NHÂN VẬT NỮ TRONG TIỂU THUYẾT Y KAWABATA 3.1 Sử dụng các thủ pháp ngoại hiện

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiể thuyết y kawabata (Trang 65 - 79)

3.1. Sử dụng các thủ pháp ngoại hiện

Thủ pháp ngoại hiện là các phương pháp thể hiện bên ngoài nhân vật. Ở đây không có nghĩa là dùng phương pháp để thể hiện ngoại hình nhân vật mà được hiểu theo nghĩa rộng hơn. Đó là tất cả những gì được bộc lộ ra ngoài và bằng các phương tiện khác bên ngoài nhân vật giúp ta hiểu rõ về nhân vật.

3.1.1. Miêu tả ngoại hình ngoại hình nhân vật

Văn học cổ - trung đại phương Đông nói chung, đặc biệt là những nước chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, ước lệ, tượng trưng được xem là bút pháp quen thuộc để miêu tả chân dung nhân vật. Trong văn học Nhật Bản, ít có nhân vật được khắc hoạ bằng lối miêu tả cụ thể, chi tiết. Trong Truyện Heike Bà Phật nổi tiếng múa hát rất tài cũng chỉ được chấm phá vài nét: “Bà Phật là một cô gái đẹp lạ thường, đẹp từ khuôn trăng đầy đặn, suối tóc dầy óng ả, đẹp cả giọng nói, điệu cười. Nàng đã cất giọng hát, tiếng nàng ngân vang như không bao giờ dứt. Người xem đã bị điệu múa của nàng chinh phục. Và mọi người lại càng bị chinh phục khi quan tể tướng cất tiếng khen ngợi và tỏ ra yêu thích nàng hơn nàng Ghiô” [13,360]. Trong vở kịch Nô nổi tiếng của Kan-ami là Sotoba - Komachi mà vai chính là Komachi một trong “lục ca tiên” thời Heian nổi tiếng tài sắc chỉ được miêu tả một cách ước lệ:

Komachi của một thời, Là bông hoa rực sáng Là sắc đẹp mày thanh Tựa vầng trăng non trẻ

Mà gương mặt mãi trắng hồng Của biết bao là y trang gấm vóc

Trong những căn phòng thơm nức bách hương

[13, 383]

Bước sang thế kỉ XX, sự mở rộng giao lưu văn hoá Đông - Tây đã tạo nên sự thay đổi rõ nét trong quan niệm thẩm mỹ cũng như nghệ thuật thể hiện nhân vật trong văn học. Các nhà thơ, nhà văn đã tiếp thu và sử dụng các biện pháp kỹ thuật của văn học phương Tây vào tác phẩm của mình. Y. Kawabata là một nhà văn trong số đó. Ông tiếp thu một cách sáng tạo một số biện pháp kỹ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại trên nền tảng mỹ học Nhật Bản truyền thống.

Nếu như các nhân vật nam thường được Y. Kawabata chú trọng vào nội tâm mà không hề chú ý đến miêu tả về ngoại hình thì ngược lại nhân vật nữ lại được ông đặc biệt chú trọng về ngoại hình dù đó là nhân vật chính hay nhân vật phụ. Trong Người đẹp mê ngủ, các cô gái ngủ say và cả những người tình được nhớ đến đều được đặc tả khá đầy đủ các bộ phận cơ thể như: mái tóc, khuôn mặt, mắt, lông mày, lông mi, mũi, má, răng, vành tai, cổ, vai, ngực, vú, núm vú, cánh tay, bàn tay, ngón tay, mu bàn tay, móng tay, chân, ngón chân, làn da, háng, vóc dáng, thậm chí cả “những bộ phận kín đáo trên cơ thể cô gái”. Với đặc trưng nghề nghiệp của mình các cô gái ở đây có cơ hội thể hiện hết vẻ đẹp mà tạo hóa ban tặng. Không được đầy đủ như thế, nhưng Komako, Keiko, Yoko trong Xứ tuyết…cũng được khắc hoạ theo bút pháp này. Đây là vẻ đẹp của Komako: “Mũi cô thanh tú và cao, vẻ côi cút trên gương mặt khiến anh cảm động và gợi một chút buồn…Hàng mi của cô không cong, cũng không hướng lên phía trên cắt ngang mí thành một đường thẳng đến nỗi trông có vẻ kì dị, thậm chí buồn cười, nếu nó không được bao bọc một cách tế nhị bởi hàng lông mày rậm, cong và mượt như tơ lụa. Mặt cô rất tròn và hai gò má hơi cao kể ra thì không có gì đáng chú ý. Nhưng với nước da hồng hào và đôi vai mảnh dẻ còn sắp đầy lên chút nữa, cô gợi một ấn tượng tươi mát, trong sạch đến nỗi cô có tất cả vẻ đẹp quyến rũ của một sắc đẹp, cho dù cô không đẹp hoàn hảo. Đối với một phụ nữ thường thắt khăn lưng rộng như các geisha, cô có một bộ ngực khá nở nang

