Truyện ngắn và tiểu thuyết trong sáng tác của Mạc Can

Một phần của tài liệu Con người trong truyện ngắn và tiểu thuyết của mạc can luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 26)

6. Đóng góp và cấu trúc của Luận văn

1.2.2.Truyện ngắn và tiểu thuyết trong sáng tác của Mạc Can

Có thể nói, truyện ngắn và tiểu thuyết trong sáng tác của Mạc Can tương đối nhiều. Bước vào làng văn, ông cho ra đời tác phẩm đầu tay Ảo thuật trong tù, đăng trên báo Thời nay, mang tính chất tự truyện. Nhưng tác phẩm chưa phản ánh được những vấn đề có ý nghĩa hiện thực một cách sâu sắc. Nhân vật hiện lên còn mờ nhạt, chưa có sức nặng về nghệ thuật. Đến thời kỳ đổi mới, tập truyện ký Món nợ kịch trường (1999) ra đời. Tác phẩm kể về cuộc sống của những người nghệ sĩ trên sân khấu không màng danh lợi, miệt mài làm nghệ thuật để trả món nợ trần ai. Sáng tác này bước đầu ghi nhận sự thành công của Mạc Can trên con đường văn nghiệp. Kể từ đó, Mạc Can đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm có giá trị: Tập truyện ngắn Tờ một trăm đô la âm phủ (2004), có nhiều truyện ngắn tiêu biểu như: Những bức tường biết nói, Xe đêm, Khẩu thuật, Người nói tiếng bồ câu, Tờ một trăm đô la âm phủ, Con cua màu rêu,… Tập truyện thể hiện sự tiến bộ đáng kể trong cách viết của ông. Hàng loạt các tác phẩm của ông miêu tả những câu chuyện xoay quanh

cuộc sống sinh hoạt hàng ngày ở thành thị cũng như nông thôn, cùng với mối quan hệ đời thường. Nhờ tập truyện này mà người đọc đã bắt đầu chú ý tới Mạc Can. Nhưng để tạo được tiếng vang, làm nên tên tuổi của Mạc Can phải kể đến sự ra đời của cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao (2004). Đây có thể xem là “bước ngoặt” trong cuộc đời sáng tác của nhà văn. Khi được nhận giải thưởng từ cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn, Mạc Can hết sức bất ngờ và vô cùng sung sướng. Ông đã không cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc khi những cố gắng của mình bấy lâu nay đã được đền đáp. Cuốn tiểu thuyết đã được bạn đọc đón chào nồng nhiệt. Người đọc tìm thấy ở đó những trang viết khá chân thực về một gia đình gánh xiếc rong vào những năm 80 của thế kỷ trước. Chúng tôi thấy được ở đó tái hiện lại bức tranh chân thực về phong tục, văn hoá đa dạng của vùng quê Nam Bộ. Qua đó, nhà văn thể hiện những suy tư chiêm nghiệm về triết lý cuộc đời. Đến với tác phẩm này, người đọc ghi nhận những đóng góp mới mẻ của nhà văn về thể loại tiểu thuyết. Bởi tác phẩm rất hấp dẫn tạo ra phong cách riêng, gây ấn tượng với người đọc. Do vậy, độc giả lại càng quan tâm đến Mạc Can. Để không phụ lòng người đọc, Mạc Can tiếp tục sáng tác. Ông cho ra mắt tập truyện ngắn Cuộc hành lễ buổi sáng (2004), gồm chín truyện ngắn với phong cách đa dạng. Còn ở Khách sạn Cánh Đồng Diều một khách sạn lạ lùng nhưng quen quen đâu đó trên khắp đất nước này. Những nhân vật cũng thuộc loại phổ biến của thời thế này đã được Mạc Can làm cho tất cả trở nên huyền hoặc, vừa như ác mộng, vừa như một giấc mơ. Và, ta còn bắt gặp những tác phẩm với cốt truyện ly kỳ huyền ảo như Sài lang, Con Kapka, những truyện hiện thực phảng phất buồn như Hội chợ buồn thiu, Con chuột trên dây điện và những truyện thế sự hóm hỉnh như

