2.2.1 Vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện
Khi nói đến vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện ta thường có ấn tượng đó là vẻ đẹp tâm hồn, nội tâm. Ở đây chúng tôi không đi sâu thế giới nội tâm của nhân vật mà dừng lại ở những dấu hiệu ngoại hình của nhân vật mang tính biểu tượng, chỉ cần thoáng qua đã có thể nhận biết không cần cả một quá trình tiếp xúc. Trong tiểu thuyết Y. Kawabata, kiểu nhân vật nữ trong trắng đã trở thành nhân vật trung tâm, là phẩm chất lý tưởng ông luôn hướng tới. Điều đó đã ám ảnh ông từ thuở nhỏ. Hình tượng “tiểu thư Ánh Trăng” là vẻ đẹp lý tưởng, mang ý nghĩa tinh thần tuyệt đối mà không một chàng trai phàm trần nào trong thời buổi “vắng bóng anh hùng” có thể chinh phục được. Với ông, đó cũng là vẻ đẹp của vị hôn thê mười lăm tuổi mà chàng sinh viên trẻ Y. Kawabata yêu say đắm, nhưng bất ngờ bị từ hôn khi hôn lễ đã sẵn sàng. Chính vì thế, ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện như là một sự trải nghiệm đã trở thành tiềm thức, nên chỉ một dấu hiệu nhỏ nhoi của ngoại hình ông cũng có thế bắt được cái thần của nó và trở thành ấn tượng sâu đậm trong hành trình đi tìm cái đẹp của ông. Vẻ đẹp đó chúng ta dễ dàng cảm nhận được ở những cô gái trẻ, đẹp và mỗi cô lại có những nét khác nhau, dù đều trong sáng đến mức thánh thiện.
Với Xứ tuyết, ấn tượng về một nàng Yoko với vẻ đẹp tinh thần, quý phái, xa vời của chiều sâu tâm hồn được thể hiện qua “giọng nói rất trong trẻo của nàng” “giọng nàng sao mà tuyệt diệu thế, nó vang cao và rung lên lướt như một tiếng vọng trên tuyết và trong màn đêm” [35, 222], “một gương mặt mà Shimamura thấy trong trắng và giản dị khác thường” [35, 726], “Và anh nhớ lại vẻ đẹp tinh khiết, khó tả nên lời của đốm lửa lạnh lẽo ở xa kia, vẻ thần tiên của điểm sáng ấy khi nó
chuyển dịch qua gương mặt của người đàn bà trẻ…ánh sáng ấy trong một lúc đã rọi chiếu đầy vẻ siêu nhiên cái nhìn của nàng. Sự say đắm tuyệt diệu và bí ẩn của cái nhìn ấy đã được trái tim của Shimamura đáp lại tối hôm ấy bằng cách nó đập gấp gáp hơn” [74, 258]. ... Vẻ đẹp trong sáng thanh khiết đó khiến cho Shimamura “ít nghĩ tới chính nàng mà anh lại nghĩ nhiều tới một nhân vật nào đó xa xưa, tới một con người lý tưởng nào đó của thế giới huyền thoại.” [35, 226]. Khi tìm hiểu Xứ
tuyết, nhiều người thường so sánh Yoko và Komako như sự đối lập của hai vẻ đẹp,
một bên thánh thiện một bên đầy nhục cảm, một tình yêu tinh thần và một tình yêu thiên về xác thịt. