Bên cạnh những tiềm năng du lịch nêu trên, tỉnh Hà Tây còn có một tiềm năng du lịch sinh thái to lớn được tạo bởi những thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Ba Vì, ao Vua, thác Ngà, suối Tiên với phong cảnh đẹp, hệ động thực vật phong phú, khí hậu trong lành. Đã từ nhiều năm nay, những điểm hấp dẫn này trở thành nơi lý tưởng cho du khách nghỉ dưỡng, nghỉ mát vui chơi giải trí; thêm vào hệ thống các hồ tự nhiên như: suối Hai, Đồng Mô, Quan Sơn, Đồng Xương, Văn Sơn với diện tích mặt nước lớn nên rất thuận tiện cho mọi người tới đây thưởng thức các hoạt động như thể thao nước, đánh gôn, câu cá.
CHƯƠNG 3: ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN TỈNH HÀ TÂY GẮN VỚI CÁC CÔNG TÁC THAM MƯU CỦA SỞ KẾ HOẠCH
ĐẦU TƯ TỈNH HÀ TÂY 3.1 VỀ DU LỊCH
3.1.1. Đầu tư xây dựng đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam
Hà Tây - Đầu tư xây dựng đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam, đường từ Thành cổ Sơn Tây tới phía bắc Đền Và
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng đường trục phát triển kinh tế Bắc Nam, đường từ Thành cổ Sơn Tây đến bắc Đền Và, tỉnh Hà Tây theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT).
Ngày 05/02/2008 Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã ký 2 công văn số 209/TTg-CN, số 210/TTg-CN thông báo ý kiến Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng trục phát triển kinh tế Bắc Nam, đường từ Thành cổ Sơn Tây đến bắc Đền Và, tỉnh Hà Tây theo hình thức Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT).
Thủ tướng chấp thuận về nguyên tắc việc chỉ định Nhà đầu tư đàm phán trực tiếp Hợp đồng BT Dự án nêu trên. UBND tỉnh Hà Tây chịu trách nhiệm về năng lực của Nhà đầu tư và quyết định theo thẩm quyền việc lựa chọn Nhà đầu tư.
Yêu cầu UBND tỉnh Hà Tây chỉ đạo khẩn trương xây dựng và công bố Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh
doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO) và BT trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định 78/2007/NĐ-CP ngày 11/5/2007 của Chính phủ./.
3.1.2. Quan tâm quy hoạch phát triển làng nghề
Hà Tây được mệnh danh “đất trăm nghề” đó là tiềm năng, lợi thế đang được phát huy nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Do đó, việc qui hoạch phát triển làng nghề có ý nghĩa rất quan trọng góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng sản xuất CN-TTCN.
Trong những năm gần đây, nhờ có đường lối và chính sách khuyến khích nên các làng nghề trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ. Từ đó, có tác dụng tích cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo chiều hướng tiến bộ làm tăng dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế. Số lao động đang làm việc ở các làng có nghề trên địa bàn tỉnh tăng lên 363.057 người. Rất nhiều làng nghề như Phú Túc (Phú Xuyên), Minh Khai (Hoài Đức), Phú Vinh (Chương Mỹ)... không những đóng góp lớn vào giá trị kinh tế còn giải quyết tốt việc làm cho người lao động ngay tại địa phương và cả vùng lân cận.
Khi thu nhập của người lao động ở các làng nghề tăng lên, điều đó sẽ dần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa người nông dân nông thôn và thành thị. Hiện nay, mức thu nhập bình quân của 1 lao động trong làng nghề đạt khoảng 7,98 triệu đồng/người/năm, tăng 3,75 triệu đồng so với năm 2003. Do sự phát triển không đồng đều nên thu nhập bình quân của người lao động trong các làng nghề có sự chênh lệch. Một số làng nghề ở huyện Ba Vì thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt từ 3,3 triệu đồng - 3,5 triệu đồng/người/năm, trong khi đó các làng nghề ở huyện Đan Phượng, Phú Xuyên đạt từ 9-13 triệu đồng/người/năm
Về phát triển hạ tầng được các cấp, các ngành quan tâm nâng cấp cải tạo, đầu tư xây dựng mới. Qua khảo sát cho thấy, 100% làng nghề có đường ôtô về tận trung tâm, đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông luân chuyển nguyên liệu, hàng hóa phục vụ khách du lịch đến tham quan. Các công trình lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc trong nhiều năm qua cũng có sự tăng lên nhanh chóng, đáp ứng tốt nhu cầu SXKD, từng bước đem lại hiệu quả nâng cao năng lực cạnh tranh ở nhiều làng nghề. Việc xây dựng các điểm công nghiệp đã tạo điều kiện cho nhân dân thuê đất mở rộng quy mô SXKD làm tăng thêm sức mạnh của mỗi làng nghề.
