THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG KHÔNG GIAN XANH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
2.2.1 Hiện trạng môi trường không khí thành phố Đà Nẵng
Chất lượng không khí ở thành phố Đà Nẵng nói chung còn khá tốt. Theo kết quả quan trắc của Sở tài nguyên môi trường Đà Nẵng cho thấy, các thông số khí thải trong khu dân cư đa phần đều đạt tiêu chuẩn cho phép (TCCP). Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, tại các nút giao thông, khu vực tập trung giao thông cao, nồng độ bụi liên tục vượt TCCP. Ô nhiễm bụi và tiếng ồn trong khu dân cư khu vực nội thành có xu hướng gia tăng, điển hình là các khu vực Trung tâm thương mại, dịch vụ, trường Nguyễn Trãi, Nhà hát Trưng Vương, ngã ba non nước, ngã tư Hòa Cầm. Tại các khu vực này, các hoạt động giao thông, thương mại và các loại hình dịch vụ đã có những tác động trực tiếp đến chất lượng môi trường không khí và làm cho độ ồn tăng cao. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, cũng như đời sống, hoạt động sản xuất của người dân.
Môi trường không khí tại các khu công nghiệp của thành phố đa phần chưa có dấu hiệu ô nhiễm do hầu hết được bố trí những cơ sở công nghiệp thuộc ngành công nghiệp nhẹ, hoặc loại hình công nghiệp ít dây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tại KCN Hòa Khánh và KCN Liên Chiểu, ô nhiễm bụi vẫn còn mức cao. Theo báo cáo đánh giá tác động môi trường của Chi cục Bảo vệ môi trường khu vực miền Trung – Tây Nguyên, không khí tại các KCN của Đà Nẵng có nồng độ bụi 0,564mg/l, gấp gần 2 lần; nồng độ chì Pb 0,053mg/l, gấp gần 11 lần so với TCCP.
2.2.2 Nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí
Nguyên nhân của sự suy giảm chất lượng không khí chủ yếu do các nguồn chính: Công nghiệp, giao thông, xây dựng, sinh hoạt, đặc biệt là thiếu không gian xanh.
- Hoạt động sản xuất công nghiệp: Đà Nẵng có 6 KCN tập trung có tổng diện tích qui hoạch 1.500 ha với 290 doanh nghiệp, trong đó có 200 doanh nghiệp đang hoạt động. Khi các KCN được lấp đầy và các dự án đi vào hoạt động thì cũng là lúc Đà Nẵng nhận ra những gánh nặng về vấn đề môi trường, trong đó có khí thải. Nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các KCN này chủ yếu từ các lò luyện thép, chế biến cao su, chế biến nhựa, sản xuất xi măng, vật liệu xây dựng. Điển hình là trường hợp Nhà máy thép Đà Nẵng đã từng bị thành phố yêu cầu nhưng hoạt động do gây ô nhiễm khói và bụi. Về sau, nhà máy được phép hoạt động trở lại với những cam kết về đảm bảo môi trường nhưng đâu vẫn hoàn đấy vì doanh nghiệp không đủ tiền để đầu tư công nghệ xử lý môi trường.
- Hoạt động giao thông: Theo thống kê của Phòng cảnh sát giao thông, năm 2011, Đà Nẵng đang phải đối mặt với khoảng 540.000 phương tiện các loại, chưa tính đến lượng xe từ các địa phương lân cận di chuyển vào. 6 điểm nóng giao thông chưa được giải quyết triệt để như: Ngã ba Huế, Quốc lộ 14B qua KCN Hòa Cầm, ngã tư Ông Ích Khiêm – Quang Trung, ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Lê Duẩn, nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn, đường Ngô Quyền đoạn qua Công ty Giày da Quốc Bảo. Cùng hàng chục các điểm ách tắt trước cổng trường học, chợ nhỏ trên toàn thành phố.
Bên cạnh đó, chất lượng các phương tiện giao thông cũng như ý thức của người dân khi tham gia giao thông là nguyên nhân làm tăng nồng độ chất ô nhiễm. Hàng loạt các yếu tố như: xe quá cũ, quá thời gian sử dụng, hệ thống thải không đạt yêu cầu...
- Hoạt động xây dựng: Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, thành phố như một ” công trường” lớn với hàng trăm công trình lớn nhỏ đang được thi công, gây ô nhiễm bụi trên khu vực rộng lớn. Trên Quốc lộ 14B đoạn từ cầu vượt Hòa Cầm tiến về phía Hòa Khương, hằng ngày có nhiều đàn xe nối nhau chở đất đã, bụi tung mù mịt, hơn nữa, năm 2012 theo chủ trương thành phố là ”năm giải tỏa đền bù” nên nhu cầu san lấp mặt bằng và xây dựng rất cao đòi hỏi một lượng đất đã cho xây dựng và san lấp, đồng nghĩa với việc gia tăng mật độ giao thông luân chuyển, sẽ phát sinh và tiếp tục gây ô nhiễm không khí không những thành phố mà còn ven đô thị cận kề.
- Hoạt động sinh hoạt: Khí thải từ gia đình dùng bếp than tổ ong để đun nấu, hoạt động sinh hoạt, dịch vụ của người dân cũng thải ra một lượng rác lớn, tồn đọng lâu ngày cũng góp phần làm suy giảm chất lượng môi trường không khí thành phố.
- Thiếu không gian xanh để góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, cải thiện chất lượng môi trường. Mật độ không gian xanh của thành phố chỉ đạt mức 1,2 m2/người nhưng chủ yếu là cây xanh, vườn hoa của hộ gia đình, việc chặt hạ rất nhiều cây xanh quý thiếu qui hoạch, một phần nguyên nhân cũng do thanh phố phải hứng chịu nhiều đợt bão lớn trong những năm gần đây.