Các biện pháp cụ thể

Một phần của tài liệu Sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử việt nam giai đoạn 1954 1975 (lớp 9 THCS) ở thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 43)

9. Cấu trúc của luận văn

3.2. Các biện pháp cụ thể

Trong quá trình dạy - học môn lịch sử người GV cần nắm rõ 3 nhóm phương pháp dạy học cơ bản nhất: Nhóm phương pháp thông tin – tái hiện lịch sử, nhóm phương pháp nhận thức lịch sử và nhóm tìm tòi nghiên cứu.

Các phương pháp trên được thực hiện qua nhiều hình thức cụ thể ở trường phổ thông trong quá trình dạy và học của thầy và trò: phát vấn thảo luận, đồ dùng trực quan, SGK, tài liệu LSDT, LSĐP có liên quan…

Mỗi nhóm phương pháp có nhiều biện pháp cụ thể nhưng GV phải linh hoạt chọn phương pháp cho phù hợp với đối tượng HS của mình. Bên cạnh đó, đòi hỏi GV phải tuân thủ theo cơ sở lí luận phương pháp dạy của bộ môn.

GV giúp HS tiếp thu kiến thức cơ bản thông qua quá trình nhận thức của các em. Do sự giới hạn của đề tài nên chúng tôi chỉ đề xuất 2 nhóm phương pháp trong quá trình

dạy học ở trường THCS chủ yếu sử dụng tài liệu LSĐP trong giờ học nội khóa và ngoại khóa.

3.2.1. Nhóm các biện pháp trong dạy học bài nội khóa

3.2.1.1. Sử dụng tài liệu lịch sử thành phố Hồ Chí Minh trong dạy học bài nghiên cứu kiến thức mới

Nghiên cứu kiến thức mới là kiến thức cơ bản của một bài, một chương, một giai đoạn, một khóa trình cụ thể, là kiến thức mà GV phải truyền đạt cho HS trong một tiết học, nó là yếu tố quyết định trình độ tri thức của HS trong quá trình dạy học. Khi tiến hành nghiên cứu GV sử dụng nhiều phương pháp để giúp HS hình thành kiến thức nhằm giáo dục tư tưởng đạo đức, tình cảm, rèn luyện kĩ năng.

Tài liệu LSĐP có vai trò quyết định trong việc hình thành kiến thức mới của HS. Vì các nhân vật sự kiện diễn ra ở một địa phương nhất định. Do đó, việc sử dụng các tài liệu LSĐP sẽ làm phong phú hơn sự kiện LSDT giúp HS tái hiện lại sự kiện đã diễn ra trong quá khứ một cách sinh động và dễ hiểu.

Thứ nhất, sử dụng tài liệu thành phố Hồ Chí Minh để tạo biểu tựợng lịch sử.

Dạy lịch sử khác với các môn học khác ở chỗ là những sự kiện, nhân vật điều xuất hiện ở quá khứ chứ ta không trực tiếp quan sát và rất xa lạ với đời sống hiện tại. Nên việc tạo biểu tượng lịch sử là cơ sở đầu tiên tái tạo lại hình ảnh, sự kiện đúng như nó tồn tại một cách sinh động, chính xác tạo ấn tượng trong giờ học.

Tài liệu LSĐP phải góp phần tích cực vào việc tạo biểu tượng LSDT có liên quan đến bài học. Trong quá trình sử dụng tài liệu LSĐP để tạo biểu tượng GV cần chú ý khâu chọn tài liệu cho phù hợp, đồng thời GV yêu cầu HS làm việc với tài liệu thông qua sự hướng dẫn của thầy.

Quá trình tạo biểu tượng GV cần kết hợp với nhiều phương pháp khác nhau: tường thuật, đồ dùng trực quan, tài liệu thành văn, phát vấn… Các phương pháp trên GV cần chú ý nhất là phương pháp tường thuật, đòi hỏi GV phải có giọng to rõ, truyền cảm để lôi cuốn HS chú ý đến môn lịch sử, GV cần tỏ rõ thái độ của mình đối với các sự kiện lịch sử nhằm giáo dục tư tưởng cho các em. Đồng thời, biểu tượng ấy cũng lưu lại trong óc HS một cách bền vững có hệ thống hơn.

Ví dụ, khi dạy bài 28: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mĩ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam (1954 – 1965). Mục V. Tiểu muc 2:

Chiến đấu chống chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mĩ, ở mục này GV có thể tạo biểu tượng về nhân vật "Nguyễn Văn Trỗi".

Trong phong trào vũ trang giết giặc ở nội thành có sự kiện gây chấn động lớn. Đó là sự kiện Nguyễn Văn Trỗi gài mìn ở cầu Công Lý, định giết tên bộ trưởng quốc phòng Mắc Namara ngày 26/6/1964 nhưng không thành và bị bắt.