Bằng sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, không ít làng nghề tưởng chừng bị mai một nay được khôi phục trở lại đang trên đà phát triển nhanh. Công tác khuyến công được tăng cường thực hiện khá đa dạng với các nội dung hỗ trợ truyền nghề, dạy nghề, nâng cao tay nghề, nhân cấy nghề mới, khuyến khích thành lập các Hiệp hội làng nghề, đổi mới thiết bị công nghệ, quy hoạch cụm, điểm công nghiệp, tham quan các mô hình SXKD giỏi... Chỉ tính trong năm 2007, toàn tỉnh đã mở được 210 lớp truyền nghề, nhân cấy nghề mới cho 11.000 học viên, với tổng kinh phí lên tới 2,15 tỷ đồng
Không chỉ có vậy, từ các nguồn hỗ trợ, Sở Công nghiệp đã thành lập thêm 3 Hiệp hội làng nghề và nhiều chương trình khuyến công hiệu quả, thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có 1.180 làng có nghề, trong đó có 240 làng nghề đầy đủ các tiêu chí được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, thu hút khoảng 363.057 lao động tham gia sản xuất, do vậy giảm dần tỷ lệ lao động trong nông nghiệp xuống còn khoảng 61,7%. Kinh tế làng nghề phát triển do đó đã hình thành nhiều doanh nghiệp, HTX ngành nghề đa dạng, đây là những nòng cốt, chủ lực góp phần làm đổi thay diện mạo kinh tế - xã hội ở các làng nghề.
địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại và khó khăn cần khắc phục. Đó là quy mô các làng nghề còn nhỏ bé, chưa đủ sức làm chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế; đầu ra của sản phẩm nhiều khi bị phụ thuộc, chưa có nhiều DN đứng ra xuất khẩu trực tiếp; môi trường ở các làng nghề đang bị ô nhiễm khá nặng nề do sản xuất mang tính tự phát, không theo quy hoạch. Trình độ công nghệ còn lạc hậu chưa theo kịp được với các nước sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ lân cận; tiến độ triển khai xây dựng các điểm công nghiệp làng nghề còn chậm, các công trình thuộc kết cấu hạ tầng còn có những hạn chế, nhất là điện vẫn còn thiếu; công tác quản lý Nhà nước đối với làng nghề chưa đồng bộ... do đó việc xây dựng một bản quy hoạch mang tính chất tổng thể định hướng phát triển hiện tại và tương lai là điều tất yếu
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, đến năm 2010, toàn tỉnh có trên 400 làng được cấp bằng công nhận làng nghề và 90% làng có nghề. Để đạt được mục tiêu trên, ngoài các giải pháp chủ yếu, như tăng cường xúc tiến thương mại; hỗ trợ các DN nhỏ và vừa, các câu lạc bộ DN, Hiệp hội làng nghề; khuyến khích đổi mới công nghệ; tăng cường hỗ trợ các hoạt động khuyến công; mở rộng các điểm sản xuất tập trung; có biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình sản xuất; tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn nữa để DN, cơ sở sản xuất và các hộ gia đình ở các làng nghề tiếp cận vay vốn của các tổ chức tín dụng thì ngành Công nghiệp cần tăng cường liên kết với các tỉnh bù đắp nguồn nguyên liệu đang thiếu hụt ở các làng nghề
Bên cạnh đó, các làng nghề cần nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại, hình thành nên các kênh phân phối sản phẩm không chỉ trong nước mà vươn ra toàn thế giới. Đặc biệt, các làng nghề cần nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã và đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào quá trình sản xuất, đồng thời tích cực tham gia các Hiệp hội làng nghề phát huy sức mạnh tập thể. Tỉnh cần có chính
sách hỗ trợ nhiều hơn nữa phát triển hạ tầng nông thôn, các chính sách ưu đãi để các DN, hộ gia đình có điều kiện thuê mặt bằng sản xuất tại các điểm công nghiệp góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo bức tranh làng nghề của tỉnh ngày càng khởi sắc./.
3.1.3. Định hướng và chính sách phát triển du lịch tỉnh Hà Tây
NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH LẦN THỨ 3 (KHOÁ XIV) VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH CỦA TỈNH ĐẾN NĂM 2010 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO (NGHỊ QUYẾT SỐ 06/NQ/TU NGÀY 5/5/2006)
3.1.3.1. Thực trạng tình hình phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2001- 2005.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tây khoá IX, Kết luận số 01- KL/TU ngày 02/10/2001 của Tỉnh uỷ về phát triển du lịch năm 2001- 2005. Kinh tế du lịch đã có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của Tỉnh; phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo, tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2005 Du lịch Hà Tây đón được 2,73 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân trong 5 năm là 17,3%/năm; doanh thu đạt 304 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 17,2%/năm.
