phạm trường Đại học Vinh hiện nay
2.2.2.1. Nâng cao hiệu quả lồng ghép các nội dung về đạo đức nghề nghiệp trong giảng dạy các môn học
Thực chất xây dựng ĐĐNN cho SVSP không được sắp xếp thành một môn học chính khóa ở trường ĐHV, nó được lồng ghép và tích hợp thông qua nhiều hoạt động khác nhau, mà trong đó giảng dạy các môn học là một hoạt động quan trọng. Hệ thống môn học ở trường Đại học Vinh được chia thành một số bộ phận như: Những môn học giáo dục đại cương bắt buộc, những môn học chuyên ngành, những môn học nghiệp vụ, lý luận giảng dạy các bộ môn. Việc giảng dạy các môn học này có ý nghĩa khác nhau trong việc hình thành các phẩm chất ĐĐNN cho SVSP. Điều quan trọng giáo viên cần ý thức đúng đắn tính chất tích hợp chứa đựng trong mỗi môn học và có ý thức tự giáo dục, hình thành cho các SVSP những phẩm chất ĐĐNN cần có của một người giáo viên trong tương lai.
Việc lồng ghép các nội dung liên quan đến ĐĐNN nghề dạy học nhằm làm cho nội dung các môn học thêm phong phú, không xa rời thực tiễn sinh động, SVSP sẽ nắm được mặt tích cực và tiêu cực từ bên ngoài tác động vào nhân cách nghề nghiệp của mình. Trên cơ sở đó SVSP sẽ có định hướng đúng đắn, phù hợp về giá trị nghề nghiệp, có ý thức rèn luyện khả năng sáng tạo, chủ động và phòng tránh những tác động tiêu cực của môi trường xã hội đối với quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện.
2.2.2.2. Nâng cao chất lượng rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên cho sinh viên sư phạm
Hoạt động rèn luyện NVSP bao gồm nhiều hoạt động phong phú: tổ chức cho SVSP viết bảng, giảng bài; tổ chức cho sinh viên nghe các báo cáo của hiệu trưởng, giáo viên dạy giỏi, cán bộ phụ trách Đoàn – Hội giỏi… Đây là hoạt động đặc trưng của nhà trường tuy nhiên cần được phát huy nhiều hơn nữa. Vì hoạt động này giúp sinh viên có được những nhận thức, kĩ năng, kĩ xảo cần thiết cho lao động sư phạm trên cơ sở đó hình thành những phẩm chất ĐĐNN cần thiết: yêu trẻ, yêu nghề dạy học, lòng nhân ái, bao dung và các phẩm chất ý chí khác. Rèn luyện NVSP là một trong những giải pháp có ý nghĩa tích cực để xây dựng ĐĐNN cho SVSP.
Trong quá trình tổ chức hoạt động rèn luyện NVSP, cần xây dựng quy trình rèn luyện NVSP cho cả khóa học và năm học để chủ động trong khâu quản lý và tổ chức; đa dạng hóa các hình thức rèn luyện NVSP, tạo ra nhiều hình thức mới để lôi cuốn SVSP tham gia với tinh thần cao nhất, tích cực; tránh bệnh hình thức và thành tích trong việc tổ chức rèn luyện NVSP; có sự tham gia của nhiều giáo viên có kinh nghiệm lâu năm về phương pháp giảng dạy; nên thành lập trường thực hành bên trong nhà trường vì đây là nơi tốt nhất để SVSP rèn luyện NVSP.
2.2.2.3. Nâng cao chất lượng hoạt động Kiến tập – Thực tập sư phạm
KT – TTSP là một khâu quan trọng trong quy trình đào tạo giáo viên vừa là hoạt động thường niên của của nhà trường. KT – TTSP giúp SVSP trực tiếp quan sát học nghề, cũng như thể nghiệm, thể hiện những gì đã được học tập ở trường, SVSP được tiếp xúc trực tiếp với thực tế sinh động của nghề nghiệp, giúp SVSP củng cố, mở rộng những tri thức, kỹ năng nghề nghiệp đã được tích lũy; hình thành và phát triển những tri thức, kỹ năng mới theo yêu cầu của trường phổ thông, nâng cao hứng thú, tình cảm, trách nhiệm đối với nghề… KT – TTSP là một cơ hôi thuận lợi để góp phần xây dựng những phẩm chất ĐĐNN cần thiết mà xã hội và nghề dạy học yêu cầu đối với người giáo viên tương lai.
