Không gian nghệ thuật 55.

Một phần của tài liệu So sánh đặc điểm của truyện kể về địa danh giữa hai thế loại truyền thuyết và cổ tích (Trang 56 - 70)

Như đã nói ở mục 5 của chương I, không gian nghệ thuật ở truyện

kể về địa danh trong truyền thuyết và cổ tích về cơ bản là những không gian nghệ thuật đã được định danh khá rõ ràng ở phần kết thúc truyện: hồ Gươm, núi Dầu, núi Đèn, núi Ngũ Hành, đá Bà Rầu, đầm Nhất Dạ, bãi Tự nhiên…Tuy nhiên, không gian nghệ thuật và cách xây dựng không gian nghệ thuật trong hai thể loại này vẫn có sự khác nhau.

4.1. Không gian nghệ thuật trong truyền thuyết là không gian có tính lịch sử cụ thể, được xác định rõ ràng:

Ngọn đèo ấy thuộc dãy núi Nam Giới, nằm giữa đất Tân Ấp của Nghệ Tĩnh và đất bản Thong Kham của nước Lào ngày nay [20; 550].

Ở địa phận xã Vinh Quang, phía tây núi Ba Vì có một con ngòi lớn từ sông Đà ăn thông vào chân núi. Tục truyền đó là dấu vết con đường tiến quân của Thủy Tinh ngày trước [20; 563].

Đồng Kiệu gắn với cuộc vi hành của vua Lê Đại Hành khi đi qua làng Hữu Châu, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Đông cũ (nay là Hà Tây).

Không gian địa lý cụ thể khi đi vào các truyền thuyết về địa danh không còn là những không gian tĩnh tại nữa mà nó đã gắn liền với quan niệm của nhân dân, với ý thức của nhân dân. Tác giả dân gian khi đưa

tên làng, tên đất, tên núi, tên sông…vào truyền thuyết là muốn ghi dấu ấn địa phương vào trong công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc; qua đó bộc lộ ý thức lịch sử, ý thức dân tộc, giáo dục lòng tự hào cho con cháu, hình thành tình yêu đối với quê hương, đất nước để từ đó có ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy truyền thống của cha ông, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây cho thế hệ con cháu mai sau.

Cũng phải khẳng định một điều rằng, tuy không gian là không gian lịch sử cụ thể nhưng không gian đó có phải là nơi đã diễn ra những sự kiện lịch sử, là địa bàn hoạt động của nhân vật lịch sử cụ thể như truyện đã phản ánh hay không lại là chuyện khác. Thực ra, phần lớn những câu chuyện ấy là do trí tưởng tượng, hư cấu của nhân dân nhằm lý giải địa danh theo cảm quan lịch sử, theo ý thức cộng đồng, theo quan niệm của nhân dân. Cốt lõi lịch sử có thể là không gian xung quanh vùng sông Đà, núi Tản là nơi mở đầu của công cuộc dựng nước, khai phá đất hoang, chế ngự sức mạnh của thiên nhiên để bảo vệ mùa màng, ổn định cuộc sống của nhân dân. Còn vùng đất Thanh Hóa, mà cụ thể là ở núi Dầu, núi Đèn… đã từng chứng kiến hoạt động khởi nghĩa của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Thành Cổ Loa gắn với sự kiện xây thành giữ nước của An Dương Vương… Nhân dân đã dựa trên cơ sở đó để sáng tạo nên những câu chuyện thú vị hấp dẫn. Thực ra, núi Dầu là một sự vật khách quan do thiên nhiên tạo ra từ xa xưa chứ không phải đến thời kì Lê Lợi khởi binh mới có ngọn núi ấy. Tác giả dân gian đã tưởng tượng ra những câu chuyện thú vị và cảm động: ca ngợi người anh hùng Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn vì lo chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa mà để quên hai thùng dầu khi xưa, để dầu bị đổ, ngấm vào lau sậy, đất đai… Ở một dị bản khác: kể về công ơn của một người đàn bà bán dầu, đã trung thành

đối với nghĩa quân đến giây phút cuối cùng, không hề sợ cái chết. Một dị bản nữa lại cho rằng núi có tên là núi Giầu chứ không phải là núi Dầu để tỏ lòng biết ơn của Lê Lợi đối với nhân dân quanh vùng Lũng Nhai đã đóng góp tiền, thóc, trâu bò, giáo mác giúp nghĩa quân trong những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa. Lê Lợi đặt tên cho quả núi ấy là núi Giầu với dụng ý là nhân dân giàu lòng yêu nước và nghĩa quân nhờ thế mà giàu có lương tiền [20; 558].