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ tác phẩm ta sẽ thấy điều tưởng như hiển nhiên đó lại không hoàn toàn xác thực. Yoko đúng là hiện thân của vẻ đẹp, của tình yêu thuần khiết, xa vời, mong manh, có vẻ huyền ảo, nhưng Komako lại là hiện thân một vẻ đẹp toàn diện của người phụ nữ, trong đó ấn tượng nổi bật nhất là vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện. Gặp Komako lần đầu, Shimamura không tránh khỏi cảm giác ngỡ ngàng: “sững sờ đứng dậy vì ngạc nhiên…Cô gái gây cho Shimamura một cảm giác tuyệt vời bởi vẻ sạch sẽ và tươi mát của cô…thân thể cô chắc phải sạch sẽ lắm, sạch đến tận chân tơ kẽ tóc, thậm chí anh tự hỏi sự tinh khiết ấy phải chăng là ảo ảnh” [74, 230 - 231]. Komako gợi lên trong anh những tình cảm bạn bè trong sạch, cảm thấy sung sướng vì cô xứng đáng được anh chia sẻ sự hứng khởi cao quý và sự thanh thản mà anh có được ở vùng núi cao này. Anh thực lòng muốn giữ mãi tình cảm đó và cô sẽ là người bạn gái tuyệt vời cho vợ anh khi cả gia đình đến đây. “Nghe cô nói, anh thấy giọng cô sao mà ngây thơ, trong trắng khiến lòng anh bối rối, anh cảm thấy hơi có lỗi vì đã chinh phục được cô quá dễ dàng”, “anh thấy cô gái này quá trong trắng” [74, 234], “sự hiện diện của cô như một hơi thở tươi mát thấm vào tận tâm can anh”, “nước da trắng hồng mịn màng, với cái cổ trinh bạch và đôi vai mảnh dẻ còn sắp đầy lên chút nữa, cô gợi lên một ấn tượng tươi mát, trong sạch” [35, 241]. “Ánh mắt ướt và sáng một cách ngây thơ, lại càng non trẻ; đôi mắt cô vẫn là đôi mắt của một thiếu nữ mới lớn, gần như của
một đứa bé với làn da tự nhiên khoẻ khoắn của một cô gái miền núi xiết bao trong trắng” [35, 270]. Vẻ đẹp trong sáng của cô còn được bộc lộ ở dáng người thẳng ra “trong một tư thế khiến cô lại càng trẻ trung hơn bao giờ hết”, trong giọng nói “thẳng thắn, tính tự nhiên hoàn toàn đi thẳng vào tình cảm” [35, 307]. Cảm nhận vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện của cô là một ấn tượng mạnh khiến Shimamura dường như lúc nào cũng nhận thấy ở mỗi đặc điểm ngoại hình của cô, nhưng vẫn luôn bất ngờ về nó, đến mức có cảm tưởng rằng diễn tả nhiều đến thế nhưng anh vẫn cảm thấy chưa hết được vẻ đẹp thánh thiện của Komako. Khi nhìn Komako soi gương, trên nền tuyết trắng, ở giữa rực lên màu đỏ của đôi má của cô, Shimamura nhận thấy “vẻ đẹp của sự tương phản ấy cực kì trong sạch” [35, 252] ngay cả việc cô kiên trì đọc sách và ghi chép những gì mình đọc được anh ta cũng thấy “có một nét gì đó tinh khiết và toàn bộ cuộc đời cô nữa, nhờ vậy cũng được rọi sáng” [35, 248]. Và vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện đã toả sáng rực rỡ trong sự kết hợp với “bầu trời trong trẻo ở phía trên tuyết trắng” tạo nên một sức hút kì lạ, một vẻ đẹp huyền diệu của tiếng đàn samisen “tinh khiết và trong sáng âm vang”. Cả thiên truyện Shimamura gần hai mươi lần dùng đến những từ cùng trường nghĩa với “trong
trắng” để miêu tả vẻ đẹp của Komako từ giọng nói, nụ cười, ánh mắt, đôi má, cái