Để hoạt động KT – TTSP có hiệu quả cần xây dựng kế hoạch KT - TTSP cho cả một khóa học và năm học để chủ động trong khâu quản lý và tổ chức hoạt động này, giúp SVSP nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động KT – TTSP trên con đường mà họ trở thành người giáo viên; chú ý nhiều đến khâu con người trong việc tổ chức hoạt động KT – TTSP và đặc biệt chú ý lựa chọn địa điểm trường phổ thông phù hợp, nhân tố con người giữ vai trò quyết định trong việc đảm bảo chất lượng hoạt động KT – TTSP; tạo ra những điều kiện thuận lợi và chỉ đạo sát sao cho công tác KT – TTSP.
2.2.2.4. Nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống nghề dạy học và định hướng giá trị nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm
Giáo dục truyền thống nghề nghiệp nhằm khơi dậy ở SVSP lòng tự hào về nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn, tạo động lực phấn đấu cho bản thân, để xứng đáng với truyền thống đó. Việc giáo dục truyền thống nghề nghiệp còn có tác dụng ngăn chặn ở SVSP những thái độ, tình cảm và hành vi đi ngược lại truyền thống, hạn chế những tác động tiêu cực của xã hội đến lối sống SVSP (sự ganh đua thái quá, chủ nghĩa cá nhân cực đoan, lối sống thực dụng, ích kỷ, hẹp hòi). Đồng thời, giáo dục truyền thống nghề nghiệp, định hướng giá trị nghề nghiệp giúp SVSP xác định đúng thang giá trị và giá trị của nghề nghiệp, phát huy những tiềm năng về trí tuệ, sở trường trong hoạt động nghề
nghiệp sau này. Đây là một giải pháp có tác động mạnh mẽ đến nhận thức tình cảm và thái độ đối với nghề sư phạm. Nó có thể tạo nên những chuyển biến lớn trong nhân cách của SVSP.
Để giáo dục truyền thống nghề nghiệp, có thể tiến hành thông qua những hình thức phong phú: tọa đàm về truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam; gặp gỡ, trao đổi với các thầy giáo mẫu mực, có nhiều đóng góp trong nhà trường, địa phương, xã hội, nghề sư phạm; thăm các di tích lịch sử liên quan đến nghề sư phạm; thăm Nhà truyền thống của nhà trường…
Cần chú ý thực hiện lồng ghép và tích hợp giáo dục truyền thống nghề nghiệp với các hoạt động khác trong Nhà trường, giúp SVSP nhận thức được giá trị cao quý của nghề nghiệp và có thái độ nghề nghiệp đúng đắn; lựa chọn những tấm gương thật mẫu mực và hoàn thiện trong công tác giáo dục truyền thống nghề nghiệp; đa dạng hóa các hình thức giáo dục truyền thống nghề nghiệp; tránh hiện tượng nhàm chán của SVSP.
2.2.2.5. Tổ chức các ngày lễ, hội mang ý nghĩa giáo dục đạo đức nghề nghiệp ở các khoa đào tạo sinh viên sư phạm
Cuộc sống của SVSP trường Đại học Vinh rất phong phú, vì số lượng cũng như việc tổ chức các ngày lễ hội diễn ra rất trọng thể. Việc tổ chức các ngày lễ, hội giúp SVSP có đời sống tinh thần tươi vui, lạc quan, yêu đời, được thể hiện và khẳng định bản thân, được phát huy tính năng động, sáng tạo. Đây là những phẩm chất quan trọng đối với quá trình hình thành các phẩm chất ĐĐNN của SVSP.
Trong số những ngày lễ, hội thì ngày Hiến chương nhà giáo Việt Nam (20/11) là quan trọng nhất. Đây là ngày để tri ân những thầy, cô giáo đã dạy dỗ biết bao thế hệ học trò, ngày để mỗi SVSP nhớ về những người thầy, người cô của mình với tấm lòng biết ơn sâu sắc, và cũng là ngày để mỗi SVSP tự hào về nghề mà mình đang theo học. Với tính chất độc đáo của ngày 20/11 - ngày tôn vinh các thầy cô giáo, vì vậy trường Đại học Vinh cũng thường rất chú trọng tổ chức ngày này một cách trọng thể, thậm chí thu hút
được cả sự tham gia của những SV ngoài sư phạm. Chính vì vậy, đây cũng chính là một giải pháp nhằm hình thành những phẩm chất ĐĐNN cho SVSP.
