng chỉ ở Đông Nam Á và vẫn nghiêm cấm vượt biển sang Nhật hoặc xuất khẩu những hàng hóa có tính chất quân sự. Do đó, hoạt động trao đổi buôn bán giữa Trung Quốc và Nhật Bản vẫn diễn ra nhưng phải tiến hành ở nước thứ ba. Trong bối cảnh đó, các cảng thị ở Đông Nam Á, trong đó các cảng thị của Việt Nam nằm gần kề con đường buôn bán quốc tế và khu vực đã đón nhận những cơ hội thuận lợi để phát triển ngoại thương.
Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, tình hình Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Ở Đàng Trong, khi làm trấn thủ Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng với nhãn quang của mình đã thi hành nhiều biện pháp, chính sách tích cực để biến vùng “Ô châu ác địa” thành một vùng trù phú. Dưới tác động của chính quyền chúa Nguyễn, nhiều cảng thị Đàng Trong đã ra đời và
nhanh chóng khởi sắc mà Hội An là một điển hình. Với vị trí địa - thương mại của mình, Hội An đã thu hút nhiều thương nhân nước ngoài, đặc biệt là thuyền của Nhật và Trung Quốc vì ở đây, ngoài việc tìm kiếm những mặt hàng theo nhu cầu, họ còn có thể trao đổi hàng hóa với nhau khi mà quan hệ chính thức đã bị nghiêm cấm. Thêm vào đó, năm 1593, Mạc Phủ Tokugawa ban hành giấy phép Châu Ấn trạng (Shuinjo) tức là loại thông hành đặc biệt, khuyến khích các tàu thuyền lớn đi về các xứ Quảng Nam, Malaixia, Xiêm La…để tàu Nhật có thể trao đổi, buôn bán với tàu thuyền Trung Quốc, trong đó Hội An là một trong những cảng biển mà người Nhật hướng tới.
Như vậy, chủ trương mở rộng quan hệ của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của nhà Minh, sự tuyệt giao Trung – Nhật là cơ hội cho thương mại của Nhật Bản và Việt Nam phát triển.
Các tàu Nhật Bản xuất phát từ Hirado hay Nagasaki đã tới các cảng thị ở phía bắc của vĩ tuyến 10 bắc tới Trung Hoa – nơi các tàu thuyền Trung Hoa cũng đến để trao đổi hàng hóa. Sau sự kiện nước Nhật ban hộ chiếu hàng hải Shuinjo cho các tiểu vương và đại thương gia Nhật Bản thì Hội An đã nhanh chóng trở thành khu thương mại thịnh vượng mang tính chất quốc tế. Quá trình hình thành và phát triển thịnh đạt của Hội An vào cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII gắn liền với thương nhân ngoại kiều, đặc biệt là thương nhân Hoa kiều và Nhật kiều. Đầu thế kỷ XVII, Hội An tràn ngập thương khách Nhật Bản nên một số thương nhân phương Tây lúc đó gọi Hội An là thương cảng của Nhật. Hàng năm có từ 3 đến 4 đoàn giáo dân Nhật bị nhà cầm quyền Nhật Bản ngược đãi. Họ lấy cớ sang Hội An buôn bán để tị nạn. Để đáp ứng yêu cầu thương khách, nhu cầu tiêu dùng của nhà nước và nhân dân, chúa Nguyễn đã cho Nhật kiều chọn nơi thích hợp để thành lập phố. Vào thời kỳ này, các khu phố Nhật Bản thường gọi là Nihonmachi và chỉ được xây dựng ở bốn nước Philipppin, Việt Nam, Thái Lan và Camphuchia ngày nay.
Ghi chép về phố Nhật ở Hội An xưa nhất có lẽ là W.Adams, người Anh là cố vấn ngoại giao cho Shogun Tokugawa Ieyasu. Năm 1617, W. Adams đã nhận Shuinjo và từ Hirado sang buôn bán ở Hội An. Trong “Hàng hải ký” viết về chuyến đi này, ông cho biết đã tới Cù lao Chàm và sau đó tới Faifo nơi có người Nhật cư ngụ. Ông gọi là Nihonmachi. Những ghi chép vào các ngày 20/4, 16/5, 19/5 năm 1617….cho biết có 3 người Nhật bị cướp giết, lấy mất 3 quan tiền, trong đó có gia nhân của Haseagawa Shahe đang là Phụng hành
Nagasaki. Vị quan này đã lợi dụng chức vụ của mình để xin Mạc Phủ giấy phép buôn bán và yêu cầu chính quyền Quảng Nam cho phép gia nhân được cư trú ở Faifo. Do đó có thể xác định thời gian hình thành phố Nhật ở Hội An là vào nửa đầu thế kỷ XVII.[55, tr. 205 – 215]
Như vậy, phố Nhật Bản được phát triển từ đầu thời kỳ Kinsei – cận thế tới khoảng thời giữa Khánh Tường (Kanli) và muộn nhất vào năm Nguyên Hòa (Genwa), tức là đầu thế kỷ XVII. Cùng với sự phát triển của thương mại, phố Nhật đã thịnh vượng nhanh chóng.
Theo tiến sĩ Trịnh Tiến Thuận thì phố Nhật Bản được xây dựng ở Hội An vì:
- Thứ nhất, tạo cho người Nhật Bản yên tâm sinh sống, thuận tiện trong sinh hoạt và hợp tác với nhau trong hoạt động kinh doanh, bảo vệ và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Khi sinh sống ở Việt Nam, Nhật kiều phải giao tiếp với các cộng đồng khác, có sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt…nhưng vẫn giữ lối sống của dân tộc mình.
