Trong truyền thuyết và cổ tích có cả con người và lực lượng thần kì. Tuy nhiên, cách lựa chọn và thi pháp xây dựng nhân vật trong hai thể loại này là khác nhau.
2.1. Về nhân vật con người
Trong truyền thuyết về địa danh, nhân vật là con người thường là những nhân vật lịch sử. Trước hết đó là những nhân vật xuất hiện với tư cách là người anh hùng: trong chùm truyện kể về thời kì dựng nước có hình tượng người anh hùng trị thủy là Sơn Tinh; trong Mụ Giạ có vua Hùng, ngay cả người đàn bà có tên Mụ Giạ cũng là một người anh hùng có công mở mang bờ cõi nước nhà; trong Sự tích thành Cổ Loa có An Dương Vương; trong Đồng Kiệu, Bãi Cồn và bà Chúa Hến có vua Lê Đại Hành, trong chùm truyện về Lê Lợi có Lê Lợi và các tướng sĩ… Truyền thuyết không chỉ có chức năng ghi chép lịch sử mà còn có chức
năng phản ánh thái độ, tư tưởng, tình cảm và quan niệm của nhân dân về các sự kiện lịch sử, các nhân vật lịch sử bằng các phương tiện nghệ thuật. Nó có cái lõi là sự thật lịch sử nhưng không hoàn toàn sao chép lịch sử mà còn được chắp thêm đôi cánh của trí tưởng tượng và nghệ thuật dân gian. Nhân vật anh hùng Sơn Tinh do bắt nguồn, gần gũi với thần thoại nên được thần thánh hóa, mang màu sắc thần linh huyền thoại: có phép dịch chuyển núi cao, bao lần đánh bại Thủy Tinh - kẻ có thể hô mưa, gọi gió. Nhân vật anh hùng là con người như An Dương Vương, Lê Lợi lại có khả năng cảm hóa được thần linh: An Dương Vương cầu được rùa vàng (thần Kim Quy) lên giúp diệt trừ ma quỷ, xây thành Cổ Loa; Lê Lợi được thần linh cho mượn gươm thần để đánh đuổi giặc Minh xâm lược và được thần linh phù hộ, giúp đỡ trong những lần nguy cấp. Nhưng dù họ có sức mạnh phi thường thì họ vẫn được xây dựng với những đặc điểm của con người bình thường: Sơn Tinh vẫn gánh đất đắp núi; An Dương Vương cũng là người chủ quan, mất cảnh giác với kẻ thù đến nỗi mất nước; Lê Lợi có lúc bị rơi vào tình huống nguy cấp bị giặc truy đuổi…
Bên cạnh hình tượng người anh hùng, nhân vật con người trong truyền thuyết về địa danh còn là tầng lớp quần chúng nhân dân. Các nhân vật này dù mang tính chất phiếm chỉ nhưng ở họ vẫn có bóng dáng của lịch sử. Tiêu biểu là chùm truyện về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn. Trong chùm truyện này, quần chúng nhân dân đóng vai trò là nhân vật chính, nhằm làm nổi bật hình tượng trung tâm là Lê Lợi. Các nhân vật này thường không có tên như bác phường săn (Sông Cầu Chày chó chạy đứt đuôi); bà lão (Cánh đồng Mẫu Hậu), mụ hàng dầu (Sự tích núi Dầu), vợ chồng vị tướng già (Sự tích núi Đèn), người mẹ (Cây đèn Phúc Chi)… Nhiều người đã bị chết sau khi giúp đỡ nghĩa quân bị giặc phát hiện: mụ
hàng dầu chết bởi lưỡi gươm của giặc Minh; người vợ, người mẹ bị giặc thiêu sống biến thành ngọn lửa… Nhưng họ bất tử bởi họ đã hóa thành những chứng tích, những địa danh như núi Dầu, núi Đèn, cây đèn Phúc Chi … dấu ấn của một giai đoạn lịch sử đau thương nhưng cũng đầy hào hùng của dân tộc. Hình tượng quần chúng nhân dân thể hiện tinh thần đoàn kết, nhất trí, đồng sức đồng lòng của toàn thể dân tộc giúp cho Lê Lợi và nghĩa quân quét sạch giặc Minh xâm lược. Họ không có một cái tên cụ thể bởi vì tất cả họ đều là quần chúng nhân dân, là biểu tượng cho sức mạnh, ý chí và tinh thần yêu nước của nhân dân:
Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới. Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào
(Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi) Những con người như thế đâu đâu cũng có, vì thế mà mỗi lần gặp nguy nan, Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn luôn gặp được sự đùm bọc, giúp đỡ, che chở của nhân dân. Sự xuất hiện của các địa danh chính là nhằm thể hiện mối quan hệ giữa lãnh tụ với nhân dân. Lãnh tụ được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ vượt qua khó khăn, nguy hiểm. Khi đã lập nên chiến công, lãnh tụ nhớ ơn ấy mà đền ơn, ghi danh họ vào lịch sử bằng cách đặt tên sông, tên núi, tên hồ…