Tuy nhiên kết quả đạt được so với tiềm năng, lợi thế còn hạn chế. Tốc độ phát triển còn chậm, hiệu quả kinh tế- xã hội chưa cao; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, mang tính mùa vụ; đầu tư cho du lịch chưa thoả đáng, thiếu tập trung, kết cấu hạ tầng du lịch được các nhà đầu tư chủ yếu mới từ nguồn ngân sách quốc gia, chưa thu hút được các nhà đầu tư, các nguồn vốn để phát triển du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao; đội ngũ cán bộ trong ngành du lịch còn bất cập; công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành để tập trung quản lý, phát triển du lịch còn chưa đồng bộ.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do:
Nhận thức và sự quan tâm của một số cấp uỷ đảng, chính quyền, ban ngành và một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân về phát triển du lịch còn chưa thật đầy đủ; một số địa phương, nhất là địa phương trọng điểm về du lịch chưa chủ động tìm biện pháp phát triển du lịch một cách hiệu quả.
Công tác tuyên truyền, quảng bá tuy đã được đẩy mạnh nhưng chưa tập trung nhiều vào phục vụ cho xúc tiến thu hút đầu tư, chưa làm nổi bật được giá trị của các danh lam thắng cảnh và di tích của tỉnh.
Vai trò của cơ quan tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về phát triển du lịch còn hạn chế; công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch về du lịch chưa được quan tâm đúng mức, chưa tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển du lịch.
3.1.3.2. Quan điểm mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2010 và những năm tiếp theo.
* Quan điểm:
Phát triển du lịch trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội và phát huy những lợi thế của Tỉnh về tự nhiên gắn với thủ đô Hà Nội. Tính chất của du lịch Hà Tây là du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng là chủ yếu, tập trung ở 3 khu vực trọng điểm: Ba Vì- Sơn Tây; Hương Sơn (Mỹ Đức); Hà Đông và vùng phụ cận, trong đó Ba Vì- Sơn Tây là trung tâm. Nhà nước chủ yếu tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và các công trình công cộng; các doanh nghiệp đầu tư cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.
* Mục tiêu chung và một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2010 là: - Phát triển du lịch để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh.
- Đến năm 2010 đón từ 4 đến 4,5 triệu lượt khách du lịch trong đó khách quốc tế từ 5 đến 10%, tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm.
- Doanh thu xã hội về du lịch đến năm 2010 đạt trên 600 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 15%/năm.
- Xây dựng 06 khu du lịch tổng hợp với các sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… có khoảng 2.400 phòng khách sạn; xây dựng một số khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên tại các trọng điểm du lịch.
*. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
* Sớm hoàn chỉnh việc quy hoạch tổng thể và quy hoạch vùng về du lịch, công bố công khai rộng rãi các quy hoạch. Tập trung quy hoạch các khu vực trọng điểm như: hồ Suối Hai, sườn Đông, sườn Tây núi Ba Vì, khu Văn Thánh Đường Lâm, khu vực hồ Quan Sơn, hồ Văn Sơn, khu Hương Sơn. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khai thác Vườn Quốc gia Ba Vì để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
* Tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng ở các khu du lịch trọng điểm, trước hết cần đầu tư xây dựng các đường giao thông đến các điểm du lịch: đường Tế Tiêu- Yến Vĩ, đường vào hồ Suối Hai, đường vào sườn tây núi Ba Vì và đường nối các điểm du lịch hiện có ở khu vực núi Ba Vì vv…
* Đẩy mạnh đầu tư và thu hút các dự án đầu tư vào du lịch. Tập trung chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ các dự án đã xác định: Khu du lịch Sài Sơn (Quốc Oai), An Khánh (Hoài Đức), Đường Lâm, Đồng Mô (Sơn Tây). Đồng thời giới thiệu các dự án mới và mời gọi các nhà đầu tư vào các khu: hồ Suối Hai, núi Ba Vì, hồ Văn Sơn, hồ Quan Sơn… khuyến khích tạo điều kiện cho các dự án đã có mở rộng quy mô dự án như: du lịch Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Ngà, Thác Đa…
* Đầu tư với phương châm nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm xây dựng 3 làng nghề: Sơn Đồng (Hoài Đức), Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), Phú Vinh (Chương Mỹ) để trở thành điểm du lịch làng nghề.
* Tăng cường tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch về giá trị lịch sử, văn hoá, các di tích, danh thắng và truyền thống của quê hương Hà Tây. Tổ chức lại các lễ hội truyền thống ở địa phương, gắn các hoạt động này với phát triển kinh tế du lịch, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá địa phương.
* Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển du lịch, nhất là đào tạo, nâng cao trình độ về nghiệp vụ, chuyên môn ngoại ngữ cho cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ lao động kỹ thuật và hướng dẫn viên du lịch.
* Coi trọng việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn để hình thành môi trường du lịch lành mạnh; đẩy mạnh xã hội hoá du lịch, toàn dân làm du lịch…
* Đổi mới và tăng cường công tác quản lý các thắng cảnh, di tích lịch sử văn hoá để vừa khai thác, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị và đạt hiệu quả kinh tế- xã hội ngày càng cao hơn.
* Tổ chức thực hiện.
Các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, quán triệt tới cán bộ, đảng viên và nhân dân Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế du lịch, tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để thực hiện.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cấp Uỷ đảng, các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể tỉnh xây dựng kế hoạch, đề án, chuyên đề cụ thể phù hợp để