- Sử dụng hợp lí tài nguyên và bảo vệ môi trường trong nghiên cứu, đánh giá cảnh quan
1.3.1. Các quan điểm nghiên cứu của luận án
Quá trình thực hiện luận án, NCS dựa trên nhiều quan điểm tiếp cận khác nhau. Trong đó, quan điểm hệ thống – tổng hợp là quan điểm chủ đạo, được vận dụng xuyên suốt quá trình nghiên cứu.
1.3.1.1. Quan điểm hệ thống - tổng hợp
Lãnh thổ Quảng Ngãi là một phần của vùng Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước, nhưng có nhiều bộ phận cấu thành và phân hoá khá đa dạng. Các CQ trong lãnh thổ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đồng thời có mối quan hệ với các CQ thuộc các lãnh thổ kề bên. Do đó, nếu không đứng trên quan điểm hệ thống và tổng hợp thì rất khó phân tích CQ, phân chia các đơn vị CQ trong quá trình NCCQ.
Lãnh thổ nghiên cứu mang đầy đủ đặc tính của một hệ thống. Vì vậy, mọi nghiên cứu được tiến hành ở Quảng Ngãi cần thiết phải đứng trên quan điểm hệ thống - tổng hợp. Quan điểm này được NCS vận dụng trong tất cả các bước tiến hành của luận án, từ thu thập tài liệu, chuẩn bị nghiên cứu đến việc thực hiện các bước NCCQ, ĐGCQ và đề xuất định hướng sử dụng tự nhiên để phát triển KT-XH.
Dựa vào đặc tính của hệ thống [12], NCS có căn cứ xem xét vấn đề một cách tổng hợp: NCCQ Quảng Ngãi được tiến hành trên cơ sở phân tích đồng bộ về ĐKTN, TNTN và hoạt động của con người, với vai trò là những nhân tố thành tạo CQ. Kết quả phân tích các hợp phần thành tạo CQ theo hệ thống giúp NCS có cái nhìn tổng
hợp khi xác định vai trò của mỗi nhân tố thành tạo và mối quan hệ giữa nhân tố với nhau (nhân tố tự nhiên và KT-XH); trên cơ sở đó, làm sáng tỏ đặc điểm phân hóa tự nhiên lãnh thổ nghiên cứu qua hệ thống phân loại CQ và bản đồ CQ. Theo quan điểm này, NCS xác định được cấu trúc, chức năng từng đơn vị CQ lãnh thổ nghiên cứu. NCCQ còn phải phân tích mối quan hệ giữa các hợp phần trong CQ, giữa các CQ trong lãnh thổ nghiên cứu với nhau và giữa các CQ trong lãnh thổ nghiên cứu với các CQ ở lãnh thổ xung quanh.
Quan điểm hệ thống – tổng hợp là cơ sở thực hiện các bước ĐGCQ. Việc lựa chọn chỉ tiêu đánh giá được dựa trên kết quả phân tích vai trò của chúng với đối tượng đánh giá; Việc xác định trọng số cho chỉ tiêu cũng được tiến hành trên cơ sở phân tích tổng hợp mức độ ảnh hưởng của mỗi chỉ tiêu; Việc phân chia cấp thuận lợi (thích hợp) của từng CQ đối với một loại hình sử dụng được dựa vào kết quả đánh giá tổng hợp các chỉ tiêu; Kết quả phân tích tổng hợp mức độ thuận lợi của từng CQ đối với các loại hình sử dụng khác nhau cũng là hệ thống các kết quả đánh giá cho từng đối tượng. Vì vậy, ĐGCQ không thể không vận dụng quan điểm nghiên cứu quan trọng này.
