Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu Con người trong truyện ngắn và tiểu thuyết của mạc can luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 67 - 71)

6. Đóng góp và cấu trúc của Luận văn

3.1.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Ngoại hình là khái niệm dùng để chỉ toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bề ngoài của nhân vật. Đó là những nét về diện mạo, hình dáng, trang phục, cử chỉ, tác phong của nhân vật được biểu hiện trong tác phẩm. Và chỉ vài nét chấm phá tác giả đã vẽ lên bức chân dung các nhân vật một cách rõ nét

trước mắt người đọc. Ngoại hình nhân vật là một trong những tiêu chí hàng đầu để xây dựng nhân vật. Do vậy, ngoại hình là một hình thức miêu tả nhân vật khá quan trọng. Đó là quá trình tái hiện “con người trong con người”. Thông qua ngoại hình, người đọc liên tưởng đến tính cách nhân vật. Tuy nhiên, ngoại hình không có nghĩa quyết định bản chất con người. Con người luôn chịu tác động của hoàn cảnh, môi trường. Theo Backhtin, nhân vật đó là những con người: “Hoặc to lớn hơn số phận mình, hoặc nhỏ hơn tính cách của mình”. Các sáng tác của nhà văn Mạc Can tập trung miêu tả ngoại hình nhân vật một cách rất chi tiết: từ hình dáng đến cách ăn mặc, trang phục.

Trong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, nhà văn miêu tả ông Trần với tướng tá của một người nghệ sĩ nhưng nghèo: “Ông lớn tiếng nhưng tướng thấp lùn, ông rất hãnh diện với khán giả khi khoe bộ chân treo của ông” [10, 14]; cậu Hai (con trai ông Trần) khi còn trẻ giống như một vị Hoàng tử bị đầy xuống trần gian, lẽ ra anh phải sống rất sung sướng với “mái tóc anh đen nhánh, nuôi dài chải chuốt, da anh trắng xanh với nụ cười mê hồn” [10, 22]. Tác giả miêu tả trang phục của người anh thứ Hai thông qua lời kể của nhân vật tôi trước khi ra làm người phóng dao: “anh mặc sơ mi sa-ten đen, quần nỉ đen chân mang đôi giầy chữa lửa cao su đen, chiếc khăn choàng cổ của anh cũng màu đen tuyền” [10, 136]. Điều này dự báo cuộc đời của cậu Ba phải chịu cảnh đen bạc. Trong khi đó, cậu Ba lại có thân hình ốm yếu thật tội nghiệp ngay từ lúc sinh ra: “ốm nhom, cổ tay đầy gân xanh, nhỏ xíu, người ngợm trơ xương sườn” [10, 33]. Và khi lên sân khấu làm người giữ tấm ván để phóng dao, cậu được chú Tài say hóa trang thành một chú hề mà ai cũng gọi cậu là người cõi trên: “một cái mũi đỏ chót, cái miệng cũng đỏ ngoác lên tận mang tai” [10, 58]. Mặc dù vậy, cậu Ba vẫn có trái tim bao la và luôn trăn trở về số phận của những người thân trong gia đình. Cậu lo lắng đến nằm mơ thấy bi kịch của gia đình xảy ra, điều này cũng đã trở thành sự thật. Còn cô Tư không ra dáng của một người thiếu nữ, mất đi vẻ đẹp hồn nhiên của tuổi

