Phương pháp thẩm định

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG tác THẨM ĐỊNH dự án đầu tư VAY vốn tại NGÂN HÀNG THƯƠNG mại cổ PHẦN NHÀ hà nội (Trang 29 - 33)

Tùy thuộc vào nội dung cần thẩm định và yêu cầu đặt ra đối với việc phân tích dự án mà sử dụng các phương pháp thẩm định khác nhau. Việc vận dụng các phương pháp nào và hiệu quả của việc vận dụng đến đâu lại phụ thuộc vào trình độ và khả năng của cán bộ thực hiện. Khi xem xét về các phương pháp thẩm định dự án có thể chia thành phương pháp chung và phương pháp cụ thể.

1.2.4.1. Thẩm định theo trình tự

Việc thẩm định dự án được tiến hành theo một trình tự từ tổng quát đến chi tiết, kết luận trước khi làm tiền đề cho kết luận sau.

Thẩm định tổng quát Thẩm định chi tiết

Trong bước thẩm định chi tiết, kết luận rút ra nội dung trước có thể là điều kiện để tiếp tục nghiên cứu. Nếu một số nội dung cơ bản của dự án bị bác bỏ thì có thể bác bỏ dự án mà không cần đi vào thẩm định toàn bộ các nội dung tiếp theo.

1.2.4.2. Phương pháp so sánh, đối chiếu các chỉ tiêu

Đây là phương pháp phổ biến, đơn giản và rất hay dùng trong thực tế. Các chỉ tiêu của dự án được đưa ra so sánh, đối chiếu nội dung dự án với các chuẩn mực luật pháp quy định, các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật thích hợp, thông lệ (quốc tế, và trong nước) cũng như các kinh nghiệm thực tế, các dự án đã và đang hoạt động. Sử dụng phương pháp này giúp cho việc đánh giá tính hợp lý và chính xác về các chỉ tiêu của dự án. Trên cơ sở đó có thể rút ra các kết luận đúng đắn về dự án, là cơ sở để ra quyết định đầu tư. Sử dụng phương pháp này, các chỉ tiêu được so sánh với các tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng, về sản phẩm của dự án mà thị trường đòi hỏi, với các định mức sản xuất, tiêu hao năng lượng, nguyên liệu, nhân công, tiền lương, chi phí quản lý... của ngành theo định mức kinh tế - kỹ thuật chính thức hoặc các chỉ tiêu kế hoạch và thực tế, các chỉ tiêu về hiệu quả đầu tư, về các tỷ lệ tài chính của doanh nghiệp theo thông lệ phù hợp với hướng dẫn, chỉ đạo của nhà nước, của ngành đối với từng loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng phương pháp này, cán bộ thẩm định cần lưu ý: các chỉ tiêu dùng để so sánh phải được vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm cụ thể của dự án và của doanh nghiệp, tránh khuynh hướng so sánh máy móc, cứng nhắc.

1.2.4.3. Phương pháp phân tích độ nhạy

Phương pháp này thường được áp dụng cho các dự án lớn, phức tạp. Đây là một phương pháp hiện đại được áp dụng trong thẩm định dự án đầu tư. Mục đích khi sử dụng phương pháp này là nhằm tìm ra những yếu tố nhạy cảm, có ảnh hưởng đến các chỉ tiêu của dự án chủ yếu là các chỉ tiêu tài chính trong điều kiện có biến động nghịch chiều của các yếu tố có liên quan đến các chỉ tiêu hiệu quả tài chính đó của dự án như vượt chi phí đầu tư, sản lượng đạt thấp, giá các nguyên liệu đầu vào tăng, sản phẩm khó tiêu thụ, nhu cầu thị trường giảm hoặc có thể thay đổi chính sách của Nhà nước theo hướng bất lợi cho dự án. Sử dụng phương pháp này để kiểm tra tính vững chắc về hiệu quả tài chính của dự án khi có những tình huống bất lợi có thể xảy ra. Sau đó, khảo sát sự thay đổi hiệu quả của dự án thông qua các

chỉ tiêu chủ yếu như NPV (Giá trị hiện tại ròng), hệ số hoàn vốn nội bộ (IRR), thời gian thu hồi vốn (T), khả năng hòa vốn... từ đó có thể kết luận được về tính vững chắc và ổn định của dự án, làm cơ sở cho việc đề xuất những biện pháp quản lý và phòng ngừa những rủi ro nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án 34. Phương pháp này nên được áp dụng đối với các dự án có hiệu quả cao hơn mức bình thường nhưng có nhiều yếu tố thay đổi do khách quan.

