3.1. Văn học là nhân học (M.Gorky). Nói đến nhân vật văn học là nói đến con người được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Đó là những nhân vật có tên như Tấm, Cám, Thạch Sanh, Kim Trọng, chị Dậu, anh Pha, AQ, Acpagông, Gia Cát Lượng, Tôn Ngộ Không… đó là những nhân vật không tên như thằng bán tơ, một mụ nào trong “Truyện Kiều”, những kẻ đưa tin, lính hầu, chạy hiệu thường thấy trong kịch. Đó là những con vật trong truyện cổ tích, đồng thoại, thần thoại bao gồm cả quái vật lẫn thần linh, ma quỷ, những nhân vật mang nội dung và ý nghĩa con người [24; 277].
Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người cụ thể nào cả, mà chỉ một hiện tượng nổi bật nào đó trong tác phẩm. Chẳng hạn có thể nói: Nhân dân chính là nhân vật chính trong “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc, đồng tiền là nhân vật chính trong “Ơgiơni Grăng đê” của Banzắc [9; 202]. Nhưng chủ yếu nhân vật là chỉ hình tượng con người trong tác phẩm.
Văn học không thể thiếu nhân vật, bởi vì đó là hình thức cơ bản để qua đó văn học miêu tả thế giới một cách hình tượng. Bản chất của văn học là một quan hệ đối với đời sống, nó chỉ tái hiện được đời sống qua những chủ thể nhất định đóng vai trò như những tấm gương của cuộc đời. Nói cách khác, nhân vật văn học là sự chọn lọc có tính chất điển hình, khái quát hóa từ cuộc sống, nó đã được đánh giá, được gửi gắm một tư tưởng, một thông điệp mang tính chất chủ quan của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, nhân vật văn học là một phạm trù đầy tính ước lệ, tượng trưng. Vì vậy, không thể đồng nhất nó với một con người có thật trong đời sống, cũng như không thể áp dụng quan niệm xã hội học dung tục khi đánh giá nhân vật văn học.
Nhân vật văn học được miêu tả qua các biến cố, xung đột trong tác phẩm. Hay nói cách khác, qua các biến cố, xung đột trong tác phẩm, nhân vật bộc lộ tính cách, bản chất của mình.
Có nhiều cách chia nhân vật văn học thành các kiểu loại khác nhau. Chẳng hạn: dựa vào kết cấu có nhân vật chính, nhân vật phụ và nhân vật trung tâm; dựa vào ý thức hệ có nhân vật chính diện và nhân vật phản diện; dựa vào thể loại văn học có nhân vật tự sự, nhân vật trữ tình, nhân vật kịch; dựa vào cấu trúc hình tương có nhân vật - chức năng, nhân vật - loại hình, nhân vật - tính cách, nhân vật - tư tưởng. Tất nhiên, những sự phân chia này cũng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi.
3.2. Nhân vật trong truyện kể về địa danh thường gồm hai loại: con người và lực lượng thần kì. Về con người, có cả nhân vật có tên: Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Tiên Dung, Chử Đồng Tử, Thủ Huồn, Chu An…; có cả nhân vật không tên như bác phường săn (Sông Cầu Chày chó chạy đứt đuôi), người đàn bà, (Cây đèn Phúc Chi), vợ chồng vị
tướng già (Sự tích núi Đèn), ông lão và cô gái (Sự tích núi Ngũ Hành), các nhân vật trong Sự tích hồ Ba Bể …Tất cả các nhân vật trong truyện đều liền quan đến yếu tố địa danh thường xuất hiện ở cuối truyện. Trong
Mụ Giạ tên đèo gắn với nhân vật chính là người đàn bà có tên Mụ Giạ - người to cao khỏe mạnh khác thường, đi nhanh như chim bay, mỗi bước của bà vượt qua hai ba trái núi, năm sáu ngọn đồi lớn - đã giúp vua trong việc mở mang bờ cõi nước nhà: Nhà vua đã đặt tên cho ngọn đèo - nơi Mụ Giạ dừng chân - là Mụ Giạ để ghi nhớ công ơn ấy. Hay Sự tích đá Vọng Phu dù là ở Thanh Hóa, Lạng Sơn hay Bình Định thì địa danh ấy đều gắn với các nhân vật người vợ bồng con chờ chồng đến hóa đá.
Có một điều dễ nhận thấy nữa đó là kết thúc các truyện kể về địa danh, các nhân vật thường gắn với cái chết và hóa thành địa danh cụ thể. Hay nói như giáo sư Hoàng Tiến Tựu: tác giả dân gian thương lấy hậu thân của nhân vật chính để đặt tên cho truyện [28; 77]. Cây đèn Phúc Chi
gắn với cái chết của người mẹ có con gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, người mẹ ấy đã biến mình thành ngọn lửa lớn, thành ngọn đèn sáng giúp nghĩa quân Lam Sơn giành thắng lợi trong đợt phản công lại quân địch. Sự tích đá Vọng Phu gắn với sự hóa đá của người vợ bồng con mòn mỏi chờ chồng. Hòn Trống Mái gắn với cái chết của đôi vợ chồng già (vốn là chàng trai mồ côi và con gái của tên chúa đất tàn ác)…
Tất nhiên không phải truyện nào cũng gắn với cái chết. Có những truyện như Sự tích hồ Gươm gắn với sự kiện trả gươm cho Long Quân của vua Lê Thái Tổ ở hồ Tả Vọng; truyện Đồng Kiệu gắn với cuộc vi hành của vua Lê Đại Hành; Sự tích sông Nhà Bè hay là truyện Thủ Huồn
gắn với những hoạt động từ thiện, tu tâm tích đức của nhân vật Thủ Huồn…
Còn nhân vật thần kì trong truyện kể về địa danh đều mang dấu ấn của thần thoại, đều mang dấu vết của thế giới quan thần linh chủ nghĩa, đều là sản phẩm của trí tưởng tượng. Bởi nói như C.Mác: trong văn học, thần thoại bao giờ cũng đóng vai trò ngọn nguồn. Nhân vật thần kì xuất hiện nhưng không còn đóng vai trò chủ đạo mà chỉ là những nhân vật phụ đóng vai trò hỗ trợ, bổ sung cho nhân vật con người. Chẳng hạn như nhân vật rùa vàng trong Sự tích thành Cổ Loa trong Sự tích hồ Gươm, trong Sự tích núi Ngũ Hành (còn được gọi là thần Kim Quy); nhân vật bà già ăn xin - hiện thân của con Giao Long trong Sự tích hồ Ba Bể; hai người học trò - hiện thân của hai anh em thuồng luồng con vua Thủy Tề trong Sự tích Đầm Mực…
Hầu hết các truyện kể về địa danh đều có sự xuất hiện của yếu tố thần kì ở cuối truyện dẫn đến sự hình thành, hoặc biến đổi địa danh như
Sự tích hồ Gươm gắn với chi tiết rùa thần lên đòi lại gươm quý là sự đổi tên hồ Tả Vọng thành hồ Gươm; Sự tích hồ Ba Bể gắn với chi tiết dòng nước bất ngờ từ dưới đất phun lên trong đám hội nuốt hết người và vật, tạo thành chỗ đất sụt là sự xuất hiện của địa danh hồ Ba Bể.