Con người cộng đồng với những phong tục tập quán tiêu biểu

Một phần của tài liệu Cái nhìn nghệ thuật về cảnh và người miền núi trong truyện đường rừng của lan khai (Trang 41 - 51)

Quãng đời Lan Khai cùng đồng bào các dân tộc Dao, Tày, H’Mông, Mán, Thổ gắn bó dài gần ba mươi năm, từ khi mới chỉ là một cậu bé ẵm trên tay mẹ. Quãng đời ấy đã đủ để hiểu sâu sắc về đời sống con người nơi đây như hiểu về những người thân yêu trong gia đình. Hơn ai hết, Lan Khai hiểu rằng đồng bào các dân tộc không thể sống tách ra khỏi cộng đồng của mình. Người miền xuôi cũng có tính cộng đồng, nhưng không đậm nét như thế. Đôi khi chúng ta vì những ích kỉ bản thân mà quên đi mất vai trò trong cộng đồng. Người dân vùng cao thì dù ở riêng nhà, ăn riêng bếp nhưng mọi hoạt động hầu như đều được làm tập trung cùng nhau. Các dân tộc hình thành từ việc họ

sống thành từng nhóm, đi phiêu lưu hết rừng này qua rừng khác, chỉ dừng chân khi “bói được quẻ tốt” thì “quả quyết phá thiên hoang làm đất sinh cơ lập nghiệp” [12;105]. Chính việc tập trung thành nhóm từ thủa cha ông ấy đã tạo dần nên cách sinh hoạt cộng đồng cho đến giờ. Khi tạo thành những dân tộc riêng cũng có nghĩa là họ sẽ có những nét riêng về tính cộng đồng. Từ việc lựa chọn nơi cư trú đến kiểu nhà từng dân tộc đã cho thấy tính độc lập của từng cộng đồng người. Nhà văn rất am hiểu về nếp sống sinh hoạt của họ. Dường như bước chân ông đã vào thăm, đã ở lại rất lâu trong mỗi kiểu nhà riêng của từng dân tộc. Khi ông dựng lên trước mắt người đọc sự riêng biệt ấy, ông trở thành một nhà dân tộc học đang làm nhiệm vụ khảo sát, đam mê vẽ kí hoạ và muốn vẽ bằng ngôn từ nghệ thuật như một nhà văn. Ông cho chúng ta thấy những thói quen cư trú khác biệt của mỗi dân tộc. Người dân tộc Dao Hồng Thầu sống tách biệt ở thung lũng trong một động nhỏ “gồm độ hai chục nóc nhà ở lọt thỏm vào một cái thung lũng rộng độ hai trăm mẫu vừa ruộng vừa nương. Chung quanh cái thung lũng ấy có một dãy núi cao vây kín bốn mặt, y như một bức thành vậy (...) Các nhà trong động đều làm trên mô cao. Để có nước sạch mà dùng, họ lấy tre nối thành một ống máng dài, một đầu bắc vào tận nguồn xa trong núi” [12;178]. Người dân tộc Thổ lại chọn cho mình một nơi cư trú trên những quả đồi thấp với những ngôi nhà sàn “nếp nhà gỗ năm gian ẩn hiện giữa một khu rừng toàn cọ, nom xinh đẹp như một nếp nhà trong một bức hoạ sơn thuỷ” [12;269] đứng ở trên hè gác, “người ta có thể nhìn khắp mọi nhà trong xóm, dựng trên các ngọn đồi con cách nhau bằng những mảnh ruộng vuông bàn cờ” [12;278]. Khác hơn nữa là nhà của đồng bào H’Mông (hay còn gọi là dân tộc Mèo) ở “Khoảng giữa Bắc Quang - Hoàngtsưphì, ngay bên con đường núi dốc, có một xóm Mèo tên gọi là Nặm Tỉ. Dân cư đến vỏn vẹn chừng đâu non chục bếp. Họ chuyên nghề mã phu và sống trong những túp lều bám cheo leo vào vách đá, như những tổ diều hâu” [12;61]. Những từ ngữ như “cheo leo”, “vẻn vẹn”, “chục bếp” đã như nói lên hết thảy cái heo hút, hoang vắng của không gian mà dân tộc H’Mông sinh