GV có thể sử dụng hình ảnh và một số tư liệu thành văn để tạo biểu tượng lịch sử anh hùng Nguyễn Văn Trỗi:

Trong phong trào cách mạng của nhân dân Sài Gòn nhân dân Sài Gòn chống xâm lược Mĩ và bè lũ tai sai, Nguyễn Văn Trỗi tham gia Đội Biệt động vũ trang quyết tử cánh Tây Nam Sài Gòn.

Tháng 5 – 1964, chính phủ Mĩ cử một phái đoàn quân sự sang Sài Gòn do tướng Mắc Namara cầm đầu. Mặc dù, mới lập gia đình nhưng Nguyễn Văn Trỗi vẫn xung phong nhận nhiệm vụ đặt bom, phá cầu Công Lý để tiêu diệt phái đoàn này khi đoàn xe của chúng từ sân bay Tân Sơn Nhất đi ngang qua cầu. Việc bị bại lộ, Nguyễn Văn Trỗi bị bắt. Trong năm tháng giam giữ, kẻ thù đã dùng đủ cực hình để tra tấn nhưng không khuất phục được anh. Ngày 15 – 10 – 1964, kẻ thù đem Nguyễn Văn Trỗi ra xử bắn tại nhà lao Chí Hòa. Trước khi chết anh dũng cảm hô to:

- Đả đảo bọn xâm lược Mĩ và tay sai!

- Việt Nam muôn năm ! Hồ Chí Minh muôn năm ! Hồ Chí Minh muôn năm ! Sau này, Bác Hồ đã ghi lên tấm ảnh của anh Trỗi dòng chữ sau:

"Vì tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mĩ đến hơi thở cuối cùng.

Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi là một tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước, nhất là cho các cháu thanh niên học tập." [39,tr 89]

Sau đó, GV đặt câu hỏi: Đứng trước tòa án của kẻ thù, đối diện với cái chết anh Nguyễn Văn Trỗi đã hô to: "Đả đảo bọn xâm lược Mĩ và tay sai! Việt Nam muôn năm ! Hồ Chí Minh muôn năm ! Hồ Chí Minh muôn năm !" Mục đích của câu nói đó là gì?

Trong quá trình tạo biểu tượng GV cần chọn lọc nhân vật, sự kiện lịch sử nhằm đề cao tinh thần chiến đấu kiên cường, vì nước quên thân, vì dân quân mình cho lý tưởng cao đẹp "độc lập tự do". Qua đó, giúp HS hiểu được sự hy sinh của các thế hệ ông cha đi trước và các em thấy được trách nhiệm của mình ở tương lai.

Thứ hai, sử dụng tài liệu lịch sử thành phố Hồ Chí Minh để dạy học nêu vấn đề:

Trong quá trình truyền thụ kiến thức mới người GV phải đóng vai trò chủ động tổ chức hướng dẫn các hoạt động dạy và học trong một tiết. GV phải gợi lên vấn đề và sử dụng các phương pháp để giúp HS giải quyết vấ đề tìm ra kiến thức cơ bản của bài học cụ thể.

Ví như, khi vào bài mới GV phải tạo tình huống nếu vấn đề cho một giờ học ở bài 30: Hoàn thành giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1973 – 1975). GV giới thiệu bài mới: Sau khi Hiệp định Pari được kí kết ở 2 miền Nam – Bắc thực hiện 2 nhiệm vụ khác nhau. Miền Bắc trở lại hòa bình thực hiện nhiệm vụ khôi phục hậu quả sau chiến tranh phát triển kinh tế - văn hóa, ra sức chi viện cho miền Nam. Miền Nam nói chung và Sài Gòn Gia Định nói riêng đã đẩy mạnh đấu tranh "bình định lấn chiếm" tạo thế và lực tiến tới giải phóng hoàn toàn thống nhất đất nước. Để hiểu rõ hơn 2 nhiệm vụ riêng của 2 miền Nam – Bắc nhưng đều có chung một điểm cuối cùng là thống nhất đất nước cô và các em tìm hiểu bài 30.

Đây là tính huống nêu vấn đề của toàn bài nên khi đi từng mục nhỏ trong bài GV cần tạo ra nhiều tình huống chi tiết hơn để làm sáng tỏ vấn đề.

Ví dụ, bài 30: Hoàn thành giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1973 – 1975). Mục III, tiểu mục 1: Chủ trương, kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, mục này GV có thể sử dụng câu hỏi nêu vấn đề: Với kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam của Đảng thì tình hình thế và lực của Đảng bộ Sài Gòn – Gia Định và Mĩ như thế nào?

