7. Kết cấu của khóa luận
1.2.1. Tính khách quan
Tính khách quan biểu hiện trong nguồn gốc của sự vận động và phát triển, là quá trình bắt nguồn từ bản thân sự vật hiện tượng, là quá trình giải quyết mâu thuẫn trong sự vật, hiện tượng đó. Qúa trình giải quyết mâu thuẫn là một quá trình mà trong đó những yếu tố không còn phù hợp, đã trở nên lỗi thời, lạc hậu sẽ bị trừ khử, biến mất. Những yếu tố còn phù hợp sẽ được cải tạo và phát triển. Phát triển không phụ thuộc vào ý muốn của con người, không mơ hồ, thần bí, không phải sự điều khiển chi phối bởi lực lượng thần linh… Phát triển là một khuynh hướng tất yếu, một thuộc tính khách quan.
Nói về sự phát triển, trong tác phẩm “Chống Đuyring”Ăngghen đã nhận xét như sau “chừng nào chúng ta xem xét các sự vật như là đứng im và không có sinh khí, cái nào riêng cho cái ấy, cái này bên cạnh cái kia và hết cái này đến cái kia, thì chắc chắn chúng ta không thấy được một mâu thuẫn nào trong các sự vật cả. Chúng ta tìm thấy trong số đó một số những thuộc tính phần thì giống nhau, phần thì khác nhau, thậm chí mâu thuẫn với nhau nữa, nhưng trong trường hợp này các thuộc tính đó lại phân ra trong những sự vật khác nhau và như thế là ngay trong những thuộc tính đó cũng không chứa đựng mâu thuẫn. Trong giới hạn của lĩnh vực xem xét này, chúng ta dùng phương pháp tư duy thông thường, phương pháp siêu hình cũng có thể giải quyết được”. Đồng thời ông nói: “Nhưng tình hình sẽ khác nếu chúng ta xem xét sự vật trong sự vận động , trong sự biến đổi, sự sống, sự tác động lẫn nhau giữa chúng”. Chỉ có như vậy thì lúc đó chúng ta mới có thể thấy sự vật vận động là một mâu thuẫn, ngay một lúc sự vật vừa là nó lại không phải là nó nữa. Cho nên vận động, sự tác động lẫn nhau làm cho mâu thuẫn xuất hiện thường xuyên, đồng thời cũng thường xuyên được giải quyết. Mâu thuẫn tồn tại là khách quan và sự phát triển cũng là khách quan, chúng tồn tại và không hề phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người, không phụ thuộc vào sự chi phối hay những tác động làm cho sự
vật đi theo hướng mà con người mog muốn. Sự vật luôn luôn phát triển theo khuynh hướng chung của thế giới vật chất.
Để nhận thức rõ hơn về tính khách quan của sự phát triển, chúng ta có thể vận dụng vào đời sống hiện thực như sau. Nếu trước đây trong tư tưởng của những triết gia Trung Quốc cũng như tư tưởng của lễ giáo phong kiến Việt Nam thì phạm trù “trung” là trung với vua, vì vua mà phục vụ, thậm chí xả thân vì vua. Tư tưởng này trải qua quá trình không gian và thời gian, ngày nay “trung” đã có sự thay đổi về ý nghĩa, không còn bó hẹp ở việc trung thành với một vị vua nào đó, một thế lực có sức mạnh áp chế nào đó mà là trung với Đảng, với Nhà nước, trung thành với lợi ích của toàn thể nhân dân, vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ ( Trung với nước, hiếu với dân). Cũng là một chữ trung nhưng ý nghĩa đã hoàn toàn khác. Chữ “trung” được như ngày hôm nay đã phải trải qua bao cuôc đấu tranh đầy máu và nước mắt trong lịch sử, xóa bỏ chế độ phong kiến, rồi thực dân phong kiến, xóa bỏ đi chế độ nông nô, thân phận người nô lệ bị áp bức bóc lột. Giờ đây nhân dân ta sống nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa hướng tới Chủ Nghĩa Cộng Sản, không áp bức, bóc lột, bất công. Con người được làm chủ chính mình, là chủ nhân của đất nước. Chữ “trung’’ là một quá trình giải quyết những mâu thuẫn bên trong nó, và rồi dần dần thích ứng với điều kiện bên ngoài, là một sự phát triển có tính chất khách quan.
Như vậy qua những gì đã phân tích trên đây có thể một lần nữa khẳng định rằng, sự phát triển là một tất yếu khách quan của sự vật, là một quá trình liên tục giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong sự tồn tại và vận động phát triển của sự vật.