Trồng cây thuốc lá đúng kỹ thuật là góp phần rất to lớn vào hiệu quả chung của toàn bộ kỹ thuật nông nghiệp tác động lên cây thuốc lá. Nhiệm vụ chính của nó là bảo đảm cho hệ thống rễ cây phát triển bình thường, cây phục hồi sinh trưởng nhanh, tỉ lệ cây sống cao nhất. Thời gian phục hồi sinh trưởng và tỉ lệ cây sống phụ thuộc rất lớn vào chất lượng cây con, thời vụ trồng, phương pháp trồng...Do đó, trồng cây thuốc lá là một quá trình phức tạp bao gồm các khâu kỹ thuật liên hoàn, chuẩn bị cây con đem trồng, làm đất trước khi trồng, thời vụ, phương pháp trồng và việc giữ ẩm cho cây.
1.- Làm đất và thiết kế đồng ruộng:
Thuốc lá đòi hỏi việc làm đất phải hết sức cẩn thận, kỹ càng. Trồng thuốc lá trên những nơi làm đất xấu, đất không được phơi ải một thời gian nhất định, việc làm đất không đạt yêu cầu kỹ thuật,…sẽ làm hạn chế sự phát triển của hệ thống rễ, cây thuốc lá sinh trưởng phát triễn rất chậm, cằn cỗi, không đồng đều và sẽ làm cho việc sản xuất thuốc lá không đạt hiệu quả về năng suất và chất lượng. Nhiệm vụ của công tác làm đất trước khi trồng là tạo điều kiện thuận lợi cho hệ vi sinh vật đất phát triển, chuyển hoá dinh dưỡng trong đất để cây có thể huy động được toàn bộ chất dinh dưỡng cần thiết, thuận lợi cho hệ thống rễ phát triễn, giữ ẩm tốt, diệt cỏ dại, hạn chế sâu bệnh và ngăn chậm được quá trình rửa trôi, xói mòn...
Hiệu quả của hệ thống làm đất trước lúc trồng có quan hệ đến phương pháp cày đất (cày lật hoặc cày không lật đất), độ cày sâu, số lần cày bừa, thời vụ làm đất,... Đối với những vùng đất sau khi thu hoạch cây trồng vụ trước còn nhiều tàn dư thực vật như cỏ, rạ,...cần thiết phải dùng phương pháp cày lật đất (loại cày có diệp) để vùi sâu các chất hữu cơ giúp chúng phân giải dễ dàng. Những vùng đất khác do đất bị bỏ hoá trong mùa khô, đất sạch cỏ không nhất thiết phải cày lật đất.
Độ sâu cày có ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất và chất lượng thuốc lá nhưng không phải nhất thiết đất nào cũng cày sâu mà cần quan sát độ sâu của tầng đất mùn dày hay mỏng, độ sâu tầng đế cày,...Ở những vùng đất có lớp đất mùn không dày chỉ nên tiến hành cày sâu 20cm (trong phạm vi lớp mùn). Đối với những vùng đất có tầng đế cày cạn, khi làm đất không được phá hủy toàn bộ tầng đế cày và theo kinh nghiệm muốn tạo tầng đế cày sâu hơn, mỗi năm cày phá lớp đế cày cũ khoảng 5cm và áp dụng cày không lật đất. Quá trình canh tác nhiều năm, sẽ tạo tầng đế cày mới ở
mức sâu hơn. Cày sâu phải đi đôi với biện pháp bón phân hữu cơ, phân vô cơ và thiết kế những hệ thống ngăn chận sự bào mòn đất. Với những loại đất có thành phần sét và thịt cao; đi đôi với việc cày sâu, bón phân hữu cơ, phải tiến hành thêm việc trồng cây phân xanh để cải tạo đất.
Thời vụ làm đất, tuỳ tình hình cụ thể của từng nơi. Nó phụ thuộc vào thời gian thu hoạch cây trồng vụ trước, độ ẩm trong đất cũng như thời vụ trồng thuốc lá. Như đã biết, khi đất có độ ẩm lý tưởng thì việc cày đất mới thuận lợi như đất không bị dính chặt sau khi cày, giảm lực cản của cày, đất tơi xốp, không phá kết cấu của đất, diệt được cỏ dại, không bị lỏi, "chín đất". Sau thời gian chuẩn bị đất, trước khi trồng phải tiến hành cày lại và bừa nhiều lần. Các lần bừa sau phải vuông góc với lần bừa trước với mục đích san bằng đồng ruộng và làm cho đất tơi xốp, nhất là với đất có pha thịt.
