3.1. Nếu như thời gian trong thần thoại là quá khứ mơ hồ, xa xăm, thời gian trong cổ tích là quá khứ phiếm chỉ, vô định thì thời gian trong truyền thuyết là quá khứ tuyệt đối, có tính xác định. Hay nói cách khác, đối với thần thoại và cổ tích thì thời gian chỉ là những giả định để truyện tồn tại còn đối với truyền thuyết, thời gian là thời gian của truyện tồn tại.
3.1.1. Một đặc điểm dễ nhận thấy đó là cách giới thiệu thời gian trong truyền thuyết thường nằm ở phần đầu tác phẩm gắn với các niên đại, các triều vua hay các giai đoạn lịch sử cụ thể. Thời gian đó được các tác giả dân gian mặc nhiên thừa nhận: chùm truyện về Sơn Tinh gắn với triều đại vua Hùng thứ mười tám; chùm truyện về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn gắn với thế kỷ XV; truyện Sự tích thành Cổ Loa gắn với triều đại Âu Lạc của vua An Dương Vương; truyện Mụ Giạ gắn với triều đại Văn Lang; truyện Sự tích thành Lồi gắn với triều đại nhà Trần.
Tuy nhiên trong các truyền thuyết về địa danh này vẫn xuất hiện hình thức thời gian có tính chất phiếm chỉ bị đẩy về quá khứ xa xăm như: thuở ấy, nước ta gọi là nước Văn Lang do vua Hùng làm chủ (Mụ Giạ); ngày xưa…(Đồi Mòm và gò Choi); Mùa hè năm ấy… (Cánh đồng ao Voi). Điều đó chứng tỏ tính chất xác định của thời gian trong truyền thuyết cũng chỉ mang tính chất tương đối. Đây cũng chính là điểm cơ bản để phân biệt lịch sử với truyền thuyết, để khẳng định truyền thuyết là một thể loại văn học dân gian thực sự. Nếu như lịch sử rất quan tâm đến độ chính xác của thời gian, các sự kiện diễn ra luôn gắn với các mốc thời gian khách quan cụ thể: năm nào, tháng nào, thậm chí chính xác đến ngày, giờ, phút, giây, thì truyền thuyết không cần điều đó. Truyền thuyết quan tâm đến thời gian với tư cách là một nhân tố trong cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm. Thời gian đó được khúc xạ qua cảm nhận chủ quan của người sáng tác truyện dân gian.
Vậy, tại sao thời gian trong truyền thuyết tuy bị đẩy về quá khứ tuyệt đối nhưng vẫn có tính xác định?
Thời gian quá khứ tuyệt đối gợi nhắc người nghe, người đọc nhớ đến quá khứ của dân tộc. Mặt khác, thời gian đó tạo ra một khoảng cách nhất định để tác giả dân gian có thể hư cấu, tưởng tượng đồng thời tạo
cho người tiếp nhận một khoảng cách tâm lý để tin vào sự thật lịch sử trong truyện. Một lý do khác nữa đó là do đặc trưng của truyền thuyết là truyền miệng và lưu hành trong dân gian, do đó không thể nhớ chính xác được. Nhưng chính thời gian quá khứ tuyệt đối đã làm cho các truyện vẫn đảm bảo thống nhất về mặt thời gian.
Còn tính xác định của thời gian trong truyền thuyết là do yếu tố cốt lõi của cốt truyện quy định. Truyền thuyết có cái lõi là sự thật lịch sử, là những truyện kể thể hiện cách nhìn nhận, sự đánh giá của nhân dân về các sự kiện lịch sử gắn với các nhân vật lịch sử, vì thế thời gian của truyền thuyết phải có tính xác định thì người ta mới tin đó là chuyện có thật. Thời gian đó là thời gian được cảm nhận theo cảm quan lịch sử.
3.1.2. Do cốt truyện có tính chất chùm chuỗi quy định nên có thể thấy một đặc điểm nữa của thời gian trong truyền thuyết đó là tính thời đoạn, thời điểm. Có thể nói mỗi chùm chuỗi thường phản ánh một giai đoạn lịch sử, một quá trình diễn biến một cách khá toàn diện trong đó mỗi truyện phản ánh một thời đoạn nhỏ của quá trình ấy.