Cuộc hành lễ buổi sáng. Tiếp đến là tiểu thuyết Phóng viên mồ côi đã làm nên một thành công mới trên con đường viết văn của Mạc Can. Ông Phạm Sĩ Sáu - Trưởng ban Khai thác đề tài Nhà xuất bản Trẻ, người trực tiếp chỉnh sửa bản thảo của bộ tiểu thuyết trên cho biết: “So với Tấm ván phóng dao, đây là

quyển không có một cốt truyện thật rõ ràng,... Theo tôi, với tác phẩm Phóng viên mồ côi, Mạc Can đã “trưởng thành” hơn trong sự nghiệp viết văn của mình”.

Cuối năm 2007 đầu năm 2008, cuốn tiểu thuyết Những bầy mèo vô sinh

ra đời. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ ba của Mạc Can sau Tấm ván phóng dao

Phóng viên mồ côi. Tuy chỉ dày 251 trang, nhưng đây là cuốn sách mà Mạc Can đã thầm lặng viết trong mấy năm. Tác phẩm mở đầu bằng chuyện tình bồ câu của gia đình ông Chín, rồi thêm rất nhiều “gia vị”, được lồng ghép trong khung cảnh hiện thực huyền ảo. Mạc Can đã dẫn dắt bạn đọc đi từ mối quan hệ gần gũi giữa ông SuDa - người chạy xe ôm và ông Già Ba - nhà văn, nhà nghiên cứu về mèo và những biến động của đời sống thông qua sự xuất hiện của những bầy mèo vô sinh. Và khi hoàn tất tác phẩm, Mạc Can đã trở thành người nổi tiếng. Ông bận bịu với nhiều công việc, lúc thì làm diễn viên, lúc lại đi làm quảng cáo, đi diễn ảo thuật, đi nói chuyện với sinh viên các trường đại học... nhưng vẫn không lúc nào thôi viết. Đi đâu ông cũng kè kè cái lap tốp bên mình tranh thủ từng phút để sáng tạo nghệ thuật. Sợ thời gian không còn chờ đợi mình, ông đã “xin phép vợ ra ở riêng” để dành thời gian cho việc viết lách.

Tiếp đến, năm 2010 ông cho ra đời tiểu thuyết Quỷ với Bụt và Thần Chết với văn phong giàu tưởng tượng, giữa hư và thực, giữa tự truyện và huyền thoại. Ông viết ngay trong chính cuốn sách mới của mình những trải nghiệm gan ruột: “Tôi muốn kể một câu chuyện mới, không còn ở bối cảnh sân khấu bèo bọt của những gánh hát rong”. Truyện gồm ba nhân vật với ba tính cách trái ngược nhau nhưng họ là bạn của nhau thông qua nhân vật tôi (Bụt), Lam (Quỷ) và Thuyên (Thần Chết). Bên cạnh đó, nhà văn cho ra đời tập truyện ngắn liên hoàn Ba… ngàn lẻ một đêm gồm có 10 truyện ngắn. Ông dùng ngòi bút biết hóa thân như diễn viên trên trang giấy diễn xuất qua hình dáng nàng XêRêNát, quan Ngự Y, thậm chí là Thừa Tướng và quan “Đuổi

Ruồi” - một nhân vật ông vừa sáng chế dung nhan rất mới trong thể loại truyện ngắn liên hoàn mà ông gọi là trường phải hoang tưởng, dựa vào một câu chuyện cổ điển mà ai cũng biết nhà văn đã kể chuyện khác. Sang năm 2011 nhà văn cho ra đời tập truyện ngắn và tản văn Nhớ gồm 27 tác phẩm.

