ĐIỂM GIAO TIẾP
3.2.1 Nội dung dạy học câu cầu khiến ở lớp 4 hiện nay
+ Tiết 1: Câu khiến - Tuần 27
- Tác dụng, chức năng của câu khiến: “Câu khiến (câu cầu khiến) dùng để nêu yêu cầu, đề nghị, mong muốn, … của người nói, người viết với người khác.”
- Dấu hiệu nhận diện câu khiến: Khi viết, cuối câu khiến có dấu chấm than (!) hoặc dấu chấm (.)
+ Tiết 2: Cách đặt câu khiến - Tuần 27
- Dấu hiệu nhận diện câu khiến: Hướng dẫn HS muốn đặt câu khiến có thể dùng một trong những cách sau:
- Thêm các phụ từ hãy, đừng, chớ, nên, phải . . . vào trước động từ. - Thêm các từ lên, đi, thôi, nào, . . . vào cuối câu.
- Thêm các từ đề nghị, xin, mong . . . vào đầu câu. - Dùng giọng điệu phù hợp.
+ Tiết 3: Giữ phép lịch sự khi bày tỏ yêu cầu, đề nghị - Tuần 29 - Dạy HS cần chú ý giữ phép lịch sự khi yêu cầu, đề nghị.
- Dạy HS cách sử dụng câu khiến lịch sự qua cách xưng hô cho phù hợp và thêm vào trước hoặc sau động từ các từ làm ơn, giùm, giúp, . . .
- Dạy HS có thể dùng câu khiến theo hình thức câu hỏi. Cấu tạo chung của cả 3 bài như sau:
Phần I- Nhận xét: đưa ra các ngữ liệu , từ đó giúp HS rút ra kết luận cần thiết.
Phần II- Ghi nhớ: đưa ra những tóm tắt, kiến thức cô đọng cần ghi nhớ. Phần III- Luyện tập: đưa ra các bài tập nhằm giúp HS thực hành luyện tập để nắm vững các kiến thức vừa được học.
Các bài tập trong cả 3 bài dạy có hai dạng bài là bài tập nhận diện và bài tập vận dụng. Cụ thể:
+ Bài tập nhận diện gồm: bài 1/88; bài 2/89; bài 1/93 và bài 1, 2, 3/111 + Bài tập vận dụng gồm 5 bài: bài 3/89; bài 2, 3, 4/93 và bài 4/112 Trong đó, bài tập dưới hình thức trắc nghiệm có 2 bài (bài 1, 2/111).
3.2.2 Đề xuất bổ sung các nội dung dạy học về câu khiến Bài Câu khiến - Tuần 27
* Phần nhận xét
Phần ghi nhớ ở bài Câu khiến trang 88 SGK đưa ra dấu hiệu hình thức của câu cầu khiến là: Khi viết, cuối câu có dấu chấm cảm (!) hoặc dấu chấm.
Chúng tôi cho rằng đối với trường hợp dấu hiệu hình thức của câu cầu khiến là: … dấu chấm, SGK nên bổ sung thêm VD ngữ liệu sau vào phần nhận xét để HS thấy tác dụng của dấu chấm trong câu khiến (sử dụng khi đó là lời
Nhưng ba tôi chỉ buồn rầu bảo:
- Các con ráng bảo ban nhau mà học cho nên người .
(Chị em tôi – TV 4/1 trang 60)
Ngoài ra, ở bài tập 2 phần luyện tập yêu cầu “Tìm 3 câu khiến trong SGK
Tiếng Việt hoặc Toán của em”, chúng tôi nhận thấy dấu câu trong câu khiến
(lệnh bài tập trong SGK Toán) không sử dụng dấu chấm than hay dấu chấm mà sử dụng dấu hai chấm. GV nên giải thích thêm SGK Toán sử dụng dấu hai chấm là để giảm bớt sự căng thẳng cho người học, cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn.
Do đó, chúng tôi đề nghị bổ sung ghi nhớ: “Cũng có khi, cuối câu khiến dùng dấu hai chấm”. Nhưng phần này chỉ nói, không cần ghi.
Mặt khác, nội dung dạy học câu khiến ở SGK chú ý đến kĩ năng nhận diện vả kĩ năng viết câu khiến mà chưa chú ý đến kĩ năng nghe, nói khi sử dụng câu khiến. Do đó, chúng tôi thấy rằng cần hướng dẫn cho HS giọng đọc
phù hợp với dấu hiệu hình thức của câu khiến (dứt khoát, nhấn mạnh hay nhẹ
nhàng) để HS khi nói (đọc) sẽ làm cho người nghe hiểu được rằng đó là câu cầu khiến.
