Môi trường sống khác nhau sẽ quy định tính cách và quan niệm sống của con người khác nhau. Lan Khai hiểu rõ được điều đó thông qua cách nhìn của ông về con người miền núi. May mắn của Lan Khai là ông vừa có rất nhiều năm gắn bó với núi rừng Việt Bắc lại vừa có gần chục năm sống trên đất Hà thành. Vì vậy cái nhìn nghệ thuật của ông về con người đường rừng thêm phần toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Ở đây, con người tự nhiên được hiểu là con người miền núi gắn bó với tự nhiên. Bởi sự gắn bó mật thiết ấy nên tính cách của họ cũng hết sức tự nhiên.
Hơn bất cứ con người nơi đâu, người miền núi rất yêu thiên nhiên. Cuộc sống của họ vốn dĩ từ thủa khai sinh đã gắn với núi rừng. Bằng cái nhìn đa chiều và ưu ái, Lan Khai nhận thấy giữa con người miền núi và thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít. Thiên nhiên tham dự vào tất cả những hoạt động của con người. Thiên nhiên là nơi cho trẻ con chơi đùa “Trẻ con Mán suốt ngày chỉ biết cười, biết hát, biết trèo cây to hái quả chín, rỡ tổ ong, hay vẫy
vùng dưới làn nước suối trong xanh” [12;18]. Trong cuộc sống hiện đại, người ta cũng đang cố gắng để tạo ra những khu vườn cây xanh, những dòng suối nhân tạo bên không gian sống của mình để làm trong sạch không khí đang ngày một ngột ngạt hơn. Lan Khai dường như đang dựng lên một khung cảnh trong mơ của cuộc sống. Thiên nhiên cũng là nơi đôi lứa hẹn hò tình tự. “Bên bờ suối rừng lim, trong một búi tre già” chứng kiến nỗi đau khổ của “hai người ôm chặt lấy nhau cùng khóc nức nở” vì tình yêu bị cách trở. “Một ngày mùa đông có mặt trời ấm áp như một trưa mùa hạ” lại là khung cảnh hữu tình cho tình yêu đôi lứa đi đến tận cùng hạnh phúc, khiến ngay cả người trong cuộc cũng ngơ ngẩn không biết là thực hay mộng. Nhưng thiên nhiên cũng phải chứng kiến những cái chết đau lòng của đôi trai gái yêu nhau trong truyện “Rừng khuya”, cái chết thê thảm của một người mã phu trong truyện “Mọi rợ”... Đồng bào các dân tộc miền núi trong mối quan hệ với tự nhiên còn thể hiện ở cuộc sống lao động cải tạo thiên nhiên để an cư lập nghiệp. Cuộc sống với tất cả mọi người đều là cuộc sống gắn bó với lao động. Lao động là cơ sở để sinh ra của cải vật chất nuôi sống con người dù ở bất cứ hình thức nào. Riêng đối với người dân đồng bào miền núi, lao động sản xuất gắn bó với họ như máu thịt. Lan Khai không tự ý vẽ nên bức tranh lao động của người miền ngược. Ông chỉ đang lắng nghe họ nói về mình, nói về cuộc sống lao động hằng ngày mà họ vẫn làm. Trong lao động, con người miền núi tìm thấy tình yêu, tìm thấy tình yêu, tìm thấy niềm vui và cũng phải trải qua những khó khăn nhọc nhằn trước một thiên nhiên thân thiện đấy nhưng cũng hết