Có thể nói, Mạc Can sáng tác khá nhiều về truyện ngắn và tiểu thuyết. Nhưng ở đây tôi xin điểm qua vài nét về Tuyển tập Mạc Can gồm có truyện ngắn và tiểu thuyết. Trong đó tiểu thuyết Tấm ván phóng dao tái hiện lại một cách chân thực từng số phận con người nghèo khổ sống lênh đênh lưu lạc trên khắp miền Lục tỉnh tìm kế sinh nhai. Buổi đầu ông Trần đưa vợ con trôi dạt qua làng này đến làng nọ trên chiếc ghe ngược xuôi sông nước hành nghề bán thuốc dán và làm ảo thuật ở những phiên chợ quê. Cuộc sống vất vả đã hằn in lên gương mặt của ông. Mặc dù là nhà ảo thuật, nghệ sĩ tài hoa nhưng cơ nghiệp của ông khá mong manh, cuộc sống nay đây mai đó không đủ no ấm. Vào những ngày ế ẩm, cả gia đình chỉ có cháo với nước mắm kho quẹt mặn đắng lưỡi. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng ông Trần cũng không thể cải tạo cuộc sống gia đình. Sau đó, ông quyết định bán ghe lên bờ lập đoàn xiếc nhỏ lưu diễn trên đất liền bằng xe tải nhỏ và diễn viên chính là ba đứa con của mình. Nhưng cái khó cứ vây riết gia đình ông. Có thể nói, ông Trần là một nghệ sĩ tài danh nhưng không sống nổi với nghề. Cả gia đình cả đời lăn lộn để kiếm sống nhưng số phận nghèo hèn vẫn không buông tha cho họ, đôi khi phải đánh đổi bằng cả mạng sống của chính mình. Qua tác phẩm, người đọc hình dung ra một gánh xiếc gia đình, trôi nổi trên những dòng sông con kênh, những xóm làng Nam Bộ. Những trang viết của ông gợi ra hồn cốt Nam Bộ một thời. Những con người chân chất, trọng nghĩa khí nhưng rồi tất cả cứ loay hoay trong một tấm lưới vô hình. Họ không tìm được hạnh phúc mà lẽ ra họ phải có. Đến với truyện ngắn Những bức tường biết nói, kể về hoàn cảnh nhà văn đi mướn nhà ở chung với những người không nhà để lắng nghe tiếng nói của những bức tường. Hình ảnh hóa thân của những bức tường đã chứng kiến

những kỉ niệm vui buồn của những người không nhà những cuộc đời du mục. Hạnh, một cô ca sĩ ở đài phát thanh Quy Nhơn phải lòng anh diễn viên hài Sài Gòn. Mối tình đầy trắc trở cuối cùng anh ta bỏ đi mất. Sau đó về Khánh Hội, Hạnh sinh con và lấy họ của mình. Hạnh phải lăn lộn để kiếm sống bằng nhiều nghề thế nhưng Hạnh vẫn không có chỗ nương thân, mỗi nơi Hạnh ở được vài tháng rồi phải chuyển đi. Cùng hoàn cảnh với Hạnh còn có Sinh với đứa con không cha, tối ngày chửi rủa nó; và một chị cũng có đứa con trai trắng trẻo mà người chồng của chị ở tận Mỹ; một người đàn ông khoảng năm mươi tuổi người Bắc có vợ sư tử, sợ vợ nên trốn vào Nam. Ngoài ra, xóm trọ có một diễn viên già suốt đời bươn chải trên những nẻo đường lưu lạc. Tất cả những con người nơi đây đều có ước mơ bình dị nhưng đều đó thật quá xa vời đối với họ. Tiếp đến là truyện ngắn Tờ 100 đô la âm phủ, tác giả kể về cuộc đời bất hạnh của Hà - cô gái bán hoa bị bắt vào nơi tập trung gái mại dâm. Sau đó, Hà đã trốn thoát nơi đây sống hoàn lương đến xóm cạnh cầu mở quán buôn bán. Hà có vốn liếng khoảng một triệu đồng nhưng do siêng năng, chăm chỉ ăn nên làm ra. Quán cà phê của Hà kiêm luôn thuốc tây, tạp hóa. Không bao lâu thì mọi người trong xóm yêu mến bởi bản tính lương thiện của cô. Tuy nhiên, trong tiềm thức của Hà vẫn không quên quãng đời ô nhục. Hà chấp nhận lấy một người chồng không lành lặn. Anh ta rất yêu thương Hà nhưng người chồng ấy ghen vô lý với giấc mơ của Hà. Vậy là một lần nữa, Hà phải ra đi trong cay đắng, chua chát cho số kiếp của mình. Kế đến, truyện ngắn Xe đêm, tác giả kể về cuộc hành trình của những con người trên một chuyến xe đò khuya muộn từ bên kia Bắc Mỹ Thuận về bến xe Miền Tây ở Phú Lâm. Chuyến xe đêm ấy có nhiều con người với nhiều gương mặt: khách thường, lái buôn, ông già tội nghiệp, cô bé lem luốc rách rưới,…Họ cùng ngồi với nhau trên chiếc xe đò lao vun vút xuyên qua bóng tối. Truyện khắc họa hình ảnh ông già nghèo khổ và cô gái lỡ đường đói khát đã bị anh lơ xe bốn lần đuổi xuống xe với sự ngờ vực. Nhưng rất may trong số những người vô