thơ, bởi ngay từ nhỏ cô phải đứng trước tấm ván để người anh phóng dao vào. Đây là điều nguy hiểm, đang rình rập không biết sẽ xảy ra với cô lúc nào, thông qua lời nhận xét của nhân vật tôi khi viết về cô Tư: “hình thể em tôi khô cằn không ra dáng vẻ thiếu nữ, ở tuổi mười bốn, mười lăm những đứa con gái khác đã trổ mã, nhưng sao nó vẫn như đứa trẻ con, lại có vẻ “già” trước tuổi. Ở em chỉ có đôi mắt là cử động còn toàn thân bất động” [10, 47] và khi đứng trước tấm ván, cô Tư luôn trang phục đặc biệt: “mặc áo sơ mi sa- ten màu trắng trên cái cổ gầy nhom quấn chiếc khăn thêu. Mái tóc sữa lưa thưa màu râu bắp non cột thành đôi bím nhỏ, cùng với một cánh hoa tim tím, hoa lục bình dại” [10, 138] và hình ảnh: “cô gái nhỏ có khuôn mặt xanh xao tội nghiệp được phủ một lớp phấn trắng dầy, và một màu hồng giả tạo” [10, 57]. Đến khi về già thì bà Tư được miêu tả giống như “đứa con nít hơn là người trung niên, một đứa trẻ già cõi suy dinh dưỡng héo hắt, gầy nhom” [10, 85]. Bởi do hoàn cảnh sống, công việc nên mỗi nhân vật được Mạc Can miêu tả luôn có ngoại hình và số phận cũng khác nhau.

Tiểu thuyết Quỷ với Bụt và Thần Chết cũng được nhà văn miêu tả nhân vật rất cụ thể kể cả người chết. Ông Thuyên (Thần Chết) có cách đi đứng kì lạ, chậm như rùa, đứng thì hỏng chân khỏi mặt đất: “ông Thuyên tươm tất, áo luôn bỏ vào quần, sợi giây lưng giả da cá sấu thắt chặt chiếc áo thon của ông. Bên trong lớp vải chỉ có bộ xương hết xí quách, rỗng nhẹ” [11, 73]; Hình dáng của cụ Thuyên mọi người khó nhận ra bởi ông là Thần Chết, nhưng qua ngòi bút của nhà văn giúp ta hình dung về tướng mạo của nhân vật: “Ít người trông rõ mặt ông Thuyên. Mờ mờ như sương khói, sau vành nón nỉ mềm che nửa trán, má ông hóp, gò má nhô cao, phô cái xương sọ và hốc mắt sâu. Một con ma tối tân biến hóa không thua xác ướp Ai Cập” [11, 73]. Qua đây, Mạc Can là nhà văn có trí tưởng tượng thật phong phú, tài năng.

Bên cạnh tiểu thuyết, ở truyện ngắn của mình, Mạc Can cũng miêu tả ngoại hình nhân vật khá hoàn chỉnh. Mỗi nhân vật gắn với hoàn cảnh sống

khác nhau. Đặc biệt là khi miêu tả về người phụ nữ, nhà văn luôn dành tình cảm, những gì đẹp nhất về hình thể cũng như tính cách. Truyện Những bức tường biết nói nhân vật tôi nhận xét về Hạnh: “Nếu tôi nhớ không lầm, lúc đó Hạnh cũng đã có tuổi, ngoài bốn mươi, không đẹp nhưng nhẫn nại dễ thương, tính tình như bà vợ hiền, siêng năng mau mắn, may vá giỏi, nấu ăn ngon, nhất là các món miền Trung” [10, 302]. Truyện Công chúa Ôsin miêu tả người con gái đi ở khá xinh: “Cô gái đâu chừng mười chín hai mươi tuổi, nước da bánh mật, mái tóc mây xõa ngang lưng, eo thon, cặp đùi dài. Đôi mắt mở to, lông mi tự nhiên cong vút, miệng luôn cười khoe hàm răng trên cả tuyệt vời” [10, 337]. Tuy nhiên, vẫn có hình ảnh người phụ nữ được nhà văn miêu tả trong trang viết rất tự nhiên, không muốn nói là thô kệch về hình thể như truyện

