THỰC TRẠNG VÀ ĐỊNH HƯỚNG KHÔNG GIAN XANH Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
2.3 Hệ thống không gian xanh tại thành phố Đà Nẵng
2.3.1 Hiện trạng hệ thống không gian xanh tại thành phố Đà Nẵng
Theo kết quả thống kê, năm 2011, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có hơn 85.185 cây xanh các loại và gần 720.772 m2 thảm hoa, thảm cỏ trên 175 đường phố, 48 khu dân cư tập trung, trong các công viên, vườn hoa, đào giao thông, dải phân cách. Ngoài ra, còn có hơn 35.000 cây xanh các loại và 250.000 m2 thảm cỏ, thảm hoa trong khuôn viên các khu vui chơi công cộng, cơ quan, công sở, trường học, nhà dân...Diện tích không gian xanh bình quân trên đầu người đạt hơn 1,2 m2/người.
Hệ thống công viên, cây xanh ngày càng được mở rộng. Từ công viên 29-3 duy nhất, đến năm 2011 đã có thêm hơn 11ha công viên – vườn hoa khác ra đời trên địa bàn các quận huyện, phát triển hệ thống cây xanh ở khu vực cơ quan, trường học, nhà ở; cây xanh và thảm cỏ - vườn hoa ở công viên. Kết quả đạt được một phần nhờ vào việc triển khai thực hiện đề án ”Quy hoạch và phát triển cây xanh đường phố”, đề án ”Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”. Theo đó, nhiều đường phố được đầu tư trồng cây xanh, tạo cảnh quan xanh và cây trồng mới sinh trưởng tốt. Tính đến năm 2011, toàn thành phố có 1.002 tuyến đường đã được đặt tên có cơ sở hạ tầng đồng bộ cũng với triển khai trồng mới cây xanh với tổng chiều dài 560km. Thành phố còn xác định 10 loại cây bóng mát chủ lực để trồng trên vỉa hè đường phố như sao đen, viết, xà cừ, bằng lăng, lim xẹt, phượng vĩ, sấu, muồng tím, sữa, dừa ăn trái và các loại cây họ dừa.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục hiệu quả trong hệ thống không gian xanh thành phố:
- Nhìn chung, chỉ tiêu đất để trồng cây xanh đô thị còn quá thấp. Nếu lấy chỉ tiêu cây xanh của các thành phố hiện đại trên thế giới là khoảng từ 20m2 – 25m2 cây xanh/người thì nước ta chưa bằng 1/10 (Đà Nẵng khoảng 1,2m2/người). Một số đồ án quy hoạch mới có bố trí quỹ đất cho công viên cây xanh, nhưng trong quá trình triển khai
không tuân thủ quy hoạch, đã chuyển sang chức năng khác. Mặt khác, do quá trình đô thị hóa, nhiều khu dân cư mới được hình thành, công tác giải phóng mặt bằng, chỉnh trang đô thị diễn ra khá phổ biến. Diện tích đất để mở rộng phát triển công viên cây xanh ở các khu vực quận nội thành như Hải Châu, Thanh Khê hầu như không còn.
- Công tác quản lý cây xanh chưa chặt chẽ. Tình trạng chặt phá cây, tỉa cành, bẻ nhánh,...vẫn còn diễn ra, làm giảm độ che phủ và khả năng sinh tồn của cây. Theo thống kê, chỉ sau 10 năm đô thị hóa, toàn thành phố đã chặt hạ 5000 cây xanh các loại, trong đó có 2000 cây thuộc loại cổ thụ. Nguồn lực và năng lực của cán bộ làm công tác thiết kế, quản lý cây xanh còn bộc lộ hạn chế. Ý thức bảo vệ, chăm sóc cây xanh của một số người dân còn chưa cao.
- Chậm triển khai công tác trồng cây đối với các khu dân cư mới, các tuyến đường mới, dẫn đến tình trạng người dân tự ý trồng không đúng vị trí và chủng loại cây trồng. Nhiều cây bộc lộ những nhược điểm cần đánh giá lại trong đề án quy hoạch và phát triển cây xanh đường phố năm 2010 (ví dụ như cây Viết bị sâu đục thân, cây Sao đen chậm phát triển...).
- Nguồn kinh phí đầu tư phát triển hệ thống không gian xanh còn hạn chế (chủ yếu tập trung từ nguồn ngân sách). Trong 6 năm triển khai Đề án cây xanh (từ năm 2004 đến năm 2010), kinh phí được cấp mới đạt gần 17% so với kế hoạch phân bổ vốn theo Đề án, cho thấy kinh phí đầu tư phát triển còn rất hạn chế. Hiện nay chưa có cơ ché, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế và nhân dân tham gia vào phát triển công viên cây xanh.
