Nghệ thuật thơ Nguyễn Mộng Tuân

Một phần của tài liệu Đóng góp của nguyễn mộng tuân cho văn học thời lê sơ (Trang 84 - 92)

NHỮNG ĐÓNG GÓP VỀ THƠ CỦA NGUYỄN MỘNG TUÂN

3.3. Nghệ thuật thơ Nguyễn Mộng Tuân

Nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Mộng Tuân được Lê Quý Đôn nhận xét: “thơ văn bình dị, không có chất buồn của sở từ, được nhiều người ham chuộng. Thơ cận thể gồm 143 bài”. Quả vậy, trong 143 bài thơ chữ Hán còn lại đến nay đều là thơ cận thể. Thơ cận thể còn được gọi là “kim thể thi”, một loại thơ đối lập với cổ thể thi. Cổ thể thi là một loại thơ xuất hiện trước đời Đường, có hình thức tương đối tự do, không bị trói buộc bởi nhiều loại cách luật, câu thơ không bị hạn chế về số chữ, không đòi hỏi luật bằng trắc và đối ngẫu. Ngược lại, thơ cận thể lại có yêu cầu rất nghiêm khắc về âm luật, cách điệu nên gọi là thơ cách luật dù nó được cải biến, phát triển lên từ thơ cổ thể. Thơ cận thể phổ biến từ đời Đường trở về sau, bao gồm thơ “luật” và “tuyệt cú” với đặc điểm chủ yếu là: câu chữ được quy định hết sức chặt chẽ, như loại thất ngôn luật thì chỉ có quyền có 8 câu 7 chữ, không được hơn hay kém số câu, chữ ấy. Thể thơ này bắt buộc phải có đối, như hai liên cú (gồm 4 câu) ở

giữa bài thơ luật phải đối xứng. Người làm thơ phải đặc biệt chú trọng thanh vận và bằng trắc, hầu hết là gieo vần bình và thanh trắc của từng chữ phải hài hoà xen kẽ.

Làm thơ cận thể gò bó và khó là thế, nhưng thơ Nguyễn Mộng Tuân vẫn thanh thoát, tự nhiên. Khi đọc lên, ta không có cảm giác đều đều dễ chán. Bài nào của ông cũng vì cảm xúc mà viết ra, nên ông hay đặt tên những bài thơ của mình là Khiêm hứng, Ngẫu tác hay Khiển hoài.

Trong bài Mạn thuật ông viết:

Tuỳ thời đắc cú mạn phong tao, Cảm nhận thi trung nhất tế hào…

(Tuỳ lúc viết được câu thơ hay, tao nhã,

Đâu dám nhận mình là bậc thi hào của một thời…)

Khi Nguyễn Mộng Tuân làm thơ cũng là lúc tâm hồn ông thực sự thư thái:

Thái bình thời tiết đắc hư nhàn, Song ngoại thanh sơn trúc mỹ quan…

(Thời thái bình được thư thả nhàn rỗi,

Ngoài cửa sổ ngắm núi biếc thật là đẹp…)

Chất thơ của Cúc Pha rất dung dị mà gần gũi, không ham hào nhoáng bên ngoài, mà vẫn nói lên được nỗi lòng mình. Trong bài Mừng nhà mới của

quan Thừa chỉ Ức Trai ông viết:

Thiện trị ưng tri Trương Tử Kinh, Hà tu lậu ốc soạn tâm minh. Nhất điều thuỷ lãnh tri tam quán, Tứ bích gia bần phú lục kinh.

(Ông giống trương kỉ kinh khéo chọn nơi làm nhà,

Đâu thẹn nhà sơ sài mà soạn bài minh mới. Nhà quan Tri tam quán lạnh như dòng nước, Bốn bức vách nghèo xác chỉ toàn sách kinh)

Thời trước làm thơ, nhất là thơ chữ Hán, phổ biến việc dùng điển cố, đó là dùng điển tích cũ với tên người, tên đất hay một câu nào đó liên quan đến mẩu chuyện được kể lại trong sách để thể hiện điều tác giả muốn nói. Dùng điển cố là một kiểu tu từ khá hấp dẫn làm cho câu thơ trở nên cô đọng, ít mà vẫn nói được nhiều ý. Nhưng với cách thức này vào tay người không rung động mà cứ muốn làm thơ, thì dùng điển cố sẽ trở thành trò đố chữ khô khan. Thơ chữ Hán của ông hay dùng điển cố, nhưng ta đọc thật dễ hiểu:

Đa tình bạch phát dĩ ti ti, Để sự do tồn hiếu tước my. Dục tác cố viên tùng cúc chủ,

Hưu luận đoạt ngã Phượng hoàng trì.

