II. Nội dung Luật chống bán phá giác ủa Mỹ
7. Xem xét lại
7.5 Xem xét lại theo thủ tục tư pháp
7.5.1. Toà án trong nước của Hoa Kỳ
Một bên có quyền và lợi ích liên quan – người mà không thoả mãn với quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại hoặc ITC có thể đệ đơn khởi kiện lên Toà án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) để xét xử theo thủ tục tư pháp. Để thực hiện việc tái thẩm tư pháp một hoạt động hành chính, một trát đòi hầu toà và một đơn khởi kiện phải được đệ trình đồng thời trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố quyết định cuối cùng. Tiêu chí xét xử tư pháp mà CIT sử dụng là liệu quyết định có được chứng minh bởi “chứng cứ quan trọng có thực” hay “không phù hợp với quy định của luật pháp”. Phán quyết của CIT có thể được kháng cáo lên Toà phúc thẩm về Kinh lý liên bang.
7.5.2. Xét xử lại của Ban hội thẩm NAFTA
Theo các điều khoản của chương 19 Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại hoặc của ITC liên quan đến các sản phẩm từ các quốc gia NAFTA có thể được kháng cáo lên các ban hội thẩm 5 thành viên thuộc 2 quốc gia như là một phương án thay thế cho xét xử tư pháp trong nước. Các ban hội thẩm 2 quốc gia xác định liệu một quyết định cuối cùng có tuân thủ theo đúng Luật chống bán phá giá của các quốc gia NAFTA mà ở đó quyết định được đưa ra hay không. Nếu một ban hội thẩm thấy rằng quyết định đã tuân thủ đúng luật pháp trong nước thì quyết định được phê chuẩn. Nếu không, ban hội thẩm trả lại vụ kiện cùng với những chỉ thị cho cơ quan có thẩm quyền điều tra thực hiện điều tra thêm. Điều 1904 của Hiệp định NAFTA quy định rằng một danh sách hội thẩm phải được đề nghị trong vòng 30 ngày kể từ ngày kháng cáo hoạt động hành chính. Ban hội thẩm phải ra một phán quyết trong vòng 315 ngày kể từ ngày yêu cầu.
8. Những vấn đề thủ tục khác
8.1. Đình chỉ các cuộc điều tra
Bộ Thương mại có thể đình chỉ một cuộc điều tra trước khi ra quyết định bằng cách chấp nhận một thoả thuận đình chỉ. Trong một thoả thuận đình chỉ, các nhà sản xuất và xuất khẩu đồng ý thay đổi cách cư xử của mình để loại bỏ việc bán phá giá hoặc thiệt hại do bán phá giá gây ra. Một thoả thuận đình chỉ phải bao gồm các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu mà có phần lớn lượng hàng hoá đang được điều tra (Bộ Thương mại giải thích là chiếm tối thiểu 85%) và đồng ý loại bỏ việc bán phá giá hoặc dừng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong vòng 6 tháng sau khi đình chỉ điều tra.
Một bản sao thoả thuận đề xuất phải được gửi cho bên nguyên đơn và các bên có quyền và lợi ích liên quan, những người mà sau đó có thể đưa ra ý kiến của mình. Tuy nhiên, Bộ Thương mại có thể vẫn chấp nhận đình chỉ mặc dù có sự phản đối của bên nguyên đơn nếu họ cho rằng thoả thuận là vì lợi ích chung và có thể kiểm soát được một cách hiệu quả.
ITC sẽ xác định xem liệu tác động có hại của hàng nhập khẩu có được hoàn toàn loại bỏ bởi thoả thuận được đề xuất hay không. Nếu những tác động có hại không hoàn toàn được loại bỏ, việc điều tra sẽ được tiếp tục tiến hành. Nếu Bộ Thương mại xác định rằng thỏa thuận mà đã làm đình chỉ một cuộc điều tra là đang vi phạm, việc điều tra sẽ được tiếp tục và một lệnh chống bán phá giá có thể được đưa ra sau khi một cuộc điều tra đầy đủ kết thúc.
