- H.Spencer (1820-1903) nhà triết học, xã hội học và Tâm lý học người Anh đã khởi xướng nghiên cứu vấn đề thích ứng trong Tâm lý học. Ông dựa vào quan điểm tiến hoá luận của Ch.Dawin và J.Lamak cho rằng: “Cuộc sống là sự thích nghi liên tục trong các mối quan hệ bên trong và quan hệ bên ngoài” [89]. Việc xem xét vấn đề thích ứng phải dựa vào mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau giữa con người và môi trường sống; đối tượng nghiên cứu của TLH là mối quan hệ giữa yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong của con người, chọn lọc tự nhiên là qui luật cơ bản của thích ứng tâm lý; sự thích ứng ở con người có những nét chung với thích nghi sinh học, tuân theo những qui luật của thích nghi sinh học: qui luật biến dị, qui luật di truyền…; tâm lý, ý thức là công cụ thích ứng giữa con người và môi trường sống.
- W.James (1842 - 1910) đã xây dựng thuyết chức năng. Điểm mấu chốt của thuyết này là: cá nhân phải sử dụng chức năng tâm lý để thích nghi với những biến đổi của môi trường sống [ 82 ].
Như vậy, H.Spencer và W.James đã xây dựng cơ sở Tâm lý học của hành vi thích ứng với tư tưởng chủ đạo là tâm lý, ý thức có chức năng thích ứng và là công cụ giúp con người thích ứng. Đây là những đóng góp quan trọng cho việc thích ứng, nhưng hạn chế của hai ông là xem xét các hiện tượng tâm lý dưới góc độ sinh học, không thấy được bản chất xã hội của thích ứng ở con người.
- S.Freud (1856-1939) đã cho rằng: để tồn tại, con người phải đạt được sự cân bằng, sự hài hòa giữa cái ấy và cái siêu tôi - đó là sự thích ứng. Về thực chất, S.Freud chỉ coi trọng con người bản năng. Người có hành vi thích ứng có khả năng chế ngự được “các xung lực bản năng” tròi lên đòi thỏa mãn, có cái Tôi đủ sức mạnh để giải quyết được xung khắc giữa cái Ấy và cái Siêu tôi một cách thông minh, hợp lý. Trong việc nghiên cứu hành vi thích ứng của con người, ông đã có công phát hiện ra mặt vô thức và vai trò của nó trong điều chỉnh hành vi; vai trò và cơ chế điều chỉnh của cái Tôi, sự có mặt của cái Siêu tôi [dẫn theo 14]. Hạn chế của S.Freud là xem thích ứng của con người là thích nghi mang tính sinh vật, không thấy được bản chất xã hội - lịch sử của nó.
1.1.1.2. Quan điểm coi thích ứng của con người là sự thích nghi
Năm 1913, J.Watson đại biểu của trường phái TLH hành vi cho rằng: Mọi hành vi ứng xử của con người được hình thành trong quá trình học tập và tập nhiễm; trong quá trình đó, cá nhân chiếm lĩnh được các hành vi mới cho phép họ giải quyết những yêu cầu của cuộc sống. Thực chất, sự thích ứng kém hay chưa thích ứng là không học được hoặc hành vi học được không đáp ứng được yêu cầu của môi trường sống. Ông quan niệm: con người “không phải là chủ thể chủ động trong hoạt động trong môi trường xã hội, tác động và làm biến đổi môi trường đó, mà là các cơ thể, cá thể thụ động đối lập với áp lực của môi trường” và như vậy con người chỉ là một cơ thể sống và thích nghi thụ động để tồn tại trong môi trường có nhiều kích thích vật lý [dẫn theo 46].
Đóng góp của J.Watson nói riêng và các nhà hành vi chủ nghĩa nói chung là chỉ ra mức độ thích ứng đầu tiên của con người là phản ứng trực tiếp đối với các kích thích của môi trường và chỉ ra cơ chế hình thành hành vi thích ứng. Song họ có quan điểm chưa đúng về bản chất con người, mối quan hệ của con người với môi trường, đồng nhất thích ứng tâm lý ở người với thích nghi của động vật.