sức khắc nghiệt. Công cuộc khai khẩn không phải là công việc dễ dàng, thiên nhiên “chẳng cam lòng khuất phục người”. Có biết bao nhiêu khó khăn đặt ra với họ “chỗ nào khô khan thì bắc nước vào; chỗ lụt lội quá, xẻ rãnh cho tiêu bớt nước đi. (...) Chẳng kể chi những bệnh tật, những hùm beo rắn rết, chính ngay cỏ cây cũng chưa dễ đã một lần thắng đoạt xong. Hôm nay phát được khoảng đất này, đốt rõ kĩ, rõ sạch, mấy ngày sau nom lại, cỏ xanh đã mọc bằng đầu” [12;104]; “người ta phải thẳng tay rìu đẵn hàng giờ dưới ánh
nắng mới ngả được một cái cây; người ta phải múa dựa phát rã cánh mới bứt được những búi cỏ bồng, cỏ rác. Phát như thế chừng nửa tháng mới xong một mảnh nương”. Tiếp theo đó là công việc dọn các thân cây, phơi khô đem đốt để lấy tro. Chẳng lúc nào là họ ngớt lo lắng vì đốt xong lại “lo sợ mưa lũ làm trôi hết tro thì bao nhiêu công phu khó nhọc đều vứt đi cả”, “hạt giống gieo rồi thì người ta phải dựng chòi để canh, bổ tre làm càm cạp và buộc dây giật luôn tay cho quạ, bồ câu rừng, sáo, vẹt khỏi xuống ăn mất hết” [12;82], cho đến lúc chuẩn bị thu hoạch thì lại sợ những con khỉ khôn ngoan, ranh mãnh đến tranh cướp. Mặc dù vậy ‘người ta vẫn không thể khoanh tay chờ chết đói, “vẫn phải lăn lưng vào công việc, để đổi bát mồ hôi lấy bát cơm” [12;82]. Cho nên “trong cảnh màu mỡ, mỗi hòn đất, mỗi luống cày đã thấm hết bao giọt mồ hôi, nước mắt” [12;104]. Nghề trồng trọt gian khổ là vậy còn nghề mã phu của dân tộc H’Mông ở giữa Bắc Quang – Hoàng tshư phì cũng nguy hiểm và gian nan. Nghề mã phu tức là nghề hộ tống hàng hoá cho người miền khác bằng ngựa. Người mã phu có thể gặp bất trắc bất cứ lúc nào vì đường đi nguy hiểm, gập ghềng cũng như nạn cướp bóc dọc đường. Trước cuộc sống khổ cực, lao động thô sơ dựa vào tự nhiên là chính, Lan Khai khắc hoạ lại hình ảnh của lão Ghình Gúng có phần bóp méo và biến dị đi để thể hiện cho hết mọi nỗi trong cuộc sống nghèo khó của gia đình lão: “Hai mắt lão, bị lưỡng quyền che khuất, thành hai cái vực sâu đầy bóng tối. Má lão hóp lại khiến miệng lão dẩu thêm ra như cái mõm lợn. Và, trước hàm răng khểnh, cặp môi mỏng và trắng bệch cong cớn hẳn lên một cách thảm đạm và tức cười. Ghình Gúng là một ông già không có tuổi. Hơn nữa trong cái thân hình khô héo ấy, người ta không thể tin được nữa rằng có còn có máu nóng, nhất là còn có một linh hồn” [12;63]. Lan Khai đã rất chú ý chọn lọc từ ngữ miêu tả để khắc họa một con người đáng thương trong cuộc sống phụ thuộc quá nhiều vào tự nhiên ấy. Cái chết của lão Ghình Gúng trong truyện “Mọi rợ” đã nói lên điều đó. Miêu tả những gì mình đã thấy, Lan Khai đã cho người đọc một cái nhìn chân xác về những vùng miền còn xa vời với nền văn minh kĩ thuật.