8.2. Tình trạng khẩn cấp
Vào bất kỳ thời điểm nào nhưng tối thiểu 20 ngày trước quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại, nguyên đơn có thể đưa ra lập luận rằng có “tình trạng khẩn cấp” tồn tại để đảm bảo một lệnh có hiệu lực hồi tố đình chỉ việc
khỏi kho trong thời gian 90 ngày trước khi có quyết định sơ bộ. Để bảo đảm chắc chắn các sự kiện quan trọng đang tồn tại, Bộ Thương mại sẽ xác định liệu:
1/ Có một tiền sự của việc bán phá giá gây thiệt hại vật chất do hàng nhập khẩu được bán phá giá gây ra ở Hoa Kỳ hoặc ở nơi khác, hoặc liệu người nhập khẩu biết hay đáng lẽ phải biết rằng người xuất khẩu đã bán hàng hoá được xem xét với giá thấp hơn giá trị chuẩn và rằng có khả năng xảy ra thiệt hại vật chất do những việc bán hàng đó gây ra; và
2/ Đã có việc nhập khẩu ồ ạt hàng hoá được xem xét trong khoảng thời gian tương đối ngắn (được xác định bằng cách so sánh với thời gian ngay trước và ngay sau ngày đệ đơn khiếu kiện).
Khi xác định thiệt hại cuối cùng của mình, ITC cũng có thể xác định liệu có hay không có các sự kiện đặc biệt tồn tại, mà không tiến hành xác định độc lập thiệt hại vật chất liên quan đến số lượng tăng đột ngột của hàng hoá nhập khẩu. Thêm nữa, ITC phải xác định có hay không việc tăng đột ngột của hàng hoá nhập khẩu trước lệnh đình chỉ hoặc việc bán tống bán tháo hàng tồn sẽ có khả năng làm suy giảm nghiêm trọng hiệu lực tác dụng của bất kỳ lệnh nào có thể được đưa ra hay không.
8.3. Chấm dứt điều tra
Bộ Thương mại có thể chấm dứt một cuộc điều tra vào bất kỳ thời điểm nào khi có sự rút lại đơn kiện của bên khiếu kiện mà đây là căn cứ để Bộ Thương mại dựa vào khi ra quyết định chấm dứt và sau khi thông báo với tất cả các bên có quyền và lợi ích liên quan. Nếu việc chấm dứt được dựa trên cơ sở một thoả thuận bởi chính phủ nước ngoài cam kết hạn chế số lượng hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ, Bộ Thương mại phải xác định xem việc chấm dứt như vậy có vì lợi ích chung hay không bằng cách xem xét:
1/ Liệu thoả thuận sẽ có tác động bất lợi đến người tiêu dùng Hoa Kỳ hơn là sẽ áp dụng các thuế chống bán phá giá;
2/ Tác động tương đối đến lợi ích thương mại quốc tế của Hoa Kỳ; và 3/ Tác động tương đối đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp nội địa Hoa Kỳ.
ITC cũng có thể chấm dứt một cuộc điều tra khi bên khiếu kiện rút lại đơn kiện.
8.4 Việc chống âm mưu bán phá giá
Các vấn đề về âm mưu bán phá giá thường phát sinh khi có các sản phẩm hoàn thiện từ một quốc gia phải chịu một lệnh thuế chống bán phá giá. Để tránh phải trả những khoản thuế, một nhà xuất khẩu ở nước phải chịu lệnh chống bán phá giá có thể gửi các bộ phận hàng hoá của mình tới một nước thứ ba hoặc tới Hoa Kỳ để lắp ráp hoàn chỉnh. Âm mưu này cũng có thể phát sinh khi hàng hoá được thay đổi mẫu mã hoặc hình thức bên ngoài để tránh thuế. Các điều khoản chống âm mưu bán phá giá được ban hành lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào năm 1988 là một phần của Luật Cạnh tranh và Thương mại tổng hợp và được sửa đổi năm 1994.
