Nhóm giải pháp hỗ trợ:

Một phần của tài liệu Lạm phát mục tiêu khả năng áp dụng khuôn khổ chính sách lạm phát mục tiêu của việt nam (Trang 58 - 65)

CHƢƠNG 2: THỰC TRẠNG LẠM PHÁT VÀ CHÍNH SÁCH KIỂM SOÁT LẠM PHÁT CỦA VIỆT NAM.

3.3.3.3. Nhóm giải pháp hỗ trợ:

a) Nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Ngân hàng Trung ương.

Lý do quan trọng trong việc áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu là nó làm cho chính sách tiền tệ trở nên rõ ràng và minh bạch. Có hai vấn đề cần được nghiên cứu để vận dụng. Thứ nhất, mục tiêu lạm phát được chuyển tới thị trường và công chúng như thế nào? Thứ hai, trách nhiệm của Ngân hàng Trung ương về thực thi mục tiêu lạm phát sẽ ra sao?

Một trong những yêu cầu cần thiết để mục tiêu lạm phát được thực hiện thành công là phải thiết lập được cơ chế cụ thể về tính minh bạch và cách giải trình trước công chúng của Ngân hàng Trung ương. Điều này đòi hỏi lựa chọn một cơ chế truyền tải thích hợp, bao gồm: nội dung truyền tải, cách thức truyền tải, và các cam kết khi công bố nội dung truyền tải.

Thứ nhất, nội dung truyền tải cần bao gồm: Quan điểm của Ngân hàng Trung ương về việc thực hiện mục tiêu lạm phát; Tổng quan tình hình lạm phát theo mục tiêu; Diễn biến lạm phát trong thực tế; Những động thái/giải pháp của Ngân hàng Trung ương để thực hiện mục tiêu lạm phát; và Các giải trình khi cần điều chỉnh mục tiêu.

Thứ hai, về cách thức truyền tải: Có thể áp dụng các kênh thường xuyên, định kỳ và không định kỳ. Kênh thường xuyên, định kỳ (tháng, quý) thông qua các ấn phẩm như báo cáo thường niên, báo cáo định kỳ về lạm phát; thông qua giải trình định kỳ của Thống đốc Ngân hàng Trung ương trên truyền hình. Kênh đột xuất thông qua tổ chức họp báo, trả lời báo chí và công chúng.

Thứ ba, về cam kết nội dung truyền tải: Các ấn phẩm – báo cáo, trả lời báo chí của Ngân hàng Trung ương cần được xác thực bởi Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Để đảm bảo trách nhiệm của Ngân hàng Trung ương trong việc thực hiện mục tiêu lạm phát, bên cạnh việc truyền tải các thông tin minh bạch trước công chúng, thì Thống đốc Ngân hàng Trung ương cần phải thể hiện rõ các cam kết với cơ quan thẩm quyền cao hơn, như :(1) Thư hoặc văn bản cam kết với Quốc hội; (2) Thư hoặc văn bản cam kết với Thủ tướng Chính phủ; (3) Thư hoặc văn bản cam kết với Chủ tịch nước. Trên cơ sở thực tế của Ngân hàng Trung ương hiện nay, đối chiếu với kinh nghiệm quốc tế, tăng cường công tác truyền thông trong điều hành chính sách tiền tệ cần được đẩy mạnh hơn nữa trên những phương diện sau: Trong ngắn hạn: (1) Ngân hàng Trung ương xác định các loại thông tin cần công bố cho thị trường; (2) Quy định những thông tin công bố định kỳ (hoặc đột xuất) về điều hành chính sách tiền tệ; (3) Tổ chức khảo sát thường kỳ hoặc đột xuất nhằm thăm dò ý kiến của các thành viên thị trường tiền tệ về nhu cầu thông tin, kênh cung cấp thông tin; (4) Đối với trang thông tin điện tử của Ngân hàng Trung ương, các thông tin về điều hành chính sách tiền tệ được cung cấp một cách đầy đủ, đảm bảo tính minh bạch sao cho tất cả các thành viên thị trường tiền tệ đều có khả năng truy cập và nắm bắt thông tin kịp thời.

Trong trung, dài hạn: (1) Tổ chức họp báo định kỳ hoặc đột xuất khi có các thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ; (2) Công bố các báo cáo điều hành

chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương theo định kỳ, các phân tích và dự báo triển vọng kinh tế vĩ mô, lạm phát, tài chính tiền tệ và định hướng điều hành.

b) Cơ chế phối hợp các chính sách vĩ mô.