Ngoài ra, nhân vật là con người trong truyền thuyết về địa danh còn có những vị tướng tài như Nguyễn Trãi, Lê Thận, Trần Nguyên Hãn… Họ một lòng theo minh chủ, đóng góp tài năng và sức lực của mình cùng minh chủ trong từng trận đánh, từ ngày đầu đầy khó khăn
lương hết mấy tuần, quân không một đội (Bình Ngô đại cáo) đến những ngày thắng lợi xã tắc vững bền, giang sơn đổi mới (Bình Ngô đại cáo). Có cả những nhân vật là kẻ thù của nhân dân, thuộc lực lượng đối lập như Thủy Tinh trong sự đối lập với Sơn Tinh, giặc Minh trong sự đối
lập với quân và dân ta…Sự xuất hiện của nhân vật thuộc tuyến đối lập nhằm làm nổi bật mâu thuẫn xung đột chính và thông qua đó, tác giả dân gian muốn làm nổi bật hình tượng nhân vật trung tâm là người anh hùng. Còn nhân vật trung tâm trong truyện kể về địa danh thuộc thể loại cổ tích là những con người bình thường đại diện cho các hạng người, loại người, tầng lớp người trong xã hội có giai cấp chứ không phải là một con người cụ thể nào. Ví dụ như chàng mồ côi trong Hòn Trống Mái, Sự tích núi Vàng; mẹ con người đàn bà góa trong Sự tích hồ Ba Bể; ông cụ già trong Sự tích núi Ngũ Hành… Họ là những con người “dưới đáy” của xã hội, những người “thấp cổ bé họng”…Các nhân vật vì thế thường mang tính chất phiếm chỉ: về lai lịch thường được giới thiệu một cách chung chung, sơ lược: hoặc không có tên, không có lý lịch cụ thể về quê quán: ông cụ già sống một thân một mình trong một túp lều con trên bãi biển vắng. Những người dân gần đó không biết ông cụ đến đây làm gì và đến từ lúc nào (Sự tích núi Ngũ Hành)… có khi nhân vật cũng có tên nhưng vẫn mang tính chất phiếm chỉ: chàng Côi trong Sự tích núi Vàng là chàng trai mồ côi; cái tên Chử Đồng Tử trong Sự tích đầm Nhất Dạ và bãi Tự Nhiên có nghĩa là đứa trẻ ở bãi sông…Nhưng ở họ luôn có những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp mà nhân dân gửi gắm, ước mơ: sự chung thủy, son sắt của người phụ nữ; tấm lòng lương thiện, tốt bụng… Trong truyện cổ tích vẫn có sự xuất hiện của tuyến nhân vật đối lập, nhưng đó là sự đối lập mang tính chất nội bộ, trong các phạm trù đạo đức giữa cái thiện và cái ác. Chẳng hạn như trong Sự tích hồ Ba Bể, những người cầu Phật - đại diện cho những kẻ xấu, giả đạo đức, đối lập với mẹ con bà góa - đại diện cho cái thiện, đúng như nhận xét của bà già ăn xin (thực chất là hóa thân của con Giao Long): chúng nó thờ Phật mà kì thực là buôn Phật. Chúng nó xứng đáng phải chịu trầm luân. Chỉ có
mẹ con nhà ngươi tốt bụng [2; 362]. Hay trong Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại, ông vua và những tên lính - đại diện cho giai cấp thống trị phong kiến - đối lập với ông Dầu bà Dầu - đại diện của quần chúng lao động nghèo khổ…
Đó là đối với những truyện có mâu thuẫn xung đột. Kết thúc những truyện này thường là những người tốt được đền đáp như mẹ con người đàn bà góa trong Sự tích hồ Ba Bể, sự tu thiện của Thủ Huồn trong Sự tích sông Nhà Bè hay truyện Thủ Huồn…còn cái xấu, cái ác bị trừng trị như những kẻ cầu Phật mà vô lương tâm trong Sự tích hồ Ba Bể, vua nhà Lý trong Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại…Còn đối với những truyện không có mâu thuẫn xung đột, chúng thường chỉ có một tuyến nhân vật như Sự tích động Từ Thức, Sự tích đống Dấm ở thôn Đa Sĩ…
2.2. Về lực lượng thần kì
Trong truyền thuyết về địa danh có sự xuất hiện của yếu tố thần kì nhưng nó chỉ đóng vai trò phụ trợ nhằm làm nổi bật nhân vật trung tâm và để tạo nên tính chất li kì cho câu chuyện. Bởi nói như Phạm Văn Đồng: nhân dân qua nhiều thế hệ đã lý tưởng hóa, gửi gắm vào đó tâm tình thiết tha của mình cùng với thơ và mộng chắp đôi cánh của sức tưởng tượng và nghệ thuật dân gian làm nên những tác phẩm văn hóa mà đời đời con người ưa thích [5] .