cổ, đôi vai, làn da…đến cả dáng ngồi, hương thơm, tiếng đàn, cả sự kiên trì đọc sách và cả cuộc đời cô. Một vẻ đẹp trong sáng đến mức thánh thiện đã gây cho Shimamura nhiều cảm xúc: từ sững sờ, sung sướng, bối rối đến cảm thấy có lỗi, hổ thẹn khi chinh phục cô quá dễ dàng và càng yêu quý trân trọng cô hơn bao giờ hết. Và cũng chính tình yêu trong sáng, thánh thiện cô dành cho anh “quên mình để dâng hiến tự nguyện cho anh mà không nhận được một thứ gì trao lại” đã làm cho Shimamura khao khát được sống như cô và con người anh đã thay đổi: “anh không thể trượt theo sự tự nuông chiều và để người khác nuông chiều mãi như thế”. Đó là sức mạnh của vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện - bản thân nó đã là một sức mạnh không cần một lời thuyết phục. Phải chăng vẻ đẹp mà Komako có được là bởi nàng
“đã được thấm đẫm những ngọn nguồn thần diệu, những sức mạnh huyền bí và những đức hạnh của thiên nhiên ở đây mà có lẽ nàng không hay biết” [35, 288]. Đó còn là vẻ đẹp trong sáng của Yukiko “dường như đánh tan bóng tối tụ lại tại góc căn phòng rộng”, Kikucô với khuôn mặt trắng xanh “còn mang rõ dấu ấn của tuổi thơ trong trắng”…Vẻ đẹp này đối với Kawabata không phân biệt tuổi tác, có chồng hay chưa, ngay cả nghề geisha hay gái điếm, bởi sự trong trắng, thánh
thiện được hiểu theo nghĩa hết sức linh hoạt dựa trên bản thân chủ thể và sự cảm
nhận của đối tượng thưởng thức như suy nghĩ của Eguchi: “Nếu một cô gái còn trinh là trong trắng, tại sao một cô gái không còn trinh thì không còn trong trắng?” [35, 792]. Điều này đã phần nào được ông lí giải trong Đẹp và buồn: “Oki chú tâm đến cái đẹp và không đặt vấn đề đạo lí hay không đạo lí”. Chính vì thế mà cả Chieko một tiểu thư con nhà gia giáo và những cô gái điếm với “khuôn mặt còn mang vẻ trẻ thơ”, “mùi hương từ mái tóc trinh trắng” bị đánh thuốc mê cho các lão già thưởng thức đều được so sánh với các vị Phật - biểu tượng của sự trong sạch, thánh thiện không vướng chút bụi trần.
Qua những phân tích trên đây, có thể thấy sự gặp gỡ trong tư tưởng thẩm mỹ của các nhà văn hoá lớn như Nguyễn Du của Việt Nam và Kawabata của Nhật Bản. Họ luôn tìm kiếm và đề cao cái đẹp đích thực mang giá trị nhân văn, vượt lên những quan niệm định kiến, chật hẹp của xã hội.
2.2.2. Sức quyến rũ, gợi cảm mạnh mẽ
Cái đẹp với người Nhật như một tôn giáo nên mọi vật xung quanh đều được nhìn từ góc độ thẩm mĩ. Người Nhật có khả năng quan sát, cảm nhận cái đẹp thường trực, dường như tâm hồn họ luôn rộng mở để đón nhận vẻ đẹp cuộc sống và con người. Các nhân vật nam trong tiểu thuyết Y. Kawabata cực kì nhạy cảm trước những người đẹp và họ rất dễ bị quyến rũ. Nguyên nhân chính là nhân vật nữ của Y. Kawabata đều là người đẹp hết sức gợi cảm. Chàng lãng tử Shimamura (Xứ
Yoko. Với Shingo (Tiếng rền của núi) vẻ đẹp như thiên thần của người chị gái bà Yasuko quyến rũ ông suốt cả cuộc đời. Ngay cả khi bà đã thành người thiên cổ, ông vẫn khát khao “được lao vào vòng tay người ấy” và sức quyến rũ đó như được tiếp nối ở cô con dâu Kikuco với đôi vai ngúng nguẩy, duyên dáng. Eguchi (Người đẹp ngủ mê) lần đầu đến ngôi nhà bí mật chỉ vì sự tò mò nhưng rồi hết sức ngạc
