Không gian nghệ thuật 31.

Một phần của tài liệu So sánh đặc điểm của truyện kể về địa danh giữa hai thế loại truyền thuyết và cổ tích (Trang 32 - 45)

5.1. Không gian và thời gian là hai chiều tồn tại của bất cứ một sự vật, hiện tượng nào trong thế giới. Hay nói cách khác, bất kì một sự vật, hiện tượng nào cũng luôn tồn tại trong một không gian nhất định. Không gian hiện thực khách quan ở ngoài đời mà con người sống trong đó, khi chuyển vào tác phẩm nghệ thuật thì được gọi là không gian nghệ thuật. Giữa không gian thực tế khách quan và không gian nghệ thuật có một khoảng cách nhất định, đó chính là sự sáng tạo, là dấu ấn riêng mang tính chủ quan của người nghệ sĩ. Theo Trần Đình Sử: không gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của người nghệ sĩ nhằm biểu hiện con người và thể hiện một quan niệm nhất định về cuộc sống. Do đó không thể quy nó vào không gian địa lí, vật chất [26; 89]. Còn theo Từ điển thuật ngữ văn học: Sự miêu tả trần thuật trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát

từ một điểm nhìn diễn ra trong một trường nhìn nhất định, qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần, rộng, dài tạo thành viễn cảnh nghệ thuật [9; 135].

Không gian nghệ thuật thường có quan hệ mật thiết, chặt chẽ với thời gian nghệ thuật. Không gian nghệ thuật có thể được dùng để mô hình hóa các phạm trù thời gian như bước đường đi, con đường cách mạng…không gian nghệ thuật chẳng những cho độc giả thấy được cấu trúc nội tại của tác phẩm nghệ thuật, các ngôn ngữ tượng trưng mà còn cho thấy quan niệm về thế giới, chiều sâu cảm thụ của tác giả hay của một giai đoạn văn học. Ta có thể thấy có mô hình không gian nghệ thuật của thần thoại, của truyền thuyết, của cổ tích, của truyện ngắn, của tiểu thuyết, của thơ…

5.2. Ở bộ phận truyện mà chúng tôi đang nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy chúng có những đặc điểm chung trong không gian nghệ thuật, đó là:

Thế giới nghệ thuật trong các truyện đều gắn với phạm vi không gian nhất định. Đó có thể là các ngọn núi (núi Mục, núi Dầu, núi Đèn, núi Ngũ Hành, núi Mẫu Tử…); Các con sông, các ao, hồ (sông Tô Lịch, sông Cầu Chày, sông Nhà Bè, hồ Gươm, hồ Ba Bể, ao Voi, ao Phật…), các thành lũy (thành Cổ Loa, thành Lục Niên, thành Lồi…). Tất nhiên, ngoài không gian chính nơi diễn ra sự kiện chính - thì vẫn còn một số địa điểm không gian phụ khác nữa. Chẳng hạn, trong truyện Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại, ngoài không gian ở ngã ba sông Tô Lịch và sông Thiên Phù còn có không gian ở cung vua, ở chùa Vạn Thọ…Hay trong Sự tích hồ Gươm bên cạnh không gian ở hồ Tả Vọng (sau đổi tên là hồ Gươm) còn có không gian bến vắng - nơi Lê Thận bắt được lưỡi gươm, không gian núi rừng - nơi Lê Lợi bắt được chuôi gươm, không gian nhà Lê Thận - nơi lưỡi gươm phát sáng …

Ở nhiều truyện, các địa danh thường xuất hiện ở cuối truyện. Kết thúc truyện Đồng Kiệu là: Nhân dân thấy kiệu của vua Lê Đại Hành đỗ ở đấy liền đặt tên cho vùng đất ấy là Đồng Kiệu [20; 571]. Kết thúc Bãi Cồn và bà Chúa Hến là: Khi đưa cô gái về hành cung, tự tay vua Lê Đại Hành đổ giỏ hến xuống. Hiện nay theo lời truyền của nhân dân thì chỗ đổ giỏ hến ấy vẫn còn nhiều vỏ hến lưu lại và người ta gọi đó là bãi Cồn [20; 571]. Kết thúc truyện cổ tích Sự tích đầm Mực: Cái nghiên mực của cụ đồ Chu An sau đó trôi về làng Quỳnh Đô làm đen cả nước đầm ấy, ngày nay người ta gọi đó là đầm Mực…[2; 386]. Kết thúc Sự tích sông Nhà Bè hay truyện Thủ Huồn: Ngày nay, một ngôi chùa ở Biên Hòa còn mang tên là chùa Thủ Huồn; chỗ ngã ba sông Đồng Nai và Gia Định còn gọi là sông Nhà Bè để kỉ niệm lòng tốt của Thủ Huồn đối với khách bộ hành Nam Bắc qua con sông đó. Có câu ca dao:

Nhà Bè nước chảy phân hai Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về

[2; 395].

