Trong cái nhìn của Lan Khai, thiên nhiên toàn bích với tất cả những vẻ đẹp mà tạo hoá ban tặng cho nó. Tạo hoá ban cho rừng một vẻ đẹp tự nhiên, thuần khiết nhưng cũng không kém phần hoang dã chính vì vậy người ta thường có cái nhìn hoài nghi về nó. Miền này thường là nơi để cho con người miền xuôi thêu dệt nên những truyện viết về những truyện rùng rợn, ma mãnh đáng sợ. Trong những truyện đường rừng theo thể loại tiểu thuyết của ông thì bên cạnh cảnh đẹp thần tiên như vẽ cũng có những cảnh sắc làm người ta phải rùng mình khi thấy: “Trời mây ủ rũ, cây cỏ phai màu. Những dải núi xa thăm thẳm chìm ngập trong khoảng sương mù. Rừng cây lặng lẽ xác xơ. mặt đồng không phơi gốc rạ, trống vắng, đìu hiu... Thỉnh thoảng con quạ đen thẳng cánh bay xa, kêu mấy tiếng thì tâm hồn người ta cũng như trên cảnh vật, cái
sự chết càng bâng khuâng man mác”[12;110], “Trên mặt đầm, mưa bay mù mịt. Cây cối ủ rũ, chốc chốc rùng mình trước làn gió lạnh thì lại tuôn những giọt nước nhỏ rào rào”[12;125]. Mặt trăng đôi khi không còn kiều diễm nữa mà “rụt rè hiện lên bên kia một chòm cây kroỏng và ở tít chân mây xa, dịu lên một thứ ánh bạc làm cho cái khối rừng âm u càng thêm bí hiểm” [12;268]. Tiếng chim báng trong đêm làm người ta liên tưởng đến cái chết chóc và sự nguy hiểm của đường rừng khi “tiếng nó gào vang một cách ghê rợn và lâu lâu còn vùng ra, làm sóng sánh bầu không khí yên lặng”[12;70]. Dòng suối cũng góp thêm phần đáng sợ ấy: “Gần xa tiếng suối ẩn hình róc rách, sương rỏ nặng nề, gió vụt cành cây, hươu băng rừng thẳm, cùng như tiếng ma quỷ hiện hồn” [12;48]. Nhưng những cảnh như thế này không nhiều mà nổi bật vẫn là những bức tranh lộng lẫy với vô số màu sắc trong bảng màu chỉ riêng Lan Khai mới có. Trong mỗi bức tranh ấy ta đã thấy được một cái nhìn, một khám phá phát hiện độc đáo, sáng tạo mang đến những cảm giác kì ảo, bất ngờ. Ông là người đã “vén bức màn bí mật” về núi rừng và mở đường cho một cuộc thăm thú chiêm ngưỡng cảnh đẹp tuyệt vời bằng ngôn từ đặc sắc của một cây bút đầy tài hoa.
Từ thủa nhỏ, Lan Khai đã sống gần gũi với cuộc sống của người miền núi giữa màu xanh bất diệt của rừng. Chưa bao giờ tình yêu với núi rừng và con người nơi đây phai nhạt trong ông. Kể cả khi đã trưởng thành, khi đã lập gia đình, Lan Khai vẫn trở về đây để làm những chuyến phiêu lưu suốt từ Tuyên Quang sang Bắc Kạn, Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên, Yên Bái... Nơi nào ông cũng đặt chân. Càng đi ông càng nhận ra cuộc sống và con người đường rừng hấp dẫn, lôi cuốn ông. Trong những điều ông chiêm nghiệm được thông qua những chuyến đi ấy là mối quan hệ thâm giao giữa thiên nhiên và con người. Thiên nhiên không phải mang vẻ đẹp vô hồn, là một thực thể tồn tại khách quan ngoài cuộc sống con người miền núi. Thiên nhiên là sự sống, là máu, là lá phổi, là một phần trong sự trưởng thành của một con người, là minh chứng cho tình yêu của lứa đôi, là nơi để bày tỏ cảm xúc. Người miền
