6. Đóng góp và cấu trúc của Luận văn
3.2. Nghệ thuật tạo dựng ngôn ngữ nhân vật
3.2.1. Lí luận chung về ngôn ngữ nhân vật
Ngôn ngữ vừa là yếu tố hình thức với ý nghĩa là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên để nhà văn sử dụng trong quá trình sáng tạo tác phẩm. Khi bàn về ngôn ngữ M.Gorki khẳng định: “Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống - là chất liệu của văn học”
[26, 185]. Xét về mặt nguồn gốc, ngôn ngữ của tác phẩm văn học cũng là ngôn ngữ của đời sống, ngôn ngữ toàn dân được nhà văn nâng lên thành ngôn ngữ nghệ thuật. Ngôn ngữ được trau dồi, gọt giũa, nói như Maiacôpxki:
“Phải phí tổn ngàn cân quặng chữ Mới thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài” [26,185] Trên thực tế, ngôn ngữ trong tác phẩm văn học là một trong những yếu tố quan trọng nhất thể hiện cá tính sáng tạo, phong cách và tài năng nghệ thuật của người nghệ sĩ. Nhà văn thông qua ngôn ngữ để xây dựng toàn bộ thế giới nghệ thuật của mình. Trong văn xuôi, đặc biệt là ở thể loại tiểu thuyết M.Backhtin có nói: “Ngôn ngữ tiểu thuyết là cả một hệ thống ngôn ngữ soi lẫn nhau, đối thoại lẫn nhau” [3, 97]. Do đó, ngôn ngữ là một căn cứ quan trọng để biểu đạt phẩm chất và tính cách của mỗi con người, đóng vai trò quan trọng trong quá trình cá biệt hoá nhân vật. Ngôn ngữ ở từng thể loại cũng mang sắc thái khác nhau. Ngôn ngữ sử thi dài dòng, lời nói nhân vật chưa được cá thể hóa. Ngôn ngữ tiểu thuyết là ngôn ngữ gần gũi với đời sống, mang đặc trưng của thể loại: tính đa thanh, tính văn xuôi, tính tổng hợp. Xóa bỏ khoảng cách sử thi và tiểu thuyết, tác giả miêu tả hiện thực như cái hiện tại đương thời của người trần thuật, với cách nhìn nhân vật như người bình thường, gần gũi cho phép người trần thuật có thái độ thân mật, suồng sã với nhân vật. Cũng theo M.Backhtin trong Lí luận và thi pháp tiểu thuyết đã viết: “Tác giả không chỉ mô tả cái ngôn ngữ ấy mà còn nói bằng ngôn ngữ ấy”. Ngôn ngữ nhân vật là một phạm trù lịch sử. Trong văn học trung đại, do ý niệm cá nhân chưa phát triển, chưa có cá thể hóa sâu sắc và chưa phân biệt với ngôn ngữ tác giả. Văn học hiện đại ngôn ngữ nhân vật được coi là một đối tượng miêu tả, cá tính hóa trở thành một yêu cầu thẩm mĩ.
Khi xét về ngôn ngữ nhân vật, Từ điển thuật ngữ văn học của nhóm tác giả Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) cho rằng: “Ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính của nhân vật. Trong tác phẩm, nhà văn có thể cá thể hóa ngôn ngữ nhân vật bằng nhiều cách: nhấn mạnh cách đặt câu, ghép từ, lời phát âm đặc biệt của nhân vật, cho nhân vật lặp lại từ và câu mà nhân vật thích nói cả từ ngoại quốc và từ địa phương,… Trong tác phẩm tự sự, nhà văn còn thường trực tiếp miêu tả phong cách ngôn ngữ của nhân vật” [31, 214]. Trong sáng tác, các nhà văn luôn có ý thức khai thác tối đa khả năng của ngôn ngữ nhân vật trong việc thể hiện tính cách, tâm trạng số phận nhân vật. Bởi lẽ, mỗi con người đều có cuộc sống riêng, tính cách, suy nghĩ riêng, không thể áp đặt, bắt nhân vật nói những tiếng nói của người khác gán vào. Mặt khác, ngôn ngữ nhân vật thường thể hiện các dạng thức lời nói khác nhau của nhiều tầng lớp người trong xã hội. Nhà văn không lệ thuộc vào một ngôn ngữ duy nhất để hoán đổi ngôn ngữ nhà văn và ngôn ngữ nhân