nhiên vì vẻ đẹp, sự tươi trẻ đầy quyến rũ của các cô gái. Ông có mặt ở đây nhiều hơn, khoảng cách thời gian giữa các lần được rút ngắn. Sức quyến rũ mạnh mẽ, như mê hoặc đó hoàn toàn là vẻ đẹp gợi cảm của ngoại hình phô bày trong sự vô thức tuyệt đối đến mức Eguchi không thể cưỡng nổi mình với ý định phá vỡ các quy tắc của nhà trọ, ông muốn đánh thức họ dậy, muốn trả thù họ, muốn để lại dấu vết trên thân thể họ, thậm chí còn muốn được chết bên cạnh họ như là một diễm phúc. Shimamura, Shingo, Eguchi đều là những “lữ khách đi tìm cái đẹp” nên điều đó thật dễ hiểu, nhưng với “kẻ lạc loài” của “thế hệ hậu trà đạo” như Kikuji (Ngàn
cánh hạc) sống buông xuôi không mục đích lí tưởng, như một kẻ vô cảm lại nhanh
chóng bị ba người đàn bà với ba vẻ đẹp khác nhau “quyến rũ” để rồi từ đó làm thay đổi cuộc sống, con người, tư tưởng của anh ta thì quả bất ngờ. Ngay cả anh thợ dệt Hideo lầm lì, cục mịch mà so sánh vẻ đẹp của Chieko với các tượng Phật vị lai thì ông Takichiro hiểu rõ “phải chăng Hideo say mê con ông đến thế”. Vẻ đẹp liêu trai của Keiko đã khiến hai cha con Oki bị mê hoặc, anh chàng Taichiro thì như bị thôi miên, làm theo tất cả những gì cô ta sắp đặt. Đó chính là vẻ đẹp gợi cảm, quyến rũ mạnh mẽ của người phụ nữ Nhật Bản, không chỉ ở cô gái mới lớn mà ở mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp, với những tính cách khác nhau, mỗi người có những nét riêng nhưng “lực hút’ của họ thì đều “kẻ tám lượng người nửa cân”.
Trong Xứ tuyết, hai người phụ nữ cực kì quyến rũ nhưng mỗi cô lại có vẻ đẹp riêng. Yoko với vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện đã bộc lộ ở ngoại hình tạo nên một sức quyến rũ của nội lực huyền bí. Đó là vẻ đẹp mà Shimamura “mới thoáng nhìn đã phải cụp ngay mắt xuống vì quá sửng sốt trước sắc đẹp của nàng”, vẻ đẹp “có sự
ám ảnh quyến rũ và huyền diệu” với “một khuôn mặt gợi cảm đầy nữ tính và tuổi trẻ” [35, 235], “sắc đẹp kì lạ của khuôn mặt…Anh quên cả bản thân anh, anh hoàn toàn bị cuốn hút vào những điều thần diệu ấy và không biết mình mơ hay tỉnh” [35, 226]. Vẻ đẹp của cô tác động trực tiếp vào tâm hồn Shimamura một cách mạnh mẽ. Mỗi lần gặp gỡ, cô lại để lại một ấn tượng mới, một sự ngạc nhiên mới dù cô không cố tình thể hiện mà hơn thế cô còn tỏ ra “lạnh lùng” với dáng vẻ lúc nào cũng “nghiêm trang và quý phái” khiến cho Shimamura càng nản lòng nhưng lại càng bị cuốn hút hơn. Trên khuôn mặt gợi cảm đó là “ánh mắt tuyệt vời, ánh mắt xuyên thủng cả người ai đó bắt gặp” với cái nhìn ngấn nước đã tạo nên vẻ quyến rũ “một vẻ đẹp huyền bí đến xiêu lòng” [35, 316]. Đặc biệt nhất ở nàng là giọng nói “giọng nàng sao