Không gian nghệ thuật trong truyền thuyết về địa danh là không gian lịch sử. Không gian đó có thể rộng, hẹp khác nhau nhưng là không gian có thật trên mặt đất, là núi, sông, ao, hồ, đầm…chứ không phải là những không gian ảo mang tính chất siêu thực như trong truyện cổ tích. Không gian nghệ thuật được đề cập đến ở cả phần mở đầu và phần kết thúc. Đặc biệt, ở một số truyện, ngay từ đầu, không gian đã được giới thiệu rất cụ thể, chính xác:

Trên lưng chừng núi Tản về phía xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì (Hà Tây), có một cái ao sâu. Ao nhỏ nhưng bốn mùa lúc nào cũng trong xanh và sâu thẳm. Dân địa phương gọi đó là ao Vua. Tục truyền nước ao Vua vốn là nước “vua Thủy” dâng lên để đánh Sơn Tinh ngày trước [20; 564] . Ở làng Phúc Chi (nay thuộc xã Yên Lam, huyện Thiệu Yên), có hai dãy núi đá đứng song song hai bên con đường chạy ra nông trường Thống Nhất. Đầu dãy núi phía Nam nhô lên một đỉnh núi cao chừng 300 mét, trên có khối đá trông như cây cột to, đầu trên loe như cái đĩa, giữa thót lại như ngọn đèn. Dân làng kể rằng, cây đèn này có từ thời khởi nghĩa Lam Sơn [21; 40].

Cách giới thiệu không gian như vậy tạo cho người tiếp nhận một niềm tin vào sự có thật của địa danh và cả câu chuyện liên quan đến địa danh đó nữa.

Ở phần cốt truyện, chúng tôi có nói đến tính chất chùm chuỗi của truyền thuyết về địa danh, không gian nghệ thuật cũng gắn với tính chất đó. Có nghĩa là trên nền không gian đó, truyền thuyết đã phát triển khá mạnh mẽ như là một phản ứng dây chuyền [4; 16].

4.2. Nếu không gian nghệ thuật trong truyền thuyết về địa danh là không gian lịch sử thì không gian trong truyện kể về địa danh thuộc thể loại cổ tích là không gian xã hội, do đó, không gian nghệ thuật trong cổ tích phức tạp hơn nhiều.

Cổ tích là nói dối, là hư cấu, là bịa đặt. Không gian nghệ thuật trong truyện kể về địa danh thuộc thể loại cổ tích mặc dù cũng được định danh cụ thể: núi Ngũ Hành, đá Vọng Phu, đá Bà Rầu, hòn Phụ Tử, sông Nhà Bè…Nhưng nó không cụ thể như trong truyền thuyết về địa danh, và hầu hết đến cuối truyện không gian ấy mới xuất hiện như một sự lắp ghép. Chẳng hạn, Sự tích hồ Ba Bể mở đầu giới thiệu không gian là ở xã Nam Mẫu và trong một buổi lễ cầu Phật, còn không gian hồ Ba Bể thì đến cuối truyện mới có: Chỗ đất sụt ngày nay là hồ Ba Bể ở Bắc Cạn, còn cái nền nhà ấy tức là một đảo nhỏ giữa hồ mà người địa phương gọi là Pò - già - mả [2; 363]. Sự tích đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên cũng chỉ giới thiệu không gian là làng Chử Xá và ngọn núi Quỳnh Viên - nơi Chử Đồng Tử học phép thuật mà thôi, và kết thúc là giữa đó là một cái đầm rộng mênh mông, đầy nước trắng xóa. Duy chỉ có cái nền cung của hai vợ chồng công chúa thì vẫn còn. Người ta gọi cái đầm ấy là đầm Một Đêm (Nhất Dạ) và cái nền ấy là bãi Tự Nhiên. Về sau trên cái nền ấy, người ta có lập miếu thờ hai vợ chồng Chử Đồng Tử [2; 382]. Thực tế đầm Nhất Dạ hiện nay nằm ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên, còn bãi Tự Nhiên nằm ở huyện Thường Tín, Hà Tây. Chúng cách xa nhau, nhưng

các tác giả dân gian đã kéo chúng lại gần nhau. Tất cả đều nhằm làm cho độc giả không tin đây là câu chuyện có thật.