sống. Nhà lão Ghình Gúng trong truyện “Mọi rợ” là điển hình cho một ngôi nhà của người H’Mông. Hãy xem nhà văn với con mắt của một nhà điện ảnh đã cho chúng ta thấy những gì. Đây là cái nhìn từ viễn cảnh đến cận cảnh: “Một nếp nhà mái thấp hình mui luyện, nom xa như một con rùa đương ngủ. Bốn vách cùng lịa ván thông, trừ một cửa ra vào. Chung quanh nhà vườn tược không mà rào giậu cũng không. Một dãy tàu ngựa bừa những phân và những bãi đái thẫm như nước nâu đứng án ngữ trước cửa” [12;62]. Bước vào trong nhà là “hai gian áp hồi tay phải dùng làm bếp nấu và cầu rửa. Ở gian chính, gần ngưỡng cửa, một cái cối xay ngồi lù lù trên cái máng gỗ; một đống cỏ băm vụn trộn với thóc lép dùng cho ngựa ăn, lui vào trong một tí, vài cỗ yên thồ nằm ngổn ngang cạnh một cái thang bắc lên tầng gác lửng chứa lúa cum (...). Ánh sáng không bao giờ lọt thấu trong nhà, lại thêm đồ đạc thứ nào cũng bồ hóng đen kịt” [12;62]. Phần lớn các gia đình người H’Mông sống bằng nghề mã phu. Suốt đời họ phiêu lưu, đi hết nơi này đến nơi khác. Chính vì vậy mà ngôi nhà với họ không cần phải trang trí gì nhiều.

Lang thang khắp núi rừng, Lan Khai đã thấy được vô số phong tục tập quán thể hiện đặc tính sinh hoạt cộng đồng. Những trang phục riêng, những nếp sinh hoạt riêng của từng dân tộc cũng cho thấy họ mang tính cộng đồng tự chủ rất cao. Lan Khai đã ví mỗi dân tộc như một quốc gia riêng tự trị. Phần lớn cuộc sống sinh hoạt của người dân miền núi gắn liền với rừng và các phong tục tập quán đã ăn sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ. Trong đời sống xã hội, phong tục là biểu hiện của nếp sống văn hoá của dân tộc. Mỗi đất nước đều chứa đựng trong nó rất nhiều phong tục riêng của các dân tộc khác nhau. Có những phong tục từ rất lâu đời cần gìn giữ và bảo tồn, cũng có những phong tục được coi là lạc hậu cần được sửa chữa lại. Có đi sâu tìm hiểu mới thấy sự phong phú, đa dạng cũng như đặc sắc của các phong tục, tập quán này. Trong văn học Việt Nam 1930 - 1945, Lan Khai là cây bút đã đưa các phong tục của đồng bào dân tộc phía Bắc đến gần với độc giả. Lan Khai đã đặt con người vào đúng môi trường phong tục của họ. Có được điều này là bởi nhà văn đất