Theo các điều khoản chống âm mưu bán phá giá của Hoa Kỳ, sản phẩm hoàn thiện được xuất khẩu từ một nước thứ ba hoặc các bộ phận cấu thành được gửi tới Hoa Kỳ để lắp ráp hoàn thiện có thể cùng phải chịu sự điều chỉnh của lệnh chống bán phá giá khi một số điều kiện nhất định được thoả mãn. Các điều kiện để phải chịu sự điều chỉnh của lệnh chống bán phá giá bao gồm: (1) Các bộ phận hoặc bộ phận cấu thành được sản xuất ở nước ngoài phải chịu một lệnh chống bán phá giá; (2) quá trình lắp ráp hoàn thiện ở Hoa Kỳ hoặc ở nước thứ ba phải là thứ yếu hoặc sơ sài; và (3) giá trị của các bộ phận được nhập khẩu vào Hoa Kỳ hoặc một nước thứ ba từ nước phải chịu
lệnh chống bán phá giá là một phần nhỏ trong tổng giá trị sản phẩm hoàn thiện.
Để xác định liệu quá trình lắp ráp hoặc hoàn thiện là thứ yếu hoặc sơ
sài, Bộ Thương mại sẽ xem xét:
- Mức đầu tư vào Hoa Kỳ;
- Mức nghiên cứu và phát triển ở Hoa Kỳ; - Bản chất của quá trình sản xuất ở Hoa Kỳ; và
- Liệu giá trị gia công chế biến ở Hoa Kỳ (hoặc ở nước thứ ba) có chiếm một phần nhỏ trong tổng giá trị của hàng hoá được bán ở Hoa Kỳ hay không.
Không yếu tố nào là quyết định và các điều khoản không có ý tạo ra các con số tiêu chuẩn cứng nhắc. Để xác định liệu có gộp các bộ phận hoặc các bộ phận cấu thành vào phạm vi điều chỉnh của lệnh chống bán phá giá hay không, Bộ Thương mại sẽ xem xét:
- Mô hình buôn bán kể cả các kiểu nguồn cung cấp;
- Liệu nhà sản xuất hoặc xuất khẩu các bộ phận hoặc bộ phận cấu thành liên kết có quan hệ chi phối với người lắp ráp hoặc hoàn thiện sản phẩm bán ở Hoa Kỳ hoặc ở nước thứ ba hay không;
- Liệu việc nhập khẩu những bộ phận hoặc bộ phận cấu thành có tăng lên kể từ khi bắt đầu điều tra để ban hành lệnh liên quan hay không.
8.5. Huỷ bỏ lệnh thuế chống bán phá giá
Bộ Thương mại có quyền huỷ bỏ lệnh thuế chống bán phá giá đang áp dụng cho một nhà sản xuất hoặc xuất khẩu cụ thể nếu các điều kiện nhất định được thoả mãn. Để ra lệnh huỷ bỏ một phần do người có quyền và lợi ích liên quan yêu cầu, Bộ Thương mại cũng phải có kết luận rằng:
1/ Nhà xuất khẩu hoặc nhà sản xuất bán hàng hoá không thấp hơn giá trị chuẩn trong một khoảng thời gian 3 năm liên tiếp;
2/ Trong tương lai nhà sản xuất hoặc xuất khẩu có thể sẽ không bán hàng hoá thấp hơn giá trị chuẩn; và
3/ Nhà sản xuất hoặc xuất khẩu đồng ý bằng văn bản chấp nhận việc tái áp dụng lệnh thuế chống bán phá giá ngay lập tức nếu Bộ Thương mại kết luận rằng việc bán phá giá lại tiếp diễn.
Nếu tất cả các nhà sản xuất hoặc xuất khẩu đáp ứng được những điều kiện này, toàn bộ lệnh áp thuế chống bán phá giá có thể sẽ được huỷ bỏ. Những yếu tố này không có tính chất quyết định và Bộ Thương mại có thể yêu cầu và xem xét chứng cứ bổ sung liên quan để phục vụ cho việc ra quyết định huỷ bỏ của mình.