mà tuyệt diệu thế, nó vang cao và rung lên lướt như một tiếng vang trên tuyết và trong màn đêm, nó có một vẻ quyến rũ cảm động đến nỗi làm cho trái tim ta man mác buồn” [35, 222]. Ngay đến cả trang phục miền núi nàng mặc cũng gợi lên vẻ quyến rũ “hai ống tay dài ở áo kimono bằng len của nàng có vẻ quyến rũ hơn” [35, 258]. Thời lượng tác giả miêu tả Yoko không nhiều nhưng không lần nào không nhắc đến ấn tượng của vẻ đẹp đầy gợi cảm và quyến rũ của nàng đối với Shimamura khiến anh tự thấy “chẳng biết vì sao, sự thực ra sao, khi mình bị người con gái ấy hút hồn” [35, 306]. Tình cảm đó cũng như tình yêu nghệ thuật múa ba lê phương Tây của anh “anh được hưởng mãi không hết những khoái cảm tột độ của một người tình lí tưởng, yêu một cách cao quý và thuần khiết dù chưa hề bao giờ gặp người mình yêu nồng cháy” [35, 236]. Còn với Komako lại “gắn bó với anh khá mãnh liệt với vẻ tươi tắn của tâm hồn và sự cuồng nhiệt gợi cảm của thể xác” [35, 324]. Điều đó thể hiện “rõ ràng ngay từ đầu anh chỉ muốn có mình cô”, cái ấn tượng kì lạ rất tươi mát và cực kì sạch sẽ mà cô gây nên là nguồn gốc sự ham muốn đột ngột của anh. Vẻ đẹp gợi cảm của Komako được tác giả đặc tả trên khuôn mặt “một vẻ gợi tình đằm thắm, có lẽ tại hàng mi dài và dày của cô, mà đôi mắt cụp xuống càng tôn thêm giá trị’ [35, 233] “mũi cô thanh tú và cao,…nhưng đôi môi cô
thì giống như một nụ hoa lúc chụm lúc nở, nồng nàn, sống động và khát khao…môi cô lại mịn màng, đỏ mọng dồi dào sức sống…hàng mi được bao bọc một cách tế nhị bởi hàng lông mày rậm, cong và mượt như tơ lụa…nước da hồng hào và đôi vai mảnh dẻ còn sắp đầy lên chút nữa, cô gợi một ấn tượng tươi mát, trong sạch đến nỗi cô có tất cả vẻ đẹp quyến rũ của một sắc đẹp” [35, 241]. Vẻ đẹp gợi cảm, quyến rũ của cô còn là “đôi má hơi hồng hồng”, màu đen sâu thẳm của mái tóc, “bộ ngực khá nở nang” “háng thì hẹp nhưng bụng thì lại cồn lên” đặc biệt là làn da cô đỏ ửng dưới áo kimono hơi hở ra “trông thật khêu gợi và khi tương phản với mái tóc đen sẫm, da thịt cô chỗ ấy càng làm anh thèm muốn. Trong cơn thèm khát rạo rực cháy bỏng anh tưởng như cô đang khoả thân trước mặt anh” [35, 246], “Biết cô ở gần, anh đột nhiên thèm muốn để khao khát một làn da, sự đụng chạm với một nước da người mịn màng, thanh khiết” [35, 295]. Tiếng đàn của cô có một sức lay động lớn lao khiến Shimamura “bị cuốn theo một cảm giác gần như sùng kính, gần như bị ngập chìm trong biển cả những luyến tiếc, cảm động, hụt hẫng, không thể chống cự, anh chỉ còn cách là để cho sức mạnh ấy cuốn đi, một cách vui sướng theo ý Komako” [35, 268]. Khi cô hát cử động của cặp môi thật quyến rũ “chúng căng lên chỉ cốt để sau đó dãn ra buông thả hơn - đó cũng là biểu lộ của toàn bộ thân thể cô, căng lên giây lát để rồi lả lơi hơn đầy nữ tính trong sự trẻ trung, đẹp đẽ của cô” [35,