GDP bình quân đầu người là chỉ tiêu thường được đem so sánh trình độ phát triển của nước này với nước khác, nó thể hiện được qui mô của nền kinh tế, mức sống người dân.
So với Thái Lan, năm 1996, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 10% GDP bình quân đầu người của Thái Lan, đến năm 2002 bằng 20% và năm 2004 là 25%. GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng dần, khoảng cách so với Thái Lan dần dần được rút ngắn. So với Trung Quốc, năm 2000, chỉ tiêu này gấp 2 lần mức của Việt Nam, đến năm 2004, khoảng cách này vẫn không thay đổi. So với Ấn Độ, chỉ tiêu này gần như tương đương.
Nếu so với cả khối ASEAN, năm 1996, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng ¼, năm 2004, con số này là ½. Như vậy, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là rất thấp, mặc dù nền kinh tế vẫn tăng trưởng nhưng vẫn còn một khỏang cách rất xa so với các nước phát triển trong khu vực.
Bảng 29: GDP bình quân đầu người của một số nước theo giá thực tế ( USD)
Nước 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 2004 Singapore 25127 2514 20892 20611 22757 20553 20823 22070 25193 Thái Lan 3134 2056 1900 2046 2029 1887 2050 2291 2548
Việt Nam 337 361 374 403 415 439 481 540 637 ASEAN 1505 1429 947 1079 1128 1058 1155 1267 1426 Trung
Quốc - - - - 856 924 992 1100 1272
Ấn Độ - - - - 450 466 482 555 631
Nguồn: Tạp chí Kinh Tế & Phát Triển số 115 , tháng 1 / 2007
Với tính toán sơ bộ GDP bình quân đầu người và tốc độ tăng trưởng như hiện nay để GDP bình quân đầu người của Việt Nam bằng mức bây giờ của các nước sau đây thì Việt Nam cần một số năm như sau: Indonesia: 5 năm; Philippines: 8 năm; Thái Lan: 20 năm; Malaysia: 24 năm; Brunei: 38 năm; Singapore: 40 năm (giả thiết các nước này đứng yên) (Đào Ngọc Lâm, thuộc Tổng Cục Thống Kê, báo Thanh Niên 29/3/2006).
Tuy nhiên, những con số trên không phản ánh mức sống của dân chúng vì sức mua của đồng đô-la rất khác nhau giữa nước này với nước khác. Để so sánh chính xác hơn phải dùng GDP bình quân đầu người tính theo tỉ giá ngang bằng sức mua (PPP – Purchasing Power Parity rate).
Bảng 30: GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương của một số nước (ĐVT: USD) Nước 1991 1995 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 Việt Nam - 1236 1630 1689 1860 1996 2070 2300 2490 Trung Quốc 2964 2935 3130 3105 3617 3976 4020 - 5003 Ấn Độ 1150 1422 1670 2077 2248 2358 2840 2670 2892 Thái Lan 5270 7742 6690 5456 6132 6402 6400 - 7595 Singapore 14734 22604 28460 24210 20767 23356 22680 24040 24481
Nguồn: Số liệu Kinh tế - Xã hội Các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới – Tổng Cục Thống Kê ; Niên Giám Thống Kê 2005 – Tổng Cục Thống Kê
Xét theo GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương thì Việt Nam vẫn là nước đứng sau các nước được đem so sánh về chỉ tiêu này. Năm 1995, GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương của Việt Nam chỉ bằng ½ mức của Trung Quốc, chỉ bằng 1/6 mức của Thái Lan, còn mức của Singapore đã gấp chúng ta 18 lần. GDP bình quân đầu người ở nước ta đều tăng trưởng qua các năm, đến năm 2003, chỉ tiêu này ở Trung Quốc đã gấp đôi mức của Việt Nam, chỉ tiêu này ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và bằng 1/10 của Singapore. So với các nước trong khu vực, mức sống của người dân Việt Nam vẫn còn thấp hơn nhiều, còn phải mất nhiều năm mới đuổi kịp ngay cả khi các nước này đứng yên huống hồ mỗi năm các nước đều đạt mức tăng trưởng khác nhau.
Câu hỏi đặt ra là phải chăng dù có cố gắng đến đâu, Việt Nam cũng không bao giờ có thể có mức GDP bình quân đầu người bằng với các nước phát triển trước trong khu vực và các nước phát triển như Hoa Kỳ và Nhật Bản? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cùng xem xét điều gì đã xảy ra đối với Nhật Bản và điều gì sắp xảy ra đối với Trung Quốc?