Để có được miếng cơm, họ phải lao động rất vất vả, thậm chí đánh đổi cả bằng tính mạng. Vất vả là thế, nguy hiểm là thế nhưng họ vẫn dành tình yêu cho lao động. Nếu Tố Hữu miêu tả vẻ đẹp của người dân miền núi trong lao động qua những câu thơ: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi/ Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng” (Việt Bắc) thì Lan Khai lại dùng những câu văn sinh động để miêu tả cái hăng hái làm việc: “Mai Kham cởi áo vắt lên một cành ba soi gần đấy, vác rìu đẵn những gốc cây khô. Sự tàn bạo hung hăng, đối với chàng lúc này đã trở nên một sự cần. Chàng mím môi, hoa rìu chém không kì mỏi cánh. Tiếng rìu chan chát, mảnh gỗ bắn tung. Con hoạ mi đang hót trên cành sung, ngạc nhiên im bặt. Cây lớn, cây con, chẳng bao lâu, đổ xuống rầm rầm, ngổn ngang trên cỏ” [12;21]. Những người nghèo khó chăm chỉ lao động đã đành, nhưng cả những người giàu có vào loại bậc nhất hang động cũng miệt mài lao động như bà Trương trong “Tiếng gọi nơi rừng thẳm”: “Từ sáng sớm bà đã cuốc xới, vun gốc, nhổ cỏ chất đống phơi khô để rồi đốt lấy tro. Cái vui thích nhất của bà là được ngắm nghía những thửa ruộng, những cánh đồng nương xanh tốt, không lẫn một sợi cỏ xấu nào” [12;106]. Làm nương, làm ruộng, nuôi trồng không trừ bất cứ một lớp người nào bởi sinh ra người dân miền ngược đã có hai bàn tay, một khối óc để làm rồi. Bất cứ lúc nào, bất cứ chỗ nào họ đều có thể làm việc. Trong các câu chuyện nói với nhau, đề tài về giống cây trồng, giống con nuôi...luôn được nhắc đến. Trong ngôi nhà, chỗ này là cối xay gạo, chỗ kia là khung cửi dệt, mấy cái ách trâu, chỗ ngổn ngang giỏ mây, lồng gà, hòm xiểng, trên vách nghênh ngang mấy chiếc nỏ cánh nâu... Con gái miền ngược không người nào là không biết thêu thùa. Họ làm từ việc trồng cây lấy sợi, quay sợi, nhuộm màu, dệt vải, thêu thùa hoa văn. Cô Mị của “Tô Hoài” trong “Vợ chồng A Phủ” cũng là cô gái làm lụng vất vả như thế. Hình ảnh của ‘những cô gái dệt cửi bên mấy anh con trai vót cánh nỏ, chữa yên thồ và đan giỏ mây (...) vừa làm việc, vừa bàn tán về mùa màng, chợ búa hoặc kể những chuyện ma quỷ, hùm tinh, những truyện sặc mùi cổ tích” [12;61] sẽ làm cho người đọc nhớ mãi về những con người yêu lao
động, ngay cả tình yêu lứa đôi cũng nảy nở, đơm hoa kết trái trong lúc làm việc.
Sinh ra, lớn lên, xây dựng hạnh phúc dưới sự bao bọc của tự nhiên rồi cuối đời lại về trong sự yên bình của tự nhiên, con người không thể không mang những tính cách tự nhiên của núi rừng. Lan Khai đã thể hiện điều đó rất tinh tế. Đó là khi ông nói tới cách tính tuổi bằng những lần hoa nở của đồng bào miền núi: “Ở đấy, chàng đã sống một cuộc đời tự nhiên thoả thích cho đến khi hoa tàn mát nở lần thứ mười hai” [12;18], “nghe đâu từ những năm mười bảy lần hoa tsi tàu đông nở rồi lại nở” [12;66]. Người miền xuôi chỉ quen tính tuổi, thời gian bằng ngày tháng chứ có biết đâu