- Các cuộc họp trao đổi kinh nghiệm giữa các địa bàn thực hiện thí điểm
Chương 3: Đề xuất các giải pháp để 3R được áp dụng hiệu quả trong quản lý chất thải rắn tại Hà Nội.
3.1. Nhóm giải pháp giáo dục và tuyên truyền.
Để bất kỳ một chính sách, một chủ trương của Chính phủ đi vào đời sống hay một sáng kiến được thực hiện thành công thì hoạt động giáo dục tuyên truyền đến mọi tầng lớp dân cư luôn là giải pháp mang lại hiệu quả cao và tất yếu phải sử dụng. Đặc biệt sự thành công của Sáng kiến 3R phần lớn phụ thuộc vào ý thức bảo vệ môi trường cũng như những hiểu biết về 3R của mọi tầng lớp dân cư. 3R là một trong những hoạt động giúp tiết kiệm nguồn tài nguyên,giảm thiểu việc khai thác các nguồn tài nguyên trên trái đất vốn đã không còn dồi dào như chúng ta vẫn nghĩ. Có thể nói đây là sáng kiến giúp chúng ta cải thiện chất lượng môi trường sống đồng thời cũng bảo vệ cuộc sống của thế hệ mai sau. Mỗi người trong chúng ta sớm hay muộn cũng nên nhận thức được điều này để thay đổi hành vi nhằm xây dựng xã hội bền vững. Sau đây là một vài biện pháp giúp mỗi người dân có hiểu biết về 3R để tự nguyện thực hiện các hoạt động và dần tạo thành thói quen trong cuộc sống.
3.1.1.Giải pháp giáo dục.
Hiện tại các hoạt động 3R ở Hà Nội đang được thúc đẩy thực hiện và nội dung đầu tiên để thực hiện 3R là phân loại rác tại nguồn (PLRTN). Đây là hoạt động không quá khó khăn để thực hiện nhưng với hiện trạng quản lý rác thải từ trước đến nay của Hà Nội thì hoạt động này là tương đối mới mẻ đối với người dân và cả những cán bộ thực hiện công tác quản lý rác thải của các Công ty Môi trường đô thị. Vậy việc đầu tiên khi triển khai hoạt động này là tập huấn cho cán bộ thực hiện
và đồng thời cũng thông qua hiểu biết của họ tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện.
3.1.1.1. Giáo dục tập huấn cho các cán bộ thực hiện.
Các hoạt động 3R được triển khai tại Hà Nội hiện nay do tổ chức JICA phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) thực hiện. Muốn các hoạt động diễn ra đúng phương thức đạt hiệu quả cao thì việc tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ tham gia thực hiện là rất cần thiết, cụ thể ở các mặt sau đây: Trước tiên là giúp cho các cán bộ có kiến thức về hoạt động mà mình sẽ tham gia thực hiện (về Sáng kiến 3R, về lợi ích, về kinh nghiệm thực hiện của các quốc gia trên thế giới, định hướng về việc áp dụng tại Việt Nam và cụ thể hiện nay là thủ đô Hà Nội giúp họ phát huy khả năng sáng tạo trong quá trình làm việc), tiếp theo là thông qua các cán bộ để mang thông tin đến cho mọi tầng lớp nhân dân bằng cách tập huấn giúp họ biết được cách thức thu hút người dân và các tổ chức khác như Sở Giáo dục đào tạo (GDĐT), các chính quyền cộng đồng dân cư để thực hiện các hoạt động 3R; cách thức tập huấn cho các tổ trưởng tổ dân phố và qua các tổ trưởng tổ dân phố nhân rộng thông tin tới người dân trên địa bàn của họ; cách thức tổ chức các hội thảo và cả dưới hình thức tham quan học tập nhằm giúp chính cán bộ thực hiện cũng như người dân hiểu rõ về hoạt động mà mình đang thực hiện; cách thức dẫn dắt thảo luận và làm việc nhóm vì kinh nghiệm cho thấy trong thời gian thực hiện 3R đây là một trong những phương thức làm việc có hiệu quả; cách thức trình bày thông tin tại hội thảo cho người dân sao cho dễ hiểu và thuyết phục; cách thức giải thích hoặc trình bày trước công chúng tại các cuộc họp cộng đồng qua việc tham gia vào các hoạt động tập huấn thông tin hướng dẫn về PLRTN hay phong trào sử dụng túi eco-bag; cách thức phát triển giáo dục về 3R cho học sinh thông qua việc thảo luận với giáo viên và sỏ GDĐT. Nếu được trang bị tất cả các
kiến thức trên thì các cán bộ tham gia hoạt động 3R sẽ không gặp phải bất kỳ khó khăn nào trong quá trình thực hiện đồng thời trợ giúp người dân thực hiện tốt công việc của mình.