Có thể thấy một điều rằng, toàn bộ các địa danh đều có thật trong thực tế ở những địa phương, những vùng miền cụ thể. Thông qua lăng kính chủ quan của con người, nó hiện lên trong tác phẩm một cách sinh động và hàm chứa nhiều ý nghĩa. Địa danh thực ra là cái cớ để tác giả dân gửi gắm vào đó một nội dung lịch sử, xã hội nhất định. Sự tích núi Mục, Sự tích núi Đèn, Sự tích núi Dầu…kể về cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn chống lại giặc Minh xâm lược. Sự tích hồ Ba Bể lên án những kẻ ăn chay cầu Phật mà không có chút lương tâm, lên án những kẻ đạo đức giả đầy rẫy trong xã hội. Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại vạch rõ tội ác của bọn thống trị phong kiến đối với nhân dân lao động…

Vì bộ phận truyện này lấy yếu tố địa danh làm mạch cảm xúc sáng tạo nên đã dẫn đến tình trạng khó khăn khi phân chia thể loại.

Tóm lại, giữa truyện kể về địa danh trong truyền thuyết và truyện kể về địa danh trong cổ tích vẫn có những điểm tương đồng nhất định. Nguyên nhân của sự tương đồng này là:

Thứ nhất: chúng đều là những truyện kể dân gian được lưu truyền trong dân gian bằng phương thức truyền miệng, bằng trí nhớ nên dù là truyền thuyết hay cổ tích thì vẫn có tính chất phiếm chỉ ở một số điểm nhất định (về nhân vật, về thời gian - tất nhiên đó không phải là yếu tố đặc trưng của truyền thuyết). Những truyện kể về địa danh này được sáng tạo ra bởi cảm quan của những người bình dân, bởi trí tưởng tượng của nhân dân lao động.

Thứ hai: chúng đều lấy yếu tố địa danh làm mạch cảm hứng sáng tạo. Do đó, tên gọi các truyện đều có xuất hiện dưới dạng các sự tích: Sự tích núi Dầu, Sự tích núi Đèn, Sự tích hồ Gươm, Sự tích hồ Ba Bể, Sự tích núi Ngũ Hành, Sự tích đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên… Không gian trong các truyện thường được quy về trong những phạm vi như tên làng, tên đất, tên núi, tên sông, hồ, ao, đầm, tên cầu…khá cụ thể.

Thứ ba: trong bộ phận này có một số truyện có tính chất giao thoa giữa truyền thuyết và cổ tích như: Sự tích đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên,

Sự tích đầm Mực… gây nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu, khi thì xếp vào thể loại này, khi thì xếp vào thể loại kia. Chẳng hạn Sự tích hồ Gươm là truyền thuyết lại bị xếp vào cổ tích, Chuyện đầm Gà, Sự tích ao Vua, Sự tích cầu Giải, Vì sao đầm Dượng có 16 dòng nước chảy, Tại sao núi Chàng Rể gù lưng… có khi được xếp vào thần thoại, có khi được xếp vào truyền thuyết… Điều đó chứng tỏ giữa các truyện phải có những điểm tương đồng thì mới dẫn đến hiện tượng đó. Cũng có thể do quan

niệm về thể loại của các nhà nghiên cứu là khác nhau (Đinh Gia Khánh cho truyền thuyết không phải là một thể loại văn học, do đó, những truyện kể đáng ra là truyền thuyết thì ông lại xếp nó vào cổ tích - tiểu loại cổ tích lịch sử; hoặc do tiêu chí phân loại thể loại không thống nhất… Dù có những điểm giống nhau như vậy nhưng về cơ bản truyện kể về địa danh trong truyền thuyết và truyện kể về địa danh trong cổ tích mang những đặc điểm thi pháp khác nhau. Sau đây, chúng tôi sẽ làm rõ sự khác nhau cơ bản đó trên một số phương diện đặc trưng thi pháp thể loại.

