Cái nhìn về thời gian

Một phần của tài liệu Cái nhìn nghệ thuật về cảnh và người miền núi trong truyện đường rừng của lan khai (Trang 26 - 30)

Đâu phải cứ quan sát là có thể viết ra được những lời văn làm rung động lòng người như vậy. Lan Khai đã không chỉ nhìn cảnh bằng thị giác, bằng thính giác, bằng xúc giác mà nhìn bằng cả trái tim, tâm hồn. Điều đó thể hiện ở việc ông bao quát toàn cảnh trong cả không gian và thời gian. Trong những truyện đường rừng của ông sự chuyển giao thời khắc được đặc tả qua

màu sắc và âm thanh. Những nhạy cảm trong cái nhìn đưa lại những bức tranh sinh động như vẽ. Ta bỗng ước ao một buổi sáng tỉnh dậy được hít thở bầu không khí trong lành, được nghe tiếng của muôn chim réo rắt và chiêm ngưỡng cảnh sắc đang chuyển mình: Khi mặt trời mới mọc thì “những sườn núi cao, những chỏm cây lớn đều sáng rực một thứ men vàng óng ánh...Cảnh rừng (…) từ sớm vẫn im lặng, bỗng rộn rịp những tiếng chim kêu. Cuộc sống của muôn loài dường như phải chờ đợi cái tia nắng đầu tiên mới bắt đầu” [12;86]. Rồi “Trời dần dần sáng bạch... Rừng cây bắt đầu tỉnh giấc. Những tiếng chim ngàn rủ rỉ hót trong ánh bình minh còn chưa nhất định. Góc trời đông sáng rực, vàng thẫm rồi vầng mặt trời hiện ra, tráng trên chỏm rừng cây xanh ướt một màu vàng lấp lánh [12;387]. Còn khi mặt trời đã mọc cao thì “ánh nắng lọt qua trần lá cây rung chuyển tắm những vật trong rừng bằng một sáng xanh mờ. Những gốc cây cổ thụ xù xì rêu mốc, những dây leo chằng chịt, những khóm hoa dại, những bóng gà lôi, chim trĩ, cầy cáo thoáng qua, hết thảy trong cảnh mộng” [12;21]. Sự dịch chuyển đó được tác giả thể hiện bằng góc đứng của mặt trời. Lúc góc trời đông sáng rực thì mặt trời bắt đầu hiện ra để bắt đầu ngày mới với vạn vật. Cuộc sống của muôn loài cần phải chờ những tia nắng đầu tiên như để ban phát sinh lực. Khi “mặt trời đã ngả về Tây thì lúc ấy “trong rừng, vật sắc đã nhoè hoặc mất hẳn vào trong bóng tối...”[12;55] nhường chỗ cho một không khí mới, huyền bí và hoang vắng với những cảnh, âm thanh chỉ riêng đêm mới có. Tinh tế trong cách quan sát thiên nhiên, ông đã dùng màu sắc để miêu tả sự chuyển biến nhiệm màu của thời gian: ‘Thời khắc cứ chuyển dần từ màu vàng rực sang màu đỏ tía, xuống màu hồng thẫm rồi tím thẫm”[12;18]. Màu vàng rực chính là thứ men vàng lóng lánh của mặt trời buổi bình minh. Mặt trời khi đã lên cao cũng là lúc mang màu đỏ tía gay gắt. Màu hồng thẫm là khoảng hoàng hôn đang từ từ buông xuống. Cuối cùng chỉ còn là màu tím thẫm của những rặng núi phủ đầy sương và bóng tối. Từ “Đêm mỗi lúc một khuya...Ngoài sân, sương đã bắt đầu sa trắng xoá. Con bìm bịp đã kêu” [12;370] cho đến “Đêm đã khuya

