+ Năm 1994 - 1995 Vũ Thị Nho đã nghiên cứu 1 số đặc điểm thích nghi với học tập của học sinh bậc đầu tiểu học và rút ra nhận xét: ở những năm đầu bậc tiểu học khoảng 70 - 80% học sinh thích nghi với HĐH nhưng ở mức độ chưa cao. Sự thích nghi với HĐH ở học sinh chịu tác động bởi các yếu tố: gia đình, trường mẫu giáo và đặc điểm tâm lý của trẻ. Nói cách khác, sự thích nghi học tập của học sinh chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như: sự giáo dục ở trường mẫu giáo và gia đình; đặc biệt là môi trường giáo dục gia đình, trường tiểu học và phương pháp dạy học… [44].
+ Nguyễn Thị Kim Quý đã vận dụng phương pháp nghiên cứu của nhà tâm lý học B. Zazzo vào xem xét khách thể là học sinh lớp 1 ở Việt Nam để làm rõ quá trình thích ứng với HĐH của trẻ qua những ứng xử trong giờ học. Tác giả nhận xét: khi trẻ học lớp 1, quá trình thích ứng với HĐH diễn ra mạnh mẽ, phức tạp và có nhiều biến động; tuy nhiên đến cuối năm học lớp 1 vẫn còn 10% - 15% số học sinh chưa thích ứng với hoạt động học [50].
+ Phan Quốc Lâm nghiên cứu sự thích ứng với hoạt động học của học sinh lớp 1 cho rằng: đa số học sinh lớp 1 thích ứng với HĐH ở mức trung bình, khá và một bộ phận học sinh đến hết lớp 1 vẫn chưa thích ứng với HĐH. Sự thích ứng với HĐH của học sinh lớp 1 chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan, trong đó sự phát triển trí tuệ, hoàn cảnh gia đình, đặc điểm giới tính, tác động tâm lý - sư phạm của giáo viên trong quá trình dạy học giữ vai trò quan trọng. Có thể nâng cao mức độ thích ứng với HĐHT của học sinh lớp 1 bằng việc tác động đến nhận thức và tác động tâm lý - sư phạm của giáo viên trong quá trình dạy học. Trước hết cần nâng cao hiểu biết của giáo viên lớp 1 về ý nghĩa của vấn đề, đặc điểm và vai trò của bước chuyển lớn xảy ra ở trẻ lần đầu tiên đến trường, những biện pháp giúp trẻ thích ứng tốt với môi trường nhà trường và đặc điểm của HĐHT. Ngoài ra, cần chú ý hình thành ở trẻ mới đến trường những hành vi, ứng xử phù hợp với HĐHT [35]