cảm ghẻ lạnh ấy vẫn có một tấm lòng đồng cảm, yêu thương đó là ông già nghèo khổ nhưng có lòng thương người vô bờ bến. Ông đã giúp cô gái lỡ đường trả tiền xe trong chuyến xe ấy. Truyện ngắn Điện thoại khẩn cấp viết về bi kịch của người phụ nữ có chồng nhưng chồng theo cô gái khác. Chị ta gọi điện thoại cho ông Hề nhờ tư vấn, giúp đỡ. Ông Hề khuyên người phụ nữ ấy không nên chán nản mà phải cảm hóa người chồng của mình bằng sự dịu dàng. Chính lời khuyên ấy của ông Hề đã giúp cho người chồng quay lại sống hạnh phúc bên người vợ thân yêu. Đến với truyện ngắn Khách sạn Cánh Đồng Diều chủ nhân khách sạn là ông Kiêm Hùng. Trước đây, cuộc sống khó khăn nhưng từ khi về sống với bà Ly thì ông càng ăn nên làm ra. Trở thành ông chủ lớn nên Kiêm Hùng đã vứt bỏ những vật dụng không cần thiết vào trong kho. Cũng chính từ đây, những thành viên trong gia đình lại sa vào cảnh ăn chơi trác táng. Đến khi gặp lại người bạn cũ nhắc lại những kỉ niệm xưa đó là cánh diều. Ông Kiêm Hùng đã lao qua lan can nhà rơi xuống đất.

Bên cạnh đó, tiểu thuyết Phóng viên mồ côi lấy bối cảnh là thời điểm cận kề những năm tháng miền Nam giải phóng, viết về đề tài chiến tranh. Nhân vật chính là Trần Điệp một phóng viên mồ côi với cuộc đời nhiều sóng gió. Anh từng làm diễn viên múa rối có lúc sống lang bạt với những người ở tận đáy xã hội. Anh gặp đủ hạng người với nhiều số phận, nhiều ngành nghề, địa vị khác nhau những mỗi người mang trong mình nỗi khổ riêng. Nhưng họ không phải là những người đại diện cho xã hội thời đó. Họ đến ở từng giai đoạn nhất định theo mỗi bước chân lang bạt của Trần Điệp. Qua tác phẩm, tác giả muốn nói: “Ở đời, mọi việc đều có quy luật của nó, kẻ ác rồi cũng bị trừng trị, cuộc sống con người không nên hành xử bằng bạo lực mà hãy tử tế với nhau, hãy biết tha thứ và dung hoà cuộc sống”.