” [35, 241]. Còn đây là các cô gái đang ngủ say: “Gò má và mi mắt đầy đặn. Cổ trắng, trắng đến độ phản ánh màu đỏ tía của tấm màn nhung” [35, 760], và “Các ngón chân mềm và dài, các đốt chân gập lại, mở ra dễ dàng như những ngón tay và chính cái chi tiết nhỏ nhoi này cuốn hút Eguchi mãnh liệt”, bàn tay được cảm nhận có “chỗ lõm mềm mại, thanh tú, nơi các ngón tay nối với bàn tay. Màu hồng ấm áp từ mu bàn tay trông càng hồng hơn khi tới các móng tay. Một bàn tay trắng sáng và mịn màng” [35, 743], Lối miêu tả chi tiết kỹ lưỡng, kết hợp so sánh, liên tưởng mở rộng đã góp phần khắc họa vẻ đẹp đầy ấn tượng của các nhân vật nữ. Lối miêu tả này gần với bút pháp hiện thực của chủ nghĩa hiện thực.

Cùng với lối miêu tả chi tiết kỹ lưỡng là lối đặc tả chi tiết nhằm cá thể hoá nhân vật. Mỗi nhân vật nữ của ông là một con người rất riêng, cụ thể, không thể lẫn lộn, thể hiện khả năng quan sát hết sức tinh tế của Y. Kawabata. Ông đặc biệt chú ý đến đôi mắt của các nhân vật nữ. Đó là “ánh mắt tuyệt vời, ánh mắt xuyên thủng cả người ai đó bắt gặp” của Yoko, “đôi mắt đen lánh như ngọc huyền” của Keiko hay “đôi mắt to long lanh nước” của Kikuko, “với vẻ ngạc nhiên hơi hoảng hốt trong đôi mắt” Komako, “những giọt nước mắt long lanh trong đôi mắt mở lớn và đen, đầy vẻ thành thật” của Fumiko…vừa là vẻ đẹp trang điểm vừa là cái thần thái, hé mở tình cảm, tâm hồn, tính cách nhân vật. Bên cạnh đôi mắt, làn da là chi tiết được Y. Kawabata đặc tả khi khắc họa ngoại hình nhân vật nữ. Nhân vật Komako trong

Xứ tuyết với nước da hồng hào “làn da cô khiến ta nhớ tới cái nhẵn của một củ hành

tươi bóc vỏ hoặc hơn thế nữa, của một củ huệ, nhưng với một chút ửng hồng toả xuống tận hõm ngực. Một hương thơm của sự sạch sẽ thoảng thoảng quanh cô” [35, 270] gợi lên một vẻ đẹp trong sạch đến tinh khiết. Ấn tượng đầu tiên của nhân vật Eguchi trong Người đẹp say ngủ khi lần đầu ngủ bên cạnh cô gái điếm đang ngủ say là màu da đẹp, “màu da của cô gái trông đẹp như các nàng hồ ly” và cô gái thứ hai là đôi má, khuôn mặt ửng đỏ: “đôi má nàng ửng đỏ, và ngay cả khuôn mặt cũng

ửng đỏ, da thịt nàng thơm ngát.” [35, 760]. Tất cả thể hiện vẻ quyến rũ, gợi cảm mạnh mẽ.