Chúng ta đã biết công nhân thu gom là người trực tiếp tham gia cùng người dân trong hoạt động phân loại rác vì vậy họ cũng cần có những kiến thức tối thiểu giúp họ hoàn thành tốt công việc của mình và cũng thông qua họ giúp đỡ người dân trong quá trình thực hiện về cách thức phân loại rác, về lợi ích của việc phân loại rác và nhắc nhở người dân trong trường hợp có những sai sót. Chúng ta nên xây dựng một hệ thống trao đổi kỹ thuật có tính khả thi giữa công nhân với các cán bộ kỹ thuật giúp họ hiểu mục tiêu và yêu cầu công việc để công việc thu gom diễn ra hiệu quả hơn. Thành lập một “Ban vệ sinh và an toàn” tập huấn giúp công nhân tự bảo vệ sức khoẻ của mình đồng thời cải thiện điều kiện cho công nhân thu gom về an toàn và vệ sinh. Ngoài ra cũng nên xây dựng một hệ thống chương trình tập huấn cho công nhân để họ có thể chỉ dẫn cho người dân về PLRTN, cụ thể về cả thời gian và địa điểm thu gom. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa người dân và công nhân thu gom sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho công việc.
3.1.1.2. Các hoạt động giáo dục trong cộng đồng dân cư.
Việc giáo dục trong cộng đồng dân cư hiện nay chủ yếu tập trung vào việc nâng cao nhận thức về 3R và về hoạt động phân loại rác tại nguồn. Hiện nay chúng ta đang thực hiện bốn hoạt động giáo dục: Khảo sát cân rác tại hộ gia đình, thăm quan học tập, Chiến dịch sử dụng túi Eco – bag, Phong trào Mottainai. Để thực hiện tốt các hoạt động giáo dục trên đây trong thời gian tới tôi có một số đề xuất như sau.
Đối với hoạt động khảo sát cân rác tại hộ gia đình: Hoạt động này nhằm giúp người dân biết được lượng rác họ thải ra mỗi ngày và sau khi thực hiện phân loại
rác họ đã giúp giảm lượng rác phải mang đi chôn lấp là bao nhiêu. Như vậy sẽ giúp họ nghĩ nhiều hơn về rác và khuyến khích người dân tích cực PLRTN hiệu quả hơn. Hoạt động này diễn ra tại khu vực dân cư nên thiết nghĩ có thể thu hút trẻ em tham gia, hướng dẫn chúng phân loại rác và cân rác đã được phân loại trước khi đổ, đây là một hình thức giáo dục môi trường tại nhà cho các em, cho chũng cơ hội nghĩ nhiều hơn về rác thải và môi trường. Ngoài ra thông qua hoạt động này các hộ gia đình trong tổ dân phố có thể chia sẻ kết quả khảo sát cân rác của họ, thảo luận với nhau và chia sẻ kinh nghiệm giảm thiểu rác thải.