Thiết kế đồng ruộng trồng thuốc lá hợp lý là công việc sau cùng của việc chuẩn bị đất để chống lại xói mòn và thoát nước kịp thời cho những vùng có vũ lượng lớn; mặc khác khi thiết kế đồng ruộng phải tính đến điều kiện thuận lợi cho công tác vận chuyển, chăm sóc,...Ở các vùng đất đồi gò nhiều, cần lưu ý thiết kế đồng ruộng theo đường đồng mức để hạn chế việc xói mòn đất. Cần lưu ý thêm một điều là để tận dụng lượng nước cung cấp cho công tác tưới thuốc lá khi thiết kế đồng ruộng phải tính tới việc tưới liên hoàn từ ruộng này qua ruộng khác. Khi thiết kế đồng ruộng cũng cần lưu ý tính mỹ thuật và đảm bảo tính nghiêm khắc của kỹ thuật nông nghiệp.
2.- Mật độ và khoảng cách trồng thuốc lá:
Xác định mật độ và khoảng cách trồng thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng mặt trời, lượng dinh dưỡng trong đất, điều hòa mối quan hệ giữa cá thể và quần thể,...để có một vụ thuốc lá tốt nhất. Cơ sở để xác định mật độ và khoảng cách trồng thuốc lá cần căn cứ vào:
- Đặc tính sinh học của từng giống, đặc biệt là kiểu hình của thân lá. - Khả năng cung cấp dinh dưỡng trong đất.
- Mức độ cơ giới hóa trong các khâu chăm sóc, thu hoạch. - Địa hình trồng thuốc lá.
- Yêu cầu của thị trường đối với lá xuất khẩu.
Các vùng trồng thuốc lá ở nước ta tương đối đa dạng, các giống thuốc lá chưa ổn định cho từng vùng cụ thể hơn nữa việc trồng trọt và chăm sóc, thu hoạch bằng điều kiện lao động thủ công,...nên có thể tham khảo và vận dụng khoảng cách, mật độ dưới đây:
1,1m x 0,55m = 16.529 cây / Ha
Một số vùng thuốc lá trên thế giới, sản xuất nguyên liệu để xuất khẩu người ta quan tâm nhiều hơn đến kích thước của lá nên đã qui định lấy tổng số lá trên đơn vị diện tích để điều hòa mật độ và khoảng cách. Số lượng lá hữu hiệu trên 1 Ha thay đổi từ 360.000 lá đến 450.000 lá. Người ta thường khống chế số lá kinh tế trên cây đối với thuốc lá vàng sấy là 18 đến 22 lá, với thuốc lá nâu phơi Burley là 24 đến 28 lá trên cây.
3.- Cách trồng thuốc lá:
Cách trồng thuốc lá đúng kỹ thuật quyết định đến khả năng hồi phục sinh trưởng của cây, tỉ lệ cây sống và ảnh hưởng đến các khâu chăm sóc ngoài đồng. Khi trồng thuốc lá phải lưu ý các yêu cầu sau:
- Hoàn tất các khâu chuẩn bị trước khi trồng.
- Độ lớn cây đồng đều, đúng tuổi xuất trồng. Thải loại những cây con thuốc lá không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và tốt nhất nên trồng cùng một ngày hoặc theo từng đợt.
- Trồng đúng vị trí theo mật độ và khoảng cách đã chuẩn bị. - Chú ý không làm hại bộ rễ khi trồng.
Trồng bầu:
Sau khi đất đã được chuẩn bị kỹ càng, đã rạch hàng và bấu lỗ thì có thể tiến hành trồng thuốc lá (nguyên tắc bấu lỗ đến đâu thì trồng đến đó để tận dụng độ ẩm trong đất). Cây cấy bầu được chọn là cây bầu khoẻ mạnh, đầy đủ tiêu chuẩn và có độ đồng đều cao. Cây bầu được chuyển từ vườn bầu ra ruộng trồng đến đâu thì được rải cạnh lỗ đào và trồng ngay đến đó, không được để bầu cây con phơi nắng.
Phương pháp trồng bầu: đất trồng sau khi được bấu lỗ theo khoảng cách cây
và hàng, có thể bón phân hổn hợp dưới lỗ (hoặc không bón) và các loại hoá chất phòng trừ tuyến trùng, sâu đất,...Sau đó đặt bầu vào ngay trung tâm của lỗ trồng và có xác định theo chiều dọc và ngang để cây bầu thẳng đứng và thẳng hàng, tưới nước vào 2/3 lỗ hoặc tưới ngang mép trên của bầu, song song đó bỏ vật liệu làm bầu ra ngoài bằng cách rút từ từ và nhẹ nhàng hoặc xé bỏ lớp nylon, lá...(tránh làm tổn thương đền hệ thống rễ và bể bầu đất), lấp đất cẩn thận và ém nhẹ để cây đứng vững. Sau đó, phủ lên một lớp đất khô để hạn chế việc bốc thoát hơi nước nhằm tạo điều kiện tốt cho giai đoạn huấn luyện chịu hạn sau này. Việc trồng bầu cần tôn trọng những vấn đề sau:
- Chọn cây bầu đồng đều và đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật để trồng là một yếu tố rất quan trọng trong việc chăm sóc và tăng năng suất sau này.