(Khách đa tình tóc đã bạc phơ,

Cuối cùng vẫn để chức tước ràng buộc. Vẫn muốn làm chủ vườn tùng cúc cũ,

Chớ nói chuyện cướp ao phượng hoàng của ta)

(Toàn Việt thi lục, bài 61) Điển cố “ao phượng hoàng” ở đây chỉ ao cấm thuộc Trung thư sảnh, nên Trung thư sảnh cũng gọi là phượng hoàng trì. Xưa có điển ông Tuân Húc đời Tấn, làm quan ở toà Trung thư sảnh, về sau được thăng chức Thượng thư lệnh, có người đến mừng, Tuân Húc nói: “Tôi đã bị đoạt mất ao phượng hoàng rồi, các ông còn mừng cái nỗi gì”. Bởi thế Nguyễn Mộng Tuân đã chọn đúng điển cố đó, ý ông muốn nói đến việc mình dù được thăng chức, nhưng ông còn làm ở Trung thư sảnh nữa. Cái hay trong thơ ông là ở cái “ý tại ngôn ngoại”.

Còn trong thơ tả thiên nhiên của Nguyễn Mộng Tuân, chúng ta lại thấy ông có cách nhìn mới về tạo vật, không rập khuôn người khác. Ta có cảm tưởng nhà thơ trong khoảnh khắc như gạt bỏ nỗi ưu tư, hoàn toàn dành tâm hồn để cảm nhận cái đẹp và thiên nhiên:

…Phong thụ mạt hà thiên nhất sắc, Lô hoa tuyết nguyệt tam canh. Băng hồ triệt để vô tiêm tể,

Đan quế phi hương bất tận tình…

(…Cây phong quét ráng chiều thành một sắc,

Hoa lau lẫn vào tuyết, ánh trăng lúc canh ba. Hồ trong tận đáy không chút cặn,

Đan quế toả hương ngào ngạt như không dứt…)

(Toàn Việt thi lục, bài 20) Trong cảnh ấy có màu đỏ của lá phong đang dần lẫn vào ráng chiều, nên sắc càng đỏ rực. Màu đỏ ấy tương phản với màu trắng của những bông hoa lau dưới ánh trăng lúc canh ba, tất cả đã làm nổi bật dòng nước trong suốt tới đáy. Bức tranh thiên nhiên đối xứng, việc sử dụng màu sắc tài tình của Nguyễn Mộng Tuân thể hiện sở trường “thi trung hữu hoạ” của ông, mà không phải nhà thơ nào cũng thể hiện được. Từ tả cảnh nhà thơ chuyển sang tả tình, tình và cảnh hoà quyện vào nhau, làm bài thơ càng thêm sâu sắc. Có khi nhà thơ đưa mình đến cảnh tượng nhuốm màu triết lí và ý nghĩa về nhiệm vụ, nhưng vẫn thấm đuộm nỗi nhớ niềm yêu:

…Nhuyễn hồng bất động thiên nhai các, Hư bạch trường sinh trú thuỵ trường. Hà lao tưởng tượng Hoa Tư quốc, Thân thế đa niên tưởng ngọc đường.

(…Bụi hồng không động đến được gác trời,

Lòng thường thanh thản trong giấc ngủ dài. […] Cần gì phải mơ tưởng đến nước Hoa Tư, Cuối đời nhiều năm chỉ nhớ tới chốn Ngọc đường)

(Toàn Việt thi luc, bài 46) Như chúng ta đã biết, thông thường dung lượng của thơ cận thể là thất ngôn bát cú, cả bài chỉ gói gọn trong 56 chữ, với dung lượng ngôn từ hạn hẹp

ấy có biết bao điều nhà thơ muốn nói mà phải nén. Nhưng Nguyễn Mộng Tuân đã vượt qua thử thách của thơ luật Đường, bằng những thủ pháp điêu luyện, như vận dụng các cụm từ song âm tiết và các từ láy như “thao thao”, “liệt liệt”, “trì trì”, “trạm trạm”, “phân phân”, được ông sử dụng rất nhuần nhuyễn. Chính thủ pháp đó đã tạo nên tính hiệu quả, tăng sức biểu cảm và làm cho câu thơ trở nên mềm mại hơn.