Huỳnh Thế Du (2006) đã nghiên cứu và đưa ra nhận định về hai trường hợp của hai quốc gia này:
• Trường hợp Nhật Bản:
Vào năm 1960, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản chỉ là 480 USD ( tương đương với Việt Nam năm 2002), trong khi của Hoa Kỳ là 2.879 USD, gấp 6 lần Nhật Bản. Nhưng chỉ sau hơn 4 thập kỷ, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản đã là 33.000 USD, bằng 87 % GDP của Hoa Kỳ, có nghĩa là Nhật Bản hầu như đã đuổi kịp Hoa Kỳ.
Thực tế, GDP bình quân đầu người tính theo giá hiện tại của Nhật Bản và Hoa Kỳ lần lượt là 11.000 USD và 38.000 USD. Như vậy điều gì đã xảy ra? Phải chăng là do thống kê sai số liệu. Việc thống kê sai số liệu là hoàn toàn không xảy ra. Yếu tố làm cho GDP bình quân đầu người của Nhật Bản tính bằng USD tăng lên gần 3 lần là do tỷ giá giữa đồng Yên và đồng USD. Ở thời điểm năm 1960, 1 USD đổi được 360 Yên nhưng đến cuối năm 2004, 1 USD chỉ đổi được khoảng 125 Yên. Điều này có nghĩa là giá trị đồng tiền của Nhật Bản so với đồng USD Mỹ đã tăng lên gấp 3 lần và nếu nhân với 11.000 USD thì ta sẽ được con số khớp đúng với số liệu thống kê.
• Trường hợp Trung Quốc:
Vào năm 1960, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc là 97 USD. Sau 44 năm, nếu căn cứ vào tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,64 % thì GDP của Trung Quốc tính theo USD Mỹ phải là 3.871 USD. Nhưng số liệu thực tế chỉ vào khoảng 1.200 USD. Như vậy, ngược với đồng Yên Nhật, đồng Nhân Dân Tệ so với đồng Đô-la Mỹ bị mất giá hơn 3 lần. Số liệu thống kê cũng cho ta con số này. Năm 1960, 1 USD Mỹ chỉ đổi được 2,46 NDT, nhưng đến cuối năm 2004, 1 USD Mỹ đổi được tới 8,28 NDT.
Đó là quá khứ, hiện nay đồng NDT đang lấy lại giá trị của nó so với những đồng tiền mạnh khác, nhất là đồng Đô-la Mỹ. Giả sử trong vòng 20 năm tới, Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng là 7% (trong khi nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng bình quân 2% năm) và đồng NDT tăng giá gấp đôi (nghĩa là vào năm 2025; 1 USD chỉ đổi được 4 NDT), thì lúc đó GDP và GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ là 11.000 tỷ USD và 8.000 USD, trong khi của Hoa Kỳ là 16.000 tỷ USD và 55.000 USD. Khoảng cách GDP bình quân đầu người còn khá xa, nhưng tổng sản phẩm quốc gia đã được rút ngắn rất nhiều.
Từ 2 nền kinh tế Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy, nếu GDP bình quân theo đồng USD Mỹ thì nó không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng hàng năm mà còn phụ thuộc vào tỷ giá đồng tiền nước đó so với đồng USD Mỹ. Nói cách khác, nó phụ thuộc vào tương quan sức mạnh kinh tế của nước đó so với Hoa Kỳ.
• Trường hợp Việt Nam:
Trường hợp Nhật Bản và Trung Quốc cho chúng ta cái nhìn lạc quan rằng, trong vòng 50 -100 năm nữa, nếu có chính sách tốt thì Việt Nam hoàn toàn có thể đuổi kịp các nước giàu với tốc độ tăng trưởng vào khoảng 4 – 5% /năm. Khi đó sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam gia tăng, giả sử giá trị đồng Việt Nam tăng 5 lần so với đồng USD Mỹ thì sau 100 năm nữa GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 125.000 USD so với gần 170.000 USD của Hoa Kỳ.
Như vậy khoảng cách giữa nước phát triển và nước đang phát triển là rất lớn, nhưng nếu có chính sách hợp lý thì trong vòng 50 -100 năm thì nước đang phát triển có thể thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển. Ngược lại, nếu không có chính sách hợp lý (làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế nhỏ hơn các nước phát triển) thì khoảng cách này sẽ ngày càng lớn.