- Không được trồng quá sâu hoặc quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng.
- Không sử dụng đất ướt để lấp xuống lỗ và không bóp trộn trong lỗ khi đất còn ướt.
- Khi đặt cây bầu vào lỗ trồng, điều chỉnh độ cao, thấp của bầu cây để đảm bảo độ đồng đều trên quần thể cây trồng và tính mỹ thuật.
Những lưu ý khi trồng thuốc lá:
+ Khi vận chuyển cây con từ vườn ươm ra ruộng trồng và khi lấy cây con ra khỏi sọt cần tránh cho cây không bị xây sát và chỉ trồng những cây còn tươi. + Không được trồng cây con vào đất quá ướt (đất bùn). Nếu đất quá ẩm ướt sẽ
nhanh chóng khô đi tạo thành một vùng đất cứng chung quanh rễ làm hệ thống rễ phát triển không bình thường.
+ Cần theo dõi cẩn thận, không để đất đè lên hoặc lấp đỉnh sinh trưởng của cây + Cây con trồng tốt nhất vào buổi chiều mát. Tránh trồng vào những lúc nắng
nóng vì cây héo rất nhanh, tỉ lệ cây chết sẽ nhiều.
4.- Trồng dặm cây con:
Tỷ lệ cây chết sau khi trồng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: thời tiết, chất lượng cây thuốc khi mang ra trồng, phương pháp và kỹ thuật trồng, các loài sinh vật gây hại cho cây con thuốc lá. Vì thế, sau khi trồng 3 ngày hoặc khi cây thuốc lá đã bén rễ, phải tiến hành kiểm tra tình trạng cây chết và trồng dặm kịp thời. Khi trồng dặm cần chú ý chọn những cây con khỏe mạnh hoặc bầu cây tốt, có bộ rễ tốt. Nếu trồng thẳng, kinh nghiệm cứ khoảng 10-20m trên hàng trồng thuốc lá, có thể trồng 2- 3 cây thuốc lá dự phòng cùng lúc với công tác trồng thuốc lá trên đồng ruộng, khi cần dặm có thể bứng nguyên cả bầu đất để dặm vào chỗ cây chết. Cây con trồng dặm cần được chăm sóc cẩn thận nhất là việc tưới đủ ẩm cho cây.
IV.- Bón phân cho cây thuốc lá:
Trong các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp tổng hợp và liên hoàn nhằm tăng năng suất và chất lượng thuốc lá, phân bón giữ một vị trí cực kỳ quan trọng. Hiệu quả của sản xuất thuốc lá không những chỉ phụ thuộc vào năng suất mà còn phụ thuộc vào chất lượng sản phẫm. Nếu như bất kỳ một sự tăng sản nào dẫn đến thiệt hại về chất lượng thì sự tăng sản ấy đều không có ý nghĩa. Muốn có một tấn lá khô, cây thuốc lá cần lấy đi từ đất một lượng dinh dưỡng khá lớn: Từ 30 đến 35 kg Nitrogene, 25 đến 30 kg Phosphorus, 50 đến 70 kg Potassium và một số nguyên tố vi lượng khác. Lượng dinh dưỡng có trong cây để tạo thành các vật chất phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: khả năng trao đổi chất của cây, lượng dinh dưỡng tiềm tàn trong
đất, nguồn phân bón bổ sung, các quá trình vi sinh trong đất, khả năng hấp phụ các nguyên tố của các keo đất, sự rửa trôi dinh dưỡng... Vì vậy, một chế độ phân bón hợp lý cho từng giống thuốc lá phải hoàn toàn gắn liền với điều kiện đất đai, khí hậu của từng vùng.
Trong các loại cây trồng, thuốc lá là cây rất dễ thích ứng và nhạy cảm với phân bón. Ngoài các yếu tố để tăng sản, phân bón ảnh hưởng rất sâu sắc đến phẩm chất thuốc lá và nó được xem như là một yếu tố điều chỉnh phẩm chất. Ở cả hai mặt, thiếu và thừa phân bón đều dẫn đến hiệu quả kém, thừa phân bón hoặc tỉ lệ phối hợp không cân đối, ngoài việc giảm chất lượng nó còn làm cho cây thuốc lá kém sức đề kháng với những điều kiện bất lợi như chống hạn kém, dễ bị nhiễm sâu bệnh...
