Dân tộc Việt nam ta từ khi dựng nước đã phải tiến hành dựng nước và giữ nước đương đầu với nhiều kẻ thù mạnh hơn chúng ta nhiều lần. Nhân dân Việt Nam đã hun đúc nên truyền thống yêu nước chống ngoại xâm. Sau khi đỗ đạt các bậc đại khoa ở Cổ Bôn đã đem hết tài năng của mình để phụng sự cho non sông xã tắc. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí yếu thì thế nước yếu mà thấp hèn”,
các triều đại Việt Nam không triều đại nào xem nhẹ việc kén chọn kẻ sĩ, bồi dưỡng nhân tài, vun trồng nguyên khí làm công việc cần kíp. Đối với quê hương và đất nước các thế hệ cha ông đã lấy sự học làm động lực để tăng cường sức mạnh cho dân tộc. Truyền thống hiếu học của dân tộc, đạo “Cương
thường, trung hiếu, Tu tề trị bình” và mục tiêu đào tạo, tuyển chọn nhân tài qua việc học, thi thời phong kiến đã trở thành động lực để các ông “Nấu sử sôi kinh”, “Đêm ngày đèn sách”…để “Chiếm bảng đề danh” đem tài đức, học vấn “Phò vua giúp nước, cứu dân”. Các nhà khoa bảng ở Cổ Bôn rực sáng tên tuổi nhiều bậc hiền tài, “Trung quân ái quốc, “Văn võ song toàn”, từng lập nhiều công đức cho nước cho dân, được xếp vào hàng ngũ danh nhân cổ kim, là tấm gương để đời đời con cháu noi theo. Họ đều là những điểm sáng văn hóa, từng tham gia hoạt động chính trị xã hội, là nhà giáo, nhà thơ, nhà sử học, quân sự…mà lao động trí tuệ, tài đức đã góp phần làm rạng rỡ non sông đất nước, quê hương. Tuy thành phần xuất thân, điều kiện gia đình xã hội và con đường tới đích của mỗi người có khác nhau: có người thành đạt, có địa vị cao sang trong xã hội, có người học thức cao nhưng không ra làm quan, có người học rộng tài cao nhưng không đỗ đạt… Dù cảnh đời có khác nhau nhưng họ đều có một chí hướng chung là muốn bồi đắp cho cương thường, giữ gìn chính giáo hoặc lấy sự nghiệp phò vua giúp nước, lấy phẩm hạnh mà làm mẫu mực cho người đời, lấy giáo hóa mà tác thành hậu tiến… nên đều được xã hội đương thời tôn trọng. Noi gương người xưa, xứ Thanh đời nay cũng có người học rộng, tài cao, đức trọng không thua kém thế hệ trước. Như Lưu Ngạn Quang đỗ Hoàng giáp năm Tân Sửu (1481) vượt qua khó khăn của sự nghèo túng, sự đàn áp của bọn tham quan ô lại trở thành vị quan thanh liêm, chính trực công đức đã đi vào lòng con cháu trong dòng họ và người dân làng Cổ Bôn đời đời tưởng nhớ. Nguyễn Văn Nghi người có học vấn cao, tính tình đoan chính có khuôn phép và là bậc đại nho. Ông là người thầy của hai vua Lê: Lê Anh Tông và Lê Thế Tông, được ba vua Lê tri ngộ. Phan Huy chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã xếp ông vào hàng các nhà Nho đức nghiệp “Tiếng tăm hơn cả các nhà Nho thời Trung hưng”. Nguyễn Văn Nghi là bậc đại khoa ngôi cao chốn triều trung được tôn làm phúc thần vinh
hoa chồng chất, phúc đức cao dầy, phúc cho nước phúc cho dân, phúc cho con cháu, phúc cho dòng dõi… Ông thọ 69 tuổi khi mất được tòa Hàn lâm sắc phong: Thông chính hệ trạch hộ quốc hiệu dân, hậu công, hậu phúc Đại vương. Lê Khả Trù là người nổi tiếng hay chữ sống cùng thời với các bậc tân khoa cùng làng xã như ông quan tả thị lang Nguyễn Trừng, ông Đặng quận công Nguyễn Khải, rất tiếc những tác phẩm của ông không còn nhiều nhưng qua bài soạn văn bia Nguyễn tướng công do chính tay ông viết hiện đang còn lưu giữ tại đền thờ Nguyễn Văn Nghi, ghi bài kí ca ngợi công lao Nguyễn Khải đủ biết tài năng của ông như thế nào. Lê Khả Trinh cháu nội Lê Khả Trù là con người mẫu mực học vấn tinh thông, có tài năng trong việc trị nước và thương dân. Tiến Sĩ Cao Cử là trung thần dưới thời Lê Chân Tông, được nhân dân và dòng tộc mến phục, ông là người minh triết, thông đoán, tấm lòng thanh liêm, thương dân, yêu nước. Thám hoa Thiều Sỹ Lâm tiêu biểu cho truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam ta. Đối với thầy học người ta hay kể chuyện Lê Khả Trinh, ông đậu tiến sĩ năm 18 tuổi và là học trò của thám hoa Thiều Sĩ Lâm. Thầy học qua đời mà không có con trai. Bấy giờ vợ thiếp của thầy đang có mang, bị ông quận Vạc cưỡng đoạt. Sau người thiếp ấy sinh con trai, tính ngày thì biết đó là con của Thiều Sĩ Lâm chứ không phải quận Vạc. Lê Khả Trinh từ quan theo đuổi việc kiện tụng để giành lại người con trai cho thầy học. Lê Thế Thứ được người đời mệnh danh là “Bồ chữ ” thời bấy giờ cùng với ông tú Bẩy tức Lưu Ngạn Tố 7 lần thi đỗ tú tài dưới triều Nguyễn.
Công đức của các vị thấm lòng dân nên được lập đền thờ, được khắc tên vào bia đã ở địa phương để thờ phụng và lưu truyền hậu thế.
Nhân dân xã Đông Thanh nói chung và nhân dân các dòng họ hôm nay, đang ngày một phát huy nêu gương người tốt việc tốt, uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây để xứng đáng với tên gọi Cổ Bôn ngàn năm văn vật
mà ông cha ta đã làm nên. Đặc biệt qua từ đường dòng họ Nguyễn, Cao, Lưu… trong đó lưu giữ bằng chứng về sự đỗ đạt của nhà khoa bảng, chúng ta mới thấy hết nỗ lực tuyệt vời mà cha ông ta đã dày công vun đắp cho thế hệ cháu con. Đó là bằng chứng cho tinh thần và ý chí của người Việt Nam ta.
Người dân Việt Nam qua mấy nghìn năm lịch sử đã không ngừng phấn đấu và lao động học tập để xây dựng và bảo vệ tổ quốc, các thế hệ con cháu không những rèn luyện bản lĩnh vững vàng tinh thần yêu nước quật cường để chiến thắng ngoại xâm mà còn nhận thức được tầm quan trọng của tri thức để góp phần đưa đất nước văn minh giàu mạnh, tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Luôn coi trọng việc khuyến học cầu hiền để hưng thịnh quốc gia, đó là sức mạnh, niềm tin và còn là chân lí nữa.