núi sinh ra giữa cây cỏ, trưởng thành trong sự che chở của nó và chết đi lại trở về cái nơi duy nhất ấy. Mối quan hệ đó không dễ gì chia cắt. Bởi vậy mà trong những truyện đường rừng của Lan Khai, thiên nhiên hoà hợp với con người, thiên nhiên mang hồn người, biểu hiện cảm giác, trạng thái của con người qua mỗi góc độ, mỗi hoạt động. Thiên nhiên trong các tiểu thuyết “Truyện đường rừng” của Lan Khai ở bất kì đoạn miêu tả nào cũng đều rất sống động, có hồn. Bằng việc sử dụng biện pháp nhân hoá, ông đã cho chúng ta thấy thiên nhiên cũng có tình cảm, suy nghĩ, cử chỉ và hành động như con người. Chúng cũng biết ủ rũ, biết buồn, biết thì thầm những câu chuyện bí mật… Rừng được ông miêu tả như một con người đầy mưu chước bí hiểm với vẻ mặt đáng sợ: “nổi lên những đám đen quái gở bí mật, vẻ lì lì như đang thầm tính chuyện gì ghê gớm”. Gió thì được miêu tả như người có nhiều ưu tư: “Thở dài qua kẽ lá” [12;453]. Cỏ cây cũng trở thành những con người cạnh tranh quyết liệt cho cuộc sinh tồn: “Có lẽ sự biết mình là con cưng của thợ tạo, dù sao cũng chẳng cam long khuất phục hẳn người. Nó vẫn rình lúc người trễ nhác, lẻn vào giữa hoa màu, lấn hiếp giống lúa, phủ kín hẳn vườn tược, len lỏi cả vào trong nhà cửa” [12;81]. Trong đêm, vạn vật cũng cần có nhau như cần tri âm tri kỉ: “Gần xa, chung quanh các bụi rậm, chốc chốc thoáng đưa ra những tiếng xì xào bí mật” [12;423], “những ngọn dừa rung động, rì rào tựa hồ kể lể cùng nhau niềm tưởng nhớ xa xôi” [12;280], “dòng suối vẫn rì rầm kể cho hai bờ sậy nghe những chuyện đem từ những nơi xa lạ đến. Và náu hình đâu đó, một con khướu bách thanh rủ rỉ hót, tiếng nghe êm đềm và hơi đượm buồn, như một khúc nhạc tương tư” [12;329]. Thiên nhiên bỗng chốc trở thành thế giới riêng. Ở nơi ấy, chúng cũng hoạt động, cũng suy nghĩ như loài người. Cách miêu tả như vậy đã phần nào xoá bỏ đi khoảng cách giữa người miền xuôi và cảnh miền rừng đã từng tồn tại rất lâu trong lòng độc giả, hé mở bức màn bí mật vốn từ lâu đã bị phủ kín bởi những định kiến từ ngàn đời. Ở bất cứ nơi đâu, khi đứng trước thiên nhiên, con người vẫn thường có rất nhiều cảm xúc. Trong những câu chuyện đường rừng của Lan
Khai, trước mỗi cảnh vật khác nhau, người ta lại có những xúc cảm riêng biệt. Khi mùa đông đến, khí hậu miền rừng vào lạnh sớm, cảnh vật trở nên buồn bã: “Trời mây ủ rũ, cây cỏ phai màu. Những dải núi xa thăm thẳm, chìm ngập trong khoảng rừng núi. Rừng cây lặng lẽ, xác xơ…Thỉnh thoảng con quạ đen thẳng cánh bay xa, kêu mấy tiếng” làm cho “tâm hồn người ta cũng như trên cảnh vật, cái cảm giác sự chết càng bâng khuâng, man mác” [12;110]. Trong đêm mưa “sương mù với mưa bụi toả mờ mờ. Những chỏm rừng, những dải núi y như tan trong hơi nước” khiến cho “người có tâm sự không thể bâng khuâng, man mác, buồn vẩn buồn vơ” [12;242]. Những cảnh thơ mộng “đồi ruộng, rừng cây đầy những tịch mịch và phảng phất một cái buồn mơ hồ. Những chỏm rừng xa càng lên đường chân mây đỏ những mảng ren màu úa thẫm” đã làm tâm hồn thi sĩ “bị xâm chiếm