Trong Sự tích hồ Gươm có sự xuất hiện của rùa thần, gươm thần. Đó là hiện thân của sự giúp đỡ của thần linh đối với Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Điều đó chứng tỏ rằng cuộc khởi nghĩa này là hoàn toàn chính nghĩa và Lê Lợi xứng đáng là người được nhận gươm quý lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược: cái tên mới hồ Gươm đánh dấu một giai đoạn chinh chiến của quân và dân ta đã kết thúc, đất nước trở lại
thanh bình. Ý nghĩa giải thích địa danh ở đây gắn với lòng nhớ ơn, ghi ơn của Lê Lợi và nhân dân đối với Long Quân hay có thể nói của thế hệ sau đối với thế hệ trước trong công cuộc giữ gìn nước non [8; 60]. Trong Sự tích thành Cổ Loa có sự xuất hiện của lực lượng ma quỷ, yêu quái (con gà trắng) chống lại việc xây thành của An Dương Vương, làm cho thành cứ xây lên là đổ, không thể hoàn thành được. Sự xuất hiện của rùa vàng - tự xưng là sứ Thanh Giang - đã giúp vua trừ ma quỷ, xây xong thành Cổ Loa, lại cho vua móng rùa làm nỏ thần bắn một phát chết hàng vạn tên. Lực lượng thần kì ở đây, cụ thể là thần Kim Quy, là sản phẩm của khát vọng, ước mơ luôn luôn đánh thắng kẻ thù của nhân dân ta. Nhân vật thần kì ở đây cũng là đại diện cho trí tuệ của nhân dân bởi khi An Dương Vương gần thần thì sáng suốt, làm gì cũng được còn khi xa thần rồi thì quên lời thần dặn, An Dương Vương trở nên lú lẫn, mất cảnh giác và dẫn tới thất bại. Thần Kim Quy đóng vai trò quan trọng trong truyện nhưng cũng chỉ là giúp đỡ, phụ trợ còn người quyết định cao nhất và cuối cùng vẫn là vua.
Trong truyện kể về địa danh thuộc thể loại cổ tích, nhân vật thần kì xuất hiện đa dạng hơn. Trong Sự tích hồ Ba Bể, bà già ăn xin gớm ghiếc chính là hóa thân của con Giao Long để thử lòng người. Người tốt cuối cùng được đền đáp còn kẻ xấu thì bị trừng trị đích đáng: Chúng nó thờ Phật mà kì thực là buôn Phật. Chúng nó xứng đáng phải chịu trầm luân. Chỉ có mẹ con nhà ngươi là tốt bụng. Hãy cầm lấy gói tro này, nhớ rắc ngay xung quanh chỗ ở và nội trong đêm hôm nay chớ đi đâu cả. Hoặc nếu có đi thì đưa nhau lên đỉnh núi cao mà tránh [2; 362]. Trong Sự tích đầm Mực, hai người học trò chính là hai anh em con vua Thủy Tề lên theo học cụ đồ Chu An. Hai người học trò này đã bất chấp lệnh trời làm mưa cứu dân thoát khỏi cơn đại hạn: Oai trời thì rất nghiêm nhưng lời
thầy thì rất trọng. Chúng con xin vâng lời thầy [2; 385]. Câu nói này đã đề cao vai trò của người thầy, đề cao mối quan hệ thầy - trò trong xã hội phong kiến. Trong Sự tích núi Ngũ Hành có sự xuất hiện của rùa vàng: Ta là thần Kim Quy. Ta muốn ngươi phải hết sức bảo hộ giọt máu này của Long quân [2; 433]. Trong truyện này, rùa vàng đóng vai trò hỗ trợ cho ông lão trong việc bảo vệ, chăm sóc cho quả trứng mà Giao Long vừa đẻ ra: Ngươi hãy cầm lấy cái này, bao giờ có việc gì khó khăn, nguy cấp thì đặt nó vào tai, ta sẽ giúp ngay, không lo gì cả [2; 433]. Với sự giúp đỡ đó, ông lão đã hoàn thành sứ mệnh của mình khi quả trứng đã thành một thiếu nữ xinh đẹp và được gả cho hoàng tử trong cung. Nơi mà ông lão chăm sóc, nuôi nấng cô gái bằng sự giúp đỡ của rùa vàng được người ta gọi là núi Ngũ Hành.
Trên đây là chúng tôi nói về lực lượng thần kì trong cổ tích thần kì, còn đối với những truyện cổ tích sinh hoạt như Sự tích đá Vọng Phu,
Hòn Trống Mái, Sự tích đá Bà Rầu… thì không có sự xuất hiện của nhân vật thần kì, có chăng chỉ là yếu tố thần kì xuất hiện ở cuối truyện gắn với sự hóa thân của nhân vật là con người. Yếu tố kì diệu trong tiểu loại này cũng góp phần lý giải tên gọi của các địa danh bởi vì hình thù của chúng có liên quan đến sự biến hóa của các nhân vật như núi Vọng Phu có hình thù mẹ bồng con; đá Bà Rầu có hình dáng của một người đàn bà cô đơn, buồn rầu; hòn Trống Mái có hình dáng như hai con người ôm ấp lấy nhau; hòn Vú Đá có hình tảng đá lớn trông như vú đàn bà…