Không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích về địa danh vừa có không gian thực vừa có không gian ảo. Đó là những ngọn núi, con sông, những tên làng, tên đất: núi Ngũ Hành, hồ Ba Bể, ao Phật…Nhưng bên cạnh đó, truyện còn có không gian hoàn toàn được hư cấu như hang động có Tiên ở (hang Từ Thức); quả trứng biến thành hang đá có đủ giường chiếu, cỏ cây, chim chóc, thú rừng đông vui…(Sự tích núi Ngũ Hành). Không gian nghệ thuật trong cổ tích rất đa dạng, là không gian ba cõi: có cõi Trời, có cõi âm, và cõi trần gian. Chẳng hạn, truyện Sự tích động Từ Thức có cả không gian trần gian và không gian ở cõi Tiên. Truyện này nhằm gửi gắm một triết lý: hạnh phúc của con người không phải tìm ở nơi xa xôi mà hãy tìm trên cõi đời này. Tiên chỉ là ảo ảnh. Cuộc sống ở trần gian mới là thật. Vì thế, Từ Thức chỉ sau mấy ngày sống trong động Tiên mà khi trở về quê hương đã không còn ai nhớ nổi tên Từ Thức nữa. Hay như truyện Sự tích sông Nhà Bè hay truyện Thủ Huồn có không gian trần gian và không gian âm phủ. Tác giả dân gian nhằm làm nổi bật sự xung đột giữa cái thiện và cái ác, khuyên răn con người phải luôn luôn tu nhân tích đức để được sống thanh thản và hưởng phúc về sau.

Truyện cổ tích về địa danh tiếp tục truyền thống của thần thoại, được sáng tác ra để giải thích địa danh. Tuy nhiên, không nên coi hai cách giải thích ấy hoàn toàn giống nhau. Nếu hai cách giải thích đều chất phác, đều ngây thơ, đều thể hiện óc tưởng tượng phong phú kết hợp với nhận xét tinh vi về các sự vật trong thiên nhiên thì thái độ của truyện cổ tích đối với sự giải thích đó khác với thần thoại. Truyện cổ tích không hề có tham vọng cho rằng sự giải thích đó là chân lý. Hơn nữa truyện cổ

tích thường mượn cách giải thích đó để nêu bật lên một vấn đề xã hội. Thí dụ “Sự tích hồ Ba Bể” lên án những kẻ ăn chay cầu Phật mà không có chút lương tâm, những kẻ giả đạo đức đầy rẫy trong xã hội phong kiến. Truyện “Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại” vạch rõ tội ác của bọn phong kiến đối với nhân dân [16; 300]. Do tính chất thể loại, bao giờ truyện cổ tích cũng nhân những vấn đề thiên nhiên mà đưa đến những vấn đề xã hội. Rất nhiều truyện cổ tích đã được nhân dân gắn với cảnh vật đất nước để phát huy tác dụng giáo dục đạo đức và giáo dục thẫm mĩ thường xuyên của chúng. Hay nói cách khác, nhiều cảnh vật đất nước đã được cổ tích hóa, huyền thoại hóa (như hòn Vọng Phu, hòn Phụ Tử, sự tích đầm Mực, sự tích sông Tô Lịch, sông Nhà Bè…)

Những người vợ nhớ chồng

Còn góp cho đất nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái… (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)

[28; 77]

Không gian nghệ thuật trong truyện cổ tích về địa danh hoàn toàn là không gian tự nhiên đã được xã hội hóa, không có sự thật lịch sử nào ở trong đó hết. Nó chỉ gắn với những câu chuyện bịa đặt, hư cấu về cuộc sống sinh hoạt đời thường trong xã hội, do đó mà ý nghĩa xã hội, ý nghĩa giáo dục rất sâu sắc.

Nếu như không gian kết thúc trong truyền thuyết về địa danh nhằm làm cho người đọc tin vào tính chất có thật của câu chuyện thì cách kết thúc của truyện cổ tích tuy mở ra một không gian có thật nhưng cách giải thích về nó thì chẳng ai tin (trừ trẻ thơ). Truyện đã tạo nên mối liên tưởng thú vị giữa những điều có thật trong tự nhiên và xã hội với những gì được hư cấu nên, và từ đó, truyện khiến người nghe cảm động

trước những số phận khác nhau, trước bài học đạo lý gói ghém trong lời kể. Truyện thực hiện đồng thời cả chức năng giải trí cho những người lao động sau một ngày mệt mỏi trở về nhà (Ăngghen) và cả chức năng giáo dục.

Dưới đây là những kiến giải của chúng tôi khi so sánh sự khác nhau trong đặc trưng thi pháp của bộ phận truyện kể về địa danh trong hai thể loại truyền thuyết và cổ tích.