Để đạt được những mục tiêu kinh tế vĩ mô đặt ra, chính sách tiền tệ khó có thể thực hiện thành công nếu không có sự phối hợp tốt với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là chính sách tài khóa. Hơn nữa, ở Việt Nam, Quốc hội đặt ra các mục tiêu như tăng trưởng, lạm phát nhưng chúng ta chưa chính thức có biện pháp, cơ chế điều phối chung để thực hiện những mục tiêu này. Việc định lượng các mục tiêu về lạm phát và tăng trưởng thường dựa vào các mức đã đạt được năm trước mà ít có sự dự báo những biến động trong kỳ kế hoạch cũng như những tác động trễ của chính sách trong các thời kỳ trước. Hơn nữa, việc ấn định mục tiêu ở một con số mà không quy định khung dao động trong điều kiện đầy biến động sẽ gây nên sự thiếu tin tưởng đối với các cam kết chính sách. Bởi không thể theo đuổi đồng thời hai mục tiêu trái chiều nên việc xác định và công bố mục tiêu trọng tâm trong từng thời kỳ cần làm thường xuyên và nhất quán nhằm định hướng hoạt động cho từng chính sách. Trên cơ sở đó các hoạt động của từng chính sách cần có sự phối hợp nhằm đạt được mục tiêu trong từng thời kỳ mà không phương hại đến mục tiêu dài hạn.

Trên thực tế, trong một số thời kỳ, Chính phủ kêu gọi ổn định giá cả nhằm duy trì mục tiêu lạm phát nhưng mức vay nợ của Chính phủ không giảm, bội chi ngân sách cao, dư nợ cho vay của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển (Ngân hàng Phát triển) không ngừng tăng cộng với các đợt điều chỉnh lương rất nhạy cảm thực sự là cú hích đẩy mặt bằng giá tăng. Lạm phát tăng cao xuất phát từ M2 gia tăng còn do tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các Ngân hàng Thương mại vẫn ở mức lớn, đầu tư ngân sách và tín dụng phát triển qua Ngân hàng Phát triển quốc gia cũng rất lớn nhưng vẫn chưa được linh hoạt để điều chuyển tiền gửi kho bạc Nhà Nước về Ngân hàng Trung ương để hạn chế số nhân tiền tệ. Ảnh hưởng lan truyền của tình trạng này là mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cộng hưởng bởi nhu cầu huy động vốn của tổ chức tín dụng tăng mạnh (đặc biệt vào cuối năm) do áp lực của tỷ lệ tăng trưởng mà Quốc hội đề ra. Lãi suất cao cùng với các quy định thắt chặt việc kiểm soát chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ làm cho nhu cầu đầu tư giảm

tương đối, trong khi mức lãi suất cao lại không giảm được tỷ lệ lạm phát bởi nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía tổng cung: giá nguyên liệu thế giới, vấn đề cơ cấu, hiệu quả,...

Vào những tháng đầu năm 2012, cùng với việc đưa ra thông điệp mạnh mẽ với các nhóm giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát, tăng cường ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, Chính phủ đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách vĩ mô, đặc biệt là giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa trong “cuộc chiến” chống lạm phát. Theo đó, Chính phủ xác định kiểm soát lạm phát nằm ở vị trí số 1 trong nhóm giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, chính sách tài khóa thắt chặt, kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát tốc độ Tổng phương tiện thanh toán, tín dụng, bảo đảm lãi suất ở mức hợp lý, và đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế. Tuy nhiên, điều quan trọng là các chính sách cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả đạt được các mục tiêu đề ra và đem lại niềm tin cho nhà đầu tư và dân chúng. Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tiền tệ và chính sách tỷ giá, tiến tới một cơ chế tỷ giá linh hoạt hơn.

c) Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt theo nguyên tắc thị trường

Hoàn thiện các công cụ và phương thức điều hành chính sách tiền tệ theo hướng gắn với các yếu tố thị trường mà vai trò chủ đạo là nghiệp vụ thị trường mở, phù hợp với các điều kiện thực tế của thị trường tài chính tiền tệ và năng lực quản lý của Ngân hàng Trung ương Việt Nam; Kết hợp linh hoạt các công cụ chính sách để kiểm soát mức tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Đổi mới cơ chế điều hành theo hướng lãi suất là mục tiêu điều hành chủ động trong thực thi chính sách tiền tệ; Gắn điều hành lãi suất trong mối quan hệ hài hòa với điều hành tỷ giá và kiểm soát ngoại hối.

Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc phân tích, dự báo để xây dựng và điều hành chính sách tiền tệ: xác định cơ chế truyền dẫn chính sách tiền tệ; Xây dựng mô hình dự báo chính thức, minh bạch về lạm phát; Đánh giá thường xuyên

về hiệu quả cơ chế truyền dẫn; xác định rõ ràng các mục tiêu chính sách trong từng thời kỳ.

KẾT LUẬN

Trong nền kinh tế hiện đại, cho dù còn có các ý kiến khác nhau, song đa số đã khẳng định rằng, ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát ở mức thấp và ổn định phải là mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ. Để thực hiện mục tiêu cuối cùng, lịch sử kinh tế thế giới và thực to các nước cho thấy hầu hết các ngân hàng trung ương, trong thời gian này hay thời gian khác, đã sử dụng các chỉ tiêu trung gian như tổng khối lượng tiền (M2,M3), tỷ giá hối đoái hay mục tiêu lạm phát, như những cái “neo” buộc chính sách tiền tệ hướng tới mục tiêu cuối cùng. Trong đó, neo mục tiêu lạm phát tới nay mới có khoảng 30 nước trên thế giới sử dụng nhưng đã tỏ ra khá hiệu quả. Tỷ lệ lạm phát đạt được trong phạm vi mục tiêu hoặc thấp hơn khung mục tiêu ở tất cả các nước theo đuổi chính sách này. Các nước áp dụng khuôn khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu có kết quả hoạt động kinh tế vĩ mô tốt hơn so với trước khi áp dụng cơ chế này, đồng thời, khả năng ứng phó với khủng hoảng của các nước áp dụng lạm phát mục tiêu cũng tốt hơn so với các quốc gia không áp dụng lạm phát mục tiêu.

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu cho thấy, để áp dụng chính sách này thành công, các nước đã hội đủ một số điều kiện nhất định như: Mục tiêu lạm phát là mục tiêu ưu tiên trong các mục tiêu của chính sách tiền tệ; Không có áp chế tài chính; Ngân hàng Trung ương chủ động hoàn toàn trong việc sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ. Đa số các điều kiện và các yếu tố khác được coi là căn bản đối với khuôn khổ lạm phát mục tiêu có thể được thiết lập sau khi đưa ra áp dụng lạm phát mục tiêu.

Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn và nâng cao tính độc lập của mình. Trong khi đó, với sự biến động ngày càng tăng của nền kinh tế thế giới và sự phát triển ngày càng đa dạng của nền kinh tế thị trường, các giao dịch kinh tế, tiền tệ ngày càng trở nên phức tạp hơn, thì việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ hiện nay tỏ ra không hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát. Từ năm 2004 đến nay, lạm phát diễn biến phức tạp và gia tăng. Kinh tế vĩ mô bất ổn định.

Chúng ta có thể thấy rằng việc áp dụng khuổn khổ lạm phát mục tiêu đã đạt được thành công ở nhiều quốc gia trên thế giới và ở khu vực trong việc duy trì lạm phát thấp, ổn định góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm thất nghiệp trong dài hạn. Hơn nữa, khuôn khổ lạm phát mục tiêu không đòi hỏi Ngân hàng Trung ương phải từ bỏ những mục tiêu quan trọng về kinh tế vĩ mô như mức tăng trưởng kinh tế, công ăn việc làm và sự biến động tỷ giá. Thực tế áp dụng khuôn khổ lạm phát mục tiêu ở một số nước Châu Á như: Philippines, Indonesia và điển hình là Thái Lan đã cho thấy chính sách lạm phát mục tiêu không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế trong dài hạn, thay vào đó là những tác động tích cực đối với nền kinh tế. Vì vậy, trong thời gian tới, việc áp dụng khuôn khổ lạm phát mục tiêu được xem là một đột phá chiến lược chính sách tiền tệ cần được nghiên cứu và sớm vận dụng một cách đầy đủ và phù hợp với Việt Nam.

Một phần của tài liệu Lạm phát mục tiêu khả năng áp dụng khuôn khổ chính sách lạm phát mục tiêu của việt nam (Trang 58 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(66 trang)