Cái nhìn tác giả còn thể hiện trong hệ thống ngôn từ. Ngôn từ là chất liệu của văn học. Tất cả những gì nhà văn muốn nói cho chúng ta biết đều thể hiện qua hệ thống ngôn từ. Ngay cả tài năng, phong cách nhà văn ra sao cũng đều thể hiện qua hệ thống này. Mỗi nhà văn khác nhau sẽ xây dựng những lớp từ riêng cho mình, qua mỗi mảng đề tài khác nhau lại có những lớp từ riêng. Càng viết nhiều, những nhà văn càng bồi đắp cho kho từ vựng của mình phong phú và đặc sắc.
Chính từ việc thôi thúc của lòng mình như ông từng tâm sự: “Tôi sinh trưởng ở đường rừng nên thường một mình đứng trước thiên nhiên muôn màu nghìn dáng. Những lúc đó lòng tôi băn khoăn, thắc mắc như muốn nói gì rất nhiều” [11;115] mà nhà văn có bút danh là “Lâm Tuyền Khách” này đã dốc hết lòng và tài năng của mình với thiên nhiên và con người miền núi. Thiên về miêu tả thiên nhiên núi rừng với nhiều màu sắc và âm thanh, Lan Khai chọn cho mình một hệ thống ngôn từ riêng. Chúng tôi thấy rằng ông đã sử dụng rất nhiều các tính từ chỉ màu sắc và tính chất. Có thể thấy mật độ dày đặc của các loại màu sắc khác nhau. Nếu là màu trắng cũng có biết bao nhiêu loại: Màu “sáng trắng như bạc”, “trắng tinh như ngọc”, “trắng xoá”, “trắng nhoáng”, “trắng ngần”, “trắng lờ lờ màu nước gạo”. Nếu là màu vàng thì nào là màu “vàng rực”, “vàng da cam”... Màu xanh cũng phong phú không kém: Màu “xanh vàng nhạt”, màu “xanh mờ”, nối tiếp “màu xanh rêu” là màu “xanh lam”, màu “xanh dịu”, màu “xanh trong” rồi lại màu “xanh biếc”. Màu đỏ, màu hồng cũng được ông sử dụng khá nhiều: Này là màu “đỏ tía”, “đỏ
son”, “đỏ như miếng tiết”, này là “đỏ lờ mờ”, “đỏ rực”. Kia là màu “hồng thẫm”, đây lại là màu “phơn phớt hồng”. Rồi thì màu tím cũng góp phần đa dạng bằng màu “tím thẫm”, rồi lại “tím mờ”. Có những loại màu rất đặc trưng mà chỉ có trong bảng màu của nghệ sĩ Lan Khai. Ấy là màu “vàng già lửa đỏ”, “phớt màu lòng trứng”, “men vàng lóng lánh”, “úa màu rạ héo”, “màu phấn kim nhũ pha màu tím”. Màu sắc chủ đạo để miêu tả ông thường sử dụng gam màu nóng, sáng rực rỡ, thể hiện quan niệm của ông về núi rừng không phải là nơi rừng thiêng nước độc mà là nơi phong cảnh hữu tình, rực rỡ, xinh đẹp. Rất hiếm khi bắt gặp những màu sắc tối, u ám trong những câu chuyện này. Với ông, dù là đêm đen thì vẫn điểm xuyết vào đó lác đác những vì sao lấp lánh. Những tính từ chỉ tính chất của sự vật, hiện tượng trong thế giới tự nhiên theo chúng tôi khảo sát thì đa số là những từ láy. Như “thăm thẳm”, “đột ngột”, “mơ màng”, “mập mờ”, “tần ngần”, “tưng bừng”, “chênh vênh”, “rực rỡ”, “rung rinh”, “nồng nàn”, “lâng lâng”, “lạnh lẽo”, “rầu rĩ”, “thảm thê”…Từ láy vốn là lớp từ có giá trị biểu cảm rất cao, gồm có láy tượng thanh và láy tượng hình. Trong những tác phẩm này, nhà văn đường rừng cũng sử dụng khá thành công lớp từ tượng thanh. Những từ đơn miêu tả âm thanh sử dụng trong văn học vốn đã làm cảnh sắc sinh động, sử dụng được từ láy lại càng làm cảnh và người náo nức, vui tươi lên gấp bội. Những âm thanh “rì rầm”, “xì xào”, “róc rách” của suối; “rì