Tiểu thuyết Qủy với Bụt và Thần Chết là câu chuyện đời hư hư thực thực. Ông viết ngay trong cuốn sách mới của mình những trải nghiệm gan ruột “Tôi muốn kể một câu chuyện mới, không còn ở bối cảnh sân khấu bèo

bọt của những gánh hát rong”. Và khi gấp quyển sách lại, ta thấy một sự đồng cảm về thân phận con người. Bộ ba nhân vật trong tác phẩm gồm có: ông Bụt (nhà văn, diễn viên) với cô gái tên Lam (Quỷ) bán trái cây dạt, bán vé số dạo và Thuyên (Thần Chết). Các nhân vật đều do nhà văn tưởng tượng ra mang tính hư cấu. Họ gặp gỡ và quen biết nhau tại quán Diễm. Trong đó, Bụt luôn dõi theo những việc làm của Lam, giúp đỡ khi Lam vấp ngã bởi Bụt cũng yêu Lam luôn mong muốn Lam có cuộc sống tốt đẹp. Lão Thuyên cũng yêu Lam nhưng lão có cái nhìn khác về Lam. Lão sống trong dục vọng cả lúc sống cũng như lúc chết. Có thể nói, Thuyên là kẻ mưu mô, lừa tình. Qua truyện, ta thấy phần Bụt và Quỷ của mỗi con người dưới sự chứng kiến của Thần Chết như là biểu hiện cho cuộc đấu tranh giữa thiện và ác; giữa ranh ma quỷ quyệt và nhân bản hồn hậu. Sau cùng để chọn lối thoát cho mình, Bụt phải ra đi để lại Quỷ và Thần Chết xử nhau trong hiện thực.

Nhìn chung, truyện ngắn và tiểu thuyết của Mạc Can khá phong phú về đề tài. Các đề tài ấy thường viết nhiều vấn đề trong cuộc sống: gia đình, tình yêu, đời sống của con người ở nông thôn cũng như thành thị kể cả vua chúa,... Thông qua trang viết của mình, nhà văn phản ánh đến thực trạng của con người trong cuộc sống đương đại hôm nay.

Chương 2

VỀ CON NGƯỜI TRONG TRUYỆN NGẮN, TIỂU THUYẾT CỦA MẠC CAN

2.1. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Mạc Can 2.1.1. Khái niệm về nhân vật, truyện ngắn và tiểu thuyết

Trước tiên ta tìm hiểu về khái niệm nhân vật văn học. Nhân vật văn học là con người được miêu tả trong tác phẩm văn học. Con người ấy có thể có tên hoặc không có tên riêng. Trong truyện cổ tích, ngụ ngôn, thần thoại được đưa ra để nói chuyện con người. Khái niệm nhân vật văn học có khi được sử dụng như một ẩn dụ, không chỉ một con người nào cả mà chỉ một hiện tượng nổi bật trong tác phẩm. Nhân vật văn học có chức năng cơ bản là khái quát tính cách của con người. Vì tính cách kết tinh của môi trường sống nên nhân vật văn học là người dẫn độc giả vào các môi trường khác nhau của đời sống. Nhân vật đồng thời còn thể hiện quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn về con người. Vì thế, nhân vật luôn gắn với chủ đề của tác phẩm. Nhân vật văn học được miêu tả qua các biến cố, mâu thuẫn, xung đột. Đó là những mâu thuẫn nội tâm của nhân vật, mâu thuẫn giữa nhân vật này và nhân vật kia,…Vì vậy, nhân vật luôn gắn liền với cốt truyện. Nhờ được miêu tả qua xung đột, mâu thuẫn nên khác với hình tượng hội họa và điêu khắc, nhân vật

Một phần của tài liệu Con người trong truyện ngắn và tiểu thuyết của mạc can luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 26)