bởi cái êm ái vô cùng gợi cảm của sự vật”, gieo vào lòng người một nỗi tương tư - “tương tư tất cả, không ngây ngất lắm, chỉ vừa đủ mạnh để thâm nhập hết cái thơ mộng của thời cảm” [12;290]. Khung cảnh nên thơ còn gợi những khát khao yêu đương, mong muốn hi vọng được hoà hợp hai tâm hồn giữa đất trời. Khao khát đó không nằm ở đó là người như thế nào. Dù trong “Rừng khuya”, Tsinèng là một tên thầy cúng nham hiểm, độc ác thì trước thiên nhiên tuyệt mĩ cũng không khỏi ngây ngất, khát khao: “Tình cờ gặp nơi cảnh trí tuyệt đẹp. Đẹp như cảnh thần tiên trong mộng. Dưới lá cây xanh, dày đến nỗi ánh mặt trời không lọt qua, một tấm thạch bàn phô vẻ trắng tinh như ngọc giữa những dây cơm lênh, những tràng hoa đỏ, tím buông rủ như bức màn gấm trăm màu. Mặt đất đỏ như son, phủ một lớp nhung rêu óng ánh. Tsinèng ngắm nghía một lúc, đoạn từ từ qua nệm rêu xanh, nằm ngả mình trên phiến đá. Hơi lạnh thấm thía vào người khiến Tsinèng hết nhọc nhằn say sưa, hắn thở hút bầu không khí thanh tân. Thạch bàn ở ngay bên bờ một con suối. Dòng nước từ vách núi mù trắng xoá. Trước khi dồn xuống lòng khe nước trong đọng lại một cái chũng lớn, từ mấy nghìn năm giọt suối khoét đá thành như một bồn tắm thiên nhiên. Quanh bồn tắm, cây lá thưa, ánh dương soi tỏ, trăm thứ hoa rỡ ràng” [12;41]. Những
năm tháng sống cùng với con người và thiên nhiên miền núi đã giúp cho nhà văn có cái nhìn toàn diện, phong phú về thế giới xung quanh. Ở nơi rừng núi, giữa thiên nhiên tươi đẹp, lúc “ngày mùa đông có mặt trời ấm áp như một trưa mùa hạ. Ánh nắng và bóng râm in hình loang lổ trên mặt càng làm cho cảnh rừng trở nên tranh tối tranh sáng rất đẹp”, ước muốn của ông là “thả tâm hồn để tiếp xúc với muôn nghìn thanh sắc của ngoại cảnh” [12;284]. Thậm chí thiên nhiên thơ mộng quá làm ông rạo rực với những ý nghĩ được “thả rông, chạy băng băng từ chuyện này sang chuyện khác” [12;284]. Có thể vì thế mà những chuyện của ông cứ kéo dài mãi, lang thang ở khắp nơi và nắm bắt được biết bao cảnh đẹp, sinh động mà với chúng ta rất ít có cơ hội. Người ta cũng thường đến với thiên nhiên để tìm sự sẻ chia đồng cảm, nhưng trong văn học giai đoạn này, đến với núi rừng tìm kiếm sự đồng cảm là một điều không dễ gì thấy được. Lan Khai đã chạm được đến góc độ này. Thiên nhiên chia sẻ với nhân vật của ông niềm vui: “Dưới ánh chiều dương, cảnh vật tươi cười, thảnh thơi, sung sướng. Sắc cây xanh bóng điểm những màu hoa rỡ ràng, nổi rõ trên nền mây trắng rải rác khắp bầu trời trong vắt” [12;156]. Cây cỏ mây trời còn chia sẻ với nhân vật những nỗi buồn khi con người lo lắng “Mai Kham nhìn theo lo lắng và buồn bực. Cảnh vật thiên nhiên hôm ấy lại là một cảnh không vui. Rộc núi dài, san sát những lau sậy úa thỉnh thoảng bị gió lạnh xô xát, khua lên những tiếng rền rĩ thảm thê. Rải rác hai bên đường đi, những bụi xương cây trụi lá, giơ những cành ngẳng nghiu dưới nền trời thấp, nom có vẻ rét mướt buồn rầu. Đứng dựng lên chân mây là đồi lau xơ xác, những chỏm rừng tối