Khi đi vào hoạt động doanh nghiệp nào cũng mong muốn doanh nghiệp mình không có các khoản nợ khó đòi. Khi đã xuất hiện nợ khó đòi thì đương nhiên doanh nghiệp đó sẽ phải có những biện pháp xử lý. Nhưng việc xử lý nợ khó đòi không phải là chuyện một sớm một chiều và không phải là việc đơn giản. Nó đòi hỏi doanh nghiệp phải có những biện pháp xử lý thật hiệu quả mà không ảnh hưởng tới các mối làm ăn của doanh nghiệp cũng như các khoản doanh thu doanh nghiệp có được khi vẫn giữ được những mối làm ăn đó. Việc xử lý nợ phải thu khó đòi thường phụ thuộc vào các nhân tố sau:
Sự phức tạp của nợ khó đòi: Nó là các khoản nợ lòng vòng giữa các tổ chức kinh tế với nhau, phát sinh từ lâu và đã quá hạn thanh toán nhiều năm, thiếu hồ sơ tài liệu pháp lý…Các khoản nợ khó đòi đã phải đem ra xử lý thường là các khoản nợ thuộc diện khó đòi (quá hạn từ 2-3 năm trở lên), phát sinh từ nhiều loại quan hệ khác nhau như quan hệ tín dụng hay quan hệ mua bán hang hoá, dịch vụ…và chủ yếu là không có tài sản đảm bảo nên việc đánh giá khả năng thu hồi gặp khó khăn do phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ hợp tác của bạn hàng trong việc cung cấp thông tin về năng lực tài chính và khả năng trả nợ. Khó khăn ở đây là phần lớn khách nợ không có thái độ hợp tác tích cực hoặc không cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác cho người thẩm định ở doanh nghiệp nên người xử lý nợ thường thiếu thông tin để đánh giá. Điều đó làm tăng độ rủi ro của nợ khó đòi .
Từ doanh nghiệp khách nợ: việc xử lý nợ tồn đọng phụ thuộc rất nhiều vào thái độ hợp tác của khách nợ. Những khách nợ đã để cho các khoản phải
trả của mình quá hạn thanh toán để doanh nghiệp là chủ nợ phải tiến hành xử lý nợ khó đòi tức là khách nợ đó đã không có khả năng trả nợ hoặc khách nợ đó không có ý muốn trả nợ nữa để chiếm dụng vốn. Chính vì thế mà hy vọng vào sự hợp tác của khách nợ là vô cùng nhỏ kể cả khách nợ là những doanh nghiệp Nhà nước. Do tình hình tài chính khó khăn nên những khách nợ này luôn cố tình tránh gặp các chủ nợ hay các tổ chức xử lý nợ để bàn về việc mua bán, thanh toán nợ. Một nguyên nhân nữa khiến các khách nợ này không chịu hợp tác là do tâm lý chây ỳ không chịu trả nợ để chờ nhà nước xoá nợ.
Từ phía doanh nghiệp chủ nợ: Xử lý các khoản nợ khó đòi thường làm giảm doanh thu của doanh nghiệp hoặc nếu giao bán nợ thì rất khó để bán được với giá cao vì các khoản nợ này từ lâu đời và rất khó đòi. Chính và thế giao bán nợ với giá thấp sẽ làm doanh nghiệp tổn thất nhiều, số tiền giao bán nợ đó doanh nghiệp hạch toán vào chi phí kinh doanh làm giảm lợi nhuận thu được. Vì thế mà các doanh nghiệp thường rất ngại xử lý nợ khó đòi, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước.
Từ cơ chế của Nhà nước: Nhà nước cần phải đưa ra được cơ chế hợp lý để xử lý nợ khó đòi. Nhưng thực tế hiện nay thấy cơ chế của Nhà nước ban hành về việc xử lý nợ vẫn còn nhiều bất cập.
Ngoài ra việc xử lý nợ còn chịu ảnh hưởng của các rào cản thông tin tạo ra những thông tin không cân xứng gây khó khăn cho tổ chức xử lý nợ khó đòi.