* Phần luyện tập
Bài tập 3 TV4/2 trang 89 “Đặt 1 câu khiến để nói với với bạn, với anh chị,
hoặc với cô giáo (thầy giáo)” có mục đích giúp HS rèn luyện kĩ năng đặt câu
khiến dù các em chưa học. Để giúp HS có kĩ năng giao tiếp tốt với các đối tượng khác nhau, chúng tôi thấy cần lưu ý HS xác định đối tượng giao tiếp và cách xưng hô phù hợp khi đặt câu khiến:
Với người lớn tuổi hay bậc trên, khi nói phải có từ xưng hô ở đầu câu để thể hiện tính lịch sự.
Bài Cách đặt câu khiến - Tuần 27
* Phần nhận xét và luyện tập ở SGK mới chỉ giúp HS nhận diện và vận dụng câu khiến qua kĩ năng viết. Vì thế, chúng tôi đề nghị bổ sung nội dung cần thiết giúp HS cách thể hiện giọng điệu phù hợp với câu cầu khiến:
- Với câu khiến mang tính mệnh lệnh, bắt buộc, khi nói (đọc) cần nhấn giọng ở từ biểu thị nội dung lệnh (hãy, đừng, chớ, lên, đi, thôi, xin,… ) và lên giọng ở cuối câu.
- Với câu khiến mang tính đề nghị, khuyên bảo nhẹ nhàng, khi nói (đọc) chỉ đọc với giọng điệu vừa phải, giọng điệu nhẹ nhàng, ngắt giọng giữa ngôi được cầu khiến và động từ.
* Phần luyện tập
Do nội dung phần nhận xét và ghi nhớ có nhiều kiến thức mới cần truyền đạt để HS nắm vững và tuỳ theo trình độ HS của từng lớp (đối tượng trung bình và yếu nhiều) trong khi thời lượng 1 tiết học chỉ có 40 phút nên đối với những trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày có thể chuyển bài tập 3 và bài tập 4 TV4/2 trang 93 sang buổi học thứ hai cho phù hợp.
Bài Giữ phép lịch sự khi bày tỏ yêu cầu, đề nghị - Tuần 29
* Phần ghi nhớ ở SGK đưa ra trường hợp “Có thể dùng câu hỏi để nêu
yêu cầu, đề nghị”. Đây là trường hợp câu khiến gián tiếp. Do HS đã được học
bài “Dùng câu hỏi vào mục đích khác” ở Học kì 1 nên trong trường hợp này chúng tôi thấy cần phải có sự thống nhất để giúp HS dễ dàng trong sử dụng.
VD 1: Có nín đi không ?
VD 2: Bác ơi, bác xem giùm cháu mấy giờ rồi ạ ?
Theo chúng tôi, nếu HS xác định đó là câu hỏi hoặc xác định đó là câu khiến thì cả hai đều đúng. Vấn đề là GV cần lưu ý là khi khi bày tỏ yêu cầu, đề nghị phải chú ý đến độ tuổi, mối quan hệ, vai vế giữa người nói (người
viết) và người được cầu khiến để chọn lựa cách nói lễ phép, thể hiện sự tôn trọng cua người cầu khiến với người được cầu khiến.
* Đối với các nội dung ở phần nhận xét và luyện tập, chúng tôi thấy cần bổ sung ngữ điệu thể hiện tính lịch sự khi nêu yêu cầu, đề nghị:
Khi nói lời yêu cầu, đề nghị với người khác cần nói lịch sự nhẹ nhàng để người nghe hài lòng, vui vẻ, sẵn sàng làm cho mình.
3.2.3 Tổ chức nội dung dạy học câu khiến thông qua hệ thống bài tập
Mục tiêu của việc dạy tiếng Việt ở tiểu học là dạy cho HS sử dụng tiếng Việt để giao tiếp và học tập. Do đó, cách tốt nhất để trau dồi năng lực giao tiếp cho HS là thực hành thông qua hệ thống bài tập. Các bài tập Tiếng Việt là một phương tiện rất có hiệu quả và không thể thay thế được trong việc giúp HS có năng lực ngôn ngữ, phát triển tư duy.
Trong khi đó, thực tế khảo sát tổ chức dạy học câu khiến của GV cho thấy việc xây dựng các tình huống giao tiếp cho HS thực hành và xây dựng bài tập chưa được GV chú ý. Bên cạnh đó, mục tiêu dạy câu khiến không chỉ dừng lại ở việc dạy cấu tạo câu, dạy các dấu hiệu hình thức của câu cho HS mà cao hơn là dạy HS cách tạo lập câu khiến đúng ngữ pháp, hay, phù hợp với từng tình huống lời nói khác nhau và phù hợp văn hoá giao tiếp của người Việt.
Quá trình HS thực hiện các bài tập là quá trình tự củng cố khắc sâu tri thức lý thuyết và tự rèn luyện kỹ năng sử dụng.
Yêu cầu khi soạn bài tập:
- Phải dùng những ngữ liệu các em đã học trong nội dung chương trình. HS giỏi mới tìm ngữ liệu bên ngoài.