Cuộc hành lễ buổi sáng. Đó là hình ảnh người đàn bà nấu phở trong quán: “Người đàn bà có cái mông lớn, đứng nấu phở coi cũng dữ tướng, đôi môi nhỏ màu son nâu tím Hàn Quốc lúc nào cũng mím chặt” [10, 448]. Mặt khác, hình ảnh người đàn ông được nhà văn thể hiện cũng rất tự nhiên, chân thực. Trong truyện ngắn Sài Lang hình ảnh ông Tam có tướng mạo thật đáng sợ, mọi người thường lấy tên ông ra để đe dọa trẻ con và giống như câu nói “trông mặt mà bắt hình dong”. Cụ thể: “có người đàn ông dữ tướng. Rậm râu, lưng vai và mu bàn tay có vải sừng cứng, lông ngực như con hầu” [10, 443], “Tam có tướng mạo gần như người vượn nguyên thủy, trán thấp, lông mày chỗi xể, môi mỏng nhô răng vẩu lên, mũi lại hỉnh” [10, 444]. Hay đến truyện ngắn Cuộc hành lễ buổi sáng hình ảnh ông chồng bà chủ quán bán phở: “ông chồng to con, da màu nâu sẫm. Trời cho chân mày xếch ngược lên cái trán thấp. Mắt lộ trắng dã. Ria mép trên cái môi dày chọc vào miệng. Râu quai nón kín hàm lởm chởm ngả màu đỏ khuôn mặt gây sự, chân đi chấm phẩy” [10, 448]; ông khách (Ba Gà Mổ) được nhà văn miêu tả có khuôn mặt và màu da như: “mặt rỗ hoa, màu da tai tái như con gà mái. Ông khẽ nhếch lên, phô vài cái răng trắng nhởn” [10, 486]. Đến truyện Người ngắm trăng, nhà văn miêu

tả hình dáng của ông To: “Ông To với cái đầu lớn, cái trán phẳng phiu” [10, 284]. Hay nhân vật anh tài xế trong truyện Khách sạn Cánh Đồng Diều được miêu tả ngoại hình của một người có tính tình không đàng hoàng, tâm hồn đầy dục vọng: “cặp mắt nhỏ, liến láo, cặp chân mày xăm xanh đen và một hàm râu đen nhánh rất cứng luôn luôn được cắt tỉa cẩn thận. Trên cặp môi mỏng luôn ươn ướt tham lam là một nụ cười nhếch nhác khó hiểu. Lúc nào anh chàng cũng mang đôi giày nâu, mà anh ta nói là da cá sấu, bóng loáng” [10, 512]. Đến với truyện Nhà ảo thuật ta thấy trang phục của ông Ali Woong được miêu tảkhá chi tiết: “trang phục cũ rách nhưng tươm tất đầu đội cái bêrê màu xanh, mình mặc áo len, chân mang dép nhựa và trên tay là bộ bài” [10, 243 - 244]. Hình ảnh cô giáo trong truyện Người đưa thư vui tính được nhà văn miêu tả ngoại hình khá đẹp: “cô có hàm răng trắng đẹp, khi cô cười làm lộ rõ hai đồng tiền hai bên má” [10, 257]. Và diện mạo, trang phục của ông diễn viên đóng vai trưởng thôn trong truyện ngắn Bên kia màn sương: “Ông ta cứ mặc suốt một bộ trang phục cái nón nỉ và mang đôi giày cao su dính đầy bùn nhão… Ông diễn viên này khoảng năm mươi tuổi, một người đàn ông vô danh, thấp đậm có gương mặt buồn thiu” [10, 259].

Nhìn chung, truyện ngắn và tiểu thuyết của Mạc Can ít nhiều đều chú trọng đến việc miêu tả ngoại hình nhân vật. Mỗi nhân vật được miêu tả với dáng vẻ khác nhau nhưng chung quy lại phần nào phản ánh được tính cách của con người trong đời sống xã hội thời hiện đại.

Một phần của tài liệu Con người trong truyện ngắn và tiểu thuyết của mạc can luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 67 - 71)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w