cách tính bằng cây, hoa của rừng. Chính cách tính được nhà văn phát hiện ra ấy vừa làm sắc sảo con mắt nhìn của ông, vừa tô điểm thêm đặc sắc cho con người miền núi. Con người với vẻ đẹp tự nhiên dường như càng thêm vẻ mĩ miều, đáng yêu. Nếu Nguyễn Du có câu thơ “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên” (Truyện Kiều) được coi là hết sức tinh tế khi miêu tả vẻ đẹp tự nhiên trời phú của nàng Kiều thì đoạn văn miêu tả Dua Phăn của Lan Khai cũng đưa đến cảm giác như vậy : “Nàng tiên khoả thân ngồi trên miệng bồn, một tay chống xuống thành đá, chân buông thõng xuống nước, đương cúi nhìn bóng mình chắp nối trong vòng gương lung lay. Nàng khoả thân mà có vẻ đẹp thanh khiết lạ (...) Cái mình yểu điệu, kín hở dưới những đợt sóng tóc mây. Nàng vẫn ngồi yên, tay phải khẽ nâng tấm khăn hoa che ngực, có ý ngờ cả sự thóc mách của cỏ cây. Lâu lâu nàng mới khoan thai lội vào bồn nước, dìm mình đến tận tai những làn sóng rập rờn thi nhau tranh lấy chút vẻ đẹp hương thơm...Khi nàng lặng yên, những làn sóng dần dần biến mất. Bóng hoà trong nước, đẹp như viên ngọc đựng trong chiếc hộp thủy tinh xanh” [12;41]. Cảnh ấy không chỉ hút hồn tên Tsinèng mà còn hút hồn chính bạn đọc. Trong chốc lát, ranh giới giữa thực và mộng như nhoè đi. Nhà văn làm người đọc liên tưởng đến những bức tranh thời Phục hưng vẽ Venus. Nét bút có thần; lúc ấn, lúc hiện; lúc rõ, lúc mờ làm tất cả cứ lung linh. Miêu tả nhân vật như
thế là Lan Khai đã đạt đến thành công về nghệ thuật. Đọc “Truyện đường rừng” ta thấy sự thể hiện nhân vật trong tác phẩm luôn gắn với quan niệm thẩm mỹ của đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Nổi bật trong nghệ thuật xây dựng nghệ thuật của Lan Khai là miêu tả ngoại hình chi tiết và hành động của nhân vật. Yếu tố chi phối đến cách miêu tả nhân vật chính là yếu tố tự nhiên. Lan Khai thường lấy hoa rừng để miêu tả cho vẻ đẹp con người. Trong trí nhớ của Mai Kham thì người dân quê anh có “những gương mặt thật thà, tươi tỉnh xinh đẹp ngây thơ; những cặp mắt nhung dài, những nụ cười hoa lựu” [12;18]. Vẻ đẹp của Dua Phăn hội tụ biết bao nhiêu loài hoa rừng: “Dua Phăn nồng thắm như một bông hoa hải đường, dịu dàng như mùi hoa liếp li, bí mật như liềm trăng hạ tuần và xa xôi như cái bóng trong mộng. Nàng chăm chú làm việc; một tay gỡ sợi một tay quay guồng, mềm mại và trắng nuột như như hai bông lan rừng năm cánh. Cặp môi nàng là một nụ hoa cúc áo, đỏ tươi. Đôi mắt nàng, mỗi khi nhìn xa tư lự, thăm thẳm như làn nước vực sâu. Mái tóc xanh thẫm sắc trời đêm, rườm rà chuyển động trên hai cánh tay dài, cho ta cảm giác một nàng tiên sắp cất mình bay bổng” [12;25], “Cái khăn ba chục nếp thêu hoa vàng cuốn trên đầu nổi hẳn sắc da mặt nàng hồng phớt như đoá hoa phù dung. Tia mắt nàng như tranh sáng với nắng xuân. Trước nụ cười của nàng, những hoa mai, hoa mận, hoa đào phải thẹn, bộ vàng bạc nàng đeo