II. Nội dung Luật chống bán phá giác ủa Mỹ
5. Chứng cứ để kết luận hàng hoá có bán phá giá hay không
6.3. Tính toán các biên độ phá giá
Để xác định có tồn tại một biên độ phá giá hay không, Bộ Thương mại lấy giá trị chuẩn bình quân gia quyền trừ đi giá xuất khẩu bình quân gia quyền đối với hàng hoá tương tự. Bất kỳ một chênh lệch dương (+) nào đều là cơ sở cho một biên độ phá giá, sự chênh lệch này sau đó được tính trung bình trên một cơ sở quyền số để tìm ra một giá trị biên độ ước tính cho tất cả việc bán hàng sang thị trường Hoa Kỳ trong suốt giai đoạn điều tra.
Theo phương pháp tính của Bộ Thương mại trước Vòng Đàm phán Uruguay, thì các giá trị trung bình tại thị trường nội địa thường được so sánh với các giá giao dịch xuất khẩu riêng. Theo quy định tại điều 2.4.2 của Hiệp định Chống bán phá giá, hiện nay Bộ Thương mại thường xác định và tính toán các biên độ phá giá trên cơ sở so sánh các giá trị chuẩn bình quân gia quyền và các giá xuất khẩu bình quân gia quyền (hoặc các giá xuất khẩu cấu thành). Việc tính toán dựa trên sự so sánh giao dịch với giao dịch có thể được sử dụng khi có rất ít việc bán hàng và hàng hoá được bán ra tại mỗi thị trường là giống hệt nhau hoặc rất tương tự.
Sự khác nhau giữa phương pháp tính toán cũ và hiện tại của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng đáng kể đến các biên độ phá giá. Ví dụ, nếu trong cùng một ngày, một nhà sản xuất Canada bán ra cùng một số lượng hàng hoá tại thị trường Hoa Kỳ và Canada với giá là 100$/1 đơn vị và 1 tuần sau bán số lượng
như vậy tại hai thị trường trên với giá 200$/1 đơn vị, giá trị chuẩn của hàng hoá đó sẽ là 150$/1 đơn vị.
Theo phương pháp tính trước đây của Hoa Kỳ, khi 2 giá bán của hai giao dịch xuất khẩu vào Hoa Kỳ được so sánh với giá trị chuẩn 150$ này thì giao dịch đầu tiên với giá 100$/1 đơn vị sẽ bị coi là phá giá. Ngược lại, theo phương pháp so sánh trung bình với trung bình hoặc giao dịch với giao dịch, việc bán phá giá là không có.
Tuy nhiên, Luật pháp Hoa Kỳ đã vẫn tiếp tục sử dụng cách so sánh các giá xuất khẩu riêng với giá trị chuẩn trung bình áp dụng cho tất cả các lần xem xét lại hành chính cho đến ngày 1/1/2000. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng khi có chứng cớ về một mẫu hình các giá xuất khẩu “khác nhau một cách đáng kể giữa những người mua, giữa các khu vực, hoặc giữa các khoảng thời gian” – một tập quán thường được biết đến là “bán phá giá có mục đích”.
6.3.1. Tỷ lệ áp dụng đồng loại cho các đối tượng khác
Bộ Thương mại thường tính toán các biên độ phá giá bình quân gia quyền riêng cho những nhà xuất khẩu và nhà sản xuất nước ngoài lớn nhất, trong khi tất cả những nhà xuất khẩu và nhà sản xuất khác của cùng một nước phải chịu phụ thuộc vào tỷ lệ “áp dụng cho mọi đối tượng khác” được đặt ra trong lần điều tra đầu tiên hoặc trong lần xem xét lại hàng năm gần nhất. Tỷ lệ “áp dụng đồng loại cho các đối tượng khác” được tính toán bằng số bình quân gia quyền của các biên độ phá giá được xác định riêng, loại trừ biên độ bằng không hoặc biên độ tối thiểu, và các biên độ được căn cứ hoàn toàn trên các dữ liệu thực tế sẵn có.
Bộ Thương mại phải thiết lập các mức thuế riêng khi một nhà sản xuất hoặc xuất khẩu không được lựa chọn để xem xét riêng nhưng tự nguyện cung cấp những thông tin được yêu cầu của các bị đơn khác trong thời gian được quy định cho những nhà sản xuất hoặc xuất khẩu bị xem xét riêng. Nếu số các
nhà sản xuất hoặc xuất khẩu đã cung cấp những thông tin như vậy nhiều tới mức làm cho các hoạt động xem xét riêng trở nên quá mức phiền toái, thì Bộ Thương mại sẽ được miễn phải thực hiện yêu cầu này.
6.3.2. Các biên độ tối thiểu
Theo điều khoản 5.8 của Hiệp định chống bán phá giá, Luật thuế năm 1930 đã được sửa đổi, quy định rằng một biên độ phá giá được xác định là thấp hơn 2% theo giá hàng sẽ được coi là tối thiểu và sẽ bị loại trừ. Tuy nhiên, Bộ Thương mại đã giải thích Điều 5.8 là chỉ áp dụng cho những lần điều tra đầu tiên. Đối với những lần xem xét lại, cho đến ngày 1/1/2000, Bộ Thương mại vẫn tiếp tục thực hiện thông lệ coi một biên độ phá giá tối thiểu khi nó thấp hơn 0,5% theo giá hàng.