Truyền thuyết ra đời khi xã hội đã có bước phát triển đột biến tương ứng với sự ra đời nhà nước, sự hình thành quốc gia, do đó, truyền thuyết hướng về quan hệ cộng đồng, về nguồn gốc dân tộc. Chức năng của thể loại truyền thuyết là kể lại truyện tích các nhân vật lịch sử, hoặc giải thích nguồn gốc các phong vật địa phương theo quan điểm của nhân dân [18; 141]. Quan điểm của nhân dân ở đây bao hàm cả sự đánh giá, thái độ, tư tưởng, tình cảm mà nhân dân dành cho các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử, qua đó nhằm giáo dục con người về ý thức trách nhiệm cộng đồng. Con người trong truyền thuyết là bộ phận của một cộng đồng cụ thể, của một dân tộc nhất định chẳng hạn An Dương Vương là “Kẻ Chủ” của nước Âu Lạc; Lê Lợi là con dân của Đại Việt… Vì thế truyền thuyết chỉ bó hẹp trong phạm vi một cộng đồng (trong khi thần thoại quan tâm đến những vấn đề có tầm vũ trụ, tầm nhân loại, có tính chất phổ quát). Do đó, truyền thuyết mang tính địa phương rất rõ. Nó chi phối đến việc tác giả dân gian xây dựng các đặc trưng thi pháp: cốt truyện phải có cốt lõi là sự thật lịch sử nghĩa là phải xoay quanh các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử; thời gian là quá khứ, có tính xác định; không gian cụ thể, rõ ràng…Tất cả những gì xảy ra trong truyền thuyết, dù có sự tham gia của yếu tố thần kì như chuyện thần Kim Quy giúp vua xây thành Cổ Loa, làm nỏ thần… hay như Lê Lợi bắt được

gươm thần… đều được công chúng cảm thụ như là chuyện đã từng xảy ra trong quá khứ.

Trong khi đó, truyện cổ tích lại hướng về những vấn đề cơ bản của cuộc sống sinh hoạt, của những quan hệ đời thường trong xã hội đã có sự phân chia giai cấp. Chức năng của cổ tích là nhận thức, lý giải những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình (vợ - chồng, cha - con, anh - em…) và ngoài xã hội (thầy - trò, bạn bè, vua quan - thứ dân…) qua đó giáo dục con người khát vọng hướng thiện. Chức năng đó dẫn tới đặc trưng nghệ thuật của cổ tích là hư cấu, bịa đặt ra các câu chuyện không có thật. Như đại thi hào Nga A.Puskin có nhận xét: Cổ tích là câu chuyện bịa nhưng những chuyện bịa đó lại là bài học quý cho các cô cậu hảo tâm. Nhân vật chính trong cổ tích là những con người đời thường trong xã hội nhưng đó là đại diện cho một loại người, hạng người, tầng lớp người chứ không phải một con người cụ thể nào cả. Họ đều là những con người nghèo khổ, bất hạnh, “dưới đáy” của xã hội. R.Gamzatốp - nhà thơ lớn của Liên Xô đã nói về sự hình thành truyện cổ tích rất đúng: Trong những lâu đài, cung điện, người ta không sáng tác truyện cổ tích. Truyện cổ tích không cần thiết đối với những kẻ sống ở đấy (dẫn theo [25; 37]). Truyện cổ tích là tiếng nói, khát vọng của biết bao con người nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội, do đó, tác giả dân gian đã đưa vào truyện những yếu tố tưởng như vô lý trong hiện thực nhưng lại có lý và có thể tồn tại “tự nhiên nhi nhiên” trong thế giới nghệ thuật của cổ tích. Cả người kể lẫn người nghe đều ý thức được rằng đó là những điều không thể xẩy ra trong thực tế, nó chỉ xẩy ra trong thế giới cổ tích mà thôi. Như vậy có thể thấy rằng cổ tích mới là nghệ thuật đích thực, là hư cấu nghệ thuật có chủ tâm (V.I.a.Prốp).

Nếu như trong truyền thuyết, người kể cố làm cho người nghe tin vào câu chuyện là có thật thì trong cổ tích người kể không có ý thức tác động vào lòng tin của người nghe mà muốn kéo họ vào thế giới nghệ thuật của câu chuyện bằng tính chất li kỳ, làm cho họ cảm, xúc động, từ đó mà họ tự rút ra cho mình bài học nhân sinh “hướng tới điều thiện”, tránh xa cái xấu, cái ác.

Tác phẩm văn học thu hút mạnh mẽ sự chú ý của chúng ta… không thể xem nó chủ yếu là một nguồn thông tin sự kiện, nó đem lại cho chúng

Một phần của tài liệu So sánh đặc điểm của truyện kể về địa danh giữa hai thế loại truyền thuyết và cổ tích (Trang 56 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w