B. NỘI DUNG
2.2.4 Về quyền từ chối nhận di sản
Người thừa kế có quyền và nghĩa vụ kể từ thời điểm mở thừa kế. Cùng với các quyền yêu cầu phân chia di sản, quyền nhận di sản... Thì người thừa kế cũng có quyền từ chối nhận di sản. Theo qui định tại Điều 642 của Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhận di sản nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác. Tuy nhiên việc từ chối nhận di sản của người thừa kế không dễ dàng vì phải trải qua một loạt các thủ tục sau: (theo qui định tại khoản 2,3 của Bộ luật Dân sự năm 2005).
Phải được lập thành văn bản: Thông thường việc từ chối nhận di sản
xảy ra trong trường hợp người thừa kế và người để lại di sản có sự mâu thuẫn sâu sắc về quan hệ nhân thân. Khi người để lại di sản chết, quan hệ thừa kế phát sinh, người thừa kế tuyên bố không nhận di sản và việc tuyên bố này thường chỉ được tiến hành bằng lời nói, họ không lập biên bản cho lời tuyên bố không nhận di sản và do vậy theo qui định của Bộ luật Dân sự, việc từ chối nhận di sản của họ là không hợp pháp.
“Phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ
phân chia di sản, cơ quan công chứng hoặc uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản”. Luật không qui định cụ thể hình thức báo bằng lời nói hay bằng văn bản. Trường hợp báo cho cơ quan công chứng có lẽ chỉ áp dụng trong trường hợp thừa kế theo di chúc và di chúc được chứng nhận bởi cơ quan công chứng. Nếu hiểu theo đúng tinh thần của điều luật, thì việc báo đó phải có ít nhất hai chủ thể (nếu có một người thừa kế khác) là cơ quan công chứng hoặc uỷ ban nhân dân nơi mở thừa kế hoặc một chủ thể (nếu không có người thừa kế khác) là cơ quan công chứng hoặc uỷ ban nhân dân nơi mở thừa kế và nhiều nhất thì không xác định được về mặt số lượng (người thân chia di
sản, cơ quan công chứng hoặc uỷ ban nhân dân nơi mở thừa kế và những người thừa kế khác).
Thật vậy, trong cả hai hình thức báo (bằng miệng hay bằng văn bản) nếu yêu cầu người từ chối nhận di sản thực hiện đầy đủ việc đó tới các đối tượng trên là không khả thi. Theo tác giả thì nên qui định lại là người từ chối nhận di sản có nghĩa vụ báo bằng văn bản cho một trong những chủ thể có quyền, nghĩa vụ liên quan đến quan hệ thừa kế đó và chủ thể nhận được thông báo đó có nghĩa vụ phải thông báo cho các chủ thể còn lại biết.
Phải thực hiện việc từ chối nhận di sản trong vòng sáu tháng kể từ ngày mở thừa kế. Khi vi phạm một trong những thủ tục trên thì việc từ chối
nhận di sản không được pháp luật công nhận. Như vậy nếu trong trường hợp toà án giải quyết yêu cầu phân chia di sản hoặc một số người thừa kế vẫn từ chối không nhận di sản, thì Toà án sẽ rất khó khăn trong việc phân xử. Những điểm này cũng gây khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền khác khi muốn giải quyết triệt để một vụ tranh chấp về thừa kế, hay nói cách khác, hiệu lực áp dụng của điều luật không phát huy được theo hướng tích cực.
Khảo sát thực tế việc chấp nhận hoặc từ chối thừa kế cho thấy: 30% ý kiến cho rằng chỉ cần thông báo với người thừa kế là đủ; 7,14% ý kiến cho rằng không nên khống chế về mặt thời gian cũng như hình thức, cũng không cần bằng văn bản; 46,67% ý kiến cho rằng qui định về từ chối nhận di sản thừa kế như luật hiện hành là không hợp lý; 36% ý kiến cho rằng nên kéo dài thời hạn từ chối đến 01 năm; 26,4% ý kiến cho rằng kéo dài thời hạn đến 03 năm; 16% ý kiến cho rằng đề nghị thời hạn 10 năm. Bên cạnh đó còn có ý kiến cho rằng không nên khống chế về mặt thời gian hoặc chỉ khống chế 3 tháng nhằm bảo đảm lợi ích của người có liên quan đến di sản thừa kế; có loại ý kiến cho rằng nên qui định riêng cho từng loại.
Trong trường hợp này nên sửa đổi thủ tục tiến hành từ chối nên giảm nhẹ. Đồng thời qui định một số nghĩa vụ cụ thể mà người từ chối phải thực hiện nếu kéo dài thời gian không quyết định là có nhận hay không. Mặt khác nên rút ngắn thời hạn từ chối nhận di sản để đảm bảo quyền lợi ích của các bên có liên quan trong quan hệ thừa kế.