Khung lạm phát mục tiêu

Một phần của tài liệu Lạm phát mục tiêu khả năng áp dụng khuôn khổ chính sách lạm phát mục tiêu của việt nam (Trang 51 - 53)

CHƢƠNG 2: THỰC TRẠNG LẠM PHÁT VÀ CHÍNH SÁCH KIỂM SOÁT LẠM PHÁT CỦA VIỆT NAM.

3.3.1.2.Khung lạm phát mục tiêu

Khung lạm phát mục tiêu chính là biên độ mà tại đó chỉ số lạm phát được phép biến động. Việc đưa ra khung chỉ số lạm phát có thể cho phép ngân hàng trung ương linh hoạt ứng phó với những cú sốc và đưa ra lựa chọn tối ưu trong bối cảnh ngân hàng trung ương còn theo đuổi các mục tiêu khác. Thêm nữa, biên độ của khung chỉ số lạm phát báo hiệu trước cho ngân hàng trung ương phạm vi những dao động của chỉ số lạm phát. Sự linh hoạt của ngân hàng trung ương phụ thuộc vào biên độ của khung chỉ số lạm phát, tuy nhiên nếu khung chỉ số lạm phát quá rộng, nó sẽ làm cho những kỳ vọng lạm phát và những cam kết của ngân hàng trung ương kém rõ ràng hơn. Việc lựa chọn thu hẹp hay mở rộng biên độ của khung lạm phát phụ thuộc vào tần suất, mức độ nghiêm trọng của các cú sốc và sự tín nhiệm của ngân hàng trung ương. Để cung cấp một hướng dẫn rõ ràng về kỳ vọng lạm phát, khắc phục nhược điểm của việc có một dãy các chỉ số mục tiêu lạm phát, hầu hết các ngân hàng trung ương hoặc là đặt điểm mục tiêu, hoặc là vừa đặt điểm mục tiêu và cho phép biên độ giao động là ± 2% hoặc ít hơn.

Tại các nước áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu, có một số nước áp dụng khung lạm phát mục tiêu (New Zealand: 0% - 3%; Canada: 1% - 3%; EU: 2% hoặc < 2%), trong khi một số nước khác lại chọn lạm phát mục tiêu là một con số cụ thể. Chẳng hạn, Anh và Ba Lan quy định tỷ lệ lạm phát hàng tháng trong năm (so với cùng tháng của năm trước) không quá mục tiêu nêu trên. Trong khi đó, Hungary lấy chỉ số lạm phát tháng 12 so với chỉ số đầu năm để so với mục tiêu đã đặt cho cả năm. Dĩ nhiên, so với các nước này thì các nước đặt ra khung lạm phát mục tiêu ở trong một biên độ nhất định có ưu điểm rõ ràng là tạo ra độ linh hoạt cao

hơn và chuyển tải tới công chúng thông điệp rằng kiểm soát lạm phát là công việc khó đạt kết quả tuyệt đối. Khung lạm phát mục tiêu dao động trong một khoảng biên độ nhất định tạo thuận lợi cho ngân hàng trung ương trong việc cam kết với công chúng rằng họ sẽ cố gắng kiểm soát lạm phát nằm trong khung đó.

Đối với Việt Nam, Ngân hàng Trung ương cần lựa chọn khung lạm phát mục tiêu như thế nào cho phù hợp? Từ trước tới nay, chỉ tiêu lạm phát hàng năm do Quốc hội thông qua được xem như một mức trần được phép về lạm phát của năm đó. Liên tục nhiều năm qua, chỉ số lạm phát thực tế thường thoát ly ở mức cách biệt khá lớn so với mức trần Quốc hội cho phép. Do khả năng dự báo CPI còn hạn chế, lạm phát thực tế thường cao hơn nhiều so với lạm phát mục tiêu và cũng không ít năm lạm phát mục tiêu đặt cao nhưng lạm phát thực tế lại rất thấp. Việc đặt mục tiêu lạm phát chỉ có mức trần nhưng không quy định mức sàn đã làm cho Ngân hàng Trung ương rất bị động trong kiểm soát thiểu phát cũng như trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung. Từ những cơ sở trên, có thể đưa ra khung mục tiêu lạm phát để Ngân hàng Trung ương Việt Nam nghiên cứu ứng dụng khi áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu như sau:

Khung lạm phát mục tiêu là một biên độ vừa đảm bảo ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát và vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu. Biên độ có thể hợp lý cho giai đoạn 5 năm đầu áp dụng chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu là (6%/năm, ± 2%/năm) và cho giai đoạn các năm tiếp theo là (4%/năm, ± 1%).

Cơ sở của để đưa ra khung lạm phát như trên: Thứ nhất, trong thời gian trung hạn Việt Nam vẫn là nước có tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào lớn. Vì thế, chúng ta phụ thuộc vào giá cả thế giới. Do vậy, xu hướng giá cả thị trường còn tăng mạnh và biến động bất thường hàng năm. Chúng ta không thể đặt biên độ mục tiêu lạm phát hẹp hơn ± 2% cho giai đoạn 5 năm đầu và ± 1% cho các năm tiếp theo vì lạm phát thực tế biến động dễ chệch biên độ đặt ra. Thứ hai, sai số trong tính toán CPI đến một vài phần trăm là chuyện có thể xảy ra, nhất là khi trình độ và công cụ tính CPI của Việt Nam còn rất hạn chế. Vì vậy, biên độ đặt ra là ± 2% cho giai đoạn 5 năm đầu và ± 1% cho giai đoạn tiếp theo là phù hợp. Thứ ba, mức sàn lạm phát

4% cho giai đoạn 5 năm đầu và 3% cho giai đoạn tiếp theo hàm ý đảm bảo cho nền kinh tế đạt mức tăng trưởng kỳ vọng tối thiểu.

Một phần của tài liệu Lạm phát mục tiêu khả năng áp dụng khuôn khổ chính sách lạm phát mục tiêu của việt nam (Trang 51 - 53)