lắm(...) Trời cao thẳm, hơi vẩn sương mù tuy mấy ngôi sao nhấp nháy trong vô tận vẫn còn trông thấy rõ” [12;453] là cả một khoảng thời gian dài nhà văn đã nghiền ngẫm và khám phá từng chi tiết, sự kiện, từng rung động, nghĩ suy của cuộc đời cỏ cây, hoa lá cho nên ông có thể cảm nhận từng khắc, từng giờ trôi qua. Không thể bỏ qua được sự chuyển mùa tự nhiên, Lan Khai đã viết lên quy luật tất yếu ấy bằng tất cả vốn hội hoạ và văn học của mình. Xen với sự thay đổi của màu sắc, thời gian trôi đi trong đêm còn được ông thể hiện bằng âm thanh của các con vật trong rừng: “Con tắc kè, lẩn đâu ngoài vườn cỏ rậm, lạnh lùng kêu hai tiếng, hai tiếng vang ròn, đột ngột giữa đêm thu”, “Trong một hốc cây nào đó, con tắc kè đã kêu ba tiếng đều đặn, ba tiếng như ba giọt nước lạnh rỏ thánh thót trong lòng hang sâu... [12;453], “ Con tắc kè vừa buông chín tiếng: Cuối canh hai” [24], “Đôi bìm bịp cất tiếng báo canh tư”[ 12;36]. Trong đêm, giữa rừng cây bạt ngàn thì tất cả chỉ là màu tối sẫm, chỉ có tiếng của các con vật là sống động và chân thực biết chừng nào. Phải am hiểu về đêm rừng và những âm thanh của rừng thì ông mới có thể biết từng tiếng của con bìm bịp hay tắc kè ứng với thời gian nào của đêm. Ông còn độc đáo ở chỗ tính thời gian bằng những giọt nước: “Thời khắc cứ qua đi, trong tiếng nước lần rỏ đều đều không ngớt giọt” [12;85]. Cách tính ấy đã cho thấy Lan Khai không chỉ đứng ngoài quan sát, ông đã hoà nhập vào thiên nhiên để căng mọi giác quan đón từng bước chuyển đổi tinh vi của thời gian. Cái nắm bắt ấy không phải bất cứ nhà nghệ sĩ nào cũng có được.

Cái nhìn nghệ thuật có thể hiểu một cách thông thường là cách đặt điểm nhìn và tài năng thể hiện của người nghệ sĩ. Bằng cách nào đó, anh ta phải thể hiện được cái anh ta đã nhìn và cái anh ta muốn nói. Có thể thấy rằng, Lan Khai đã dày công tái tạo lại cảnh đẹp bốn mùa để cho người đọc chưa một lần đến với núi rừng cũng tưởng tưởng ra được. Người ta chỉ có thể tìm thấy một buổi sáng mùa hè, “dưới ánh chiều dương, cảnh vật tươi cười, thảnh thơi, sung sướng. Sắc cây xanh bóng điểm những màu hoa rỡ ràng, nổi rõ trên nền mây trắng rải rác khắp bầu trời trong vắt” [12;156] ở một

