7. Cấu trúc luận văn
2.5. Thực trạng dạy học chương "Dao động cơ" vật lý 12 ở một số
THPT tỉnh Thanh Hóa
Qua tìm hiểu ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, tôi nhận thấy:
- Về giảng dạy của giáo viên:
+ Phương pháp dạy học được sử dụng nhiều nhất vẫn là thuyết trình, diễn giảng kết hợp với đàm thoại và có thể làm thí nghiệm minh họa (nếu có). Theo kiểu dạy học này, trung tâm chú ý là nội dung các kiến thức cần dạy.
Giáo viên trình bày theo thứ tự các nội dung kiến thức của SGK, một số giáo viên cố gắng đưa thêm các bài tập khó với mong muốn trang bị cho học sinh càng nhiều kiến thức càng tốt mà ít quan tâm đến việc hình thành cho học sinh phương pháp nhận thức khoa học vật lý.
+ Đã có nhiều giáo viên tích cực cải tiến phương pháp dạy học nhằm kích thích sự hứng thú của học sinh. Tuy nhiên, sự hứng thú học tập của học sinh đang thể hiện ở vẻ bên ngoài mà chưa hứng thú, tích cực trong tư duy. Sở dĩ như vậy là do các phương pháp mà giáo viên đưa ra vẫn chưa thực sự đổi mới, còn nặng về diễn giải, giải thích hơn là kích thích tìm tòi.
+ Với các bài học có thí nghiệm giáo viên rất ít tiến hành thí nghiệm, hầu hết các thí nghiệm được mô tả như trong SGK và từ đó rút ra kết luận. Nếu có thí nghiệm thì chỉ đưa ra dưới dạng minh họa chứ không phải để xây dựng kiến thức mới.
- Về học tập của học sinh:
Hầu hết giáo viên cho biết trong một tiết học chỉ có khoảng 6 đến 8 học sinh tham gia phát biểu ý kiến xây dựng bài và thường tập trung ở số học sinh tương đối khá của lớp , số còn lại thường thụ động trong giờ học ít tham gia xây dựng kiến thức mới. Những câu hỏi mà giáo viên đưa ra cũng chỉ là những câu hỏi mà học sinh tái hiện kiến thức đã có hoặc chỉ cần nhìn vào SGK là có thể trả lời được. Câu hỏi đặt ra chưa kích thích được sự hứng thú tìm tòi của học sinh, chưa theo hệ thống của việc hình thành phương pháp nhận thức khoa học vật lý.
- Về thiết bị dạy học:
Hiện nay hầu hết các trường đã có phòng thí nghiệm, tuy nhiên các thiết bị thí nghiệm đều đã cũ không được bảo quản chu đáo, ít được bổ sung thay thế. Hầu hết các trường phổ thông không có phòng học bộ môn, do vậy
việc triển khai thí nghiệm gặp nhiều khó khăn. Một số trường thiết bị thí nghiệm tương đối đầy đủ tuy nhiên cũng rất ít được sử dụng.
- Nguyên nhân của tình hình trên:
+ Việc dạy học theo phương pháp thuyết trình, diễn giảng đã thành thói quen của đa số giáo viên và từ đó tạo ra tâm lý thụ động trong nhận thức của học sinh.
+ Bệnh thành tích ảo và áp lực thi cử còn nhiều nặng nề tạo ra tình trạng đối phó của giáo viên và học sinh. Giáo viên chỉ lo nhồi nhét nhiều kiến thức cho học sinh mà ít quan tâm đến việc rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo cho học sinh.
+ Cơ sở vật chất, dụng cụ thí nghiệm của nhà trường còn nhiều thiếu thốn chưa đồng bộ, độ chính xác chưa cao dẫn đến việc triển khai các bài học có thí nghiệm đạt hiệu quả chưa cao.Không có phòng học bộ môn gắn liền với phòng chuẩn bị thí nghiệm nên giáo viên gặp quá nhiều khó khăn khi sử dụng thí nghiệm trong dạy học.
+ Năng lực chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm của một số giáo viên chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là việc sử dụng các phương tiện dạy học kể cả phương tiện truyền thống lẫn hiện đại còn hạn chế nên kết quả giờ dạy chưa cao.
+ Số học sinh trong một lớp đông (trên 45 HS) dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các bài học có yêu cầu thí nghiệm. Khả năng tiếp thu của khá đông học sinh còn yếu, thường thụ động chờ đợi mà không tự mình tìm tòi nghiên cứu.
+ Đời sống của giáo viên còn gặp nhiều khó khăn nhiều giáo viên chưa thực sự đầu tư về thời gian và công sức trong việc giảng dạy.