Khi GV nêu câu hỏi đặt vấn đề sẽ làm tăng sự tò mò, ham hiểu biết ở HS mong muốn được trả lời câu hỏi đó. Chính vì vậy, GV hướng dẫn các em tìm ra đáp án qua từng tiểu mục trong một bài học.

Như nhà giáo dục học N.G.Đairi đã khẳng định: "Giờ học nêu vấn đề là giờ học có quá trình học tập nhận thức phù hợp nhất với các qui luật nhận thức" [13,tr 94].

GS.TS. Nguyễn Thị Côi cho rằng: "Dạy học nêu vấn đề không phải là một phương pháp dạy học cụ thể mà là nguyên tắc chỉ đạo việc tiến hành nhiều phương pháp dạy học. Giờ học nêu vấn đề có ý nghĩa đặc biệt đối với việc hình thánh kiến thức trên cơ sở học động tư duy độc lập của HS" [11, tr 72].

Từ nhận thức trên, dạy học nêu vấn đề nhằm mục đích tạo sự hứng thú cho HS thu hút các em trong giờ học lịch sử.

Dạy học nêu vấn đề được đặt ra trong tất cả các khâu của bài giảng từ mục đích, giải quyết vấn đề, kiểm tra đánh giá nhận thức HS trong một tiết, bài tập về nhà.

Chính vì vậy, GV cần xác định trọng tâm đề ra vấn để tổ chức hướng dẫn HS giải quyết vấn đề phát huy tính sáng tạo, năng lực nhận thức độc lập của HS. Nên nguồn tài liệu LSĐP trong dạy học LSDT nhằm tạo ra tình huống có vấn đề đặt HS vào sự mâu thuẫn giữa cái biết và cái chưa biết cần tìm kiếm. Câu hỏi phải kích thích sự tò mò muốn tìm hiểu, GV hướng cho các em tự giải quyết mâu thuẫn đó vào hoạt động tìm kiếm câu trả lời chủ động tiếp nhận tri thức. GV là người hướng dẫn, kiểm tra đánh giá kết quả HS tìm kiếm được rồi đưa ra kết luận.

Thứ ba, sử dụng tài liệu lịch sử thành phố hồ Chí Minh kết hợp với đồ dùng trực quan

Trong dạy học lịch sử, GV không thể không sử dụng đồ dùng trực quan. Vì đây là phương pháp góp phần tái hiện lại lịch sử theo đúng như nó tồn tại, đồng thời góp phần tạo điều kiện cho HS tiếp thu kiến thức một cách khoa học hơn, dễ hiểu và nhớ lâu. Giúp HS phát huy kĩ năng quan sát tranh ảnh, miêu tả thông qua sự phản ảnh vào trí óc của các em.

GV sử dụng tốt đồ dùng trực quan sẽ huy động nhiều giác quan, sẽ kết hợp chặt chẽ hai hệ thống tín hiệu: mắt thấy, tai nghe, tạo điều kiện cho HS hiểu và nhớ lâu hơn phát triển khả năng quan sát, hứng thú, tích cực tìm hiểu. GV tránh lạm dụng đồ dùng trực quan ,vì sẽ làm các em phân tán sự chú ý, mất tập trung, hạn chế sự phát triển năng lực tư duy. Như vậy, khi GV sử dụng đồ dùng trực quan không chỉ đem lại cho HS những biểu tượng cụ thể về lịch sử mà còn giúp HS hiểu được bản chất của sự kiện lịch sử, là phương tiện để hình thành khái niệm nêu qui luật, rút ra bài học, đồ dùng trực quan còn làm tăng thêm hiệu quả của bài học lịch sử, tạo sự say mê hứng thú chờ đợi đến tiết sử, góp phần không nhỏ vào sự truyền đạt kiến thức mới của GV.

Khi các phương tiện dạy học chưa được trang bị đầy đủ ở các trường THCS thì đồ dùng trực quan nói chung và đồ dùng trực quan quy ước nói riêng vẫn chiếm vị trí quan trọng trong dạy học lịch sử giúp HS tạo biểu tượng rèn kĩ năng diễn đạt quan sát. Các em có thể phát triển trí tưởng tượng tư duy rồi dùng ngôn ngữ của mình để diễn đạt,

phán đoán hình dung sự kiện, hiện tượng đã diễn ra trong quá khứ để minh họa. HS có những suy nghĩ và tìm cách diễn đạt chính xác, có hình ảnh cụ thể về bức tranh xã hội đã xảy ra. Tùy nội dung của bài mà GV khai thác tranh ảnh lịch sử và nhằm đồ dùng trực quan quy ước tránh sử dụng tranh ảnh để giới thiệu khai thác nội dung hoặc củng cố bài.