vật. Trong tiểu thuyết khi miêu tả cuộc đời và con người trong tác phẩm, nhà văn không chỉ được soi sáng thông qua ngôn ngữ tác giả mà còn ngôn ngữ nhân vật. Hai loại ngôn ngữ này tạo nên giá trị nghệ thuật tác phẩm thông qua đối thoại. Ngôn ngữ đối thoại trong tác phẩm thường gây ra những tình huống bất ngờ tạo cảm giác thực của đời sống đã khúc xạ qua lăng kính của nhà văn. Do đó, ngôn ngữ đối thoại giữ vai trò đáng kể trong việc khắc họa tính cách nhân vật. Mỗi nhân vật được nhà văn quan niệm như một chủ thể độc lập. Vì vậy, ngôn ngữ nhân vật dù tồn tại ở dạng nào bao giờ cũng đảm bảo sự kết hợp sinh động giữa cá nhân và tính khái quát. Mỗi nhân vật đều có một ngôn ngữ mang đặc điểm riêng, có lời ăn tiếng nói riêng; đồng thời ngôn ngữ ấy phải phản ánh được đặc điểm ngôn ngữ của một tầng lớp người nhất định gần gũi về nghề nghiệp, trình độ văn hóa, giai cấp,…
Ngôn ngữ nhân vật trong tác phẩm văn học được thể hiện ở nhiều dạng khác nhau: ngôn ngữ đối thoại, độc thoại và độc thoại nội tâm. Ngôn ngữ đối thoại là những lời nói trực tiếp của các nhân vật trong những tình huống cụ thể; là những phản ứng rất tự nhiên của nhân vật trước hiện thực nhưng lại bắt nguồn sâu xa từ tính cách nhân vật. Thông qua những lời nói ấy cũng thể hiện được những nét thuộc về bản chất nhân vật. Trong văn học, điện ảnh sân khấu đối thoại là hành vi giao tiếp chủ yếu của nhân vật biểu hiện trong một tình huống, một bối cảnh cụ thể. Tác giả dùng đối thoại để dẫn dắt câu chuyện và miêu tả tính cách của nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại trong kịch bản sân khấu thường giàu kịch tính, phù hợp với từng loại nhân vật, bộc lộ những diễn biến tâm lí phức tạp của nhân vật. Trong tác phẩm kịch, ngôn ngữ của nhân vật kịch hoàn toàn được xây dựng bằng hình thức đối thoại phù hợp nhằm thể hiện sự phong phú và đa dạng của hành động kịch. Và ngôn ngữ đối thoại trong tiểu thuyết thường ít hơn bởi tác giả còn dùng nhiều cách khác như miêu tả, kể chuyện hoặc độc thoại nội tâm để xây dựng nhân vật và thể hiện sâu sắc tâm lí của nhân vật. Tuy nhiên trong tiểu thuyết, không phải mọi lời thoại của nhân vật đều được giữ nguyên như những đối đáp giao tiếp trong đời sống. Người kể chuyện có thể kể lại việc nhân vật đã nói những gì, đã đối đáp ra sao. Lúc này, lời thoại của nhân vật đã được nhìn nhận dưới cái nhìn chủ quan của người kể chuyện. Và khi được kể lại, lời nhân vật đã xâm nhập vào lời trần thuật, trở thành lời người kể chuyện. Lời thoại tất yếu cũng chuyển thành lời kể. Chẳng hạn trong những năm đổi mới, ngôn ngữ đối thoại đóng vai trò quan trọng trong các tiểu thuyết của Nguyễn Khải. Ông là một trong những nhà văn hiện đại sử dụng một cách thuần thục nghệ thuật trần thuật thông qua đối thoại. Ngôn ngữ đối thoại chiếm hầu hết các sáng tác của Nguyễn Khải được cá thể hóa và đầy cá tính như: Gặp gỡ cuối năm, Cha và con và… Ngôn ngữ nhân vật thể hiện cá thể hóa tính cách nhân vật, nhân vật nào thì lời lẽ ấy. Cách nói trần trụi của người lính (Ăn mày dĩ vãng), cách nói
thẳng thắn bạo dạn của nhà báo (Dấn thân, Một ngày và một đời), cách nói thâm trầm sâu sắc của người viết văn (Ngược dòng nước lũ), cách nói lạnh lùng tỉnh táo của kẻ làm ăn (Cơ hội của chúa), Cách nói khuôn thước, đài các cung vua phủ chúa (Hồ Quý Ly, Giàn thiêu).