- Đà Nẵng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của bão lụt. Hằng năm, bão lụt đã làm gãy đổ rất nhiều cây, đặc biệt là các cây lâu năm ở khu vực trung tâm thành phố. Điều đó càng làm cho diện tích cây xanh vốn đã thiếu nay còn bị thu hẹp hơn....
2.3.2 Định hướng phát triển không gian xanh tại thành phố Đà Nẵng
”Đẩy mạnh việc trồng cây xanh đô thị và ven biển” là một trong những nội dung về xây dựng và triển khai chương trình ”Thành phố môi trường” đến năm 2020 được Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XX Đảng bộ thành phố khẳng định. Trong thời gian tới, tiếp tục chỉnh trang cây xanh đường phố, rà soát lại quy hoạch xây dựng đô thị gắn với quy hoạch công viên cây xanh, đặc biệt là các khu đô thị mới.
Thành phố Đà Nẵng cần có một chiến lược xanh hóa đô thị, bao gồm một số nội dung sau:
- Phân bố đất cây xanh đô thị và phân bố khu chức năng đô thị có mối quan hệ hữu cơ. Trên khu vực dân cư nên có công viên đô thị, vườn hoa khu đô thị, vườn hoa lòng đường và các đường phố có cây bóng râm; xung quanh khu công nghiệp và hai bên tuyến đường giao thông nên có vành đai cây xanh, ở các vùng đất còn bỏ trống của đô thị nên trồng xen kẽ cây xanh, ở bên ngoài ngoại ô cần có rừng phòng hộ và khu vực vui chơi xanh hóa, khu điều dưỡng...
- Đất trồng cây xanh đô thị cần được phân bố đều liên tục và thống nhất. Đất cây xanh đô thị nên căn cứ vào đặc điểm và nhu cầu của cư dân đô thị, sắp xếp hợp lý bán kính khoảng cách giữa vùng đất cây xanh và nhà ở cư dân, diện tích cây xanh và thiết bị tương ứng, làm cho mỗi cư dân đô thị trong phạm vi đi dạo chơi có thể hưởng được lợi ích của xanh hóa.
- Giữa các vùng đất trồng cây xanh đô thị, giữa vùng đất trồng cây xanh đô thị và vùng đất trồng cây xanh ngoại ô, cảnh quan thiên nhiên nên có quan hệ chặt chẽ và phân công chức năng, cần xem hình thức không gian của hệ thống xanh hóa là một trong những nội dung chủ yếu của bố cục đô thị, bố cục vật kiến trúc đô thị và bố cục đường phố, quy mô đô thị và sự phát triển đô thị, coi nó là nhân tố ràng buộc quan trọng của khu vực chức năng đô thị, bố cục vật kiến trúc đô thị.
- Xanh hóa đô thị không chỉ là việc trồng cây trên mặt đất mà còn bao gồm xanh hóa trên nóc vật kiến trúc và xanh hóa chiều thẳng đứng trên tường, trong và ngoài phòng, bao gồm cây kinh tế và vùng đất sản xuất ngành công nghiệp phụ khả thi.
- Nông nghiệp đô thị hoặc nông nghiệp dùng tham quan của đô thị là bộ phận tổ chức quan trọng trong xanh hóa đô thị, tức là khu vực xung quanh đô thị hoặc khu vực trung tâm đô thị phù hợp trồng rừng kinh tế và cây nông nghiệp có giá trị tham quan.
- Phổ biến rộng rãi các hoạt động trồng trọt, cây đô thị, hoa đô thị, nơi nào còn trống thì trồng cây, phát triển không gian xanh tại các khu dân cư.
Chiến lược xanh hóa đô thị được triển khai thực hiện theo từng giai đoạn, trong đó cần chú trọng đến công tác quy hoạch sử dụng đất dành cho công viên, cây xanh; xây
dựng các công viên chuyên đề, công viên vùng và công viên khu vực (công viên thành phố, công viên khu dân cư...).
Hình 3: Bản đồ quy hoạch phát triển không gian thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 2.4 Tiểu kết chương 2
Chương 2 trình bày các vấn đề mang tính thực tiễn cao. Thông qua đó, đề tài chỉ rõ những đặc điểm nổi bật của thành phố Đà Nẵng, tình trạng ô nhiễm không khí đáng báo động của thành phố, cần một giải pháp hiệu quả để giải quyết triệt để. Chính vì vậy, việc đề cập đến hiện trạng của hệ thống không gian xanh thành phố đồng thời đưa ra các định hướng chính cho việc duy trì và phát triển không gian xanh để đạt được chỉ tiêu 9-10m2/ người vào năm 2020 là không thể thiếu. Tóm lại, chương 2 sẽ tạo ra các cơ sở thực tiễn cùng cơ sở lý luận ở chương 1, giúp nghiên cứu có thể tính toán chi phí và lợi ích để đưa ra các kết luận đánh giá hiệu quả kinh tế của việc duy trì và phát triển không gian xanh thành phố Đà Nẵng trong chương tiếp theo.
CHƯƠNG 3