…Dương dương đắc vũ thanh kham ái, Phức phức tuỳ phong hương cánh nghiên.

(…Nước mênh mông, gặp mưa xuống mưa thật vui tai,

Phưng phức mùi thơm theo làn gió khiến càng thơm hơn)

Có lẽ Cúc Pha đã làm thơ bằng cả tấm lòng mình. Tâm hồn nghệ sĩ của ông thực sự rung động trước con người, cảnh vật và vẻ đẹp của thiên nhiên. Dù thơ ông đều làm bằng thơ cận thể nhưng không thấy cái gò bó. Thơ ông cô đọng nhưng vẫn dễ hiểu khiến người đọc có cảm giác gần gũi.

Ta từng thấy trong phú, ông cũng là một trong những cây bút có phong cách rất riêng. Khi Lí Tử Tấn và Nguyễn Mộng Tuân cùng viết chung một đề tài về núi Chí Linh, thì Nguyễn Mộng Tuân lại có cách nhìn khác với Lý Tử Tấn. Đối với ông núi Chí Linh hiện lên thật hoành tráng và hiểm trở, đó là một căn cứ quân sự tuyệt vời, có giá trị chiến lược cao.

Nghìn trượng đá cao kể cũng kim thang chốn hiểm, Lưng trời vách đá đứng xem tày bách nhị cửa quan.

Còn dưới con mắt của một nghệ sĩ như Lý Tử Tấn thì:

Hàng dãy dựng bình phong chừ dằng dặc, Nhiều chòm cắm mây ngọc chừ chon von.

Tuy cùng chung một đề tài, và cơ bản là giống nhau về chủ đề nhưng trong cách miêu tả và biểu hiện ông đã tạo ra cho mỗi bài thơ, mỗi bài phú của mình một phong cách riêng có sức hút rất lạ. Đó cũng là nhận xét của Nguyễn Dữ, tác giả Truyền kì mạn lục khi bình luận về các thi nhân nổi tiếng: “thơ của ông Lý Chuyết Am kì lạ mà tiêu tao, thơ của ông Tùng Xuyên như

chàng trai xung trận, thơ của ông Cúc Pha như cô gái chơi xuân, có vẻ mềm mại”. Có lẽ nhà nho ham chuộng thơ Nguyễn Mộng Tuân vì những điển tích Nho giáo trong đó, điều này đã làm cho thơ của ông khác với văn thơ thời Lí Trần về trước. Chúng ta ngày nay yêu thơ ông lại bởi những nét uyển chuyển và sâu lắng trong từng câu từng bài. Ở đó con người chân thật của ông bộc lộ và con người lí trí bị quên đi, thì dù là những bài mang âm điệu anh hùng của thời đại cũng trở thành có sức lôi cuốn mạnh mẽ.

Nguyễn Mộng Tuân là một trong số tri thức tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, giúp Lê Lợi chống giặc Minh xâm lược. Khi đất nước hoà bình, vua nhỏ lên ngôi thì Nguyễn Mộng Tuân cùng một số bạn như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn,… trở thành trụ cột của đất nước. Không những thế, Nguyễn Mộng Tuân còn dùng những tác phẩm thơ văn của mình để nhắc nhở nhẹ nhàng những bậc vua quan và mạnh dạn đề xuất ý tưởng quan trọng về nội trị và ngoại giao trong thời chiến và thời bình. Tâm hồn nghệ sĩ của ông thực sự rung động trước những cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng của đất nước. Thơ Nguyễn Mộng Tuân hầu hết đều là thơ cận thể, nhưng không thấy gò bó, khuôn phép như thơ Đường luật. Nguyễn Dữ nhận xét thơ Nguyễn Mộng Tuân thật đúng “…thực như con gái chơi xuân, có vẻ mền mại”[31,233]