Bên cạnh ngôn ngữ đối thoại, độc thoại là nói một mình, trước sau không có ai nghe, hoặc nghe mà không trả lời như trong kịch, phim. Đối chiếu với đặc điểm này, truyện ngắn của Phạm Thị Thu Huệ sử dụng ngôn ngữ độc thoại đời thường. Có được điều này, nhà văn phải bám sát vào hiện thực đời sống. Nhà văn đã đưa vào tác phẩm của mình tiếng nói của đời sống thường nhật dung nạp nhiều khẩu ngữ tự nhiên, đôi khi suồng sã. Bên cạnh đó, độc thoại nội tâm cũng đóng vai trò chủ yếu trong phương thức trần thuật của tiểu thuyết trong thời kì đổi mới. Độc thoại nội tâm trở thành một thủ pháp nghệ thuật đi sâu vào thế giới nội tâm đầy bí ẩn của nhân vật; là lời độc thoại dùng vào việc miêu tả quá trình ý nghĩ trong nội tâm, là lời nói thầm kín viết ra để đọc chứ không nhằm nói ra thành tiếng. Từ điển thuật ngữ văn học
của nhóm tác giả Lê Bá Hán - Trần Đình Sử - Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên) đã định nghĩa về độc thoại nội tâm: “Lời phát ngôn của nhân vật nói với chính mình, thể hiện trực tiếp quá trình tâm lí nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó”. Một định nghĩa khác của Nguyễn Hải Hà: “Độc thoại nội tâm là tiếng nói bên trong tâm hồn nhân vật, là ý nghĩ thầm kín, là lời tự thầm nhủ hoặc nhân vật nói to lên với chính mình”. Độc thoại nội tâm là một trong những thủ pháp hữu hiệu giúp nhà văn bộc lộ nội tâm nhân vật mô tả nó từ bên trong. Đồng thời, người đọc hiểu được những ý nghĩ sâu kín nhất trong lòng nhân vật, nhiều khi những ý nghĩ này trái ngược với vẻ bề ngoài của nó. Độc thoại nội tâm tuỳ thuộc rất nhiều vào phương pháp sáng tác và bản sắc riêng của từng nhà văn.
Mặt khác, độc thoại nội tâm trong thể loại tự sự hiện đại có xu hướng phá vỡ khuôn khổ cú pháp thông thường để tạo nên những dạng thức mới.
Dạng độc thoại nội tâm mà diễn tiến của nó không bị tác giả can thiệp với tất cả những yếu tố chưa định hình về ngữ pháp. Nhờ thế miêu tả được cả thế giới ý thức lẫn vô thức. Đặc biệt trong thời kì đổi mới, các nhà văn đều sử dụng dạng tình huống, những giấc mơ thông qua kĩ thuật dòng ý thức để biểu hiện độc thoại nội tâm, nhằm khai thác và phá thế giới tâm linh của con người. Những dòng thức ấy là: thời gian đồng hiện, hồi ức, hoài niệm, dòng suy tưởng, những giấc chiêm bao để nhân vật bộc lộ nỗi niềm sâu kín của tâm hồn. Thủ pháp này thể hiện rõ trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Ngược dòng nước lũ (Ma văn Kháng),
Thiên Sứ (Phạm Thị Hoài), Tấm ván phóng dao (Mạc Can).
Trong tiểu thuyết truyền thống, lời trực tiếp, lời đối thoại của nhân vật đứng ngoài, “không cùng nằm trên một mặt phẳng” với lời người kể chuyện. Văn học hiện đại đặc biệt là tiểu thuyết sau 1986 ngày càng giảm lời trực tiếp. Người kể chuyện biến lời thoại của nhân vật thành lời của bản thân khi lời đối thoại của nhân vật không được sắp theo thứ tự đối đáp mà đan xen trong lời người kể chuyện. Chúng tôi cho rằng đây là một dạng phát ngôn đặc biệt, thể hiện tính chất nhiều giọng của ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết đương đại.
3.2.2. Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ nhân vật
Mạc Can tôn trọng tối đa ngôn ngữ của nhân vật, để nhân vật tự thể hiện tính cách, phẩm chất của mình. Câu văn trong tác phẩm của Mạc Can đa dạng và phong phú. Ngôn ngữ đời thường vốn không ít những câu chửi thề, những lời nói trần trụi suồng sã, bỡn cợt, mang tính vùng miền rõ rệt được Mạc Can sử dụng phổ biến với tần số xuất hiện cao. Ở đây, chúng tôi xem xét biểu hiện ngôn ngữ nhân vật: nhân vật và ngôn ngữ người kể chuyện (với tư cách là ngôn ngữ của một loại nhân vật) qua các dạng: đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm.
Trước hết, chúng tôi xét ngôn ngữ nhân vật ở góc độ ngôn ngữ đối thoại. Ngôn ngữ đối thoại của nhân vật trong tiểu thuyết Nam Bộ nói chung và truyện ngắn tiểu thuyết của Mạc Can nói riêng đậm đà chất hiện thực cuộc sống. Mật độ đối thoại trong truyện ngắn và tiểu thuyết là rất lớn làm cho câu văn giàu tính nhạc, diễn biến câu chuyện nhiều kịch tính và bất ngờ. Điều này tạo nên những thành công trong sáng tác của nhà văn để khắc họa chân dung nhân vật, những con người Nam Bộ thời kì đương đại từ nông thôn đến thành thị. Nhà văn đã chú ý đến việc lựa chọn ngôn ngữ của nhân vật sao cho phù hợp với trình độ, thành phần xuất thân, tính cách nhân vật. Vì thế, ngôn ngữ đối thoại góp phần xây dựng tính cách nhân vật.