đen, thỉnh thoảng hiện ra một dòng suối, nước lờ đờ như mực loãng, chảy róc rách trong lòng đá xanh rêu. Đàn sáo kêu chão choẹt, thấy động bay tung, chấm lên cảnh vật những điểm đen buồn. Gió thổi gào thét, dán quần áo vào người. Những giọt mưa bay hắt vào mặt” [12;46]. Đặc tả thiên nhiên bằng những từ láy, tượng thanh như “xô xát” “rền rĩ”, “thảm thê” mang tính chất của con người, Lan Khai đã cho thấy sự sinh động, có hồn của cảnh sắc làm chúng gần gũi thêm trong cái nhìn của người miền xuôi. Thiên nhiên có sự
gần gũi thân thiết với con người còn thể hiện ở chỗ nó là nhịp nối giữa quá khứ và hiện tại. Nó gợi nhắc về những hồi ức, kỉ niệm xa xưa. Đó có khi là những kỉ niệm vui, gợi về một kí ức tươi đẹp với căn nhà ẩn hiện giữa thiên nhiên như bức vẽ: “Nhà của Mai Kham là một nếp nhà gỗ đẹp nhất hang động, chon von giữa ngọn đồi, chung quanh mận đào mọc kín, hơi gió thoảng qua, cành non rung động thì những cánh trắng, hồng lại rụng bay như đàn bươm bướm. Dưới chân đồi, qua trước cổng nhà chàng, một vạch suối reo cười trên lòng cát sỏi. Mai Kham mỗi lần đánh trâu xuống tắm vẫn tần ngần nhìn suối nước thao thao, cuồn cuộn như mải miết tìm một bờ mộng bến xa” [12;18]. Kí ức đẹp đẽ ấy gắn với “Những ngày chàng sống vô tư lự giữa khoảng tự do bát ngát, những ngày tháng cùng cha, chú phóng ngựa trên đồi cao, nhịp theo tiếng lách cách của dao rừng cài trong những vỏ gỗ thừng mực trổ hoa, những ngày ấy, thường ám ảnh chàng mỗi khi nơi thành thị náo nhiệt, linh hồn chàng vẩn vơ, nhớ thương giờ lại hiện ra sáng sủa, rực rỡ, tưng bừng” [12;17]. Có khi thiên nhiên lại gợi nhắc những kỉ niệm buồn “Đêm nằm, nghe tiếng suối Đàn lơ lửng trong sương, long tôi khỏi sao nhớ thương não nùng, thương nhớ người mà tôi ao ước không được” [12;38]. Cảnh sắc tự nhiên đã đánh thức trong lòng người những hồi ức, những kỉ niệm; gợi nhắc cho họ về một tuổi thơ êm đềm, nhớ về những người thương yêu đã khuất bóng. Nó chia sẻ niềm vui, nỗi buồn như người bạn tâm giao. Nhưng không phải lúc nào thiên nhiên cũng đồng cảm với suy nghĩ của con người. Có những lúc nó lại nằm ở phía đối lập với con người, dường như muốn đe doạ, cảnh báo người và dự báo những dự cảm bất trắc có thể sẽ xảy ra. Trong “Mọi rợ”, lão Ghình Gúng “rờn rợn” trước một “nỗi sợ hãi vô cớ làm cho người mã phu già muốn chạy trốn, chạy trốn một cái gì, một cái tai nạn sẽ xảy ra không chừng” bởi cảnh vật xung quanh hiện ra hết sức ma quái và khắc nghiệt. Một con suối “từ đỉnh mây mờ đổ xuống ngang đường, nom xa như một con rắn khổng lồ đương lồng lộn đi kiếm mồi”, con đường đi thì “mỗi lúc một hẹp và thêm nhiều đá” [12;75]. Chàng trai trong “Suối Đàn” có cảm giác “lòng tê tái
bởi cái cảnh cô độc của mình giữa sự thờ ơ của cả vũ trụ” khi thấy “Chung quanh cây cỏ vẫn thờ ơ. Dòng suối vẫn rì rầm kể chuyện. Cây đào vẫn mỉm cười qua trăm nụ thắm”…Có thêm những chi tiết ấy trong tác phẩm, thiên nhiên hiện lên chân thực hơn, sống động và gần gũi với chúng ta hơn rất nhiều.