rào” của những lá dừa; “thánh thót”, “lanh lảnh” của những loài chim…Hiệu quả của nó là tạo được thế giới thanh âm chân thực, phong phú, tươi mới và hết sức gần gũi với con người. Lớp từ tượng hình làm cho thiên nhiên sống động như tất cả đang hiện ra trước mắt ta, chỉ cần với tay là có thể nắm lấy mọi thứ. Hình ảnh của dòng suối “hiền từ, phẳng lặng, chạy lười biếng qua hai rặng bờ cở xanh non mơn mởn” [12;473], mặt trăng thì “vắt vẻo trên ngọn núi đằng xa” [12;71], những ngọn núi thì trăm dáng trăm điệu khác nhau, có lúc “mơ màng trong làn sương mỏng” [12;31], lúc “lấp ló dải đồi tranh tím thẫm” [12;29], khi “chênh vênh”, lúc lại “sừng sững như một thi sĩ già ngồi tư lự với mớ hào quang”. Chưa kể đến các
loài cây mỗi loài một vẻ, loài thì “xù xì rêu mốc”, loài thì “xơ xác, khẳng khiu”, những bụi xương cây, bụi lá cằn cỗi thì “vặn vẹo, giơ những cành khẳng khiu dưới nền trời thấp” [12;46]. Khảo sát thêm các tác phẩm cùng thời của Thế Lữ hay Đái Đức Tuấn có thể thấy bức tranh thiên nhiên của Lan Khai về miền rừng bao chứa rất nhiều màu sắc và âm thanh tươi đẹp, trong khi thiên nhiên trong “Vàng và máu” của Thế Lữ là một thế giới ma quái, kì dị. Ông miêu tả hang Thần như một quái vật rừng sâu: “Hang Thần trông cũng không to: bề cao bằng nửa cây gạo già mọc trước cửa. Miệng hang loe ra như cái miệng hũ. Phía trên toác ra như cái môi rách, phía dưới có hai tảng đá dài và nhọn đâm lên ở hai bên mép như hai cái nanh. Trông vào trong hang càng xa càng rộng, càng đen tối thêm thăm thẳm sâu vô cùng tận. Trên cửa hang chi chít các giống thảo mộc kỳ dị lấp lánh vì nước mưa phùn mới rửa. Từ trong kẽ đá, bò ra những khúc cây tròn và mốc, bám chặt vào miệng hang. Những dây những rễ; những lá đỏ, lá xanh, lớn bé lẫn lộn, mọc đầy mép hang; những cụm trúc rất nhỏ với những đám cỏ xác xơ chen nhau ở bên những khóm si con và những vừng tóc tiên xanh tốt” [15;8]. Còn Đái Đức Tuấn khi miêu tả cảnh sắc thiên nhiên như báo hiệu sự chết chóc nơi rừng thiêng nước độc: “Ló đầu ra ngoài cửa sổ để nhìn phong cảnh, ta chỉ thấy mặt đá trơ trơ, dựng cao như bức tường, và chung quanh toàn là thứ cây sậy khẳng khiu, mọc ở ven sườn đá. Một khi tàu chui qua khỏi núi ra tới nơi đất phẳng thì lại chỉ là một khoảng đất mênh mông bát ngát, lởm chởm những đá, trên mọc xanh um kín mít những thứ cây nhỏ không tên tuổi, lan rộng khắp vùng; trông bụi không ra bụi, đồng không ra đồng, chỉ thuần một màu xanh thẫm, không thấy mặt đất đâu nữa. Thứ cây đó chả hiểu là những loại gì, nó thấp lè tè, quá mặt đất độ hơn nửa thước, mọc chen lẫn với lau và sậy, với cỏ, với rêu, biến quãng bình địa ra một khu hoang vu xanh thẫm, rừng cây không ra rừng cây, nội cỏ chẳng ra nội cỏ. Trong muôn vàn thứ cây đó, thứ mọc nhiều nhất là cây săng, cây sim; có thứ lại có hoa trắng và hoa tím, điểm một nét diễm lệ trên vẻ trơ tẻ cằn cỗi của ngàn lau” [8;3]. Chúng tôi còn nhận thấy rằng trong những