- Thứ hai, việc tổ chức Nihonmachi giúp Nhật kiều thuận tiện buôn bán với nước ngoài. Mục đích chủ yếu của Châu ấn thuyền ở Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á là buôn bán, trao đổi hàng hóa để thu lợi và phục vụ cho nhu cầu thiết yếu trong nước.
Do những hạn chế về kỹ thuật hàng hải, chịu tác động của thời tiết nên các Shuinsen phải hoạt động theo mùa. Vì vậy, muốn nhanh chóng tiêu thụ khối lượng hàng hóa lớn trong một thời gian ngắn, Nhật kiều phải sống ở một nơi nhất định. Vị trí các khu phố Nhật thường ở những nơi thuận tiện cho việc trao đổi.
- Thứ ba, chính quyền chúa Nguyễn cần quản lý người Nhật cũng như đối với người nước ngoài nói chung. Chính quyền Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài luôn có thái độ cảnh giác với người nước ngoài. Vì vậy, khu phố Nhật nằm ở ngoại vi của chính quyền trung ương hay địa phương một khoảng cách hợp lý để tạo sự an toàn cho chính quyền cũng như quốc gia. Khu phố Nhật ở Hội An – một thương cảng mậu dịch lớn nhất Đàng Trong, cách Thuận Hóa (Huế) hơn 100km và Phủ Chúa – Dinh Chiêm khoảng 9 – 13 km.[49, tr.107 – 108]
Nhưng theo tôi thì ngoài những lý do trên còn có thể kể đến một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng, đó là chính sách cho tự do hoạt động tôn giáo ở Đàng Trong. Chúa Nguyễn cho phép các giáo sĩ dòng Tên tới Hội An cư ngụ, truyền giáo và có nhiều
chính sách ưu đãi. Đạo Thiên Chúa đã dần dần thâm nhập vào đời sống tâm linh của một bộ phận người Việt. Chính điều này đã thu hút một số lượng lớn các giáo dân Nhật Bản sang Hội An trong hoàn cảnh chính quyền Mạc Phủ cấm đạo. Những thành phần cư dân này đã góp phần hình thành nên bản sắc rất riêng của khu phố Nhật kiều.
Cho đến nay đã có khá nhiều tài liệu nói về sự tồn tại của dãy phố Nhật ở Hội An nhưng chưa có ai đưa ra được những chứng cứ thật xác đáng để chỉ rõ vị trí và quy mô của dãy phố này. Việc xác định vị trí của khu phố cổ người Nhật gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó sự suy sụp của khu phố này vào cuối thế kỷ XVII do chính sách cấm xuất dương của Mạc Phủ vào năm 1636 khiến người Nhật không thể đến hoặc đi khỏi Việt Nam được nữa. Tuy nhiên, dựa theo bức tranh “Giao chỉ quốc mậu dịch hải đồ” của dòng họ Chaya đang được lưu giữ ở Nagoya thì có thể xác định phố Nhật lúc đó nằm ở bờ bắc con sông cái, là một dãy phố tương đối lớn. Bức tranh “Giao chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” là một tư liệu cổ nói về mối giao lưu Nhật Bản với Đàng Trong. Tuy bị mất một phần nhưng phần còn lại có giá trị tư liệu cao vì nó đã mô tả khá sinh động phố Nhật ở Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII.
Theo nhà nghiên cứu kiến trúc Chihara Daigoro thì những người Nhật khi đến Hội An buôn bán đã xây dựng những ngôi nhà giống như ngôi nhà ở quê hương mình để sống. Kiến trúc phố Nhật Bản ở Hội An hoàn toàn cùng dạng kiến trúc tại Nagasaki.[7, tr. 43]
Phố Nhật ở vị trí làng Hoài Phô. Do tên này mà con sông Thu Bồn lúc đó được gọi là sông Hoài, chỉ đoạn chảy ngang qua Hội An. Địa danh Faifo cũng là nguồn gốc từ tên làng, tên sông đó mà ra. Bản đồ do Roze vẽ năm 1764 cũng ghi chú tên sông: Rivie’re de
Faifo. Trong Ô châu cận lục, thế kỷ XVI làng Hoài Phô cũng được ghi rồi đổi là Hoa Phô.
[16, tr. 41] Sau này là Sơn Phô hiện thuộc xã Cẩm Châu. Người Nhật đến mua 20 mẫu đất ruộng làng Hoài Phô và An Mỹ để xây dựng phố xá, buôn bán, lập một ngôi chùa lấy tên là Tùng Bổn Tự do thương gia Nhật Bản là Kadoya Sichirobei (Giác Ốc Thất Lang) bỏ tiền ra xây dựng.
Về vị trí của phố Nhật Bản ở Hội An, trong công trình của mình Iwao Seiichi tuy khẳng định việc xác định vị trí là khó khăn nhưng ông cũng cho rằng “có lẽ phố Nhật ở khu vực con đường có cầu Nhật Bản làm trung tâm. Con đường có cầu Nhật Bản hiện nay là đường Trần Phú. Vì vậy, phố Nhật có thể ở vị trí phía tây, từ đường Nguyễn Thị Minh Khai
đến cầu Nhật Bản, tiếp đó là phía bắc đường Trần Phú đến phía Nam đường Phan Chu Trinh, phía Đông là vùng phụ cận Hội quán triều Châu.[22, tr. 36] Tuy việc xác định vị trí khu phố Nhật cần phải chứng minh bằng kết quả của những đợt khai quật khảo cổ tiếp theo nhưng