CHƯƠNG III

SỰ KHÁC BIỆT TRONG TRUYỆN KỂ VỀ ĐỊA DANH GIỮA HAI THỂ LOẠI TRUYỀN THUYẾT VÀ CỔ TÍCH

Đây là chương trọng tâm của đề tài mà chúng tôi đang nghiên cứu. Ở chương này, chúng tôi tiến hành so sánh trên những phương diện sau:

1. Cốt truyện

1.1. Trước hết, xét về hình thức: phần mở đầu của truyền thuyết về địa danh thường giới thiệu trực tiếp địa danh bằng cách khẳng định địa danh đang tồn tại trong thực tế ở một địa phương nào đó, từ đó mới kể câu chuyện có liên quan đến địa danh đó. Chẳng hạn: Sự tích núi Dầu: lên Lam Kinh, chúng ta sẽ gặp núi Dầu. Núi nằm bên phải đường 15, cách phà Mục Sơn độ hai cây số. Đó là một ngọn núi trọc, thấp, màu nâu đỏ, xa xa trông như chiếc bát khổng lồ úp xuống, nằm chếch phía hữu nhà bia Vĩnh Lăng. Chung quanh núi này có nhiều truyền thuyết giải thích tên ngọn núi. [20; 557]. Sự tích ao Vua mở đầu là: Trên lưng chừng sườn núi Tản về phía địa phận xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Tây), có một cái ao sâu. Ao nhỏ nhưng bốn mùa lúc nào nước cũng trong xanh và sâu thẳm. Dân địa phương gọi đó là ao Vua. Tục truyền nước ở ao Vua vốn là nước “vua Thủy” dâng lên để đánh Sơn Tinh ngày trước [20; 564]. Cây đèn Phúc Chi: Ở làng Phúc Chi (nay thuộc xã Yên Lâm, huyện Thiệu Yên) có hai dãy núi đá đứng song song hai bên con đường chạy ra nông trường Thống Nhất. Đầu dãy núi phía Nam nhô lên một đỉnh núi cao chừng 300 mét, trên có khối đá trông như cây cột to; đầu trên loe như cái

đĩa, giữa thót lại như ngọn đèn. Dân làng kể rằng, cây đèn này có từ thời khởi nghĩa Lam Sơn [21; 40]. Một ví dụ khác là Sự tích núi Đèn: Phía bắc xã Điền Hạ, huyện Bá Thước có một dãy núi đá dài cao ngất. Trên đỉnh núi có một mỏm đá tròn trịa nổi lên như một chiếc đèn. Bà con vùng này vẫn gọi là núi Đèn, kèm theo một câu chuyện bi ai [21;42]. Tương tự trong các truyện: Sự tích núi Mục, Sự tích ngòi Lạt, Chuyện đầm Gà… đều có mở đầu như thế.

Còn phần mở đầu của truyện kể về địa danh trong cổ tích lại thường giới thiệu về thời gian và nhân vật, không gian chỉ được nhắc qua mà thôi (các địa danh chủ yếu xuất hiện ở cuối truyện). Chẳng hạn,

Sự tích đầm Mực: Ngày ấy vào đời nhà Trần có một cụ đồ nho ở xã Quang Liệt tên là Chu An. Học vấn của cụ sâu và rộng. Cũng vì tiếng tăm của cụ truyền khắp mọi nơi nên học trò xa gần đến học rất đông [2; 383].

Sự tích hồ Ba Bể: Vào hồi đó ở xã Nam Mẫu có mở một hội “vô già” cúng Phật. Mọi người nô nức đi xem. Ai nấy đều lo ăn chay niệm Phật và làm những việc từ thiện như buông cá, thả chim.v.v…để cầu phúc trong mấy ngày hội [2; 360]. Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại:

Ngày xưa về đời nhà Lý có một ông vua bị bệnh đau mắt. Mấy ông thầy thuốc chuyên môn chữa mắt ở trong kinh thành cũng như ngoài nội đều được vời vào cung chạy chữa, trong số đó cũng có những tay lương y nổi tiếng, nhưng tất cả mọi cố gắng đều vô hiệu. Cặp mắt của vua cứ sưng húp lên, đêm ngày nhức nhối rất khó chịu. Đã gần tròn hai tháng vua không thể ra điện kính thiên coi chầu được. Triều đình vì việc vua đau mà rối cả lên. Những cung giám chạy khắp nơi tìm thầy chạy thuốc, và lễ bái các chùa đền nhưng mắt của thiên tử vẫn không thấy bớt [2; 398].

1.2. Xét về mặt nội dung: truyền thuyết có cốt lõi là sự thật lịch sử nên xung đột, mâu thuẫn trong truyền thuyết là những xung đột, mâu thuẫn

mang tầm vóc lịch sử lớn lao. Ở thời kì đầu dựng nước, đó là mâu thuẫn, xung đột giữa con người với thời đại tự nhiên. [25; 24]. Trong các truyện

