Yêu cầu về độ tuổi của người lập di chúc

Một phần của tài liệu Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự (Trang 28 - 31)

Pháp luật dân sự quy định chỉ người thành niên mới có quyền lập di chúc, còn người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi muốn lập di chúc phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó.

Có quy định trên bởi vì chỉ khi đạt đến một độ tuổi nhất định thì con người mới có đủ nhận thức để điều chỉnh hành vi của mình.

Đối với những người đã thành niên, nhưng bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì những người đó không có quyền lập di chúc. Trong trường hợp những người này lập di chúc, thì di chúc đó không phát sinh hiệu lực pháp luật.

Bộ luật dân sự năm 1995 quy định về người thành niên: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên (Điều 20). Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp người thành niên đó bị mất năng lực hành vi dân sự và hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, những người thành niên bị mất quyền lập di chúc khi họ là người: - Mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác.

- Không thể nhận thức được hành vi của mình. - Không thể điều chỉnh được hành vi của mình [6].

Pháp luật dân sự của Nhà nước ta cũng quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Người mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi mặc dù là người chưa thành niên, nhưng họ có những nhận thức nhất định. Về mặt thực tế thì có người trong số họ đã có tài sản riêng do được thừa kế hoặc được tặng cho, thậm chí có người đã tích lũy từ lao động phù hợp với sức lao động của mình. Để đảm bảo phần nào quyền định đoạt tài sản của họ, pháp luật đã cho phép họ lập di chúc nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ của họ đồng ý. Bàn về quy định này còn có những ý kiến khác nhau do chưa có sự hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

- Cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý là đồng ý về việc cho phép người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc hay là đồng ý về nội dung di chúc?

- Sự đồng ý của cha hoặc mẹ hay là cả cha và mẹ. Trường hợp nào thì cần đến sự đồng ý của người giám hộ?

Về vấn đề thứ nhất, chúng tôi cho rằng chỉ là việc đồng ý cho phép người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc vì nếu hiểu là đồng ý với nội dung

di chúc thì vô hình chung pháp luật đã can thiệp đến quyền tự định đoạt, đến ý chí tự nguyện của người lập di chúc, trong khi ý chí tự nguyện là một trong những điều kiện để di chúc được coi là hợp pháp. Với tư cách là người thừa kế hàng thứ nhất theo pháp luật của người con, người cha, người mẹ có thể can thiệp vào nội dung của di chúc, can thiệp vào sự định đoạt của người con nếu được hiểu theo cách việc lập di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được sự đồng ý của cha, mẹ về nội dung di chúc. Và một điều đương nhiên, nếu hiểu cha mẹ phải đồng ý về nội dung di chúc thì đã bao hàm cả việc đồng ý cho lập di chúc.

Về vấn đề thứ hai, căn cứ vào cách hành văn của điều luật thì chỉ cần một trong hai người là cha hoặc mẹ đồng ý là đủ, mà không cần thiết phải được sự đồng ý của hai người. Pháp luật dân sự cũng đã quy định rõ ràng về việc giám hộ tại Mục 5 Chương II, Phần thứ nhất Bộ luật dân sự năm 1995. Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước (gọi là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình (gọi là người được giám hộ). Trong quan hệ pháp luật thừa kế theo di chúc, thì người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi chỉ có quyền lập di chúc khi được sự đồng ý của người giám hộ trong trường hợp người chưa thành niên này không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ hoặc cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu.

Một vấn đề cần đặt ra khi nghiên cứu về sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ đối với hành vi lập di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, đó là: Sự đồng ý này phải được thể hiện dưới hình thức như thế nào? Có bắt buộc việc đồng ý phải được thể hiện bằng văn bản riêng hay chỉ cần xác nhận vào di chúc, hay chỉ cần bằng miệng? Sự đồng ý đó có cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hay không? Sự đồng ý được thể hiện trước hay sau khi người chưa thành niên lập di chúc?...

Đây là một câu hỏi vì vấn đề này chưa được sự hướng dẫn, giải đáp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Một phần của tài liệu Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)