- E.A Ermôlaeva, A.I. Serbacôv và A.V.Mudric, A.V.Pêtrôvxki là những nhà Tâm lý học Xô Viết đã coi nội hàm thích ứng và thích nghi không có gì khác nhau. Đóng góp của các công trình trên là đưa ra được khái niệm thích ứng và các chỉ số đo cụ thể. Ví dụ: Trong nghiên cứu “Đặc điểm của sự thích ứng xã hội và nghề nghiệp của người SV tốt nghiệp trường sư phạm”, E.A Ermôlaeva đã đưa ra bốn chỉ số khách quan là: chất lượng lao động, trình độ tay nghề, sự tuân thủ kỷ luật lao động và uy tín cá nhân với tập thể; ba chỉ số chủ quan là: mức độ hài lòng công việc, điều kiện làm việc và mối quan hệ với người khác trong công việc để đánh giá sự thích ứng nghề nghiệp. Tuy nhiên, hạn chế của các quan điểm trên là xem xét thích ứng chính là quá trình thích nghi của con người trước sự biến đổi của môi trường và các dạng hoạt động [ dẫn theo 91].
Như vậy, có rất nhiều quan điểm của các nhà Tâm lý học đồng nhất thích ứng và thích nghi. Các quan điểm trên đã có đóng góp rất lớn khi xây dựng cơ sở Tâm lý học của hành vi thích ứng, chỉ ra được mức độ thích ứng đầu tiên của con người; đưa ra khái niệm thích ứng và các chỉ số đo mức độ thích ứng…Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các công trình trên là không thấy được bản chất xã hội lịch sử của thích ứng ở con người.
1.1.1.3. Quan điểm tiếp cận nhấn mạnh vai trò của chủ thể cá nhân trong quá trình thích ứng
- L.X.Vưgôtxki cho rằng: thích ứng diễn ra theo nguyên tắc tín hiệu (phản xạ có điều kiện) có chung ở người và động vật nhưng không phải là phương thức chủ đạo của con người. Phương thức thích ứng chủ đạo ở người là thích ứng theo nguyên tắc dấu hiệu và nguyên tắc này không có ở động vật. Quá trình tín hiệu hóa phản ánh mối quan hệ tự nhiên đảm bảo cho cơ thể đáp lại các kích thích của môi trường. Còn quá trình dấu hiệu hóa cho phép con người có khả năng tạo ra một loại cân bằng với môi trường để biến đổi môi trường và biến đổi hành vi của chính mình bằng hoạt động tích cực của chủ thể. Hành vi đó chính là hành động thực tiễn của con người [dẫn theo 34, tr23]. Bằng việc phát hiện ra cơ chế hình thành và điều khiển hành vi của cá nhân, ông đã chỉ rõ sự khác biệt cơ bản giữa thích ứng tâm lý ở người với thích nghi sinh học ở động vật.
- A.N. Lêônchiev đã khẳng định: “Sự khác biệt cơ bản giữa các quá trình thích nghi theo đúng nghĩa của nó với các quá trình tiếp thu, lĩnh hội là ở chỗ thích nghi là quá trình thích nghi sinh vật, là quá trình thay đổi các thuộc tính của loài, năng lực của cơ thể và hành vi của cá thể. Còn quá trình tiếp thu, lĩnh hội thì khác: đó là quá trình mang lại kết quả là cá thể tái tạo lại năng lực và chức năng người đã hình thành trong quá trình lịch sử” [dẫn theo 97, tr95]. A.N.Lêônchiev làm rõ sự khác nhau giữa thích ứng sinh học và thích ứng tâm lý người đã đặt nền móng cho việc nghiên cứu hiện tượng này cả về phương diện lý luận và thực tiễn.
- Theo E.A. Anđrêeva nhấn mạnh sự khác nhau giữa thích ứng và xã hội hóa. Thích ứng phản ánh quá trình thích nghi đặc biệt của con người với điều kiện hoạt động mới, là sự thâm nhập của con người vào những điều kiện đó một cách không gượng ép. Xã hội hóa là sự tác động qua lại của xã hội và cá nhân. Như vậy, thích ứng nhấn mạnh vai trò chủ thể của cá nhân với môi trường [dẫn theo 34, tr24].
Những nghiên cứu trên đây của các nhà Tâm lý học Xô Viết đã có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn. Các tác giả đã chỉ ra khái niệm thích ứng, trong đó nhấn mạnh vai trò chủ thể của cá nhân để đáp ứng những thay đổi của hoạt động, của môi trường xung quanh. Đây cũng chính là hướng tiếp cận của các tác giả khi nghiên cứu thích ứng với HĐHT và là hướng nghiên cứu của luận án.