- Ngữ liệu không quá khó, không đưa ngữ liệu dùng dấu câu với hàm ý ẩn dụ khác, không phù hợp HS tiểu học.
- Ngữ liệu phải ngắn gọn, ngữ liệu phải có nội dung dễ hiểu, phù hợp đặc điểm tâm lý HS, ngữ liệu phải gần gũi với ngôn ngữ nói.
Ở phần hình thành kiến thức mới và luyện tập thực hành đều có các loại bài tập tương ứng. Bài tập ở tất cả các giai đoạn đều phải đảm bảo tính khoa học đồng thời phải sinh động, vừa sức để HS có thể tham gia vào một cách tự nhiên và hiệu quả tiếp thu tri thức, hình thành kỹ năng giao tiếp.
3.2.3.1 Bài tập hình thành kiến thức mới có các dạng như sau:
Bài tập cung cấp ngữ liệu được xây dựng dựa vào văn bản của các bài Tập đọc, bám sát yêu cầu hình thành tri thức của bài học hoặc xuất phát từ tình huống lời nói thực tế (tình huống giao tiếp). Ngữ liệu đưa vào bài tập phải đảm tính sinh động, tính điển hình và vừa phải về dung lượng để giúp HS và GV đảm bảo thời gian dạy học.
Bài tập phân tích ngữ liệu có mục đích hướng dẫn HS phân tích ngữ liệu đã cung cấp, phát hiện ra các dấu hiệu của khái niệm, của qui tắc. Đây chính là loại bài tập hướng HS tập trung vào những tình huống có vấn đề, giải quyết vấn đề đó để phát hiện ra các đặc điểm có tính qui luật của hiện tượng nghiên cứu. Hai loại bài tập cung cấp ngữ liệu và phân tích ngữ liệu được dùng để giải quyết các yêu cầu của mục Nhận xét.
Bài tập trình bày khái niệm, qui tắc giúp HS khả năng tư duy chủ động, mạch lạc đồng thời rèn luyện khả năng diễn đạt nói, viết. Hình thức của bài tập loại này có thể thuộc ba loại: nói, viết và điền tiếp câu.
Bài tập củng cố khái niệm, qui tắc dùng để củng cố chủ yếu là bài tập yêu cầu HS nhận diện các hiện tượng ngôn ngữ vừa học trên ngữ liệu mới, cho nên có thể gọi là bài tập nhận diện. Đặc trưng riêng của bài tập nhận diện của câu khiến là không chỉ dừng lại ở yêu cầu nhận diện các đơn vị ngôn ngữ mà nhiều khi phải nhận diện mục đích nói của câu, nhận diện tình huống lời nói. Loại bài tập nhận diện mục đích nói và tình huống lời nói thường xuất hiện
trong các bài dạy về tác dụng gián tiếp của câu, cách đảm bảo phép lịch sự khi đặt câu.
3.2.3.2 Bài tập luyện tập thực hành có các dạng như sau:
Bài tập nhận diện có mục đích giúp HS củng cố các kiến thức lí thuyết đã được hình thành trong bài. Qua các bài tập này HS củng cố được tri thức lí thuyết về kiểu câu khiến; cách sử dụng các kiểu câu chính danh và không chính danh để từ đó có thể vận dụng vào quá trình nói và viết.
Bài tập vận dụng có mục đích giúp HS ứng dụng những kiến thức lý thuyết đã được học vào hoạt động giao tiếp hàng ngày. Các bài tập vận dụng nên yêu cầu HS tạo câu gắn liền với các tình huống giao tiếp cụ thể và chú trọng các yếu tố đảm bảo phép lịch sự trong giao tiếp.
Bài tập vận dụng về các kiểu câu chia theo mục đích nói có hai dạng:
bài tập xây dựng cấu trúc câu và bài tập tình huống lời nói.
- Bài tập xây dựng cấu trúc câu vừa củng cố kiến thức về cấu tạo câu
cho HS vừa rèn luyện kỹ năng sử dụng câu khiến đúng ngữ pháp.
- Bài tập tình huống lời nói là kiểu bài tập đặc trưng của phần câu phân loại theo mục đích nói. Bài tập tình huống lời nói yêu cầu HS sản sinh ra các câu khiến phù hợp với các tình huống giao tiếp cụ thể.
Nếu như loại bài tập xây dựng cấu trúc có tác dụng rèn luyện khả năng nói, viết câu đúng ngữ pháp thì loại bài tập này giúp HS có khả năng nói, viết hay, tinh tế, đạt hiệu quả giao tiếp cao.
3.2.3.3 Ngoài các kiểu bài tập trên, trong dạy học câu khiến có thể có một số kiểu bài tập khác như : bài tập sửa lỗi dấu câu, bài tập thể hiện ngữ điệu, bài tập sáng tạo, bài tập tổng hợp, . . .