Bắc Hà này đã từng sống và có nhiều năm gắn bó với rừng xanh cũng như gắn bó với cuộc sống của con người miền ngược. Chính vì thế sự am hiểu của ông là khá sâu sắc, tinh tế. Trương Tửu đã nhận xét không quá rằng: “Lan Khai (...) tả cảnh thiên nhiên bóng bẩy, thi vị bao nhiêu, ông tả sinh hoạt, nhà cửa, phong tục tính tình dân Mèo, Thổ càng chân xác bấy nhiêu. Dùng những chữ lạ, tục lạ của đường rừng, ông làm cho ta nhiều khi quên hẳn bản ngã, lạc vào cảnh thổ dân Mán Mèo” [10;227]. Viết về phong tục tập quán miền xuôi thì có nhiều: Nguyễn Tuân chú ý đến lối sống đài các, cao sang của tầng lớp thượng lưu xưa, Kim Lân tìm về với làng quê Kinh Bắc mộc mạc, chân chất với những thú chọi gà, nuôi chó săn..., Tô Hoài có riêng một vùng quê ngoại thành Hà Nội gắn bó với ông từ thủa lọt lòng... Nhưng viết về phong tục tập quán của người miền ngược vừa hay, vừa chân xác thì không nhiều lắm. Lan Khai tỏ ra rất thông thạo trong hướng đi mới mẻ này. Cái nhìn của Lan Khai đã bao quát được hầu khắp phong tục, tín ngưỡng đến các lễ hội sinh hoạt văn hoá dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Khi mô tả những điều này, Lan Khai rất khéo léo lồng ghép vào trong những câu chuyện làm chuyện thêm phong phú mà chủ ý giới thiệu các phong tục tập quán của ông không bị khô khan, cứng nhắc.

Nhà văn Lan Khai là người đề cao tính dân tộc, ông cho rằng: “Vấn đề cốt yếu của chúng ta là tạo ra cho cuộc đời tương lai một lớp người Việt Nam mới, bằng những khả năng của dân tộc” [12;97]. Bởi thế, có thể hiểu rằng, việc đề cao những bản sắc của các dân tộc vùng cao là sự trân trọng của ông cũng như sự nhắc nhở đối với thế hệ tương lai cần lưu giữ những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình. Nét tiêu biểu nhất trong văn hoá của đồng bào các dân tộc chính là những trang phục trên mình họ. Người Kinh chúng ta đã bị đồng hoá sau biết bao nhiêu cuộc tiếp biến và giao lưu văn hóa. Có những sự thay đổi làm cho phát triển nhưng cũng có những thay đổi làm cho mọi giá trị văn hoá bị đảo lộn. Không ai nói rằng cứ giữ mãi một kiểu trang phục là luôn tốt, người dân tộc cho đến nay cũng đã thay đổi ít nhiều bởi sự mở mang về

nhận thức, nhưng trên hết, với họ, việc lưu giữ bản sắc dân tộc mình tự bao đời cũng là việc cần thiết. Đôi khi, trong chính chúng ta cũng cần nhìn nhận lại vấn đề giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và sự lai căng. Nếu là nam giới người Dao thì “quanh đầu cuốn một cái khăn vải chàm thật dài, vòng chừng hai chục nếp, nếp ngoài cùng đính bằng nỉ đỏ, đính năm bông cúc bạc”, hoặc “thêu những đường sóng ngũ sắc” trong “mặc cái áo cánh xanh dài viền ngũ sắc”, “người nào cũng thắt dao, cài trong những vỏ gỗ thị trổ hoa, “ngoài khoác cái trấn thủ cải những đường hoa nối triện rỡ ràng”, “hai chân quấn đôi “kha cặt” bằng vải tây điều”, “đeo thêm chiếc vòng bạc to”, và “khoác lên vai một chiếc Krèng lau buộc dây ngũ sắc” [12;51], [12;128]. Chiếc kèn lau là vật bất li thân của những chàng trai người Dao bởi đó là phương tiện để họ bộc lộ tâm tư, tình cảm của mình. Nếu là phụ nữ người Dao thì họ thích quấn trên đầu những chiếc khăn thêu, nhưng cũng có người “đầu để trần, chỉ cài sơ mấy cánh hoa rừng, cổ và tay người nào cũng nặng trĩu những vòng bạc” [12;129]. Trang phục của người Tày mang màu “chàm” thẫm [12;261], người Dao Hồng Thầu lại dễ nhận ra bởi đặc trưng “suốt đời bịt đầu bằng dây vải tây đỏ” [12;176].... Có sự đặc sắc, đa dạng trong trang phục của từng dân tộc là bởi đồng bào các dân tộc tự thêu thùa, may vá bằng chính đôi bàn tay của riêng mình. Sống với rừng, họ quen độc lập. Sắc thái tự lập nhuốm cả lên sắc màu và kiểu trang phục. Trang phục của những thầy mo cũng được tác giả chú ý miêu tả: “Họ mặc những áo vóc vàng thêu hình bát quái viền đen: tay cầm giáo nhọn, đi hài thêu; trên đầu, mỗi người đội một cái mũ thêu hình cá chép hoặc đầu ngựa” [12;482]. Hơn ai hết với mười tám năm sống cùng đồng bào dân tộc, Lan Khai là người hiểu thấu được điều này. Trên những trang viết của Lan Khai, một cuộc sống thực sự sống động đã hiện ra. Những dân tộc vốn rất xa lạ với người đọc miền xuôi đã trở nên gần gũi, xoá bỏ đi mặc cảm về một vùng đất với những con người không thân thiện, còn man rợ vẫn thường bị thêu dệt.