Trong chùm truyện về Sơn Tinh, mỗi truyện là một trận đánh giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Mỗi lần Thủy Tinh kéo quân lên trả thù là một lần Sơn Tinh để lại những chiến công, kì tích. Mỗi chiến công đó đã để lại dấu ấn bằng những địa danh như núi Chẹ, núi Chẹ Đồng, đồi Mòm, gò Choi, ngòi Lạt, ao Vua, đầm Gà, cầu Giải, đầm Dượng, núi Chàng Rể…
Còn trong chùm truyện về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn, thời gian lại gắn với các thời điểm khác nhau của cuộc khởi nghĩa. Đó là thời điểm của những ngày đầu gây dựng lực lượng, củng cố căn cứ của nghĩa quân: Sự tích núi Dầu ở dị bản thứ nhất gắn với việc tìm minh chủ của Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn; dị bản thứ hai và thứ ba gắn với việc
thu phục lòng dân của Lê Lợi, với sự đồng sức đồng lòng, góp công, góp của của nhân dân dành cho cuộc khởi nghĩa. Đó là thời gian đầy khó khăn, thử thách của nghĩa quân với bao biến cố thăng trầm: Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần. Khi Khôi Huyện quân không một đội (Bình Ngô đại cáo); khi Lê Lợi bị quân Minh đuổi riết, quân lính tản mát chỉ còn một số tùy tòng (Cánh đồng Mẫu Hậu), khi cần phải hành quân cấp tốc, khi vượt qua sông Ghép thì người và voi, ngựa đều mệt nhoài (Cánh đồng ao Voi), khi Lê Lợi bị giặc Minh truy đuổi, đương lúc vạn lần nguy cấp
(Sông Cầu Chày chó chạy đứt đuôi). Đó là khi cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi, đất nước trở lại thanh bình, vua Lê phải hoàn gươm lại cho Long quân (Sự tích hồ Gươm)…
3.2. Khác với thời gian trong truyền thuyết là quá khứ có tính xác định thì thời gian trong cổ tích lại là quá khứ tuyệt đối, không có tính xác định. Truyện thường mở đầu bằng các trạng ngữ chỉ thời gian: vào hồi đó…(Sự tích hồ Ba Bể); ngày xưa (Sự tích đá Bà Rầu, Sự tích đá Vọng Phu, Sự tích sông Nhà Bè hay truyện Thủ Huồn), ngày xửa ngày xưa…
(Sự tích núi Vàng)…Thời gian đó không vận động cũng không biến đổi. Tất cả mọi hoạt động của nhân vật, mọi diễn biến của sự kiện, chi tiết đều gói gọn trong các khoảng thời gian quá khứ xa lắc, xa lơ đó. Nhân vật không già đi dù phải trải qua bao thử thách, không có diễn biến tâm lý…
Truyện cổ tích là hình ảnh vĩnh viễn, không rõ điểm đầu - điểm cuối về một “ ngày xưa” mơ hồ luôn luôn là ngày xưa [25; 46].
Rõ ràng, đây là thời gian hư cấu, hoàn toàn có tính bịa đặt không thực bởi nếu đi xem xét nội dung của truyện cổ tích thì sự việc được kể ra nhiều khi chưa cách hiện tại là mấy, có khi nó còn đang diễn ra trong hiện tại thế mà người kể vẫn đẩy nó vào quá khứ xa xăm: Ngày ấy, vào
đời nhà Trần…(Sự tích đầm Mực); ngày xưa, vào đời nhà Lý…(Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại)…
Tác giả dân gian khi sáng tạo ra truyện cổ tích đã tạo ra thế giới nghệ thuật đó để gây cho người kể, người nghe không tin đó là chuyện có thật. Khi tác giả dân gian đẩy thời gian của truyện cổ tích vào quá khứ tuyệt đối như vậy sẽ tạo điều kiện cho người kể chuyện tha hồ nói chuyện bịa đặt, tha hồ nói dối: Nó mở rộng chân trời nói dối đến tận cùng [6; 33]. Bởi thế các nhà nghiên cứu mới cho rằng đến thời cổ tích, con người mới có ý thức làm nghệ thuật, hay nói cách khác truyện cổ tích là nghệ thuật có chủ tâm, là nghệ thuật đích thực. Cổ tích giáo dục con người ý thức hướng thiện thông qua cảm xúc chứ không thông qua ý thức ấu trĩ như thần thoại, cũng không qua lý trí và cảm quan lịch sử như truyền thuyết [6; 33].
Công thức thời gian ngày xưa hoặc ngày xửa ngày xưa ấy cũng mở ra cái gọi là trường cổ tích, có nghĩa là khi bước vào thế giới cổ tích, con người thoát ra khỏi lý trí và sự tỉnh táo thực tại để đến với một thế giới mới, mà ở đó xã hội thật sự có công bằng, đạo lý, có phú quý, giàu sang, người nghèo được đổi đời, người tốt được đền đáp còn kẻ xấu thì bị trừng trị. Muốn thực hiện được điều đó thì mở đầu truyện, tác giả dân gian tạo ra thời gian hư cấu, kéo thời gian vào xa xôi, vô định giống như việc tạo ra một phản động lực với mục đích kéo giật lùi càng xa thì tác dụng phóng con người hướng tới ước mơ, khát vọng càng lớn.
Ngoài công thức thời gian mở đầu, trong các truyện thời gian còn được diễn tả bằng nhiều từ ngữ mang tính phiếm chỉ, không xác định, và những từ ngữ ấy được lặp đi lặp lại: một hôm, một ngày nọ, hôm ấy, đêm hôm ấy, hồi đó, một lần…Tác dụng của nó là càng đẩy câu chuyện về quá khứ tuyệt đối, không xác định, mặt khác nó cũng tạo cho người
nghe, đặt người nghe vào một tâm thế tò mò, háo hức, chờ đợi một sự cố mới, một sự kiện mới trong diễn tiến số phận của nhân vật.
Như vậy, thời gian nghệ thuật trong truyền thuyết về địa danh và trong truyện kể về địa danh thuộc thể loại cổ tích có nhiều điểm khác nhau. Đây cũng chính là một phạm trù thi pháp quan trọng giúp chúng tôi phân biệt và xác định thể loại cho các truyện ở mục “thống kê và phân loại”.