Lối đặc tả ngoại hình nhân vật gắn liền với quan điểm thẩm mỹ của nhà văn. Y. Kawabata đã lựa chọn những chi tiết gợi cảm nhất ở người phụ nữ và đặc tả nó để tạo ấn tượng riêng. Ở trên, chúng tôi đã nói tới hai chi tiết đôi mắt và làn da. Bên cạnh đó, hình ảnh đôi môi và bầu vú cũng được Y. Kawabata lựa chọn để đặc tả các nhân vật nữ của mình. Ông đặc tả một cách kỹ lưỡng đôi môi của Komako: “đôi môi cô thì giống như một nụ hoa lúc chụm lúc nở, nồng nàn, sống động và khát khao. Ngay cả khi cô không nói gì, đôi môi cô cũng rất linh hoạt và hình như tự nó luôn chuyển động. Nếu bị nứt nẻ hoặc nhăn nheo, hoặc chỉ nhợt nhạt thôi, đôi môi ấy có thể trông sẽ hơi khó chịu nhưng đằng này môi cô lại mịn màng, đỏ mọng dồi dào sức sống” [35, 241]. Đôi môi của cô gái đang ngủ say mà Eguchi gặp trong đêm đầu tiên ở nhà chứa: “đôi môi nàng, dưới ánh đèn rọi từ trần nhà, trông sáng rỡ tuổi trẻ…đôi môi lại hé ra để lộ một vài cái răng…hai môi mở hé khiến ta tưởng một nụ cười hàm tiếu lơ lửng trên đôi má” [35, 746 -747]. Còn đây là cô gái thứ năm: “nhân trung cong lên, tạo thành một hình tam giác trên miệng. Trông thu hút một cách lạ lùng” [35, 800]. Cả ba đều có một vẻ đẹp quyến rũ mạnh mẽ nhưng không hề giống nhau. Khi miêu tả bầu vú của người phụ nữ, dường như Y. Kawabata có cả “một sưu tập thật tuyệt vời”. Các cô gái trong Người đẹp say ngủ, mỗi người một vẻ cô gái thứ nhất “Đôi vú nàng có vẻ căng tròn một cách đẹp đẽ… đầu vú nàng còn nhỏ và còn hồng” [35, 750], cô gái thứ hai “Cặp vú hơi sệ nhưng vẫn đầy đặn, và so với gái Nhật thì hai núm vú nở to” [35, 763], cô gái thứ tư “bộ ngực rộng và đôi vú to nhưng chưa nẩy nở hết” [35, 791], cô gái thứ năm “núm vú còn dẹt dù bộ ngực căng đầy” [35, 799] và cô gái thứ sáu “đôi vú nhỏ nhưng tròn và chắc” [35, 802]. Nắm hai bầu vú của hai cô gái trong tay Eguchi cảm nhận được một cách rõ ràng: “cái thì mịn màng, cái thì trơn dầu”. Và khoảnh khắc ấy, Eguchi nhớ đến người đàn bà đầu tiên trong cuộc đời mình - người mẹ với “đôi vú khô

héo”, người yêu đầu tiên “máu đọng chung quanh núm vú” [35, 748], người đàn bà ở Kebo mặc dù đã có hai con nhưng “nàng có đôi vú như chưa từng ra sữa cho con bú” [35, 777]; Otoko không bao giờ cho con bú nên “đầu vú vẫn đỏ tươi. Hai mươi năm rồi, màu tươi đó chưa mất. Nhưng quá tuổi ba mươi nàng để ý thấy vú nàng nhỏ lại” [35, 892], còn Keiko “cái núm vú hồng, da mỏng gần như trong suốt… núm vú sắc hồng tươi mát như vừa tắm gội. Núm vú giống như cái nụ đặt trên nhũ hoa mịn như kem. Không có những đường lằn da, và cũng không có hạt, vừa cỡ để bú cho thoả tình yêu đương” [35, 908-909]…Đào Thị Thu Hằng đã có lí khi nói đến “những nét chấm phá độc đáo” của Y. Kawabata để chia ra Ngoại diện thể hiện

