Nghệ thuật miêu tả hành động nhân vật

Một phần của tài liệu Con người trong truyện ngắn và tiểu thuyết của mạc can luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 71 - 74)

6. Đóng góp và cấu trúc của Luận văn

3.1.2.Nghệ thuật miêu tả hành động nhân vật

Bên cạnh ngoại hình, hành động của nhân vật là một trong những nhân tố biểu hiện tính cách con người. Henri James đã từng nói: “Một nhân vật là gì nếu không phải là sự quy định cho hành động? Hành động là gì nếu không phải minh họa cho nhân vật? Một bức họa hoặc một cuốn tiểu thuyết không phải là sự miêu tả các tính cách thì là cái gì? Chúng ta tìm kiếm điều gì khác ở đó, chúng ta tìm thấy điều gì khác ở đó?” [59, 40]. Qua đây, ta thấy rõ mối

liên hệ bất diệt giữ hai thành tố đó là nhân vật và hành động. Nghĩa là không có nhân vật nào bên ngoài hành động và chẳng có hành động nào mà không liên quan đến nhân vật. Nói đến hành động nhân vật, ta thấy có hành động được thể hiện thông qua lời nói và việc làm, có hành động cao cả vị tha nhưng cũng có hành động thô tục, thấp hèn. Hà Minh Đức cho hành động của nhân vật là: “những việc làm cụ thể trong quan hệ ứng xử với các nhân vật khác và trong những tình huống khác nhau của cuộc sống”. Có thể nói, hành động của nhân vật có vai trò quan trọng trong tác phẩm bởi lẽ nó góp phần lột tả rõ ràng, đầy đủ, chân thực những hành động vốn có của nhân vật. Hành động của các nhân vật được bộc lộ một cách khách quan. Do đó, nhà văn phải hòa mình, phải hóa thân nói cách khác là phải “sống với cuộc sống của nhân vật”.

Trước tiên, ta đề cập đến hành động có ý nghĩa tiêu cực. Điều này thể hiện rất rõ trong tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. Đó là hành động của cậu Hai được miêu tả qua lời kể của ông Bê: “cậu Hai chăm chú nhìn cái lá rơi, rồi bất thần cậu phóng lưỡi dao, lưỡi dao xuyên qua cái lá, cắm vô thân cây” [10, 54], ông Ba đã tận mắt chứng kiến hành động phóng dao tuyệt đẹp nhưng không trúng mục tiêu mà gây sát thương cho em gái của mình: “Cuối cùng, hỡi trời, màn phóng dao cũng bắt đầu khi anh tôi hất chiếc áo choàng ra sau lưng, mái tóc anh đen tuyền trên một khuôn mắt trắng xanh, anh đưa mắt lường khoảng không gian khá rộng từ mũi giày của anh cho tới tận chân tấm ván, anh phóng thử những lưỡi dao khởi động, tua dao bay không đều như mọi đêm trước, có lưỡi dao rớt ngay lần phóng đầu tiên, điều nầy từ trước tới nay không hề có” [10, 137]. Và “một lưỡi dao xoay tròn bay vút tới tấm ván, lần nầy không hề phóng vào tấm ván trơ trụi mà có vật thí thân mua vui, tôi nghe tiếng dao vút đi, tiếng ma sát của thép với gió, ánh dao như pháo hoa sáng ngời. Lưỡi dao cuộn tròn chém ngọt vào khoảng gian theo chiều dọc, dao bay như tia chớp tới tấm ván, cắm phập sát vào thân hình khẳng kheo của em tôi, hình như tôi nghe tiếng tim nó đập mạnh ở trước tấm ván, ngay khi đó