1.2.4.4. Phương pháp dự báo

Phương pháp này sử dụng các số liệu dự báo, điều tra thống kê để kiểm tra cung cầu của sản phẩm dự án trên thị trường, giá cả, chất lượng công nghệ, thiết bị, nguyên vật liệu... có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả, tính khả thi của dự án. Để sử dụng tốt phương pháp này, yêu cầu những nhà phân tích cần có các kỹ năng tổng hợp (tổng hợp các số liệu từ điều tra trực tiếp, gián tiếp hoặc thông qua các thông tin đã thu thập trên báo chí, tạp chí, Internet, hội thảo, đề án phát triển ngành, quy hoạch địa phương...) sau đó phải biết phân tích và có thể phải sử dụng phương pháp ngoại suy thống kê, phương pháp mô hình hồi quy tương quan, phương pháp sử dụng hệ số co dãn của cầu, phương pháp định mức, phương pháp lấy ý kiến chuyên gia. Phương pháp này nếu được sử dụng tốt trong công tác lập và thẩm định dự án sẽ nâng cao mức độ chuẩn xác của những kết quả tính toán. Phương pháp dự báo có thể áp dụng tương tự như phương pháp phân tích độ nhạy tuy nhiên các số liệu trong phân tích độ nhạy được giả định trên cơ sở chủ quan thì các số liệu trong phương pháp này mang tính khách quan.

1.2.4.5. Phương pháp triệt tiêu rủi ro

Quá trình hình thành và thực hiện dự án đầu tư thường rất dài, trong khi đó dự án được xây dựng trên cơ sở các dữ liệu giả định cho tương lai, do vậy việc triển khai thực hiện sau này của dự án (ngay cả khi dự án đi vào khai thác) có thể phát sinh nhiều rủi ro không lường trước. Vì vậy, trong quá trình phân tích, đánh giá dự án cần xem xét những rủi ro có thể xảy ra, đây được xem là những nhân tố có ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Trong trường hợp rủi ro phát sinh mà dự án vẫn hiệu quả điều đó cho thấy dự án có độ an toàn cao và ngược lại, cần phải có các biện pháp phòng ngừa rủi ro hoặc các biện pháp hành chính thích hợp, hạn chế thấp nhất tác động của các rủi ro hoặc phân tán rủi ro cho các đối tác có liên quan đến dự án.

Rủi ro thường được phân ra làm hai giai đoạn như sau: Giai đoạn thực hiện dự án

Giai đoạn sau khi dự án đi vào hoạt động.

Như vậy, tùy thuộc vào khả năng của cán bộ thẩm định cũng như yêu cầu của dự án mà sử dụng các phương pháp cho phù hợp. Trên thực tế, dự án đầu tư được thẩm định bằng sự kết hợp của hai hay nhiều phương pháp. Việc kết hợp các phương pháp sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện cho phân tích, đánh giá dự án được toàn diện, tăng độ tin cậy của các kết quả tính toán. Phương pháp truyền thống thường được áp dụng với cách làm đơn giản, mang lại kết quả nhanh chóng, song mức độ chính xác chưa cao. Đối với các phương pháp hiện đại việc vận dụng đòi hỏi phải có kỹ năng, mất nhiều thời gian và cho kết quả với độ chính xác cao hơn.

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÔNG tác THẨM ĐỊNH dự án đầu tư VAY vốn tại NGÂN HÀNG THƯƠNG mại cổ PHẦN NHÀ hà nội (Trang 29 - 33)