CHUẨN BI ĐƯA TUABIN VÀO HOẠT ĐỘNG

Một phần của tài liệu Tài liệu THIẾT BỊ ĐỘNG LỰC HƠI NƯỚC - Phần 3 doc (Trang 76 - 77)

Chuẩn bị đưa tuabin vào làm việc bao gồm các bước sau: 1. Kiểm tra bên ngoài tuabin

Ta phải tiến hành kiểm tra các thiết bị của tuabin trước và sau khi đưa tuabin vào làm việc, như:

− Kiểm tra các thiết bị đo lường, kiểm tra lắp trên thân tuabin và hộp số như các nhiệt kế, áp kế, tốc độ kế v.v...

− Áp kế khi thông với khí quyển phải chỉ giá trị ‘0’. Tốc độ kế khi tàu dừng phải chỉ 0 vòng/phút, khi động khẽ vào kính tốc độ kế kim chỉ sẽ dao động.

− Đo các khe hở dọc trục, khe hở hướng kính của tuabin. Kết quả đo phải được ghi vào nhật ký máy và nhật ký kiểm tra và các khe hở phải nằm trong phạm vi cho phép.

− Khởi động bơm dầu bôi trơn cho tuabin.

− Dùng máy via để via máy vài lần, trong thời gian via máy phải theo dõi tải trọng của máy via, thông qua đồng hồ đo dòng điện của máy via.

Khi tải của máy via quá lớn, dòng điện tiêu thụ của máy via quá lớn, phải dừng máy via và kiểm tra tìm nguyên nhân và khắc phục. Nguyên nhân tải của máy via quá lớn có thể do bạc bít chân vịt bị siết quá chặt, có thể bị kẹt phần động với phần tĩnh của tuabin, có thể do nước đọng trong tuabin, có thể do mục rỉ ở cổ trục tuabin v.v...

Kiểm tra sự hoạt động của các van đóng nhanh, van manơ chính, van manơ phụ bằng cách mở hết các van này sau đó đóng lại. Khi kiểm tra các van manơ phải đóng van cấp hơi chính lại để không làm quay tuabin.

2. Đưa hệ thống dầu bôi trơn vào làm việc

Khi đưa hệ thống dầu bôi trơn vào làm việc, ta cần phải:

− Xả cặn đáy, xả nước ở các két dầu tuần hoàn (két treo).

− Kiểm tra mức dầu nhờn trong két, nếu thiếu phải bổ xung.

− Trước khi khởi động hệ thống, dầu nhờn phải được lọc kỹ càng.

− Khởi động bơm dầu nhờn và đưa áp suất dầu nhờn đến áp suất công tác. Khi đó phải kiểm tra độ kín của hệ thống dầu nhờn, kiểm tra các dụng cụ đo của hệ thống dầu nhờn, kiểm tra xem phin lọc có sạch hay không, thông qua chênh lệch áp suất dầu trước và sau phin lọc.

3. Đưa bầu ngưng vào hoạt động

Quy trình đưa bầu ngưng vào hoạt động bao gồm các bước:

− Khởi động bơm hút chân không, tạo chân không ở bầu ngưng, để độ chân không đạt 2/3 giá trị công tác. Khi áp suất bình ngưng giảm, thì áp suất trong thân tuabin, nhất là trong tuabin thấp áp cũng bắt đầu giảm, do đó để tránh tuabin hút không khí vào trong giai đoạn này, phá huỷ chân không đã tạo thành ở bầu ngưng, ta phải cấp hơi vào bao hơi làm kín tuabin trước khi giảm áp suất bình ngưng.

4. Hâm nóng tuabin

Công việc quan trọng nhất trước khi đưa tuabin vào hoạt động là hâm nóng tuabin. Hâm nóng tuabin nhằm mục đích từ từ đưa tuabin tới gần với điều kiện làm việc nhất, để tránh ứng suất nhiệt khi khởi động tuabin. Hơi sấy nóng tuabin có thể được dẫn vào theo các đường ống riêng biệt (nếu trong kết cấu có đường ống sấy hơi), có thể được dẫn vào theo đường cấp hơi chính, theo van manơ. Khi sấy nóng tuabin, tuabin phải quay. Thời gian sấy nóng tuabin được hãng chế tạo tuabin quy định một cách chính xác và thường bằng 15 đến 30 phút.

Trong thời gian sấy tuabin áp suất ở bình ngưng duy trì cao hơn áp suất định mức một ít. Thời gian kết thúc hâm sấy tuabin và nhiệt độ đạt được sau khi hâm sấy tuabin phải được ghi vào nhật ký máy.

Một phần của tài liệu Tài liệu THIẾT BỊ ĐỘNG LỰC HƠI NƯỚC - Phần 3 doc (Trang 76 - 77)