Ví dụ, bài 30: Hoàn thành giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1973 – 1975), Mục III. Tiểu mục 2: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, GV sử dụng đoạn tư liệu sau đây kết hợp với bản đồ như sau:

Từ năm hướng, năm cánh quân cùng tiến về giải phóng thành phố.

Từ hướng Tây Bắc, sau khi diệt căn cứ Đồng Dù (Củ Chi) của sư đoàn 25 ngụy, bắt sống Chuẩn tướng Lý Tòng Bá, quân đoàn 3 tiếp tục diệt các ổ đề kháng và xe tăng địch ở khu vực Bà Quẹo – Bảy Hiền, đánh chiếm sân bay Tân sơn Nhất, bộ tư lệnh không quân và Bộ tư lệnh nhảy dù của quân ngụy.

Ở hướng Bắc, quân đoàn 1 diệt các căn cứ Lai Khê và Phú Lợi của Sư đoàn 5 (chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ tự sát) giải phóng tỉnh Bình Dương, rồi vượt qua cầu Bình Phước, chiếm các căn cứ pháo binh Cổ Loa và thiết giáp Phù Đổng ở Gò Vấp.

Quân đoàn 4 ở hướng Đông sau khi giải phóng tỉnh Biên Hòa theo xa lộ tiến chiếm Bộ tư lệnh hải quân, bộ tư lệnh thủy lục chiến, bộ quốc phòng và Đài phát thanh.

Ở hướng Đông Nam, sau khi giải phóng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, quân đoàn 2 cũng theo xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa, đánh tan các hệ thống phòng ngự của địch để tiến chiếm Dinh Độc Lập.

Đoàn 232 ở hướng Tây – Tây Nam giải phóng tỉnh Long An, đánh chiếm Tổng nha cảnh sát quốc gia và Biệt khu thủ đô (tướng Lâm Văn Phát đầu hàng)

Trước thế tiến công như chẻ tre của quân giải phóng, được các cơ sở cách mạng tác động, Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố trên đài phát thanh Sài Gòn lúc 9 giờ 30 phút sáng 30 – 4 – 1975: đơn phương ngừng bắn, bỏ ngỏ Sài Gòn để chờ bàn giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng lâm thời trong vòng trật tự.

Khoảng 11 giờ 30, hai chiếc xe tăng T.59 mang số 390 (do Trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên Đại đội 4 thuộc lữ đoàn 203, quân đoàn 2) và số 843 (do Trung úy Bùi Quang Thận, đại đội trưởng Đại đội 4) cùng tiến về dinh Độc Lập. Xe tăng số 390 húc đổ cánh cổng dinh, Trung úy Thận nhanh chóng hạ lá cờ chính của dinh.

Trung tá Bùi Văn Tùng và Trung tá Nguyễn Tấn Tài, Chính ủy và Tư lệnh Lữ đoàn xe tăng 203 tiến vào phòng khách tiết dinh Độc Lập. Ở đó, Tổng thống, Phó tổng thống, Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thứ trưởng của Nội các cuối cùng của chế độ Sài Gòn xin đầu hàng vô điều kiện.

Vào lúc 13 giờ 20, Đài phát thanh Sài Gòn phát đi lời tuyên bố của Dương Văn Minh: "Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi quân lực Viêt Nam Cộng hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng miền Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, giao toàn chính quyền từ trung ương đến địa phương cho Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam" .Trung tá Bùi Văn Tùng đọc lời tiếp nhận sự đầu hàng đó: "Chúng tôi, đại diện lực lượng vũ trang cách mạng, đơn vị đánh chiếm dinh Độc Lập, long trọng truyên bố thành phố Sài Gòn hoàn toàn giải phóng và chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Đại tá Dương Văn Minh, Tổng thống ngụy quyền" [49, tr 139 – 140].

Khi sử dụng lược đồ, bản đồ GV nên treo bản đồ gốc gần bàn GV nơi đây có đầy đủ ánh sáng HS dễ quan sát đồng thời tránh tình trạng GV đi qua đi lại nhiều lần. Việc GV sử dụng đồ dùng trực quan lịch sử thành phố Hồ Chí Minh trong giảng dạy LSDT có tác dụng làm cho bài giảng sinh động HS dễ tiếp thu các sự kiện lịch sử.

Thứ tư, sử dụng tài liệu lịch sử thành phố Hồ Chí Minh để đặt câu hỏi, bài tập nhận thức nhằm phát triển tư duy HS

Trong quá trình dạy học, GV có thể sử dụng nhiều biện pháp để phát triển tư duy

Một phần của tài liệu Sử dụng tài liệu lịch sử địa phương trong dạy học lịch sử việt nam giai đoạn 1954 1975 (lớp 9 THCS) ở thành phố hồ chí minh luận văn thạc sĩ lịch sử (Trang 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(110 trang)
w