Hiện nay, việc tổ chức các ngày lễ, hội nhằm lôi cuốn SVSP tham gia các hoạt động phong phú, hình thành ở họ những phẩm chất tích cực như: năng động, sáng tạo, ý thức lập thân, lập nghiệp, mong muốn làm giàu chính đáng, thích ứng nhanh chóng và hòa đồng với mọi người xung quanh và hạn chế được những tác động tiêu cực bên ngoài như là sự ganh đua thái quá, lối sống thực dụng, ích kỷ, hẹp hòi, quá đề cao lối sống vật chất, hưởng thụ…
Việc tổ chức những ngày lễ, hội phải theo đúng mục đích, ý nghĩa giáo dục thiết thực của nó; tuyệt đối tránh căn bệnh hình thức, thành tích trong những ngày tổ chức lễ, hội; đa dạng hóa các hình thức tổ chức lễ, hội để lôi cuốn được tất cả SVSP tham gia với tinh thần nhiệt tình và hào hứng nhất; xây dựng kế hoạch tổ chức khoa học hợp lý, phù hợp với đặc điểm tâm - sinh lý của SVSP; không quá cầu kỳ hoặc phô trương; hình thức trong việc tổ chức, tránh gây tốn kém tiền bạc mà không có tác dụng giáo dục; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong nhà trường.
2.2.2.6. Nêu gương sáng về đạo đức nghề nghiệp, nhấn mạnh những gương sáng trong nhà trường
Lao động sư phạm là một loại lao động đặc biệt vì công cụ của nó là nhân cách của người thầy giáo. Do đó, hiệu quả lao động sư phạm phụ thuộc rất lớn vào công cụ đó. Điều này đặt ra yêu cầu cho người thầy giáo là phải liên tục trau dồi nhân cách để công cụ lao động của họ luôn sắc, bén, tinh nhạy và tạo ra hiệu quả cao. Hơn nữa, mối quan hệ giữa giảng viên sư phạm và SVSP là mối liên hệ liên nhân cách. Nhân cách của SVSP chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nhân cách của giảng viên sư phạm. Chính vì vậy, mỗi giảng viên sư phạm phải thực sự là những tấm gương sáng để SVSP noi theo. Tấm gương sáng là sự gương mẫu, chuẩn mực của người giảng viên sư phạm từ lời ăn, tiếng nói, lối sống, thế giới quan, các phẩm chất nghề nghiệp đến điều đơn giản nhất như đầu tóc, trang phục. Mỗi giảng viên sư phạm phải là một
“khuôn vàng, thước ngọc” để SVSP noi theo, giảng viên sư phạm có “bản lĩnh sư phạm” thực sự, là “thầy giáo của thầy giáo” do đó ảnh hưởng nhân cách của họ đến SVSP là rất lớn.
Giảng viên sư phạm phải thường xuyên, liên tục trau dồi nhân cách và chú ý xây dựng uy tín sư phạm cho mình, đối với nghề sư phạm thì yếu tố uy tín sư phạm quyết định chất lượng dạy học và giáo dục; có những quy định cụ thể và nghiêm khắc về ĐĐNN trong nhà trường; làm tốt công tác tự phê bình và phê bình giúp giảng viên sư phạm thường xuyên tự giáo dục, rèn luyện bản thân, tránh được những cám dỗ từ cuộc sống hưởng thụ, thực dụng; thực hiện dân chủ hóa trường học.
2.2.2.7. Đẩy mạnh các hoạt động của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên trường Đại học Vinh
Hoạt động của Đoàn trường và Hội Sinh viên trường có một ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng đào tạo SVSP trường ĐHV nói chung và tới việc hình thành xây dựng các phẩm chất ĐĐNN nói riêng. Chính vì vậy, cần tổ chức các hoạt động của đoàn, hội phong phú, có hiệu quả tích cực phục vụ cho hoạt động đào tạo của nhà trường. Trong những năm gần đây, đoàn trường Đại học Vinh đã tổ chức nhiều phong trào hoạt động, nhiều sân chơi cho sinh viên thể hiện bản lĩnh trí tuệ của mình.
Cần tiếp tục phát triển các hình thức hỗ trợ, biểu dương SVSP trong học tập và rèn luyện như: tuyên dương SV giỏi, SV xuất sắc. Đẩy mạnh phong trào rèn luyện NVSP, động viên SVSP tham gia nghiên cứu khoa học có chất lượng. Phối hợp với trung tâm phục vụ SV giáo dục ý thức, nhận thức, bồi dưỡng tình cảm nghề nghiệp cho SVSP.
Tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động tình nguyện theo hướng đa dạng về nội dung, nâng cao về chất lượng, phù hợp với từng đối tượng SV. Phát huy mạnh mẽ các hình thức tình nguyện tại chỗ, tình nguyện chuyên sâu. Tiếp tục hưởng ứng phong trào “vì miền Tây Nghệ An” và “Nghĩa tình Biên giới – Hải đảo”. Duy trì có hiệu quả các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, “Uống nước nhớ
nguồn”, quan tâm ủng hộ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có thể mở các lớp dạy tình nguyện để qua đó SVSP vừa rèn nghề vừa tu dưỡng ĐĐNN nghề dạy học của mình.
2.2.2.8. Tổ chức các hoạt động phong phú, nâng cao khả năng tự giáo dục, tự rèn luyện cho sinh viên sư phạm
Muốn xây dựng ĐĐNN, hình thành cho SVSP những phẩm chất đạo đức người thầy giáo phải làm chuyển biến về mọi mặt của SVSP, giúp họ biến quá trình giáo dục của nhà trường thành quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của bản thân. Việc tự giáo dục, tự rèn luyện là sự thể hiện một trình độ cao về ý thức, đạo đức của SVSP. Ở trình độ này, dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của giáo viên, SVSP nhận thức đúng đắn những phẩm chất ĐĐNN cần có của người giáo viên và họ tự so sánh mình đã có những phẩm chất gì, để từ đó họ có định hướng xây dựng, rèn luyện ĐĐNN của mình hướng tới mục đích đặt ra là trở thành một người giáo viên mẫu mực. Thực tế cho thấy những SVSP có ý thức thức tự giáo dục, tự rèn luyện thường có kết quả học tập cao, sớm hình thành những phẩm chất ĐĐNN cần thiết. Thực tế cũng chứng minh: những phẩm chất ĐĐNN được hình thành thông qua con đường tự giáo dục, tự rèn luyện thường bền vững và sâu sắc.
Để SVSP làm tốt việc tự giáo dục, tự rèn luyện trước hết cần làm cho họ nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của hoạt động này trong nhà trường trên con đường trở thành người giáo viên; hình thành cho SVSP nhu cầu tự giáo dục, tự rèn luyện; trang bị cho SVSP phương pháp, cách thức và kinh nghiệm trong việc tự giáo dục, tự rèn luyện; các giảng viên sư phạm cần theo dõi sát sao, giúp đỡ, động viên, khích lệ và uốn nắn SVSP kịp thời.
2.2.2.9. Tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận gắn với nội dung nghề nghiệp
Tổ chức các buổi tọa đàm, thảo luận hướng tới những chủ đề phong phú và đa dạng liên quan tới nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với sự hình thành và phát triển phẩm chất ĐĐNN cho SVSP, làm cho nhận thức, thái độ
và hành vi của họ có những thay đổi lớn, thậm chí có tính chất bước ngoặt. Những SVSP có đạo đức tốt và những SVSP suy thoái đạo đức cũng phải tự nhìn nhận, tự đánh giá một cách nghiêm túc, tự đối chiếu bản thân với những gì đã nghe, đã thấy và phải chịu trách nhiệm trước lương tâm về nhận thức, thái độ và hành vi của bản thân. Tổ chức tọa đàm, thảo luận giúp sinh viên biết trình bày vấn đề một cách rõ ràng, mạch lạc, có luận chứng, tự tin, thu thập kiến thức. Đây là những phẩm chất rất cần thiết cho công việc của người giáo viên sau này.
Căn cứ vào thực tiễn trường Đại học Vinh có thể tổ chức tọa đàm và thảo luận theo các chủ đề sau đây: học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, học tập những tấm gương của các nhà giáo ưu tú và nhà giáo nhân dân; bàn về đạo đức của SVSP hiện nay; ĐĐNN nghề dạy học xưa và nay; vai trò, vị trí của nghề dạy học, người thầy giáo hiện nay, truyền thống hiếu học của con người xứ Nghệ...
Việc tổ chức tọa đàm thảo luận cần chú ý: lựa chọn chủ đề đảm bảo tính giáo dục, phù hợp với mục đích, nhiệm vụ giáo dục, lôi cuốn được tất cả SVSP tham gia; giảng viên tham gia tổ chức cho SVSP, thảo luận phải có đủ khả năng để điều chỉnh, điều khiển buổi thảo luận đi đúng hướng, kết hợp việc thảo luận với các hình thức và các hoạt động khác trong Nhà trường. Có thể duy trì và nhân rộng mô hình hoạt động như “Câu lạc bộ Báo cáo viên”