Về hoạt động tham quan học tập, những người tham gia sẽ được đến thăm Nhà máy chế biến phế thải Cầu Diễn nơi mà phân hữu cơ sinh học được sản xuất từ rác hữu cơ phân loại tại nguồn. Những người tham quan sẽ có cái nhìn toàn diện về quy trình sản xuất phân hữu cơ và hiểu rõ hơn sự cần thiết của phân loại rác tại nguồn được coi là một giải pháp kép (giảm thiểu rác thải mang đi chôn lấp và cung cấp đầu vào cho việc sản xuất phân hữu cơ). Một ví dụ tại phường Phan Chu Trinh sau khi tổ chức cho các tổ trưởng tổ dân phố đi tham quan học tập, họ đã tổ chức buổi thảo luận tại tổ của mình với chủ đề “Làm thế nào để thúc đẩy người dân thực hiện PLRTN”. Buổi thảo luận đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến thú vị: Những thành viên lớn tuổi trong gia đình nên khuyến khích các thành viên khác tham gia phân loại, chia sẻ lợi ích của hoạt động PLRTN qua các phương tiện truyền thông của phường của hội phụ nữ…, phân loại giúp tiết kiệm thời gian, sử dụng túi eco – bag rộng rãi giúp hình thành thói quen tốt để bảo vệ môi trường, nên có cơ chế thưởng phạt,v.v…Những buổi thảo luận thế này giúp người dân tích cực hơn khi thực hiện PLRTN, khiến họ trăn trở suy nghĩ về vấn đề này và từ đó dần đi vào tiềm thức của họ. Để nhân rộng các hoạt động thế này thì việc tuyên truyền thông tin về tham quan học tập trên mạng internet, các phương tiện truyền thông… nhằm
thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào các chuyến tham quan, từ đó có ngày càng nhiều người có thể chia sẻ kiến thức và lợi ích của việc PLRTN.
Hiện nay chúng ta chủ yếu sử dụng túi nilon để đựng và nhất là sau mỗi buổi đi chợ chúng ta nhận thấy có một lượng lớn túi nilon được bỏ đi. Nilon là loại túi rất khó phân huỷ và phải mất một thời gian dài vì vậy mà nó không hề có lợi cho môi trường. Phong trào sử dụng túi eco – bag cũng là một trong những hoạt động giáo dục về 3R với mục đích thúc đẩy người dân sử dụng túi bền để đi chợ, giảm thiểu sử dụng túi nilon. Để người dân có hiểu biết và hứng thú tham gia hoạt động này chúng ta có thể tổ chức “Ngày không túi nilon” hoặc “Tuần lễ không túi nilon” tại các tổ dân phố và tăng dần tần suất tổ chức. Và hiện nay chúng ta đang phát động phong trào thiết kế túi eco – bag, cần tích cực thúc đẩy phong trào này, tổ chức cuộc thi về tác hại của túi nilon,v.v…
Với kinh nghiệm tại Nhật Bản, chúng ta cũng đang học hỏi nước bạn tổ chức phong trào Mottainai – phong trào tiết kiệm chống lãng phí. Hiện nay chúng ta đang soạn thảo cuốn sách “Mottainai tại Hà Nội” là bộ sưu tập các kinh nghiệm của người dân Hà Nội về việc “Làm thế nào để tránh lãng phí” với mục đích giúp người dân có ý thức hơn trong việc tiết kiệm nguồn tài nguyên “rác”.Chúng ta cần thu thập thêm thông tin và hoàn thiện hơn cuốn sách này. Một hoạt động nữa của phong trào Mottainai là tổ chức ngày hội Mottainai - tại đây các hộ gia đình có thể mang những sản phẩm cũ của mình vẫn còn sử dụng được để trao đổi với nhau. Sau ngày hội những vật phẩm còn lại sẽ được mang đi quyên góp cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động thể hiện tinh thần tiết kiệm cao và mang lại lợi ích cho chính những người tham gia. Nếu hoạt động này diễn ra thường xuyên thì đây sẽ là “sân chơi” để trao đổi đồ cũ và thực hành tinh thần tiết kiệm Mottainai. Như vậy Chính phủ cũng như các bộ ngành liên quan và các cấp chính
quyền nên ủng hộ và tạo điều kiện để “sân chơi” lành mạnh này được diễn ra thường xuyên và được nhân rộng. Ngoài ra như chúng ta đã biết hoạt động tái chế rất phổ biến tại Việt Nam, ngay tại thủ đô Hà Nội cũng có rất nhiều các cơ sở tái chế, mạng lưới những người thu gom phế liệu rộng khắp. Mặt khác, vẫn còn rất nhiều người dân chưa hiểu rõ những thứ nào có thể tái chế và không biết tận dụng những đồ tái chế, vì vậy chúng ta có thể tổ chức một ngày hội tái chế, ngày hội này sẽ rất có ý nghĩa đối với cộng đồng. Việc tổ chức cũng diễn ra không quá khó khăn, ví dụ như trước ngày tổ chức, UBND hoặc là các trường học (trong trường hợp được tổ chức tại các trường học) sẽ thông báo đến tất cả người dân (học sinh) về thời gian địa điểm diễn ra và chỉ dẫn cho họ những thứ có thể mang đến ngày hội như nhựa cứng, kim loại, bìa carton, lon bia, vỏ chai… Dưới sự hướng dẫn của đơn vị tổ chức những đồ tái chế một lần nữa được phân loại lại và những cơ sở tái chế có thể mua được nguyên liệu đầu vào ở đây.
