Các quan hệ cơ bản của gia đình

Một phần của tài liệu Tài liệu Bài giảng: chủ nghĩa xã hội khoa học pptx (Trang 88 - 89)

I. GIA ĐÌNH, MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH VÀ XÃ HỘI 1 Khái niệm và kết cấu của gia đình

2.Các quan hệ cơ bản của gia đình

Gia đình có những mối quan hệ cơ bản sau đây:

2.1. Quan hệ hôn nhân: hôn nhân là một nhu cầu sinh lý nhằm sản xuất ra con người để duy trì phát triển nòi giống. Cùng với sự phát triển của xã hội loài người, hôn nhân cũng có lịch sử của nó. Nếu như trong chế độ cộng sản nguyên thủy, hình thức hôn nhân chủ yếu là quần hôn (hôn nhân tập thể) thì trong các chế độ tư hữu, hôn nhân được xây dựng trên cơ sở lợi ích của những người chủ sở hữu và chịu sự chi phối của các quan hệ kinh tế - chính trị của chế độ xã hội đó. Vì vậy, hôn nhân trong bất cứ thời đại nào cũng cần được xã hội thừa nhận cả về mặt chuẩn mực văn hóa và truyền thống trong cộng đồng và pháp luật của chế độ đương thời.

2.2. Quan hệ huyết thống: do nhu cầu duy trì và phát triển nòi giống, con người đã sáng tạo ra một thiết chế gia đình, trong đó quan hệ huyết thống được coi là một quan hệ cơ bản nhất. Tuy nhiên, mối quan hệ này cũng có những thay đổi theo sự chi phối của các điều kiện kinh tế, văn hóa, chính trị của xã hội. Nếu như trong chế độ cộng xã nguyên thủy, huyết thống về bên mẹ được coi là chuẩn mực để tính quan hệ thân tộc xa gần thì đến chế độ tư hữu huyết thống được coi về đằng cha. Sự phân biệt này chỉ khi nào không còn chế độ tư hữu.

2.3. Quan hệ quần tụ trong một mái ấm gia đình: xuất phát từ nhu cầu tự nhiên, quan hệ lứa đôi cần phải có một nơi cư trú, thời nguyên thủy người ta chỉ cần một không gian là một hang đá, hốc cây, về sau là một túp lều tranh đơn sơ, một mái nhà. Mái ấm gia đình là nơi thiêng liêng sẽ không thay đổi, dù cho mai sau khoa học hiện đại có khám phá sáng tạo ra không gian sinh tồn mới, nhưng quan niệm về mái ấm gia đình cũng sẽ không mất đi. Trái lại nó càng được củng cố tăng cường nhờ được trang bị đầy đủ những tiện nghi hiện đại nhằm tạo thuận lợi hơn.

2.4. Quan hệ nuôi dưỡng: nuôi dưỡng là một trách nhiệm, đồng thời còn là một quyền lợi thiêng liêng của các thành viên trong gia đình đối với nhau. Nuôi dưỡng bao gồm cả việc các bậc cha mẹ, ông bà nuôi dưỡng con cháu, con cháu chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà lúc già, cũng như việc quan tâm của những người khỏe mạnh đối với các thành viên gặp khó khăn. Tình cảm thiêng liêng này không thể thay thế được bằng bất kỳ hình thức nào.

Một phần của tài liệu Tài liệu Bài giảng: chủ nghĩa xã hội khoa học pptx (Trang 88 - 89)