nơi yên tĩnh, cách xa với cuộc sống thành phố. Lan Khai dường như rất say với cảnh mùa thu nơi núi rừng phía Bắc Tổ quốc này. Ông thu vào tất cả những gì tuyệt vời nhất mà rừng núi ban tặng vào tầm mắt mình. Có lẽ bởi mùa thu luôn là mùa gợi cảm hứng thơ ca nhiều nhất đối với mỗi nghệ sĩ. Sự so sánh độc đáo đã đưa lại những liên tưởng mới lạ đến cho người đọc. Qua con mắt lãng mạn của nhà văn thì sự đan xen màu sắc của những cây to bắt đầu vàng lá trên nền xanh và “những cây kroỏng nở hoa đỏ rực” làm cho “từng mảnh rừng trở nên như một tấm áo của thi sĩ lãng mạn cổ thời bị những vết hoen ố sau một tiệc lớn ở nơi lầu hồng có nhiều giai nhân, nhiều thơ và rượu” [12;183]. Rừng thu đã như là nơi “lầu hồng” tụ hội của những tao nhân mặc khách thời xưa. Sự đan cài màu sắc giữa màu đỏ của hoa; xanh, vàng của lá được ví von như chiếc áo đẹp của thi sĩ lãng mạn do mê mải giai nhân, thơ và rượu mà làm hoen ố. Cảnh chiều thu cũng đi vào truyện đường rừng của tác giả như một thực thể sống động đa thanh sắc. Ông đã viết rằng “Chiều xuống chầm chậm và hết sức gợi cảm như mọi chiều thu”, thế nhưng mỗi buổi chiều lại đem đến một cảm nhận khác nhau: Này là cảnh “Dưới nắng chiều thu, những cây phong bắt đầu thay sắc lá, đỏ rực một vùng (...). Trong cái tranh tối, tranh sáng của khu rừng tịch mịch, những con gà lôi lông trắng, những con vẹt mỏ đỏ lông xanh bay thấp thoáng. Những tiếng chim gõ kiến, chim gầm ghì, chim hoạ mi hót đua nhau thành một khúc nhạc êm đềm...Gần xa chung quanh, trong các bụi rậm, chốc chốc thoáng đưa ra những tiếng xì xào bí mật”[12;423]. Và đây nữa “Từ góc trời phía Tây, qua những rèm mây vàng hoặc da cam, ánh nắng tàn còn để vương lại trên sự vật những màu rất mong manh, những màu phấn kim nhũ pha màu tím mỗi lúc một phai, một tắt dần” [12;280]. Mùa đông đến, bầu trời không còn trong vắt như mùa hạ, thay thế vào đó là “trời lờ lờ nước gạo, núi rừng như tan trong một thứ bụi phấn toả mơ hồ, gió bấc chạy lướt từng cơn đem không khí lạnh lẽo len lỏi vào mãi tận rừng sâu” [12;158]. Đông qua xuân đến, “hoá công đang phô ra một bức cảnh đầu chiều xuân, nồng nàn, rực rỡ. Về bên tay trái, ngọn nước từ phía Đài

Thị xô về, bị những hòn ghềnh màu gan gà cản trở, bắn toé lên phản chiếu ánh mặt trời, chói lọi như một cây nước phun qua ánh điện. Chếch về phía dưới, dòng sông Gấm lại trở nên hiền từ, phẳng lặng, chây lười biếng qua hai rặng bờ cỏ xanh non mơn mởn điểm hoa sim... Bên kia sông, dải đồi liên tiếp chạy dài như một chuỗi ngọc bích đặt nằm trên nền hộp nhung màu hoa lí. Xa nữa núi Thần sừng sững trên nền mây vàng rực, nom mơ màng như một thi sĩ già đang tư lự giữa mớ hào quang... [12;473]. Chính những từ láy được nhà văn sử dụng khi miêu tả đã đem lại hiệu quả chân thực, sống động và có hồn cho từng cảnh sắc. Mùa đông, dường như mọi vật đều bị ngưng trệ, bớt đi sức sống nên bầu trời chỉ “lờ lờ” một màu đục của nước gạo. Nhưng khi mùa xuân đến thì cảnh vật tràn đầy sức sống “nồng nàn”, “mơn mởn”. Lan Khai đã tái hiện được những bức tranh thiên nhiên của núi rừng thật phong phú, muôn vẻ. Thời khắc nào ứng với màu sắc, âm thanh và cảnh vật ấy. Điều đặc biệt trong cách miêu tả là sự chuyển giao thời khắc và sự vận động giao mùa diễn ra tinh vi và dần dần của màu sắc. Sự thay đổi không quá vội vàng, đột ngột. Chúng cứ từ từ thôi sang nhau như sự sắp xếp tự nhiên của tạo hoá.

Một phần của tài liệu Cái nhìn nghệ thuật về cảnh và người miền núi trong truyện đường rừng của lan khai (Trang 26 - 30)