4.1.Thời gian vật lí ở trong hiện thực khách quan khi được chuyển vào tác phẩm văn học nghệ thuật thì trở thành thời gian nghệ thuật. Đó là thời gian được cảm nhận thông qua lăng kính chủ quan của người nghệ sĩ. Sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật. Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời gian nghệ thuật có thể đảo ngược quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương
lai xa xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát lại có thể kéo dài cái chốc lát thành vô tận [9; 272]. Trong văn học viết, các tác giả cũng đã có những cảm nhận khác nhau về thời gian như:
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Ngày vui ngắn chẳng tày gang
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Một ngày tù nghìn thu ở ngoài
(Nhật kí trong tù - Hồ Chí Minh) Người ta nói văn học là nghệ thuật thời gian hay thời gian là một hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Điều đó chứng tỏ thời gian nghệ thuật là một phạm trù thi pháp đặc trưng của văn học. Thời gian là đối tượng, là chủ thể, là công cụ miêu tả - là sự ý thức và cảm giác về sự vận động và đổi thay của thế giới trong các hình thức đa dạng của thời gian xuyên suốt toàn bộ văn học [26; 63]. Thời gian nghệ thuật thực chất đó chính là sự sáng tạo của người nghệ sĩ, là sự thể hiện ý đồ nghệ thuật của nghệ sĩ. Nghệ sĩ có thể chọn điểm bắt đầu và kết thúc, có thể kể nhanh hay chậm, có thể kể xuôi hay đảo ngược, có thể chọn điểm nhìn từ quá khứ, hiện tại, tương lai; có thể chọn độ dài một khoảnh khắc hay nhiều thế hệ, nhiều cuộc đời [26; 63]. Để làm cho người thưởng thức hoặc hồi hộp chờ đợi, hoặc thanh thản vô tư, hoặc chìm đắm vào quá khứ, hoặc phiêu lưu trong mộng ước tương lai, tác giả thường sử dụng nhiều phương tiện nghệ thuật khác nhau, nhiều thước đo thời gian khác nhau: đó có thể là sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức: sự sống, cái chết, gặp gỡ, chia ly, mùa này, mùa khác…tạo nên nhịp điệu trong các tác phẩm; đó có thể là các trạng ngữ chỉ thời gian
trực tiếp như: một hôm, thuở ấy, ngày nay, hôm qua, hôm nay, mùa hè tới…
4.2.Thời gian trong các truyện kể về địa danh ở cả hai thể loại truyền thuyết và cổ tích đều là thời gian quá khứ, toàn bộ thế giới nghệ thuật trong tác phẩm đều thuộc về quá khứ, đã diễn ra trong quá khứ. Mụ Giạ
gắn với thời kì dựng nước của nhà nước Văn Lang do vua Hùng làm chủ. Sự tích thành Cổ Loa gắn với thời kì Âu Lạc do vua An Dương Vương đứng đầu. Sự tích núi Mục, Sự tích núi Đèn, Sự tích núi Dầu, Cây đèn Phúc Chi, Sông Cầu Chày chó chạy đứt đuôi… gắn với thời kì Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. Sự tích núi Ngũ Hành gắn với thời điểm ngày xưa. Sự tích Đầm Mực gắn với ngày ấy vào đời nhà Trần… trong các truyện kể này, thời gian nghệ thuật cũng chính là thời gian xuất hiện các địa danh theo quan niệm của các tác giả dân gian, gắn với cái mốc “từ đó”, và đến nay địa danh đó vẫn còn.