phản ánh mặt trời lấp loáng, và theo nhịp chân nàng bước, nhảy khẽ trên đôi vú khuất trong lần yếm mỏng” [12;52]. Mỗi một vùng miền đều có những con người với những đặc trưng riêng, bởi vậy mới có sự phân biệt giữa người vùng cao và người miền xuôi. Nhưng cái nhìn về người vùng cao trong văn học còn rất hạn chế. Thông qua cái nhìn nghệ thuật của Lan Khai về con người miền núi, người đọc như được mở rộng hơn và toàn diện hơn nhận thức về những cuộc đời xa xôi. Trong tập truyện “Ai hát giữa rừng khuya”, khi miêu tả vẻ đẹp của những cô gái Mường, Đái Đức Tuấn đã miêu tả Pengslao và Oanh Cơ như những giai nhân mang vẻ đẹp đài các mà ta vẫn thường thấy trong những câu chuyện cổ Trung Hoa. Lan Khai trả lại vẻ đẹp tự nhiên, trong
sáng, giản đơn đến mức ngây ngô nhưng chân thật cho những cô gái. Nàng Nhạn trong “Đỉnh Non Thần” tuy cũng được miêu tả như cô gái truyền thống mang vẻ đẹp thục nữ yêu kiều: “Thân thể yêu kiều như tơ liễu đương xuân. Màu da nàng trắng như ngà, cặp mắt bồ câu lượn sóng dưới đôi lông mày uốn cong hình bán nguyệt. Mái tóc mây buông xuống sau lưng...” [12;370], “gương mặt nàng hơi xanh làm cho Nhạn có cái vẻ cao quý như một pho tượng bằng ngọc thạch” [12;352]. Nhưng nàng cũng là con của đại ngàn nên “suốt ngày chỉ thích phóng ngựa, bắn cung” [12;357]. Peng - Lang là “hoa khôi của động Đèo Hoa” nhưng trong con mắt của một chàng trai miền xuôi Hoài Anh nhận xét: “Cũng như cảnh vật nơi cô sinh trưởng, Peng - Lang tính tình cổ lỗ, mọi rợ quá, thực thà đến nỗi thành ngơ ngẩn. Cô có cái tâm hồn của cây sậy, chỉ có một con chim sâu bay vụt qua cũng đủ làm rung động ngay lên. Cô lại có cái vui của con khướu, tuy nhởn nhơ cười cợt nhưng hồ ai lại gần là bay vụt đi xa...Thế thì yêu Peng - Lang, Hoài Anh sẽ chẳng bị coi như một anh chàng hiếu dị nực cười?...” [12;127]. Dù nhận xét khách quan như vậy nhưng trước vẻ đẹp tự nhiên, thực thà không tô phấn điểm trang, anh ta lại đắm đuối và lấy cho bằng được nàng. Vẻ đẹp của những cô sơn nữ trong mắt của nhà văn như một vườn hoa mà mỗi cô là một loài trong đó. Những bông hoa rừng thường không phô trương về màu sắc, không ngào ngạt hương thơm, nhưng chúng cứ bền bỉ sống, bền bỉ làm đẹp thêm cuộc sống của vùng cao. Bên cạnh những bông hoa rừng thanh tân ấy là vẻ đẹp vạm vỡ của những chàng trai mang hơi thở của gió, mang sức sống cây rừng và vẻ đẹp của đất trời miền núi. Đó là hình ảnh của chàng Mai Kham, Tum Đìang, Cang - Ngrào, Bàn Tuyết Hận hay Bàn Văn Tam. Họ đều được miêu tả với vẻ đẹp khoẻ khoắn, giàu sức mạnh “những bắp thịt rắn đanh” [12;68], “những tấm thịt vuông góc bánh chưng có những bắp thịt nổi hằn dưới lớp da màu đồng tụ” [12;86]. Tính tự nhiên còn đi vào trong cả phong cách trò chuyện của người dân vùng núi. Trong những lần hẹn hò của “những người, suốt đời sống
với sự lặng lẽ của tạo vật”, họ “có cần chi nói nhiều. Chỉ một vài câu cũng đủ