Bản sắc cộng đồng của mỗi dân tộc không những thể hiện ở trang phục mà ở những hoạt động lễ tết, cúng tế, tang ma hay cưới hỏi…cũng đều không thể tách rời ra khỏi đặc tính này. Ngày Tết ở H’Mông vui hơn bao giờ hết bởi những cuộc ném “còn” đầu năm. Cuộc vui mang tính chất sinh hoạt văn hoá cộng đồng rất cao. Với họ, ném “còn” là một trò chơi nhưng đồng thời cũng là một hoạt động linh thiêng báo hiệu mùa màng có được bội thu hay không. Do vậy nó cũng có những nghi lễ của riêng mình. Người mở cuộc thi ném “còn” phải là người có thế lực trong hang động như cụ tổng Khoan hay thầy cúng Tsinèng trong truyện “Tiếng gọi nơi rừng thẳm” và “Rừng khuya”. “Cụ tổng Khoan, người già tuổi và danh vọng nhất, cầm một nắm hương đi đầu. Theo sau là hai đứa đồng nam đồng nữ, mỗi đứa một cái khay gỗ trên để tám quả “còn” làm bằng mo cau cắt tròn như đồng bạc, giữa cắm mấy cái lông gà nhuộm phẩm ngũ sắc. Cụ tổng làm lễ khai cuộc, đọc những lời khấn trời, khấn đất, khấn núi, sông, Thần, Thánh. Tà ma có thể giáng phúc, chiêu hoạ cho người. Rồi cất cái giọng nghiêm trang đĩnh đạc, cụ hát một bài ca về tôn giáo, một bài Tụng thần ca rất cổ, truyền lại từ mấy mươi thế kỉ nay. Bao nhiêu kèn lau nhất thời hoạ theo... Đám đông im lặng đến nỗi con muỗi rừng bay nghe tiếng” [12;129], “khi mọi người đã yên chỗ, Tsinèng bèn làm lễ mở cuộc. Dứt hồi pháo nổ, Tsinèng rung nhạc, người ta hát những bài hát anh hùng ca, thuật lại những trận chiến đấu của tiền nhân với những dân tộc khác, tả lại cuộc sinh hoạt phiêu lưu giống người Mán từ khởi thuỷ đến ngày nay. Rồi đến những câu ước mong hạnh phúc mai sau, cầu cho giống nòi thêm đông đúc, mùa màng được tốt tươi, sau cùng là những câu tự tình êm ái, não nùng” [12;53]. Cách thức chơi cũng được nhà văn tỉ mỉ kể lại và để cho dễ hình dung, Lan Khai đã so sánh với cách đánh quần vợt, môn thể thao rất được người ta ưa chuộng lúc bấy giờ, nhấn mạnh sự khác biệt ở việc họ giao cầu bằng tay: “Giữa bãi đất người ta trồng một cây tre, ở trên ngọn cắm một cái vòng tròn phất giấy đỏ làm đích. Đôi bên nam nữ bằng long giao cầu với ai, cứ lần lượt từng đôi ra ném. Nếu ai không ném trúng đích, người ấy phải

