Kết quả ở bảng 3.5 cho thấy:
Đẻ thường: có 23/40 sản phụ, chiếm 57,5%. Mổ đẻ: có 17 sản phụ, chiếm 42,5 %.
Như vậy, tỷ lệ sản phụ mổ đẻ tương đối cao. Sau khi sinh, sản phụ nên nuôi con bằng sữa mẹ. Đối với những sản phụ đẻ thường thì có thể cho con bú ngay trong vòng 30 phút đến 1 giờ sau sinh. Đối với những sản phụ mổ đẻ thì thời gian cho con bú sẽ chậm hơn (khoảng 6 giờ sau khi sinh mổ) và cứ 2 tiếng thì nên cho con bú một lần. Tuy nhiên, có một số sản phụ sau khi mổ đẻ thường bị đau bởi vết mổ, nên phải rất lâu sau đó mới cho con bú được và cũng không thể duy trì việc cho con bú theo đúng nguyên tắc. Ngoài ra, khi mổ đẻ, các bác sĩ có thể sẽ cho sản phụ dùng một số kháng sinh chống chỉ định với con, nên trong thời gian dùng thuốc, sản phụ sẽ không thể cho con bú. Việc cho con bú ít hay chậm đi, làm cho sữa mẹ của sản phụ mổ đẻ không tốt bằng đẻ thường. Cho trẻ bú muộn thì trẻ sẽ không nhận được sữa non - nguồn dinh dưỡng rất tốt với trẻ. Trong sữa non có nhiều sinh tố A chống được bệnh khô mắt, nhiều kháng thể giúp cơ thể trẻ chống được nhiễm khuẩn, giúp trẻ đỡ vàng da. Ngoài ra, cho trẻ bú muộn sẽ làm chậm sự tiết sữa của sản phụ.
Kết quả này cũng tương tự như nghiên cứu của Lê Thị Hiền, Thái Hoàng Anh, Đỗ Thanh Hà [17], đẻ thường là 63,33 %, mổ đẻ là 36,67 % và Lê Đình Quý [32], đẻ thường là 74 %, mổ đẻ là 26 %. Chúng tôi nghĩ rằng: nguồn sữa mẹ sau sinh còn có thể phụ thuộc vào tinh thần, giấc ngủ, chế độ ăn, vệ sinh và việc tích cực cho con bú của sản phụ. Trong giới hạn của đề tài này, chúng tôi chưa kiểm soát được các yếu tố trên. Đó cũng là những hướng mở cho các công trình nghiên cứu tiếp theo.