- Tiếp tục đổi mới tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn vốn vay trên cơ sở có các dự án hiệu quả.
- Nhanh chóng có chính sách thích hợp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế thông qua các biện pháp như duy trì sự thâm hụt ngân sách ở mức có thể kiểm soát được, tránh tài trợ thâm hụt thông qua phát hành tiền. Sự ổn định giúp các ngân hàng thương mại dễ dàng hơn trong việc đánh giá các dự án vay tiền.
- Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh cho phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Đơn giản hóa các thủ tục để các DNVVN gia nhập thị trường như: cấp mã số thuế, khắc dấu, qui trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình. Giải quyết về mặt pháp lý các tài sản là máy móc, thiết bị chưa có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu; về bảo đảm tiền vay không thông qua công chứng khi ký hợp đồng bảo đảm bổ sung, trong khi đăng ký giao dịch bảo đảm còn hiệu lực.
- Xây dựng một hệ thống thông tin thống nhất về DNVVN, giúp cho quá trình hậu kiểm của DNVVN sau đăng ký kinh doanh, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, các cơ quan quản lý. Mặt khác giúp cung cấp thông tin cho các DNVVN về công nghệ, nguồn nguyên vật liệu, thông tin hội nhập… giúp các DNVVN tiếp cận nhanh, kịp thời với các cơ hội kinh doanh.
- Phát triển thị trường lao động và thị trường bất động sản. Nhà nước cần có chính sách về đất đai và hỗ trợ mặt bằng sản xuất, đảm bảo cơ sở chắc chắn cho việc giao đất và thuê đất, giúp các DNVVN ổn định sản xuất kinh doanh.
- Cần có chính sách bắt buộc các doanh nghiệp phải có kiểm toán đối với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhằm minh bạch hóa các thông tin tài chính về doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các ngân hàng trong quá trình thẩm định.
- Chính phủ cần có sự can thiệp để cải thiện sự tiếp cận tài chính của khối DNVVN, cần chú trọng vào việc loại bỏ các hạn chế, vướng mắc đang hạn chế hoạt động và loại hình cung cấp tài chính cho DNVVN. Ngoài ra, Chính phủ cũng nên cân nhắc giảm dần việc cho vay bao cấp của các quỹ hỗ trợ và các tổ chức khác nhau, gây ra hiệu ứng bóp méo không mong muốn trong ngành Tài chính – Ngân
hàng, có thể gây tổn hại tới những nỗ lực của các ngân hàng thương mại trong việc mở rộng cung cấp tài chính cho DNVVN.
- Chính phủ thực hiện tốt vai trò là đầu mối liên kết giữa các DNVVN với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước về cung cấp nguyên vật liệu, chuyển giao công nghệ, gia công chế biến, giúp các DNVVN có cơ hội tiếp cận với nguồn lực tài chính và kiến thức kinh nghiệm kinh doanh bằng nhiều hình thức: tổ chức hội chợ giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước…- Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam cùng các hiệp hội ngành hàng tăng cường hoạt động tư vấn và tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng các kiến thức nâng cao năng lực của các nhà quản trị DNVVN. Trong sự phát triển khá nhanh của loại hình doanh nghiệp này, đây thực sự là vấn đề bức thiết. Người quản lý DNVVN cần được trang bị kiến thức một cách bài bản, chu đáo. Yếu tố con người, nhất là người quản lý có ý nghĩa quan trọng.