8. Cấu trúc của luận văn
1.4.3. Đặc điểm về hành vi
Ở HSTH, xuất hiện nhiều rung cảm mới trong mối quan hệ với người thân, với tập thể và với bản thân (vui sướng khi làm hài lòng bố mẹ, thầy cô bằng chính kết quả học tập của mình, phấn khởi trước những thành tích của tổ, của tập thể lớp…; khi phạm lỗi xấu hổ…). Xu hướng đạo đức của nhân cách HSTH được bộc lộ rõ ràng trong thái độ học tập, thái độ đối với các công tác xã hội, thái độ đối với bạn bè… và nhu cầu tự khẳng định của các em được biểu hiện trong các mong muốn khác nhau: được điểm cao, được người lớn khen (đặc biệt là thầy cô giáo), được các bạn quý mến, được đảm nhận các “trọng trách” có ý nghĩa xã hội, được trở thành Đội thiếu niên tiền phong,…
Cùng với những điều trên, lúc đầu, với các nét tính cách: cả tin, hồn nhiên…, HSTH nhanh chóng bắt chước những đánh giá, hành vi… của những người lớn có uy tín đối với các em (đặc biệt là giáo viên và bố mẹ) để lựa chọn và thực hiện các hành vi ứng xử phù hợp trong các quan hệ và tình huống đơn giản, cụ thể của cuộc sống.
Về sau, ở các em kĩ năng nhận xét, đánh giá hành vi của bản thân và những người xung quanh dựa theo những hiểu biết ban đầu về một số chuẩn mực hành vi đạo đức và pháp luật trong quan hệ với bản thân, gia đình, nhà trường, cộng đồng, xã hội, môi trường tự nhiên được hình thành. Tuy nhiên,
cuộc sống nhà trường luôn đặt trẻ vào những cuộc “đấu tranh” giữa ý muốn ham thích cá nhân và sự cần thiết phải tuân theo các chuẩn mực, quy tắc. Do khả năng kiềm chế còn hạn chế, tính chủ động đang được hình thành, nên có lúc, dưới sự kích thích quá mạnh của ý muốn cá nhân, trẻ đã bỏ qua các yêu cầu đạo đức khi hành động.