tính cách và Ngoại diện thể hiện nghề nghiệp. Nhưng theo chúng tôi, căn cứ vào

ngoại diện để chia ra như thế thì chưa thật thoả đáng. Trong cuộc sống có khi những thói quen nghề nghiệp có ghi dấu ấn lên ngoại diện, nhưng nếu chỉ lấy những người đẹp ngủ say để chứng minh điều đó thì không thuyết phục. Ở đây

nghề nghiệp đã tạo cơ hội cho nhân vật bộc lộ ngoại diện. Theo chúng tôi, bên cạnh

sự khác biệt giữa các nhân vật khi cùng miêu tả một bộ phận cơ thể, Y.Kawabata còn chú ý đi sâu và lặp lại một vài nét ngoại hình tiêu biểu, đặc sắc để thể hiện cá tính cũng như tâm hồn nhân vật trên cái nhìn tổng thể và tạo nên nét cá biệt hoá cho nhân vật của mình. Vẻ đẹp của Yoko đã trở thành nỗi ám ảnh đối với Shimamura cũng như độc giả khi tác giả miêu tả đôi mắt cháy lửa tới 10 lần, gương mặt quyến rũ nhưng lạnh lùng, xa cách tới 9 lần và đặc biệt là âm giọng của nàng tới 15 lần qua giọng nói, tiếng cười, giọng hát của nàng: “giọng nàng sao mà tuyệt diệu thế, nó vang cao và rung lên lướt như một tiếng vang trên tuyết và trong màn đêm, nó có một vẻ quyến rũ cảm động đến nỗi làm cho trái tim ta man mác buồn” [35, 222]. Cùng với giọng nói là “một giọng hát thanh và sâu, thấm buồn, thứ tiếng huyền bí lay động lòng ta như thể không biết từ đâu tới” [35, 294] và “một giọng cười trong mà sắc như chính giọng nói của nàng, tiếng cười như lúc nào cũng hướng về nơi vô định, từ nỗi cô quạnh mà ra. Một tiếng cười không hề thô tháp, vô lối mà nó lặng

dừng sau khi đã gõ vào cánh cửa trái tim của chàng” [35, 316]. Chính âm sắc vang cao đó chứa đựng tất cả tâm hồn và tình yêu của cô, một tâm hồn trong sáng, thanh cao và một tình yêu tuyệt đối mà vô vọng. Chính vì thế nó lay động thấm sâu vào tâm hồn Shimamura và người đọc, không thể lãng quên. Trong Tiếng rền của núi, Kikuko hiện lên với một vẻ đẹp trong trắng, hồn nhiên, tinh tế, nhạy cảm. Kikuko có một cách thể hiện rất đặc biệt là “đôi vai đẹp hay ngúng ngẩy”. Điệu bộ có lẽ được tạo ra từ một đứa con út quen được nâng niu, chiều chuộng “làm cho cô quen thói nhõng nhẽo”cả khi lấy chồng rồi cô vẫn không thay đổi. “Trong điệu bộ ngúng ngẩy đôi vai của Kikuko, Singo nhận thấy có một vẻ gì đó rất đáng yêu, thoáng một nét đỏm dáng ngây thơ, trong trắng” [35, 445], và: “Kikuko dường như đến lúc này mới hiểu mình vừa làm gì. Cô ngồi lặng đi, đôi vai đẹp hay ngúng ngẩy trơ như đá” [35, 447]. Trong tác phẩm Ngàn cánh hạc, bên cạnh cô gái Yukiko gây ấn tượng mạnh mẽ bởi chiếc khăn in hình cánh hạc đầy tính biểu tượng thì nhân vật nữ chính Chikako lại khiến độc giả không thể quên bởi “Cái bớt lớn gần bằng bàn tay che tới nửa ngực bên trái xuống tuốt đến chỗ trũng giữa hai vú. Mớ lông mọc trên cái bớt màu tím than dường như khá rậm” [35, 341]. Cái bớt xuất hiện ngay đầu tác phẩm, được nhắc đi nhắc lại khoảng 10 lần và ám ảnh Kikuji đến mức nhắc đến cô ta là anh ta nghĩ ngay đến nó, “chính cuộc sống của chàng cũng bị vướng mắc vào trong cái ấn tượng của nó” [35, 343]. Cái bớt chính là điểm nhấn bên cạnh những yếu tố khác như đặc tính “chẳng thuộc giống nào”, “hàm răng trắng nhởn”, “cặp mắt nhỏ”, “cánh tay chắc nịch, đầy đặn của cô ta trắng một cách không thích hợp tí nào với khuỷu trông tựa một mẩu dây thừng” để làm rõ vị “trà sư biến chất” này. Đó là những chi tiết ám gợi về một người phụ nữ luôn đố kị, toan tính, đáng ghê tởm.