là một tiếng rền lớn. Những lưỡi dao kế tiếp bay tới, nó bay lệch qua chiều ngang, như cắm vào tim tôi, một lưỡi dao trúng vật gì đàng trước tôi. Không phải là tấm ván, vì vậy mà nó rớt xuống sàn sân khấu một cách xấu hổ, với tiếng huýt gió chê bai” [10, 140 - 141]. Thông qua hành động ấy của cậu Hai, chúng ta thấy con người này phải có tính cách khác thường: lạnh lùng, ít nói, không màn đến nỗi đau của con người xung quanh, cho dù đó là tình cảm ruột thịt. Trò chơi phóng dao rất nguy hiểm đến tính mạng con người. Hàng ngày những người biểu diễn ấy phải đối diện với tử thần. Vậy mà, gia đình của ông Trần phải tham gia bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền luôn đè lên đôi vai trong những thành viên trong gia đình. Truyện ngắn Cuộc hành lễ buổi sáng, nhà văn miêu tả cách ăn uống của ông khách một cách tỉ mỉ, tự nhiên không cầu kì của con người nhưng thiếu đi vẻ đẹp văn hóa: “Cho cuộn phở vô miệng, nút một nhát, sợi phở rút rột chạy tuốt vào miệng. Sau đó hai ông trân trọng cầm cái tô nước lèo, tái nạm, sụn gân, tủy đuôi, nước béo. Mấy cái đầu gà luộc, mỏ gà vêu lên, mắt gà nhắm híp. Nâng tô nước lèo lên môi. Ông uống một ngụm, khuôn mặt ông biến chuyển lạ kỳ. Từ lo lắng bây giờ mới giản ra, có vẻ khoái trá” [10, 487]; hay ông Trương phi râu đỏ (chồng bà chủ quán, Hai Thọt) vừa nói vừa làm nhưng với hành động không chuộng ông khách với vẻ hằn học, tức giận: “đứng cạnh vợ, phụ bỏ hành, múc nước lèo trong cái thùng bốc khói đổ vào tô. Mà coi ngộ ghê chưa, ông ta cũng vừa nghiến răng, vừa múc. Vừa chửi thề, vừa nhón tay nhúng cọng hành trần vô nước nóng. Vừa cự nự vừa vớt cọng hành lên. Vừa lầm bầm chửi vừa như… muốn liệng mẹ cái muỗng lớn ra ngoài đường” [10, 488]. Khi miêu tả động tác ăn phở của ông Ba Gà Mổ, nhà văn thể hiện rất cụ thể, chi tiết có sự đan xen nhiều hành động ở nhân vật: “Vừa cằn nhằn, vừa nghiến răng, vừa lặt đủ thứ rau. Trong đó có rau quế, ngò gai. Ông ta lườm lườm… múc tương ướt, tương đen. Bực bội bỏ giá sống (giá sống phải trụng để riêng trong cái chén cho ổng) trộn vào phở. Ông cự nự… nặn chanh. Ông lầm bầm… bỏ ớt vào tô phở

“xe lửa” bự chảng. Ông hầm hử thò đũa cuộn tròn một mớ phở, như người Tây ăn mì Ý” [10, 486 - 487].

Mặt khác, ở tiểu thuyết Quỷ với Bụt và Thần Chết, ta thấy hành động của Bụt có ý nghĩa tích cực. Bụt hiền lành, tốt bụng giống như tên gọi của ông “Bụt”. Bụt luôn dõi theo cuộc đời của Lam (Quỷ). Ông khuyên Lam nên từ bỏ các nghề biên đề, thu tiền góp cho bà chủ, nên bán trái cây dạt kiếm sống nghĩa là sống bằng nghề lương thiện. Đồng thời, Bụt còn tặng Lam chiếc xe đạp của mình cho Lam làm cái chân để làm ăn một cách đàng hoàng. Tuy nhiên, Lam sống nơi đầy rẫy những thói xấu của con người. Dần dần, Lam cũng bị tiêm nhiễm. Đến khi Lam mang thai với anh chàng xa lạ và bị bỏ rơi thì Bụt cũng nhảy vào để giúp đỡ chăm sóc cả hai mẹ con. Qua hành động này, ta thấy Bụt có tấm lòng cao thượng, vị tha luôn giúp đỡ con người khi khó khăn hoạn nạn mà không cần đền đáp. Bụt chỉ muốn mình là người: “đi khắp thế gian với cái túi rỗng và làm người kể chuyện”.

Nhìn chung, nhân vật trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Mạc Can, đã thể hiện khá rõ tính cách của mình thông qua hành động cụ thể. Nhân vật có hành động cả, vị tha nhưng cũng có nhân vật thể hiện hành động bỉ ổi, thiếu văn hóa. Tuy nhiên cũng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh sống cụ thể mà hành động nhân vật phù hợp với vị trí của mình trong tác phẩm. Do đó, hành động của từng nhân vật phần nào thể hiện được tính cách từng con người trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu Con người trong truyện ngắn và tiểu thuyết của mạc can luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 71 - 74)