CHƯƠNG 4: KHUYẾN NGHỊ KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Viêt Nam giai đoạn 1996 – 2005 (Trang 46 - 48)

4.1. Đánh giá chung về kết quả hoạt động FDI tại Việt Nam thời gian qua:

FDI đã bổ sung một lượng vốn quan trọng cho tổng đầu tư xã hội, kích thích gia tăng đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Khu vực kinh tế có vốn FDI luôn giữ vai trò đầu tàu tăng trưởng. Tỷ lệ đóng góp của khu vực kinh tế có vốn FDI trong GDP tăng dần qua các năm. Nếu năm 1996 chỉ là 7,4 % thì năm 2000 đạt 13,3 %, năm 2005 là 15,9 %.

Do tăng cường thu hút FDI hướng về xuất khẩu nên đã tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận và mở rộng thị trường quốc tế, nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng nhanh. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng cả nước ( trừ năm 2001).

Đầu tư trực tiếp nước ngoài góp phần giải quyết việc làm và nâng cao chất lượng lao động. Khu vực FDI cũng đem lại thu nhập đáng kể cho người lao động. Thông qua hợp tác đầu tư, người lao động được đào tạo, nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp.

Thông qua nguồn vốn FDI, chúng ta đã du nhập được nhiều công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực công nghệ nước nhà. Các tập đoàn đa quốc gia lớn mạnh có tiềm lực về công nghệ đã bắt đầu đầu tư vào Việt Nam như tập đoàn Intel, công ty POSCO, tập đoàn Canon,…

4.2. Đánh giá chung hiệu quả đầu tư của khu vực FDI:

Thông qua hệ số ICOR giai đoạn 1996 – 2005, hiệu quả đầu tư của khu vực FDI vẫn chưa cao, hệ số ICOR của khu vực FDI trong giai đoạn này là 6,9 cao hơn mức 3,7 của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, chỉ thấp hơn hệ số của khu vực kinh tế Nhà nước là 8,5. Vậy, hiệu quả đầu tư của khu vực FDI vẫn đứng sau khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, hiệu quả đầu tư của khu vực kinh tế Nhà nước là thấp nhất.

Các doanh nghiệp đã có những đóng góp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân nói chung và đóng góp cho bản thân doanh nghiệp nói riêng. Thông qua các chỉ tiêu về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn FDI có ưu thế hơn không phải do có nhiều doanh nghiệp hơn, nhiều vốn hơn, mà chủ yếu do hiệu quả sử dụng lao động và tài sản cao hơn các thành phần kinh tế khác.

4.3. Những hạn chế của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam:

Khối lượng vốn đầu tư thực hiện tăng chậm so với tiềm năng và nhu cầu chênh lệch giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện lớn.

Cơ cấu đầu tư nước ngoài theo ngành, lãnh thổ còn bất hợp lý. FDI chưa phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển ngành. Nhiều ngành nghề được ưu đãi nhưng không thu hút được FDI như nông nghiệp, nghiên cứu khoa học. FDI tập trung chủ yếu vào những địa phương có điều kiện thuận lợi như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai,…trong khi tỷ lệ đầu tư vào các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên còn khá nhỏ bé. Đầu tư từ các nước phát triển có công nghệ nguồn và hiện đại chưa thay đổi đáng kể, do vậy, thực tế chuyển giao công nghệ thời kỳ 1996 – 2005 chưa đạt như mong muốn.

4.4. Các nhận xét và khuyến nghị:

* Đối với khu vực kinh tế Nhà nước:

Khu vực KTNN là khu vực có tỷ lệ đầu tư cao nhất trong 3 thành phần kinh tế được xem xét nhưng hiệu quả đầu tư của khu vực này lại thấp nhất, không tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, mức độ ổn định vốn đầu tư lại thấp nhất, tỷ lệ hình thành TSCĐ không cao, hiệu quả sử dụng vốn của các DNNN cũng không cao. Những điều này cho thấy sự lãng phí, thất thoát trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Sự tham gia quá mức của Nhà nước vào phát triển cơ sở hạ tầng dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp và hạn chế sự phát triển của các thành phần kinh tế khác. Trong bối cảnh như vậy, Nhà nước nên bắt đầu rút dần ra khỏi lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng đối với những dự án mà khu vực kinh tế tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài có thể thực hiện được.