truyện ngắn đường rừng viết theo kiểu truyền kì, kinh dị, Lan Khai cũng rất hay sử dụng gam màu tối, khác hẳn với khi ông viết những tiểu thuyết đường rừng. Màu đen được sử dụng nhiều lần. “Trời tối đen như mực”, “mây đen kéo khắp trời”, “núi đồi chỉ là một hốc sâu đen tối”. Toàn cảnh không có màu tươi sáng mà chỉ có những màu “ố”, “phai”, “úa” như để tạo không khí kì bí cho những câu chuyện có tính chất “liêu trai”. Như vậy việc chọn lựa những từ ngữ miêu tả có tính chất quyết định đối với mục đích mà mỗi tác giả muốn hướng đến. Cũng phải kể thêm những biện pháp tu từ đã làm cho bức tranh thiên nhiên của nhà văn thêm phần hấp dẫn, đặc sắc là so sánh và nhân hoá. So sánh là biện pháp cụ thể hoá đối tượng được nói đến, giúp người đọc tiếp cận đối tượng qua thấu kính vạn hoa của nhà văn. Cách so sánh của ông có thể gọi là lối so sánh độc đáo và rất Lan Khai. Ông so sánh “mặt đường rải rác như vũng nước nhỏ lộn bóng trời mây nom như những mảnh gương nát vụn” [12;44] làm ta có cảm giác đa chiều về hình ảnh. So sánh tiếng của con tắc kè như “giọt nước lạnh rỏ thánh thót trong lòng hang sâu” [12;453] lại gợi lên sự không cùng của không gian đêm vắng và độ vang của tiếng động trong không gian ấy. Ông so sánh “chỏm núi in hình trên nền mây rực rỡ như những bóng tương tư thiên vạn cổ” là hình ảnh khá độc đáo và gợi nhiều liên tưởng” [12;280]. Ấn tượng nhất có lẽ phải kể đến là sự so sánh màu sắc của những cây to bắt đầu vàng lá trên nền xanh và “những cây kroỏng nở hoa đỏ rực” làm cho “từng mảnh rừng trở nên như một tấm áo của thi sĩ lãng mạn cổ thời bị những vết hoen ố sau một tiệc lớn ở nơi lầu hồng có nhiều giai nhân, nhiều thơ và rượu” [12;183]. Cùng với đó là biện pháp nhân hoá làm cảnh vật có hồn, sinh động, gần gũi với con người hơn. Chúng cũng biết “ủ rũ”, biết “phảng phất cái buồn mơ hồ”, biết “rì rầm kể” những chuyện đem từ nơi xa lạ đến. Chúng còn biết “thầm tính” những chuyện “ghê gớm”, “lấn hiếp giống lúa”…
Như vậy, có thể thấy, khi miêu tả các bức tranh thiên nhiên trong “Truyện đường rừng”, Lan Khai đã đặt nó trong toàn bộ không gian, thời gian
khác nhau. Ông từng nói rằng: “Chúng ta đến muộn nên, dưới bóng mặt trời, chẳng còn chi là mới hết. Ta chỉ còn hi vọng được ở cái cách phô diễn đặc biệt của ta, tức là văn” [11;115]. Lan Khai đã chứng minh điều đó bằng hệ thống ngôn từ với cách so sánh, nhân hoá của riêng mình. Thế giới núi rừng trong những tác phẩm của ông là thế giới tuyệt bích, toàn vẹn. Nó không kém phần tươi sáng nhưng cũng ẩn chứa những bí mật của riêng mình. Cảnh vật ấy không bị nhoè lẫn với cảnh vật miền xuôi. Bởi người bước vào thế giới ấy và miêu tả lại cho chúng ta không chỉ là một người khách mà là một người con của rừng, am hiểu sâu sắc và có cái nhìn yêu thương, tự hào về rừng núi. Con mắt của Lan Khai đã chạm được vào những cái tinh vi nhất của cảnh sắc. Những chi tiết nghệ thuật về âm thanh và màu sắc đã chứng minh điều ấy. Cái nhìn nghệ thuật về miền sơn cước của Lan Khai là cái toàn diện, bao quát cả bên trong và bên ngoài sự vật. Do đó đã tạo được dấu ấn riêng trong mảng đề tài miền núi mà cho đến giờ vẫn không thể phủ nhận được.
Chương 3