Hiện nay chương trình giáo dục 3R tại trường học đã được thực hiện thí điểm tại 3 trường tiểu học thuộc phường Nguyễn Du và Phan Chu Trinh (trường tiểu học Tây Sơn, Lý Tự Trọng và Võ Thị Sáu) với giáo án đã được bộ GDĐT phê duyệt và mang lại kết quả tốt. Các em học sinh có ý thức bảo vệ môi trường sống xung quanh mình ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, có cơ hội hiểu biết về 3R - một hoạt động mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế xã hội giúp các em có ý thức tham gia ngay tại nhà mình bằng cách cùng với thành viên trong gia đình thực hiện PLRTN. Chúng ta cần nhân rộng chương trình giáo dục này đến tất cả các trường tiểu học trên toàn thành phố để mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác giáo dục môi trường cho trẻ em.
Tất cả những đề xuất về giáo dục môi trường mà cụ thể là chương trình 3R trên đây nếu được thực hiện có hiệu quả thì trong tương lai không xa Sáng kiến 3R sẽ
được thực hiện thành công tại Hà Nội và sẽ có khả năng nhân rộng ra các tỉnh thành khác.
3.1.2.Giải pháp tuyên truyền
Sáng kiến 3R còn khá mới mẻ với người dân trên địa bàn thành phố vì vậy công tác tuyên truyền cung cấp thông tin đến từng người dân là vô cùng quan trọng. Mục đích cụ thể của hoạt động tuyên truyền là : Tăng cường nhận biết của người dân về Sáng kiến 3R; truyền đạt chính xác thông tin về 3R đến với người dân, thúc đẩy các bên liên quan tham gia tích cực vào hoạt động 3R tại Hà Nội. Hiện nay dự án 3R – HN cũng đang được triển khai và một trong những hoạt động của dự án là tuyên truyền thông tin về 3R thông qua panô, áp phích, băng rôn, tờ rơi, áo phông 3R, túi eco –bag, đề can, tờ tin, các thông cáo báo chí, các mục quảng cáo trên truyền hình (HTV, VTV), bài hát 3R…Các hoạt động này cũng đã phần nào giúp người dân thủ đô có được thông tin về 3R. Như vậy, có thể thấy công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả cao vì vậy cần phải thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện các hoạt động trên đây, tăng tần suất về những thông tin 3R trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với UBND các quận, phường, các hội, các tổ chức dân cư để tuyên truyền đến từng người dân, sử dụng tối đa lợi ích của hệ thống thông tin phường. Ngoài ra chúng ta có thể thúc đẩy việc tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh 3R vừa tạo hứng thú cho những người tham gia, vừa tuyên truyền đến tận những người dân. Liên tục tham gia các trưng bày các sản phẩm 3R tại các hội chợ, triển lãm như chúng ta đã thực hiện tại Lễ hội Hội An hay triển lãm AgroViet 2007. Các gian hàng trưng bày các sản phẩm 3R tại đây thu hút rất nhiều khách tham quan, gian hàng sản phẩm Phân hữu cơ sinh học được sản xuất tại nhà máy chế biến phế thải Cầu Diễn trong triển lãm AgroViet 2007 thu hút rất nhiều khách tham quan, đó là cơ hội tốt để mở rộng thị trường phân hữu cơ. Tích cực tổ chức
các hoạt động tại cộng đồng giúp người dân tiếp cận dễ dàng với các thông tin về 3R. Ví dụ như có thể tổ chức các buổi hội thảo tại tổ dân phố thu hút mọi người tham gia và đưa ý kiến để việc thực hiện các hoạt động hiệu quả hơn. Như vậy có thể thấy công tác tuyên truyền là rất quan trọng để thông tin đến được với mọi tầng lớp nhân dân, thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền trên đây sẽ trợ giúp rất nhiều cho việc thực hiện thành công chương trình 3R tại thủ đô Hà Nội.