KẾT LUẬN

1. Ở Nguyễn Mộng Tuân, cuộc đời và tư tưởng có những gắn bó song trùng. Suốt thời đại phong kiến của lịch sử nước ta, Nguyễn Mộng Tuân có sáng tác văn chương tải đạo yêu nước thầm lặng, có sức hấp dẫn lớn không chỉ bằng những tác phẩm phú mà bằng cả thơ. Nguyễn Mộng Tuân đã để lại số lượng tác phẩm phú rất đồ sộ (41 bài). Tựu trung đều phản ánh khí thế bừng bừng chiến thắng của quân và dân ta trong thời kì kháng Minh, nói lên tiết tháo và chí khí của kẻ sĩ yêu nước. Nguyễn Mộng Tuân có tình bạn rất cao đẹp với Nguyễn Trãi, coi Nguyễn Trãi như người bạn tri kỉ, vì vậy trong những sáng tác của mình, Nguyễn Mộng Tuân cũng đã có sự đồng cảm, tâm đắc thực sự. Tuy nhiên, Nguyễn Mộng Tuân còn xa lạ với mỗi chúng ta. Vì vậy, tìm hiểu, giới thiệu thơ văn Nguyễn Mộng Tuân là sự cần thiết.

2. Nguyễn Mộng Tuân tự là Văn Nhược, hiệu Cúc Pha, quê ở xóm Chằm, làng Viên Khê, xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Là tác giả sống vào cuối thế kỉ XIV đầu thế kỉ XV, ông đỗ Thái học sinh kì thi năm Canh Thìn. Thời điểm lịch sử đó của chế độ phong kiến Việt Nam đang diễn ra khá phức tạp. Hồ Quý Ly lật đổ ngai vàng của nhà Trần, lập nên nhà Hồ. Đồng thời, nhà Minh núp dưới danh nghĩa “phù Trần diệt Hồ” đem quân sang xâm lược nước ta. Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông tìm đến Lê Lợi và được Lê Lợi trọng dụng.

Dưới ba đời vua Lê, Nguyễn Mộng Tuân đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Trung thư lệnh, Tả nạp ngôn, Kinh xa đô uý, ông được các vua yêu mến và được ban cho tước Vinh lộc đại phu sau khi đi đánh Chiêm Thành.

3. Ở thời Lê, phú đã được nở rộ dưới ngòi bút của đội ngũ đông đảo các nhà thơ giàu nhiệt huyết trong sáng tạo nghệ thuật. Nguyễn Mộng Tuân đã để lại số lượng tác phẩm đáng tự hào (41 bài), chủ yếu đề tài của những tác phẩm phú Nguyễn Mộng Tuân đều ngợi ca công cuộc kháng Minh và cổ vũ việc

xây dựng đất nước trong hòa bình, đồng thời ông cũng đã đưa ra được những kiến giải xây dựng đất nước. Có thể nói, qua văn chương - con đường nghệ thuật khá tinh tế và có hiệu quả, Nguyễn Mộng Tuân đã thể hiện rõ tài năng của mình.

4. Nguyễn Mộng Tuân còn là nhà thơ xuất sắc, được nhiều người ham chuộng. Một bậc lão thần như Nguyễn Mộng Tuân đã sống trong thời loạn, vì thế ông hiểu rất rõ về nỗi thống khổ của người dân. Tấm lòng yêu nước thương dân xuyên suốt trong những tác phẩm thơ của ông. Không chỉ là tỏ rõ thái độ, nỗi lòng của bản thân là căm ghét quân xâm lược mà còn biểu hiện tích cực niềm tự hào dân tộc. Hơn nữa, tâm hồn Cúc Pha luôn rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên. Hình ảnh cây cỏ, hoa lá gần gũi trong cuộc sống đều hiện lên sinh động trong thơ ông. Mỗi bài thơ đều phác họa bức tranh khó quên về một cảnh sắc độc đáo, tươi đẹp.

5. Với những đóng góp của Nguyễn Mộng Tuân về thơ, phú cho văn học trung đại Việt Nam, nên chăng cần phải có những tuyển tập thơ, những đánh giá xứng đáng về Nguyễn Mộng Tuân. Hi vọng trong tương lai, đề tài này sẽ được mở rộng để xứng đáng với tầm vóc những đóng góp của Nguyễn Mộng Tuân trong văn học trung đại Việt Nam và ngôi trường THPT đã mang tên Nguyễn Mộng Tuân.

Một phần của tài liệu Đóng góp của nguyễn mộng tuân cho văn học thời lê sơ (Trang 84 - 92)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w