Yêu cầu về nhận thức

Một phần của tài liệu Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự (Trang 31 - 33)

Kết quả nghiên cứu về y học cho thấy độ tuổi và nhận thức có quan hệ mật thiết với nhau. Con người chỉ khi đạt đến một độ tuổi nhất định thì mới có đủ nhận thức để điều chỉnh được hành vi dân sự của mình (trong đó có hành vi lập di chúc), trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Pháp luật dân sự nước ta quy định người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp họ mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Vì vậy, độ tuổi và khả năng nhận thức là hai tiêu chí để xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân.

Tại khoản 1 Điều 655 Bộ luật dân sự năm 1995 và điểm a, khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 có quy định như nhau về nhận thức của người lập di chúc: "Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc…".

Tuy nhiên, người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt đến mức độ nào? Người lập di chúc có phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc hay không? Nếu người lập di chúc phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc thì cơ quan nào có thẩm quyền giám định? Có cần hay không cần kết quả giám định sức khỏe thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được chứng thực vào di chúc ?...

Hiện nay, pháp luật dân sự của nước ta chưa có quy định nào về việc người lập di chúc phải giám định sức khỏe trước khi lập di chúc. Vì vậy, người lập di chúc có thể khám sức khỏe hoặc không khám sức khỏe trước khi lập di chúc. Có một số trường hợp khám sức khỏe thì cơ quan khám sức khỏe cũng không thống nhất: Có trường hợp khám tại trung tâm y tế cấp huyện, tỉnh; nhưng cũng có trường hợp lại đi khám ở các bệnh viện về tâm thần.

Trên thực tế người lập di chúc ít khi đi giám định sức khỏe, khám sức khỏe trước khi lập di chúc. Vì vậy, tình trạng sức khỏe của người lập di chúc tại thời điểm lập di chúc không được thể hiện. Khi có tranh chấp xảy ra, bên đương sự nào cho rằng người

lập di chúc không đủ sức khỏe, ảnh hưởng đến sự minh mẫn của người lập di chúc trong khi lập di chúc thì họ phải có nghĩa vụ chứng minh. Thực tiễn giải quyết tranh chấp thừa kế tại Tòa án nhân dân cho thấy tình trạng này diễn ra tương đối phổ biến. Bên yêu cầu chia thừa kế theo di chúc có nghĩa vụ xuất trình trước Tòa án các chứng cứ liên quan đến việc người lập di chúc hoàn toàn minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc. Ngược lại, bên yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật có nghĩa vụ xuất trình các chứng cứ để chứng minh người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt để bác bỏ yêu cầu chia thừa kế theo di chúc.

Về nguyên tắc, tất cả các di chúc đều được coi là do người để lại di sản lập trong lúc minh mẫn, sáng suốt. Vì vậy, đương sự nào cho rằng khi lập di chúc người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt phải có nghĩa vụ chứng minh trước Tòa án có thẩm quyền. Chỉ khi có đầy đủ cơ sở khẳng định người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt như: Kết luận của cơ quan y tế, bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án… thì Tòa án có thẩm quyền tuyên bố di chúc vô hiệu. Thông thường, những di chúc được chứng nhận, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ít khi xảy ra tranh chấp về việc người lập di chúc có minh mẫn, sáng suốt hay không. Tranh chấp về việc minh mẫn, sáng suốt của người lập di chúc lại thường xảy ra đối với những di chúc không có chứng nhận, chứng thực. Vì vậy, để hạn chế tranh chấp thì việc lập di chúc có chứng thực, chứng nhận cần được khuyến khích.

Quy định về vấn đề này, pháp luật dân sự Cộng hòa Pháp chỉ yêu cầu người lập di chúc có tinh thần minh mẫn (Điều 901 Bộ luật dân sự Cộng hòa Pháp). Còn Điều 963 Bộ luật dân sự Nhật Bản quy định: "Người lập di chúc tại thời điểm lập di chúc phải có đủ năng lực để làm việc này" [5].

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân chính là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình để xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Nếu như năng lực pháp luật của cá nhân phát sinh ngay từ khi cá nhân được sinh ra thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân chỉ phát sinh đầy đủ khi người đó đạt đến độ tuổi nhất định (đủ 18 tuổi); nếu như năng lực pháp luật của cá nhân chỉ chấm dứt khi người đó chết thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân chấm dứt khi người đó bị mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, một người được coi là có năng lực hành vi dân sự (trong đó có năng lực hành vi viết di chúc), khi người đó bằng khả năng của mình thực hiện hành vi, mà bằng hành vi đó, người đó đã xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự. Trong quan hệ pháp luật thừa kế, người lập di chúc bằng hành vi định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình thông qua việc lập di chúc, người lập di chúc đã xác lập quyền hưởng di sản cho người được thừa kế theo di chúc. Cũng đồng thời với việc xác lập quyền hưởng di sản cho người thừa kế theo di chúc, người lập di chúc đương nhiên đã xác lập nghĩa vụ cho người quản lý di sản. Bằng hành vi lập di chúc, người lập di chúc đã thực hiện quyền định đoạt đối với những tài sản của mình cho người thừa kế được chỉ định trong di chúc. Việc thực hiện quyền của người lập di chúc thể hiện ở chỗ: Người lập di chúc có quyền định đoạt cho ai, cho ai cho bao nhiêu, chỉ cho sử dụng tài sản hay cho sở hữu tài sản…

Pháp luật dân sự không quy định về việc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự bị mất quyền lập di chúc. Chỉ trong những trường hợp nhất định: Một người bị nghiện ma túy hoặc nghiện các chất kích thích khác dẫn tới phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan hoặc tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời với quyết định tuyên bố một người hạn chế năng lực hành vi dân sự, Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện. Như vậy, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không phải là người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình theo quy định của Điều 650 Bộ luật dân sự năm 1995 nên họ vẫn có quyền lập di chúc mà không phải được sự đồng ý của người đại diện.

Đối với những người đã thành niên nhưng bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì không có quyền lập di chúc. Nếu họ lập di chúc, thì di chúc đó không được công nhận.

Một phần của tài liệu Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)