Mỗi giống thuốc lá đều có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Thuốc lá được trồng trên nhiều loại đất khác nhau, từ đất nghèo đến đất giàu dinh dưỡng nhưng phần lớn đất trồng thuốc lá đòi hỏi tính chất đất nhẹ là thích hợp nhất. Trong 3 yếu tố dinh dưỡng chính của cây thuốc lá nhu cầu cần nhiều nhất là Kali, Đạm và Lân. Mỗi một thành phần dinh dưỡng đều có tác dụng độc lập và tác dụng tương hỗ để thúc đẩy sinh trưởng và phát triển của cây thuốc lá.
Chi tiết xin xem ở Module 5:
“ Giới thiệu một số loại phân bón và hướng dẫn cách bón phân hợp lý”
V.- Chăm sóc cây thuốc lá:
1 - Tưới nước cho ruộng trồng thuốc lá:
Các vùng trồng thuốc lá trên thế giới, trong thời gian sinh trưởng của cây trên đồng ruộng ít nhất có tổng lượng mưa từ 200-300mm. Vì thế số lần tưới bổ xung cho cây thuốc lá ngoài đồng từ 4-5 lần trong suốt thời kỳ sinh trưởng, phát triển.
Việc tưới nước đầy đủ cho cây thuốc lá là một biện pháp kỹ thuật tăng sản và tăng chất lượng thuốc lá. Tưới nước đầy đủ sẽ tạo các điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sinh lý của cây, dễ dàng hoà tan phân bón, cải thiện chế độ nhiệt trong đất, tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật trong đất phát triển, tạo điều kiện tiểu khí hậu đồng ruộng tốt... Xác định chế độ tưới nước hợp lý để có hiệu quả, cần căn cứ vào các yếu tố sau:
- Đặc tính của đất, nhất là lý tính của đất để biết khả năng thấm nước và giữ ẫm của đất.
- Địa hình của đất bằng phẳng hoặc dốc, trũng...
- Khí hậu-thời tiết từng tiểu vùng như chế độ mưa, nắng, ẩm độ, gió...
- Các yêu cầu của từng giống thuốc lá và nhu cầu nước qua các thời kỳ sinh trưởng phát triển.
Việc thiếu nước hoặc thừa nước đều không có lợi về mặt năng suất và chất lượng thuốc lá. Không đủ nước thường làm cho cây thuốc lá sinh trưởng kém, thời gian sinh trưởng cây kéo dài, cây cằn cỗi, kích thước lá nhỏ, lá thuốc có màu xanh tối, lá chín không đồng đều và khó chuyển màu trong thời gian sấy. Sau khi sấy, lá thuốc có màu tối, các vật chất có lợi cho vật chất hút kém.
Thuốc lá rất cần nước nhưng rất sợ úng nước. Khi thừa nước, đất bí, thiếu oxy, quá trình nitrate hoá trong đất bị kìm hãm, các loại vi sinh vật háo khí trong đất kém phát triển. Ngoài ra, khi úng nước, kết cấu của đất rất dễ bị phá vỡ, một số chất dinh dưỡng trong đất bị trực di, sâu bệnh dễ lan truyền...Nếu nhiều nước, làm cho lá thô ráp, các vật chất có Đạm trong lá nhiều hơn. Khi lá chín, tỉ lệ nước trong lá rất cao gây tốn kém về nhiên liệu sấy cũng như khó sấy.
Thực hiện việc giữ ẩm cho đất trồng thuốc lá là biện pháp kỹ thuật nông nghiệp tổng hợp. Ngoài việc tưới, các biện pháp khác như cây trồng luân canh, bón phân hợp lý, đúng mật độ khi trồng...cần phải được nghiên cứu cho từng vùng cụ thể và tiến hành đồng bộ vì chúng có tác dụng hỗ trợ cho nhau.
Việc quy hoạch, thiết kế đồng ruộng đúng đắn có ý nghĩa rất lớn để thực hiện kỹ thuật tưới, trong đó bao gồm nước đi vào, chất lượng nước tưới, độ dốc của đồng ruộng, cách thiết kế luống trồng và chiều dài luống,...
Muốn có một tấn thuốc lá khô, cây thuốc lá cần phải có từ 200 đến 400m3 nước hữu ích. Lượng nước hữu ích phải có như vậy là chưa tính đến sự bốc thoát hơi nước ở lá cây thuốc lá, sự bốc hơi mặt thoáng của đất, lượng nước ngấm quá sâu xuống đất...thì cần thiết phải tưới cho thuốc lá một lượng nước rất lớn.
Chế độ tưới hợp lý nhằm nâng cao năng suất và chất lượng thuốc lá bao gồm: phương pháp tưới, số lần tưới, thời gian và lượng nước tưới.