Sự tích núi Chẹ và núi Chẹ Đồng, Đồi Mòm và gò Choi, Sự tích ngòi Lạt,

Sự tích ao Vua, Chuyện đầm Gà, Sự tích cầu Giải, Vì sao đầm Dượng có 16 dòng nước chảy, Tại sao núi Chàng Rể gù lưng, xung đột giữa Sơn Tinh - Thủy Tinh được xây dựng như là xung đột giữa con người với sức mạnh tự nhiên trong quá trình dựng nước, ổn định cuộc sống. Sơn Tinh đã từ một vị thần thiên nhiên được nhân dân hóa thành một người anh hùng trị thủy có công chế ngự sức mạnh hung dữ của dòng sông Đà để bảo vệ công cuộc lao động sản xuất và đời sống của con người. Đó đồng thời cũng là xung đột giữa cư dân trồng lúa nước với bản thân nước như là một lực lượng tự nhiên có thể cản trở cuộc sống con người [25; 24]. Khi đất nước có nạn ngoại xâm thì mâu thuẫn xung đột lại diễn ra giữa dân tộc này với dân tộc khác, cộng đồng này với cộng đồng khác. Đó là xung đột giữa dân tộc Âu Lạc với giặc Triệu Đà trong Sự tích thành Cổ Loa, giữa dân tộc ta với giặc Minh xâm lược trong chùm truyện về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn.

Cốt truyện trong truyền thuyết về địa danh thường có cái lõi là sự thật lịch sử. Nó khác thần thoại ở chỗ nhào nặn tự nhiên và xã hội trên cơ sở sự thật lịch sử cụ thể chứ không phải hoàn toàn trong trí tưởng tượng và bằng trí tưởng tượng. Những truyện như Sự tích núi Chẹ và núi Chẹ Đồng, Đồi Mòm và gò Choi, Chuyện đầm Gà, Sự tích cầu Giải…có cái lõi là: công cuộc dựng nước của vua Hùng và nhân dân ta gặp phải bao khó khăn từ thiên nhiên, phải tìm cách chống đỡ, khắc phục để mang lại cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt ổn định cho nhân dân. Trên nền tảng sự thật đó, nhân dân ta mới tưởng tượng ra cuộc chiến, sự xung đột giữa Sơn Tinh - đại diện cho nhân dân - và Thủy Tinh - đại

diện cho lực lượng tự nhiên - để thể hiện ước mơ, khát vọng chiếm lĩnh tự nhiên của nhân dân. Những truyện kể về Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như Sự tích núi Mục, Cánh đồng Mẫu Hậu,Sông Cầu Chày chó chạy đứt đuôi, Sự tích núi Đèn, Sự tích núi Dầu… xoay quanh cốt lõi sự thật lịch sử của dân tộc là cuộc kháng chiến chống giặc Minh xâm lược của nhân dân ta do Lê Lợi làm chủ soái ở thế kỉ XV.

Cốt truyện truyền thuyết cũng khác cốt truyện cổ tích ở chỗ: cốt truyện truyền thuyết thường phản ánh những vấn đề thuộc phạm vi quốc gia dân tộc rộng lớn. Đó là những vấn đề có ảnh hưởng đến an nguy, vận mệnh của toàn dân tộc, đến cuộc sống của nhân dân mà cụ thể là vấn đề dựng nước và giữ nước, như Sự tích thành Cổ Loa, Sự tích hồ Gươm, Sự tích ao Vua, Sự tích thành Lồi…Trong khi đó, cốt truyện cổ tích thường phản ánh xung đột gia đình, xung đột giữa các khái niệm thuộc phạm trù đạo đức như thiện - ác, tốt - xấu, những xung đột có tính chất đời thường, riêng tư giữa con người với con người: vợ - chồng, cha - con, anh - em. Qua đó, truyện phản ánh những vấn đề mang tính chất xã hội. Chẳng hạn, Sự tích sông Nhà Bè hay truyện Thủ Huồn là xung đột giữa cái thiện và cái ác; cái chính nghĩa và cái phi nghĩa; Sự tích đá Bà Rầu là xung đột giữa vợ và chồng trong xã hội phong kiến; Hòn Trống Mái là xung đột giữa chàng trai mồ côi với tên chúa đất tham lam, độc ác, qua đó nói lên xung đột giữa nhân dân lao động nghèo khổ với giai cấp thống trị phong kiến, giữa tình yêu tự do với những hủ tục lạc hậu, khắt khe.

Trong Truyện Nhất Dạ Trạch (hay Sự tích đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên) mặc dù ở phần cuối truyện có kể về nhân vật lịch sử Triệu Quang Phục được thần linh giúp đỡ, phù hộ khi đóng quân ở đầm Nhất Dạ nhưng phần lớn cốt truyện lại xoay quanh số phận kì lạ của Chử Đồng

Tử và Tiên Dung, và sự xuất hiện địa danh đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên cũng được lý giải từ câu chuyện của hai nhân vật đó chứ không

Một phần của tài liệu So sánh đặc điểm của truyện kể về địa danh giữa hai thế loại truyền thuyết và cổ tích (Trang 32 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w