Quan điểm hệ thống – tổng hợp còn được vận dụng để phát hiện mối liên hệ liên ngành, đa ngành trong từng đơn vị lãnh thổ và mối liên hệ liên vùng trên toàn lãnh thổ khi xem xét ở tầm vĩ mô. Vì vậy, luận điểm này là cơ sở kiến nghị định hướng của luận án. Mỗi đơn vị CQ là một thể tổng hợp ĐLTN hoàn chỉnh, là các hệ địa - sinh thái, hệ địa - nhân sinh. Trong đó, các yếu tố sinh thái có mối quan hệ mật thiết với nhau. Con người sống trong một địa hệ nào đó, khai thác và sử dụng tài nguyên phục vụ nhu cầu của mình nhưng phải được đặt trong một giới hạn nhất định. Tác động của con người vào một hợp phần hay một bộ phận của địa hệ có thể làm thay đổi hàng loạt yếu tố, không chỉ trong phạm vi địa hệ mà còn ảnh hưởng đến các địa hệ khác. Vậy nên, con người có thể lựa chọn những biện pháp tác động tích cực điều chỉnh địa hệ theo chiều hướng tốt lên, có lợi cho con người. Trên quan điểm hệ thống – tổng hợp, NCS kiến nghị các định hướng khai thác và sử dụng tài nguyên, định hướng BVMT, bố trí hợp lí không gian sản xuất theo các đơn vị CQ - cơ sở quy hoạch lãnh thổ, BVMT tỉnh Quảng Ngãi theo hướng PTBV.
1.3.1.2. Quan điểm lãnh thổ
Mọi sự vật, hiện tượng đều tồn tại và phát triển trên một lãnh thổ cụ thể. Ở đó chúng có sự thống nhất và phân hóa, đồng thời có mối quan hệ với các lãnh thổ khác. Quan điểm lãnh thổ giúp NCS xác định không gian nghiên cứu, phạm vi từng CQ và
thể hiện được chúng trên bản đồ CQ. Sau khi phân chia các đơn vị CQ, xác định mối quan hệ của các CQ với lãnh thổ xung quanh, người nghiên cứu phân tích và đánh giá CQ gắn với lãnh thổ cụ thể nhằm đưa ra định hướng mang tính tổng hợp, sát với thực tế địa phương nhằm phát huy lợi thế của toàn lãnh thổ nghiên cứu.
1.3.1.3. Quan điểm lịch sử
Mỗi thể tổng hợp lãnh thổ tự nhiên đều có quá trình phát sinh, phát triển và biến đổi theo thời gian. Mỗi đơn vị CQ phải mất một thời gian dài để hình thành. Trong quá trình phát triển, các đặc trưng riêng của từng CQ đều bị thay đổi. Do vậy, các số liệu thống kê từng đối tượng đều gắn với một giai đoạn phát triển nhất định.
Vận dụng quan điểm lịch sử, NCS xác định được nguồn gốc phát sinh, động lực phát triển, mức độ nhân tác trong quá khứ, nguyên nhân biến đổi hiện tại và dự báo xu thế phát triển tương lai của các CQ. Đây cũng là cơ sở để đưa ra định hướng sử dụng hợp lí tài nguyên và không gian lãnh thổ cho Quảng Ngãi.
1.3.1.4. Quan điểm phát triển bền vững
Theo FAO (1983): “PTBV là sự quản lí, bảo vệ cơ sở của nguồn lợi thiên nhiên cùng phương hướng của các thay đổi kỹ thuật và thể chế bằng cách nào để đảm bảo thoả mãn nhu cầu của con người cho thế hệ hôm nay và mai sau”. Quan điểm PTBV được đưa lên hàng đầu trong mọi hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên. Đồng thời, nó cũng là mục tiêu hướng đến khi NCCQ, phục vụ phát triển KT-XH và BVMT.
Quá trình khai thác TNTN phải tính toán đến những gì “đưa vào” và “đưa ra” khỏi địa hệ mà không làm tổn hại đến môi trường tự nhiên. Quan điểm PTBV là cơ sở cho NCS định hướng phát triển các ngành kinh tế, kiến nghị khai thác tài nguyên, bố trí không gian ưu tiên phát triển các ngành sản xuất cho Quảng Ngãi theo đơn vị CQ. Các định hướng khai thác và sử dụng tài nguyên vừa nhằm mục đích mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất, vừa chú trọng đến ổn định xã hội, nâng cao thu nhập, đảm bảo cuộc sống người dân và các vấn đề MT, hạn chế thấp nhất tác động xấu đến MT do các hoạt động sản xuất gây ra.