Xét ở khía cạnh ngôn ngữ nhân vật, văn xuôi Mạc Can chủ yếu thể hiện ngôn ngữ của đời thường được phát triển. Ngôn ngữ văn học được mở rộng cửa để trở nên phong phú và biểu hiện đầy đủ thêm cách sống, cách nghĩ của mỗi cá thể con người. Ngôn ngữ đời sống tràn vào làm thành giọng điệu suồng sã, bỡn cợt, vì thế bớt đi vẻ sang trọng nhưng rất gần gũi với cuộc sống. Những câu chửi thề, những lời nói suồng sã của nhân vật đã phản ánh hiện thực trần trụi và phức tạp. Tác phẩm Phóng viên mồ côi cũng không thiếu ngôn ngữ bình dân, thông tục: “Trẻ người non dạ cái con c…”, “Đ.M tụi bây… nhớ mặt tao nha. Tụi bây xuống tới chỗ chợ cá Cầu Ông Lãnh là chết mẹ với tao”. Trong truyện ngắn Cuộc hành lễ buổi sáng có chi tiết: “Chờ ngóng cổ dài râu mà… đ.mẹ nó. Nó cứ bưng tô phở đi ngang mình”. Tuy nhiên, việc vận dụng thích hợp mảng ngôn từ ít có giá trị thẩm mĩ này trong một chừng mực nhất định vẫn có thể nâng cao hiệu quả tác phẩm.
Đến với tiểu thuyết Phóng viên mồ côi, ngôn ngữ nhân vật kể lại sự việc của mình rất văng tục, suồng sã: “Hương vừa cười vừa kể:
- Đúng là cái đồ quỷ sứ gì đâu không. Hôm đó hát về, một đám cô hồn chạy chiếc xe Jeep cũ xì. Chận tao lại hỏi giấy tờ. Chưa kịp móc bóp. Tụi nó a lại ôm tao thảy lên xe. Chiếc xe Honda cùi của tao, thì một thằng mặt quen
quen, nhảy lên rồ ga chạy theo. Tới một khúc đường gần Sở Thú, bà mẹ nó, một thằng dâm tục ôm tao lại, tưởng nó thấy tao ngon, chịu không nổi nên đè tao ra hiếp dâm. Ai dè đâu, ê cái thằng này chắc là liệt dương. Nó chỉ lấy cái khăn bịt mắt tao thôi. Còn cái đêm thả tao ra cũng vậy tụi nó bịt mắt chở mình chạy lăng quăng một hồi, rồi ngừng xe ngồi ôm tao trên lề đường. Chỗ nào đó má tao cũng không hay biết. Vậy cũng được rồi, nhưng mà, mẹ bà mấy cái thằng cô hồn nó lợi dụng bà không thấy đường, xúm lại… bóp vú tao mậy. Tao chửi quá trời: đồ con hoang má mầy lại cái hả” [9 -10]. Qua đây, chúng tôi nhận thấy, đó những lời lẽ của một cô gái sống bằng nghề không đoan chính.
Bên cạnh đó, ngôn ngữ bình dân y như câu nói của một thiếu niên Nam Bộ chân quê, chẳng hạn, đoạn về cô thiếu nữ con chủ rạp hát trong Tấm ván phóng dao : “Chị khóc, chỉ là một cách để cho trôi qua mùa hè nhàm chán đơn điệu, như vài cô gái nhà giàu ưa đọc tiểu thuyết khác thôi mà, như vậy sẽ có nhiều thú vị hơn nhiều vì có chút đớn đau tuyệt vọng. Trái cựa với cảnh sống luôn được nuông chiều, muốn gì được nấy, tất cả những truyện nhiêu khê này trộn lại thành một món cóc tai tạp pí lù khổ cho tôi” [10, 128]. Do đó, ngôn ngữ nhân vật luôn mang đậm chất Nam Bộ: “Lẹ tay thì còn, chậm tay… cũng còn”; “Trời ơi ai mà ác nhơn sát đức vậy không biết”; “Cha mẹ sanh
con, trời đất sanh tánh”, hay “Tụi nó móc túi người ta chớ nó móc túi ông đâu mà ông lo chuyện ba láp, nó thù vặt chém lén là mệt nha, nó tiểu nhơn đánh lén sau lưng mình phải sợ chớ”, “ổng đen thui nên đặt ổng tên là ông lô xí sộ”, “Dạ tui té xuống giếng, may mà má tui hay kịp vớt lên, không thì tui chết rồi,