Có thể nói, một trong những thành công đặc sắc của Y. Kawabata trong việc miêu tả nhân vật nữ là “chỉ tập trung miêu tả phụ nữ, luôn tả họ rất đẹp, đó là điểm đặc biệt của Y. Kawabata. Nhưng độc đáo hơn, ở bất cứ phụ nữ nào ông cũng tìm

ra được một nét riêng để cá biệt họ. Những chi tiết cá biệt ấy hoặc được tả kĩ, hoặc được tả đi tả lại nhiều lần, đã khắc sâu vào tâm trí độc giả” [28, 137].

3.1.2. Sử dụng thiên nhiên khắc hoạ nhân vật

Thiên nhiên là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Theo Từ điển tiếng Việt thiên nhiên được hiểu theo một nghĩa rộng lớn nhất là tổng thể những gì tồn tại xung quanh con người mà không phải do con người tạo ra, là tất cả những gì tồn tại khách quan bên ngoài con người. Với người phương Đông và đặc biệt là với người nghệ sĩ thiên nhiên luôn là người bạn gần gũi, thân thiết. Chính vì thế thủ pháp “tả cảnh ngụ tình” là một nghệ thuật chủ đạo trong văn học trung đại phương Đông. Ngày nay, cùng với sự phát triển của văn học, các nghệ thuật thể hiện hết sức phong phú, đa dạng nhưng với thiên nhiên có lẽ không nhà văn nào từ bỏ được. Trong tiểu thuyết Y. Kawabata, thiên nhiên không hoàn toàn chiếm ưu thế nhưng luôn giữ một vai trò quan trọng. Miêu tả một thế giới thiên nhiên sinh động, đậm màu sắc Nhật Bản là một thủ pháp ngoại hiện đạt hiệu quả cao trong việc khắc hoạ nhân vật nữ.

Không gian nghệ thuật nổi bật trong tiểu thuyết Y. Kawabata là “không gian bối cảnh – ngôi nhà khép kín, không gian tâm tưởng và không gian huyền ảo của những giấc mơ” (Đào Thị Thu Hằng), chính vì thế khi tác giả đặt nhân vật vào thiên nhiên chính là dụng ý nghệ thuật. Thiên nhiên tạo thành cái phông lớn cho vẻ đẹp con người nổi bật. Trong Xứ tuyết, cuộc gặp gỡ giữa Komako và Shimamura đã diễn ra dưới bóng những cây bá hương to lớn, “trong cảnh yên tĩnh thanh bình này, tiếng nước rào rào chảy trên sỏi của dòng thác xa xa vọng tới như một bản nhạc êm dịu. Ở đằng xa, trên sườn núi dốc đứng mà họ trông thấy từng quãng rất đẹp giữa các cành bá hương, bóng tối sẫm dần dần trong các hõm núi…Giọng cô hơi khinh thường, nhưng một mối dây liên hệ mới như đã gắn bó hai người, họ đã có vẻ

Một phần của tài liệu Nhân vật nữ trong tiể thuyết y kawabata (Trang 65 - 79)