Đầu tư Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vừa kém hiệu quả và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư của các DNNN càng nhiều sẽ lấn át, kìm hãm khu vực kinh tế ngoài Nhà nước phát triển. Nhà nước cần chuyển giao mạnh mẽ việc phát triển các ngành sản xuất kinh doanh trực tiếp và đại đa số ngành công nghiệp cơ bản cho các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước.

* Đối với khu vực kinh tế ngoài Nhà nước:

Khu vực kinh tế này đã có bước trưởng thành vượt bậc, hiệu quả đầu tư là cao nhất. Chính TPKT này đã giải quyết được vấn đề việc làm cho đại đa số lao động trong xã hội, có thể đảm đương nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện với hiệu quả cao hơn khu vực Nhà nước. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước luôn thiếu vốn đầu tư, bởi vì thiếu vốn nên khu vực này biết sử dụng tốt nguồn vốn của mình, hiệu quả sử dụng vốn cao, mức độ ổn định vốn đầu tư cao hơn khu vực KTNN và hiệu quả sử dụng TSCĐ cao nhất. Nhà nước cần có chính sách giúp cho khu vực kinh tế ngoài Nhà Nước tăng vốn đầu tư, khuyến khích các ngân hàng hỗ trợ cho TPKT này trong việc đầu tư, phát triển sản xuất để tăng thêm hiệu quả kinh tế xã hội.

* Đối với khu vực kinh tế có vốn FDI:

Đây cũng là một lực lượng kinh tế mạnh đã đóng góp rất nhiều cho sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp có vốn FDI luôn đạt một hiệu quả sản xuất kinh doanh nhất định. Nhưng số lượng các doanh nghiệp FDI chưa nhiều. Ở Việt Nam, giá các dịch vụ công cộng và giá đất rất cao, thuế suất thu nhập cá nhân áp dụng cho người nước ngoài cũng rất cao. Đây là những biểu hiện rõ rệt cho thấy chính sách đối với FDI là chưa đúng. Trong thời gian tới Nhà nước cần có những chính sách thích hợp để tạo môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút nguồn vốn đầu tư từ TPKT này, tạo ra hiệu quả kinh tế xã hội ngày càng cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế cả nước.

4.5. Kết luận:

Nhìn lại chặng đường 10 năm của thời kỳ 1996 -2005, nền kinh tế Việt Nam có sự chuyển đổi, tiến bộ hơn so với thời kỳ 1991 – 1995 và trước đổi mới. Nguồn vốn FDI đã trở thành một yếu tố rất quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Từ sau năm 1999, các nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại Việt Nam, nguồn vốn FDI ngày càng tăng dần và đạt kỷ lục vào năm 2006 là 10,2 tỷ USD. Tuy nhiên, tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn thua kém các nước khác trong khu vực, lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút FDI vẫn chưa bằng các nước như Thái Lan, Trung Quốc. Như vậy, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa, để có thể cạnh tranh với các nước đang phát triển khác trong khu vực trong việc thu hút nguồn vốn FDI và sử dụng tốt nguồn vốn này để góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

So với các nước Châu Á, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của nền kinh tế Việt Nam đã giảm rất mạnh trong những năm gần đây . Tăng trưởng kinh tế hằng năm nhưng hiệu quả đầu tư không cao, đây là sự tăng trưởng nhanh về lượng chứ chưa phải tăng trưởng về chất. Để phát triển kinh tế một cách bền vững, lâu dài, trước mắt là phải tăng nhanh hiệu quả sử dụng vốn bằng cách hạ thấp nhanh hệ số ICOR.

Là một nước nghèo, Việt Nam đã dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài rất nhiều trong công cuộc phát triển kinh tế. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng một thập kỷ, đánh dấu một thành tựu phát triển kinh tế của nước ta. Mặc dù vẫn còn một khoảng cách khá xa so với các nền kinh tế phát triển khác, nhưng không vì thế mà nghĩ rằng nước ta sẽ không thể đuổi kịp các nước phát triển khác. Việt Nam hoàn toàn có thể đuổi kịp các nước giàu với điều kiện phải có sự phát triển bền vững trong dài hạn chứ không phải là một sự tăng trưởng nhanh, nóng trong ngắn hạn.

Một phần của tài liệu Tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Viêt Nam giai đoạn 1996 – 2005 (Trang 46 - 48)