tháo vòng tay nộp phạt, tan cuộc mới lại được thu về. Đôi nào ném trúng đích có một “còn” sẽ bị loại. Rốt cuộc nếu số người ném trúng đích nhiều thì năm ấy mùa màng phong lẫm, không ai trúng đích tức là điềm xấu đáng lo” [12;52]. Trong buổi ném “còn”, tất cả mọi người đều có mặt. Trong thời khắc ấy, “cả dân Đèo Hoa thấy cái hồn chủng tộc thổn thức, náo nức lên ở trong lòng” [12;52]. Có lẽ trong cuộc sống quanh quẩn với lao động bên những “túp nhà tối tăm lạnh lẽo” mà Lan Khai gọi là “cuộc đời phong toả trong sương” [12;50] thì những ngày Tết và những buổi chợ phiên được mong chờ nhất. Trong ngày Tết, “suốt hang động, già trẻ, giàu nghèo đều tụ ở chỗ đánh “còn”. Dưới ánh nắng rực rỡ, sắc mặt người cũng hồng hào rạng rỡ. Những bộ “quần áo mới san sát, màu xanh chen màu đỏ, lộng lẫy như một cảnh vườn hoa”. Các cô gái thì “một năm được một ngày (...) khoe áo xiêm, khoe mũi kim đường chỉ, khoe tài dệt gấm thêu hoa, cả sự vẻ vang, cả cái giá trị của một thiếu nữ” [12;52]. “Các khu rừng chung quanh kế tiếp nhả ra những lớp sóng người cuồn cuộn, tràn lan...Trên tấm nệm thiên nhiên xanh dịu, áo xiêm, khăn yếm rỡ ràng san sát đủ các màu vẻ kì lạ” [12;128]. Những ngày chợ phiên, họ tụ tập rất đông: “Tiếng người, tiếng vật ồn ào như buổi chợ. Đàn bà con trẻ tiễn chân cha chú, anh ríu ra ríu rít, nào dặn dò mua bán, nào chúc nhau lành mạnh để mau chóng quay về [12;45]. Đến khi trở về “trong động người ta cứ tính đúng ngày kéo nhau ra đón. Khi bóng ngựa hiện ra, những tiếng reo mừng của đàn bà con trẻ vụt vang động (...). Ai nấy gặp nhau, tay bắt mặt mừng, nào hỏi việc mua bán, nào thăm chuyện dọc đường. Trẻ con được bánh khách, nhảy nhót tựa hồ được của báu”. Những dịp này là những dịp họ được vui chơi cùng nhau, cùng phấn khởi cầu mong cho những điều tốt lành nhất đến với khắp hang động. Đến với một buổi hát then, múa lượn của người Tày để “cầu cho giống má mùa sau được tốt” [12;269] ta cũng thấy được bản sắc cộng đồng này. Cả động tập trung ở nhà cô “Then” với vẻ mặt trang nghiêm, kính cẩn suốt buổi lễ. Họ cho rằng mưa nắng là do trời, phải cầu trời bằng cách bày “la liệt khắp bàn là những cái bài vị bằng giấy ngũ sắc,

không đề chữ, cài vào những cái nan nứa cắm sẵn trên từng đoạn thân cây chuối đại. Trước mỗi bài vị để một bát gạo cắm hương”. Các lễ vật gồm có các thứ hoa quả nhưng phải “hái tận rừng về”, “cái mâm xôi đã hết hơi nóng và các con gà luộc, da vàng nhoáng như mỡ”, cùng với đó là “bảy bát thóc giống kèm bảy ngọn nến, chừng là biểu hiện thất tinh, bày thành một dải hàng

Một phần của tài liệu Cái nhìn nghệ thuật về cảnh và người miền núi trong truyện đường rừng của lan khai (Trang 41 - 51)